Nhóm “Ngũ Long Canh Thìn” kể chuyện mình

Xuân Giáp Thìn - 2024, nhóm “Ngũ Long Canh Thìn” trên đất Thăng Long đã hoạt động đều đặn đến 1/4 thế kỷ.

Năm anh em trong nhóm chúng tôi cùng tuổi Canh Thìn (sinh năm 1940), đến năm 2000 vừa tròn 60 tuổi và năm ấy cũng là năm Canh Thìn - năm Thủ đô Hà Nội tổ chức kỷ niệm trọng thể 990 năm ngày đức vua Lý Thái Tổ quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội. Theo quan niệm của cổ nhân phương Đông, thường vào những năm tuổi, người ta hay gặp hạn, nhưng những người có bản mệnh vững vàng, gia đình tốt phúc thị vận hạn rồi cũng sẽ qua đi. Năm ấy, ngẫu hứng tôi nghĩ ra việc lập nhóm "Ngũ Long Canh Thìn”.

Nhóm “Ngũ Long Canh Thìn” kể chuyện mình - 1

Tôi liệt kê hàng loạt những người tuổi Canh Thìn rồi tự lựa chọn, cuối cùng còn năm người, đó là Lê Phức, khi ấy đương giữ chức Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên đoàn Chủ tịch ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, cũng là một nhà báo có khả năng viết chính luận khá sắc sảo, một tay máy đã từng được tu nghiệp nhiều năm ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Nói tóm lại: Lê Phức là một tác giả viết được, chụp được, làm quản  lý cũng khá vững tay chèo lái.     

Người thứ hai là Huy Toàn, đại tá quân đội đã từng tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường miền Nam, từ anh lính rồi trở thành Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 anh hùng có hai danh tướng là Thượng tướng, Sư trưởng Hoàng Minh Thảo và Thượng tướng, chính ủy Trần Văn Quang. Huy Toàn cũng trưởng thành từ thực tiễn, có khả năng viết tổng kết rồi trở thành nhà viết sử cấp sư đoàn. Huy Toàn cũng là tay đẹp trai, nói chuyện khá hay, có khả năng thuyết trình khi đăng đàn diễn thuyết và đến năm Canh Thìn anh cũng đã có hàng chục đầu sách ra đời được bạn đọc chú ý.

Người thứ ba là một nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, rất "lợi khẩu", đó là PGS - TSKH Hà Đình Đức. Hễ ông cứ "nhúng" vào sự kiện nào, dù là "võ mồm" hay bằng văn bản kiến nghị khẩn cấp lên thượng cấp là y như rằng dự án ấy, công trình ấy lập tức bị phá sản! Chẳng hạn như dự án nạo vét Hồ Gươm, nâng cấp trở thành cái hồ "chính quy hiện đại" làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên và có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến tính mạng "cụ Rùa" là “giáo sư Rùa” Hà Đình Đức "hỏa tốc" gửi kiến nghị lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ngay lập tức ngày hôm sau Chính phủ có quyết định hãy "dừng" việc thực thi dự án ấy.

Ngay như ngôi nhà "hàm cá mập" bên Hồ Gươm, Hà Đình Đức cũng là một người lên tiếng khá dữ dội đòi hủy bỏ, nếu không cũng phải chỉnh sửa kiến trúc cho thanh thoát, cho ăn nhập với cảnh quan quanh Hồ Gươm hoặc dự án xây dựng Trung tâm văn hóa cao ngất ngưởng che lấp Đền thờ và tượng vua Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm, khi biết tin dự án đã được phê duyệt, đang chờ ngày thi công thì ông cũng kiến nghị khẩn cấp, lập tức dự án ấy cũng phải dừng và số phận cái ngôi nhà "Khai trí Tiến đức" mới có cơ hội tồn tại như ngày nay.

Người thứ tư cũng là một chàng trai khá hào hoa phong nhã, có khả năng ngoại giao và có sở trường thực thi xuất sắc mọi nhiệm vụ, đó là Nguyễn Thọ Ninh, con rể dòng họ Lý, hiện đóng đô tại Hà Nội. Năm 1989 Nguyễn Thọ Ninh hợp tác với giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát (Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội) đứng ra tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tổ chức “Hội chợ Xuân Kỷ Tỵ" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tham gia Ban tổ chức cuộc thi "Người đẹp Hà Nội".

