Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Anh, sau đó chuyển sang Úc. Năm 17 tuổi, Tim Page đã phải xa nhà sang Trung Đông, Ấn Độ, Nepan để kiếm sống. Với chiếc máy ảnh Nikon 3x4 trên vai, ông đến Lào làm việc cho hãng tin UPI của Mỹ, năm 1965 chụp được ảnh diễn biến cuộc đảo chính ở Lào, sau đó sang Việt Nam làm phóng viên chiến trường. Ông là một phóng viên ảnh tự do nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam và Đông Dương, bán được nhiều ảnh cho các hãng thông tấn, báo chí hàng đầu thế giới: UPI, AP, tạp chí Time, Life của Mỹ và Tuần báo Paris Match của Pháp. Ông mất cuối tháng Tám vừa qua tại Bellingen, Úc, thọ 78 tuổi.

Việt Nam trở thành mảnh đất máu thịt của Tim Page, bốn lần bị thương trong bom đạn, cận kề cái chết suốt 5 năm chiến tranh, hàng nghìn bức ảnh máu lửa, gần chục cuốn sách ảnh nổi tiếng về chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, trong đó vĩ đại nhất là cuốn “Hồi niệm” (Requiem) cộng tác cùng Horst Faas. Ông và Horst Faas đã lập ra “Quĩ Tưởng niệm Truyền thông Đông Dương” (Indochina Media Melmorial Foundaton), mở các lớp nhiếp ảnh báo chí cho các bạn trẻ Việt Nam, Lào, Campuchia. Sự nghiệp nhiếp ảnh của Tim Page rất lớn, tại đây chỉ xin nói đến một công trình tình nghĩa do ông và Horst Faas biên soạn từ ảnh của các  đồng nghiệp đã mất trong chiến tranh.

Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh - 1

Chân dung Tim Page (Chụp tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, 28/4/2015). Ảnh: Chu Chí Thành.

Tại nhà triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, vào năm 2000, khi giới thiệu cuốn sách ảnh và triển lãm ảnh “Hồi Niệm” (Requiem), Tim Page nói: “Chúng tôi là những nhà nhiếp ảnh phản chiến. Những bức ảnh trong sách và trong triển lãm này về chiến tranh Việt Nam, và Đông Dương là của các nhà báo nhiếp ảnh ở hai chiến tuyến. Họ là bạn bè, đồng nghiệp của Horst Faas và tôi, các anh ấy đã ngã xuống trên chiến  trường...”.

Hôm ấy Tim Page mặc bộ âu phục kiểu lính màu cỏ úa, cổ quàng chiếc khăn rằn của người nông dân Nam Bộ. Dường như ông thích chiếc khăn này, vì năm nào đến Việt Nam ông cũng mang nó trên cổ, trên vai. Tôi nhận ra ông ngay với dáng người cao lớn, đôi mắt sáng cởi mở, và chiếc kính hất ngược trên đầu bám chặt mái tóc ngả mầu bạch kim.

Trước đó mấy năm, khi tôi phụ trách Ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ông gặp tôi, yêu cầu khai thác ảnh của các phóng viên TTXVN đã hy sinh. Người dẫn ông đến Ban ảnh, lại là nhà nhiếp ảnh Văn Bảo, Tổ trưởng Tổ ảnh Quân sự của chúng tôi thời chiến tranh và cũng là nguyên Phó Trưởng ban Ban biên tập ảnh TTXVN.

Thì ra Tim Page đã làm việc với Lê Phức, Tổng thư ký và Văn Bảo, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Cán bộ Phòng tư liệu ảnh TTXVN đã lần lượt đưa Tim Page xem các quyển ảnh mẫu có ảnh của các liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl, Đinh Thúy, Hồ Ca, Lương Nghĩa Dũng, Trịnh Đình Hy, Võ Văn Quy, Phạm Vũ Bình v.v...

Thoáng mấy năm từ lần đầu gặp Tim Page, giờ đây ảnh của “nhà mình” đã xuất hiện trên các trang sách và trong triển lãm do các bạn Mỹ xuất bản. Tôi thấy tự hào trong lòng. Khi lật từng trang sách, xem lại từng tấm ảnh của các đồng nghiệp Việt Nam và đồng nghiệp ở khắp năm châu về cuộc chiến tranh đã qua, bỗng tôi rùng mình, bởi bộ ảnh sống động quá, khủng khiếp quá! Cuốn sách có những sự kiện chỉ phóng viên “phía bên kia” chụp được, còn chúng tôi “phía bên này” không có mặt tại chỗ, đương nhiên là bó tay.

