NSNA Phan Đinh: "Gia tài lớn nhất đời tôi là những tấm ảnh Bác Hồ"

Dễ có đến mấy cuộc hẹn, tôi mới được diện kiến nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh. Không phải ông làm giá, cao sang gì mà chẳng qua ông luôn luôn vắng nhà. Muốn gặp ông cứ xuống dưới các tổ dân phố mà tìm, bà Bích Hiển - vợ ông bảo thế. Quả thật, hẹn rồi, ông nhận lời rồi vậy mà khi tôi đến ông lại... vẫn đang ở dưới phố! Trời mùa đông, mưa phùn lí lắc, ông giương ô thanh thản đi khắp các khu dân cư báo hoãn cuộc hành trình đi Xuân Sơn của Câu lạc bộ thơ phường Gia Cẩm. Hóa ra, ông không chỉ làm Bí thư chi bộ khu 5 phường Gia Cẩm - thành phố Việt Trì, mà còn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ phường nữa.

Trong ngôi nhà cấp 4 giản dị, thoảng hương hoa Mộc, ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về nhân tình thế thái, chuyện làng văn nghệ. Dáng vẻ khoan thai, độ lượng của ông cho người đối diện cảm giác thật thoải mái, ấm áp và gần gũi.

Ông Phan Đinh sinh năm 1933 tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình có cha là lão thành cách mạng, cả bốn anh em ông đều thoát ly đi tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1949, Pháp đánh chiếm quê hương, gia đình ông đi tản cư về huyện Lập Thạch và chính từ nơi đây ông đã thoát ly gia đình đi làm nhân viên văn phòng Huyện ủy Tam Dương. Sau một thời gian công tác, ông được điều về làm cán bộ của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Do yêu cầu của thời chiến, năm 1951 ông chuyển sang làm ở bộ phận in Li tô của Ty tuyên truyền văn nghệ Vĩnh Phúc, cùng với nhạc sĩ - họa sĩ Hoàng Hà viết chữ ngược trên đá và các chất liệu khác để từ đó in ra thành các ấn phẩm tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ kháng chiến. Cuối năm 1953, ông được cấp trên cử cùng một tổ tuyên truyền vào hoạt động trong vùng hậu chiến thuộc các xã ven sông Hồng từ Đại Tự, Yên Lãng đến địa bàn giáp ranh huyện Đông Anh - Hà Nội. Tại đây, ông cùng với các đồng chí của mình ngày đêm bám nắm cơ sở, tuyên truyền gây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động của cách mạng.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông tiếp tục công tác ở Ty tuyên truyền văn nghệ và khi Ty Văn hóa Vĩnh Phúc được thành lập (1956), ông được điều sang phụ trách công tác triển lãm và nhiếp ảnh của Ty Văn hóa, được phân công chụp ảnh tài liệu để phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, chiếc máy ảnh trở thành người bạn đồng hành gắn bó cùng ông với bao kỷ niệm không thể nào quên.

NSNA Phan Đinh: "Gia tài lớn nhất đời tôi là những tấm ảnh Bác Hồ" - 1

NSNA Phan Đinh 

Khi nói về nghề ảnh, mắt ông lóng lánh niềm vui, niềm tự hào không che giấu. Ông không nhớ mình đã từng chụp hết bao nhiêu cuốn, bao nhiêu thước phim, bao nhiêu chiếc máy ảnh đã qua tay mình và cũng không nhớ nổi đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm cùng những giải thưởng kèm theo đó. Nhưng, điều làm ông nhớ nhất, tự hào nhất đó là những lần ông được gặp Hồ Chủ tịch và được vinh dự chụp ảnh của Người.

Đến bây giờ, ông vẫn không giấu nổi cảm giác xúc động đến lúng túng của mình khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Đó là cuối tháng 12 năm 1958, vào khoảng 8 giờ sáng khi đang ngồi làm việc thì thủ trưởng cơ quan yêu cầu ông phải sang ngay Văn phòng Tỉnh ủy để chụp ảnh. Với chiếc máy ảnh Rolleiflex và một cuốn phim, ông vội vàng rảo đôi guốc mộc sang Văn phòng.

Thấy ông đi đôi guốc lộc cộc, đồng chí cán bộ văn phòng nghiêm nét mặt bảo ông bỏ guốc đi và trịnh trọng thông báo: “Bác về! Bác Hồ về, vào ngay mà chụp ảnh đi!”. Nghe tin ấy, ông sững sờ cả người, đá vội đôi guốc vào góc sân, ông đi nhanh vào phòng. Trông thấy Bác Hồ đang ngồi trong phòng nghe đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo công việc, người ông run lên, chiếc máy ảnh trên vai như sắp rơi xuống, ông không dám vào ngay mà đứng ngây người ngắm Bác. Đang lúng túng thì người cán bộ văn phòng lại đẩy vào lưng, ông cố gắng trấn tĩnh, lại gần thưa với Người: “Thưa Bác, cháu xin phép được chụp ảnh Bác ạ!”

Bác Hồ quay sang nhìn và nở nụ cười trìu mến, khích lệ. Người gật đầu đồng ý. Căn phòng làm việc hôm đó rất hẹp, lại không đủ nguồn sáng nên ông cứ loay hoay chưa tìm được vị trí thích hợp để chụp thì Bác đã xoay người, chuyển tư thế ngồi, mặt hướng ra cửa. Ông lên phim và bấm liền mấy kiểu rồi lặng lẽ ra hè ngồi ngắm Bác mà tim vẫn đập loạn xạ vì hồi hộp, vì hạnh phúc đến quá bất ngờ.