Năm 1991, Thọ Ninh là thành viên sáng lập "Viện kinh tế sinh thái" - Đó là Viện nghiên cứu dân lập đầu tiên ở Việt Nam cùng với nhóm các Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Pháp. Năm 1991, tổ chức Studio phim giáo khoa (thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, sau chuyển sang Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam). Thọ Ninh trực tiếp làm Giám đốc, chuyên sản xuất các chương trình phim Khoa học - Giáo dục cùng hợp tác, liên kết với Bộ giáo dục - Đào tạo. Năm 1997, theo lời mời của Tập đoàn “Môi trường BHA"  Thọ Ninh sang Mỹ và được mời làm đại diện cho Trường Đại học OKLAHOMA - USA tại Hà Nội.

Năm 1998 tham gia nhóm thành viên sáng lập Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) cùng các giáo sư Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Pháp và Nguyên Đồng. Sau này Nguyễn Pháp và Nguyên Đồng được bổ nhiệm là Hiệu trưởng các trường Đại học Kinh tế Tài chính và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sang năm 1999, Nguyễn Thọ Ninh lại tham gia Hội Khuyến học Việt Nam cùng với giáo sư Trần Xuân Hỷ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trên đây là những dòng "trích ngang" của bốn thành viên nhóm Ngũ Long Canh Thìn. Còn tôi, với vai trò "Người sáng lập", đặt ra lệ luật sinh hoạt không thường kỳ. Cứ nhằm vào ngày sinh nhật của một thành viên đứng ra tổ chức tại nhà riêng hay nhà hàng tùy ý, với tiêu chí "vui là chính", đến gặp nhau phải "tay bắt mặt mừng" thực sự, thông tin cho nhau những công việc đã làm một cách tự nhiên, không làm theo kiểu "giao ban" và báo cáo nghiêm túc.

Trong năm thành viên, tôi là con rồng Canh Thìn xấu trai nhất. Tôi vào đời giữa lúc đất nước đang ”Chào xuân 61 đỉnh cao muôn trượng" như trong thơ Tố Hữu. Buổi đầu là anh giáo trường làng nhưng cũng sớm "nổi tiếng". Năm đầu tiên dạy học (Xuân Nhâm Dần, 1962) đã được báo "Người giáo viên nhân dân" đăng bài viết Trên bãi giữa sông Hồng do nhà báo Nguyễn Quang Vinh (tức Vĩnh Lệ), một chàng trai Hà Nội chính hiệu, viết khá xúc động về tôi. Có lẽ đời tôi từ bài báo ấy đã chắp cánh cho tôi trở thành một nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, là hiệu trưởng một trường tiên tiến của ngành giáo dục Hưng Yên, được Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm trường, trao cờ thi đua "Hai tốt" cho trường và trao Bằng khen giáo viên dạy giỏi cho tôi.

Năm 1965, Mỹ leo thang miền Bắc, ồ ạt đổ quân xâm lược miền Nam. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, vào chiến trường chiến đấu, công tác, trực tiếp làm báo và chụp ảnh trên đường Hồ Chí Minh. Năm 1974, được về hậu phương, là phóng viên, biên tập viên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1974 - 1985), Thư ký tòa soạn tuần báo Người Hà Nội (1985 - 1990). Tại Đại hội II và III Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi trúng cử Ban chấp hành, được bầu vào ủy viên Ban thư ký, trực tiếp làm công tác quản lý, là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh. Từ 1995 – 2003, được cấp trên điều về làm chuyên viên Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Lại nói về cái hạn năm tuổi, ấy vậy mà có thật. Ba “con rồng” bị tai nạn xe máy. Lê Phức trượt chân ngã, bị sai khớp phải nằm bất động hàng tuần không đến cơ quan được. Còn tôi, tôi nghĩ rằng: nên tập trung cao độ vào công việc, tai nạn ắt sẽ qua. Năm ấy (2000) tôi xuất bản cuốn sách Hồ Gươm - Hà Nội, Việt Nam in ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, cũng khá nổi tiếng. Báo chí, truyền hình liên tục giới thiệu. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2000, tôi lại ra mắt cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân mang tên Đất nước qua ống kính nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng.