Lê Phức đã viết trên báo: "Hồi Niệm là bộ ảnh giá trị nhất về chiến tranh Việt Nam". Ông được mời sang Kentucky, Hoa Kỳ dự khai mạc triển lãm và mang bộ ảnh “Hồi Niệm” về Việt Nam trưng bầy ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Buổi khai mạc tại Hà Nội, có thị trưởng Kentucky và con trai nhà nhiếp ảnh quá cố Larry Burrows cùng nhiều bạn Mỹ, Ban tổ chức mời bà Lương Thị Nhiễu, vợ liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng tới dự. Sau đó bộ ảnh được Trưng bày vĩnh viễn tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh 28 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Làm nên công trình này phải kể đến Horst Faas, nguyên là Phân xã trưởng Phân xã Sài Gòn của hãng tin AP Hoa Kỳ, người có mặt nhiều năm ở Nam Việt Nam trong chiến tranh, từng đoạt giải thưởng Pulitzer của Mỹ, và là người “cứu sống” bức ảnh “Em bé Napan” của Nick Út, khi một biên tập viên đã loại bỏ.

Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh - 2

Quân Giải phóng tấn công chi khu quân sự Đầm Dơi của  quân đội Sài Gòn, đêm 9/9/1963. Ảnh: Trần Bỉnh Khuôl ( Thông tấn xã Giải phóng).

Lúc biên soạn “Hồi Niệm”, cầm đến ảnh của Trần Bỉnh Khuôl, Horst Faas sững sờ nhận ra hiện trường trận đánh nổ ra trong đêm, còn ông mãi gần trưa hôm sau đi máy bay quân sự từ Sài Gòn tới chi khu quân sự Đầm Dơi, Cà Mau chỉ chụp được hiện trường đã nguội khói súng đạn. Horst Faas nói: “Tôi đi máy bay không nhanh bằng các bạn nằm cận kề mặt trận. Thật khâm phục Trần Bỉnh Khuôl!”.

Năm 2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tim Page trong đoàn phóng viên quốc tế từng đưa tin ảnh về chiến tranh Việt Nam được Nhà nước ta mời dự lễ kỷ niệm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi lại có dịp gặp ông.

Tại Củ Chi, ông kể cho các bạn đồng nghiệp nghe về những lần bị thương ở chiến trường, ông vạch áo chỉ những vết thương tích trên thân thể, Tim Page nhăn mặt, rùng mình nói: “Chiến tranh tàn bạo lắm, cái chết không chừa ai...”. Tôi nhanh chóng bấm máy ghi được phút tâm sự này. Không ngờ đó lại là những hình ảnh cuối cùng mà tôi có được về Tim Page ở Việt Nam. Mới đấy mà đã bẩy năm!

Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh - 3

Tim Page cho các bạn đồng nghiệp xem  những  vết thương tích trên cơ thể tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, ngày 28/4/2015. Ảnh: Chu Chí Thành.

Tim Page và Horst Faas đã sống chết với Việt Nam trong chiến tranh. Hòa bình lập lại, họ càng không quên những người bạn, những đồng nghiệp dũng cảm đã ngã xuống trên mảnh đất xa lạ này. Nhưng thời gian càng trôi đi, thì ngược lại hai ông  càng thấy Việt Nam rất gần gũi, gắn bó, và có gì đó thiêng liêng với cuộc đời mình.

Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hồi Niệm” là tình cảm chân thành của Horst Faas và Tim Page đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sách bìa cứng, giấy phấn dày 336 trang, khổ 23,5x30,5cm, nặng 2.2 kg, với hơn 190 tác phẩm ảnh và 50 ảnh chân dung các nhà nhiếp ảnh, do Nhà xuất bản Random House, Inc., New York, Hoa Kỳ phát hành.

Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh - 4

Bìa cuốn sách ảnh "Hồi Niệm" (Requiem).

Những tấm ảnh chân thực này cung cấp cho các nhà báo và các nhà chính trị, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới biết thêm sự thất  bại của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn là do đâu, và vì sao Việt Nam lại chiến thắng. Sách điểm lại một số cuộc hành quân “diệt cộng” tiêu biểu như: Lính Mỹ và lính Sài Gòn tàn sát, bắt bớ dân thường và du kích ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở Bình Định; hay triệt hạ phố phường, làng mạc ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, vùng Tam giác sắt v.v...

Rồi cảnh quân Mỹ bị thua ở Khe Sanh, Tây Nguyên, ở Huế, ở Sài Gòn, quân đội Sài Gòn thất thủ ở Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cùng những cảnh đổ nát, chết chóc do bom đạn ở Campuchia, ở Lào v.v...