Sau đó, Bác đến thăm đơn vị bộ đội ở Thành Đỏ và đi thăm học viên lớp kế toán Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đinh vinh dự tháp tùng và chụp ảnh Bác trong suốt chuyến đi hôm ấy. Hình ảnh thân thương của Người đi đôi dép cao su, đứng trên chiếc bàn nhỏ, giọng nói hiền từ, ấm áp, bàn tay giơ cao vẫy chào đồng bào và các chiến sĩ bộ đội khắc sâu vào tâm khảm ông. Lần ấy, do yêu cầu phải đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối các chuyến đi của Hồ Chủ tịch nên chỉ mình ông là người duy nhất có may mắn được chụp hình Người.

Lần thứ hai được gặp Bác là ngày 2/3/1963. Lần này Cụ về thăm cán bộ, nhân dân tại thị xã Vĩnh Yên. Lúc này ông đang đảm nhiệm vai trò Cửa hàng trưởng Cửa hàng quốc doanh nhiếp ảnh tỉnh Vĩnh Phúc kiêm phóng viên ảnh. Do được thông báo từ chiều hôm trước với yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật - kể cả với gia đình, vợ con -  nên ông đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn so với lần thứ nhất. Lần này ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác nói chuyện với đồng bào và phải in phóng ngay để kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các loại trang bị, máy móc, giấy ảnh, thuốc in tráng đều được ông chuẩn bị và kiểm tra đi, kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng.

Đêm đó, ông thao thức không ngủ được, cứ lấy chiếc máy ảnh ra lau, chỉnh cự ly, tốc độ rồi tự lên đề cương kịch bản nên chụp những hình ảnh gì, ở vị trí nào... Mờ sáng ông đã ra địa điểm được phân công làm nhiệm vụ, trong đầu cứ dự đoán xem Cụ Hồ sẽ tới bằng hướng nào. Đồng bào đến nghe nói chuyện rất đông nhưng chưa thấy Bác tới. Ông liền đi vào Văn phòng Tỉnh ủy thì đã thấy Người đang vừa đi ra địa điểm mít tinh vừa nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy. Ông giơ máy ảnh và cứ thế bấm liên tiếp hình ảnh Bác Hồ tươi cười chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Tỉnh ủy và nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đang dự mít tinh, hình ảnh Bác đứng trên kỳ đài đưa tay chào nhân dân trong nắng sớm mai... Buổi tối, ông cùng các anh chị em trong Cửa hàng tập trung tráng phim, làm ảnh để tổ chức triển lãm phục vụ nhân dân đến tham quan và chiêm ngưỡng hình ảnh Cụ Hồ về thăm quê hương.

Lần thứ ba, nhân dịp Người về dự Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ của tỉnh Vĩnh Phúc (7/1963), ông Đinh lại có dịp được đến gần và được chụp ảnh Bác cùng với các đồng nghiệp của mình...

Cho đến bây giờ ông vẫn nhớ như in cảm xúc của mình trong những lần vinh dự được gặp Bác, nhớ nụ cười đôn hậu Người dành cho ông khi ông lúng túng đến bên cạnh xin phép chụp ảnh. Nụ cười và cái gật đầu trìu mến của Hồ Chủ tịch như ngọn đuốc sáng soi đường, chỉ lối, giúp ông vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, rèn luyện ý chí phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân suốt cả cuộc đời.

Sau ngày hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú (1968), ông tiếp tục tham gia công tác trong ngành nhiếp ảnh và trở thành Giám đốc Công ty nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Vĩnh Phú cho đến ngày ông được Nhà nước cho nghỉ chế độ. Ông là người đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phú được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sau một thời gian hợp nhất.

Về hưu nhưng ông vẫn tích cực hoạt động xã hội, 10 năm làm Hội thẩm nhân dân tỉnh Vĩnh Phú, Phú Thọ, trên 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Gia Cẩm, rồi được bầu làm Bí thư chi bộ khu dân cư. Ở cương vị nào ông cũng được cán bộ và bà con nhân dân yêu mến và hết lòng đồng tình ủng hộ. Những lời ông nói, những việc ông làm đều xuất phát từ cái tâm của người Đảng viên luôn vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ. Làm công tác vận động quần chúng, ông luôn tâm niệm phải  gần gũi, gắn bó với nhân dân, lắng nghe và chia sẻ với mọi người, bản thân ông và gia đình cũng phải thật sự là tấm gương sáng trước quần chúng.

Cầm những tấm phim dương bản chụp hình Cụ Hồ trên tay, mắt ông nhòe đi, lặng người trong xúc động. Ông nói “Gia tài lớn nhất của tôi là những tấm ảnh Bác Hồ, nhờ có Bác mà tôi có được như ngày nay”. Những tấm phim, những tấm ảnh ấy mãi mãi là những chứng nhân lịch sử, là niềm tự hào lớn nhất đối với cuộc đời lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh - người vẫn cần mẫn với công việc xã hội và với niềm đam mê chụp ảnh. Mỗi lần cầm chiếc máy ảnh trong tay, ông lại như thấy Bác đang mỉm cười và ông tự hứa với mình sẽ sống và làm việc tốt hơn để xứng đáng với niềm vinh dự mà không phải ai cũng có được may mắn đó.

Vũ Kim Liên

Tin liên quan

Tin mới nhất