Triển lãm đã thành công ngoài dự kiến. Kết thúc triển lãm, toàn bộ tác phẩm được tập kết về nơi tôi đang công tác. Niềm vui nối tiếp niềm vui. Tôi thay đổi không khí bằng cách trải chiếu xuống nền gỗ sàn nhà của cơ quan nằm đọc sách. Đang đọc, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi đứng lên, vừa kịp nghe tiếng nói trong điện thoại từ phía bên kia: “A lô - Em họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đây!”. Bỗng nghe một tiếng "rắc” và tiếng réo sắc lạnh. Chiếc quạt trần loại cổ của Pháp đứt dây đang rơi xuống, phát ra tiếng nổ chát chúa như một tiếng bom. Củ quạt trần rơi đúng vị trí trán tôi. Nếu không có điện thoại thì tôi đâu còn trên cõi đời này nữa. Nhờ có cú điện thoại của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp mà tôi thoát hiểm.

Sang năm 2012, cũng là năm Thìn - năm Nhâm Thìn, Lê Phức đột ngột ra đi trong lúc sự nghiệp đang rực sáng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã nhất trí tiến cử Lê Phức giữ chức Phó Chủ tịch thường trực. Phó Chủ tịch thường trực - Giáo sư họa sĩ Vũ Giáng Hương thay cố nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chủ tịch. Công việc quản lý ở ngôi vị "thường trực" khá bận rộn nhưng hai công trình sách ảnh và sách lý luận nhiếp ảnh đồ sộ của Lê Phức vẫn được xuất bản. Triển lãm ảnh nghệ thuật của anh vẫn được tổ chức trọng thể ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ở quê hương xứ Nghệ và cả ở nước ngoài nữa.

Nguyễn Huy Toàn sau năm Canh Thìn lại hoạt động rất khỏe. Nguyễn Huy Toàn được mời làm cố vấn lịch sử cho bốn chương trình: Tiếp lửa truyền thống vang mãi khúc quân hành tổ chức cuộc hành quân của 1000 cựu chiến binh xuất phát từ Đền Hùng vào thành phố Hồ Chí Minh, do Báo Quân đội nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; Cuộc hành trình Hoa lửa truyền thống Hà Nội - Quảng Trị do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Cầu truyền hình Hà Nội gồm sinh viên các trường đại học, Quảng Trị có hơn 800 cựu chiến binh trong chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị và đồng bào Quảng Trị; Cuộc  hành trình Tôn vinh người lính trên mặt trận kinh tế tổ chức tại Quân khu 7 thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh truyền hình trực tiếp cuộc giao lưu của 1000 sinh viên, học sinh với những doanh nhân từng là người lính; Cầu truyền hình Hà Nội ngày trở về nhân Kỷ niệm 54 năm Giải phóng Thủ đô, do ba đài truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên và Điện Biên tổ chức.

Đặc biệt trước đó, vào năm 2010, nhân Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Huy Toàn vừa được mời làm cố vấn, vừa trong Ban tổ chức chương trình Thăng Long hồn thiêng sông núi, vừa trực tiếp tháp tùng 1000 anh hùng, mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh với 7 cuộc  giao lưu xuyên Việt tại các địa phương: Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đà Nẵng, Vinh - Nghệ An, Đền Hùng và Hà Nội, Chủ biên công trình sách 1000 anh hùng, mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản. Cho đến giờ phút này, Huy Toàn đã có 38 đầu sách được xuất bản, có hai cuốn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa.

PGS, TS, “chuyên gia Rùa” Hồ Gươm Hà Đình Đức cũng là nhân vật đóng nhiều vai trò trong Ban tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 31/8/2011, Hà Đình Đức còn được vinh danh trong nhóm cứu chữa Rùa Hồ Gươm và nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội". Mới đây Hà Đình Đức còn trong nhóm 7 nhà Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội được vinh danh, đó là GS-TSKH Vũ Minh Giang; GS-TSKH Nguyễn Quang Ngọc; GS-TS Trương Quang Hải; PGS-TS Nguyễn Hải Kế; PGS-TS Vũ Văn Quân; PGS-TS Phạm Xuân Hằng và PGS-TS Hà Đình Đức. Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia đã có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia biên soạn và xây dựng tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tham gia chuẩn bị hồ sơ gửi lên ủy ban UNESCO thế giới đề nghị công nhận "Di tích Hoàng Thành Thăng Long là di sản thế giới"... Đặc biệt Hà Đình Đức còn chụp được đám mây hình Rồng bay lên từ trên đỉnh đầu tượng đài vua Lý Thái Tổ trong những ngày Đại lễ Kỷ niệm được tổ chức bên Hồ Gươm.