Tim Page và bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh - 5

Đấu pháo ở Dốc Miếu, Quảng Trị năm 1968. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng (TTXVN).

Đó là những bức ảnh đẫm máu thật kinh hoàng và bi thương. Nhờ vậy mà chúng ta, những người ở “phía bên này” mới thấy được sự tàn bạo của chiến tranh do chính quyền Mỹ và Sài Gòn gây ra. Và ngược lại, những người ở “phía bên kia” mới thấy được “một Việt Nam khác”, một Việt Nam kiên cường chống ngoại xâm. Cuốn sách làm cho độc giả nhận ra “địch - ta” là chuyện của những người cầm súng.

Còn sứ mệnh của các nhà nhiếp ảnh chân chính chỉ có sự thật. Sự thật chiến tranh tàn khốc đã khiến gười xem cảm kích với tất cả ảnh trong sách, đặc biệt ấn tượng với ảnh của Lương Nghĩa Dũng (Bắc Việt Nam), Trần Bỉnh Khuôl (Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam), Huỳnh Thanh Mỹ (người Nam Việt Nam làm việc cho Hãng tin AP, Mỹ, anh trai của Huỳnh Công Út - tức Nick Út), cũng như ảnh của Larry Burrows (Anh), Henri Huet (Pháp), Kyoichi Sawada, Taizo Ichinose (Nhật). Sean Flynn, Stone (Mỹ), Tea Kim Heang (Campuchia) v.v...

Tất cả ảnh của hai phía cộng lại trở thành bộ sử thi toàn cảnh trung thực vô giá về chiến tranh Việt Nam, Đông Dương. Cuốn sách được viết bằng máu của các nhà nhiếp ảnh, và của những nạn nhân trong ảnh. Nó đã tạc vào tượng đài lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới niềm khát khao hòa bình, lời nguyền chống chiến tranh, và lặng lẽ thắp những nén hương tưởng niệm các nhà nhiếp ảnh đã buông tay máy ở hai chiến tuyến.

Hai ông còn có sáng kiến đề nghị xây dựng một tượng đài nhiếp ảnh ở bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị để tưởng nhớ các nhà nhiếp ảnh của hai phía đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng bàn thảo tới đề nghị đó, nhưng chưa làm được.

Horst Faas và Tim Page cho rằng, chưa ở đâu phóng viên ảnh lại hy sinh nhiều như ở chiến trường Việt Nam, chưa ở đâu chiến tranh lại tàn  bạo và kéo dài như chiến tranh Việt Nam, và cũng chưa ở đâu các nhà nhiếp ảnh lại xông trận hăng hái như vậy và có nhiều ảnh giá trị như ở Việt Nam. Trong đó các nhà nhiếp ảnh Việt Nam và Đông Dương đã hy sinh chiếm quá nửa!

Một thế hệ nhiếp ảnh chiến tranh, cả phóng viên, biên tập viên và cán bộ kỹ thuật có hơn 140 người chết và mất tích vì bom đạn khi đang hành nghề, quả là một sự kiện phi thường. Con số tuy chưa đầy đủ ấy đã làm Tim Page nhức nhối, khiến ông  âm thầm gom góp ảnh của các đồng nghiệp trên thế giới hy sinh vì Việt Nam để tặng nhân dân Việt Nam.

Một nghĩa cử đầy tính nhân văn đối với một dân tộc nhỏ yếu anh hùng. Horst Faas, người đồng hành cùng ông đã mất. Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Nguyễn Đặng, Lê Phức những người quí mến ông từng nhiệt tình cộng sự với ông đã mất. Giờ đây Tim Page lại ra đi? Nhưng “Hồi Niệm” còn đó. Mỗi khi mở trang sách, là người xem lại thấy Horst Faas và Tim Page như đang đối thoại với mình. Tim Page không xa lìa chúng ta, trái tim ông vẫn đập rộn ràng trong từng trang ảnh. Đấy là điều kỳ diệu của một tài năng, một nhân cách lớn đã hóa thân vào nhiếp ảnh.

Cuốn sách được viết bằng máu của các nhà nhiếp ảnh, và của những nạn nhân trong ảnh. Nó đã tạc vào tượng đài lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới niềm khát khao hòa bình, lời nguyền chống chiến tranh, và lặng lẽ thắp những nén hương tưởng niệm các nhà nhiếp ảnh đã buông tay máy ở hai chiến tuyến.

Chu Chí Thành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.