Nguyễn Thọ Ninh tham gia nhóm nghiên cứu các khả năng đặc biệt của con người cùng với nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải và đang hoàn chỉnh kịch bản phim truyện 5 tập về đề tài Người Hà Nội cho hãng phim Sao Khuê. Năm 2001, Thọ Ninh được cử sang Pháp dự lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt - Pháp tại Thủ đô Paris cùng với đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Pháp. Năm 2002, Thọ Ninh đi Thái Lan làm phim Bác Hồ ở Thái Lan. Cũng năm 2002, Thọ Ninh còn là thành viên sáng lập "Trung tâm Unesco điện ảnh Việt Nam" và trực tiếp làm Giám đốc trung tâm.

Hoàng Kim Đáng năm 2004 ra sách Lai Xá làng nhiếp ảnh (NXB Chính trị Quốc gia), năm 2005, sách Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (NXB Quân đội nhân dân); Năm 2006, trong Ban biên tập và trực tiếp thực thi khi in công trình sách Ảnh Việt Nam - thế kỷ XX; năm 2007, sách ảnh Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh (NXB Chính trị Quốc gia). Sách này đã được Hội xuất bản Việt Nam tặng Huy chương Đồng về sách đẹp.

Năm 2010, Hoàng Kim Đáng có hai công trình sách chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuốn Thăng Long - Hà Nội Việt Nam... Ký (NXB Hội Nhà văn) và cuốn sách ảnh lớn Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh đề cập đến từ thời kỳ "Tiền Thăng Long" và khái quát lịch sử 6 triều đại: từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn - Tây Sơn và Nguyễn Gia Long đến thời đại Hồ Chí Minh, công trình này được Hội xuất bản Việt Nam tặng liền hai giải: Sách đẹp và Sách hay 2011.

Nhóm Ngũ Long Canh Thìn từ 2005 thực chất chỉ còn bốn, vì Rồng Lê 

Phức đã bay lên trời, về chầu tiên tổ! Tuy đã giỗ hết nhưng những buổi họp mặt vẫn không quân nhắc đến Lê Phức và để 1 cái bát, 1 đôi đũa, xem như Lê Phức vẫn "sinh hoạt"  với nhóm Ngũ Long vậy!

Tuy nhiên, không thể để thiếu mãi được. Nhiều nhân sự được giới thiệu nhưng nhân vật mà Nguyễn Thọ Ninh đề cử là được chấp nhận ngay, đó là “con rồng” Canh Thìn Đinh Công Hiệp. Đinh Công Hiệp cũng vào đời từ anh giáo trường làng, đến năm 1958 mới thoát ly vào công tác tại Ty Công an Sơn Tây. Năm 1958 tham dự học khóa 7 trường Công an Thanh Xuân - Hà Nội. Từ 1960 đến 1965 làm nghiệp vụ trinh sát, đã tham gia phá nhiều vụ án hình sự; trong đó có vụ án đặc biệt phối hợp với Công an Hà Nội điều tra và tìm ra phi vụ: Chiếc ấn tín của Vua Bảo Đại ở Bảo tàng Cách mạng không cánh mà bay!

Năm 1967, Đinh Công Hiệp lại chuyển sang làm cán bộ tổ chức của Công ty Vật tư Ty nông nghiệp Hà Tây. Năm 1970 tái ngũ tại đơn vị C1 E52, F320, vào miền Nam chiến đấu tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào với chức danh Đại đội trưởng và thương binh hạng 2 trên 4. Năm 1977 chuyển ngành về Cục Điện ảnh, làm phó phòng tổ chức. Năm 1988 là Chánh văn phòng, rồi Phó Viện trưởng Viện Tư liệu phim, rồi Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Ngọc Khánh. Đinh Công Hiệp đã tham gia làm các phim về Đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, phim Những mốc son lịch sử về các đại hội Đảng... Khi về hưu đã tham gia hai khóa, là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Unesco Việt Nam và hiện là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội.

Thấm thoát đã 1/4 thế kỷ, khi nghỉ hưu nhóm Ngũ Long chúng tôi đều đã bước vào tuổi 85, vẫn sống hữu ích cho xã hội, vẫn còn ước mơ, hoài bão để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của mình để xứng đáng với phiên hiệu nhóm "Ngũ Long" đang hiện hữu tại kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Tuổi càng cao, sức khỏe càng thấp, nhận thấy không đủ khả năng tổ chức như xưa, nên chỉ thường xuyên điện thoại thăm hỏi, nhất là chúc mừng những ngày sinh nhật của nhau.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất