Cháy đến giọt cuối cùng

(Ba đoản khúc và một vĩ thanh nhân đọc Kim Quốc Hoa & những người trân quý, nhiều tác giả Nxb Hội Nhà văn, 2022)

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

(Nguyễn Đình Chiểu)

Hạnh phúc khi vây giữa niềm tin

Nhà báo - nhà thơ Kim Quốc Hoa là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa học của ông có nhiều người làm báo giỏi (điển hình như nhà báo – nhà văn Minh Chuyên). Kim Quốc Hoa từng làm chủ bút 7 tờ báo và tạp chí, với mỗi ấn phẩm đều cố gắng “vực” nó lên trên mặt bằng báo chí Việt Nam đương thời.

Mỗi lần gặp ông tôi lại nhớ đến câu thơ của thi sỹ Nga tài danh thế kỷ XIX - được gọi là thế kỷ vàng trong văn chương - I. Lermontov: “Thuyền cầu bão táp mưa sa/ Dường như giông bão mới là bình yên”. Tác phẩm Kim Quốc Hoa & những người trân quý  (Kim Quốc Hoa & những người trân quý, nhiều tác giả, tập 1) là một cuốn sách dạng sưu tập (collection), hội tụ 45 bài viết đặc sắc của những người bạn làm báo, làm văn, làm luật, hoạt động xã hội,... về  một đồng nghiệp tiết tháo, tài hoa có cái tên rất phụ nữ - Kim Quốc Hoa.

Nhà thơ xứ sở hoa hồng (Bungari) Blaga Đimitrôva đã từng đến Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bà yêu đất nước Việt Nam, coi xứ sở này như một phần máu thịt của đời mình. Tập thơ Vây giữa tình yêu (1968) của nữ thi sỹ do hai nhà thơ tình tài danh Xuân Diệu - Tế Hanh dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam.

Tôi muốn mượn nhan đề tập thơ Vây giữa tình yêu của thi sỹ Blaga Đimitrôva để nói về niềm hạnh phúc hiếm có của nhà báo Kim Quốc Hoa - người được “vây giữa niềm tin” của không chỉ đồng nghiệp báo giới, văn giới mà nhiều tầng lớp xã hội trọng đức tin, tiết tháo, lễ nghĩa, công lý. Một con số biết nói hiển hiện trong bốn mươi lăm (45) bài viết về nhà báo Kim Quốc Hoa.

Có thể nói, trong lĩnh vực báo chí, Kim Quốc Hoa là một hiện tượng đã vận dụng sáng tạo “vũ khí ngòi bút” làm “tân văn” trong thời cơ chế đổi mới, thị trường và thế giới phẳng. Đúng như  nhà báo – nhà văn Nghiêm Thị Hằng đã viết về những “vinh quang” và “cay đắng” của đồng nghiệp.

Goethe thi hào Đức thế kỷ XIX đã nói, đại ý: người ta có thể chết đói chết khát, đương nhiên; nhưng đáng sợ hơn là chết vì nỗi đau khổ (mất đức tin/ niềm tin). Mới đây, trong một cuộc thực tế, một văn hữu khi tiếp xúc với Kim Quốc Hoa đã nói với tôi: đói khổ đã đành, nhưng đau khổ mới là gánh nặng  tinh thần (ý nói về những oan khuất, bể dâu mà Kim Quốc Hoa đã tháo bỏ được vì cuối cùng công lý vẫn còn).

Có phải nghề báo là “nghề nguy hiểm”

Cổ nhân nói “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” thật chí lý. Thực ra thì nghề nào cũng là nghề nguy hiểm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cùng hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, đã có gần 600 nhà báo hi sinh anh dũng khi tác nghiệp nơi hòn tên mũi đạn, được công nhận liệt sỹ.

Làm báo thời bình tưởng ngon lành nào ngờ cũng lên bờ xuống ruộng, cũng dễ rơi vào lao lý hoặc giả anh lợi dụng nghề nghiệp để  rồi “tham thì thâm”. Nhưng lại có thể bị quăng quật, hệ lụy nếu anh tiết tháo, viết theo chỉ thị của “bút sáng lòng trong”.

Gần 50 năm viết báo, làm báo, quản lý báo chí với Kim Quốc Hoa là một quãng đời sôi động, ào ạt sự kiện và biến cố. Thường thì ít ai công thành danh toại ở lĩnh vực nhạy cảm xã hội này mà không ít nhiều sứt đầu mẻ trán. Ông là người “tư duy động”, “sinh nghề tử nghiệp” như cổ nhân nói.

Trước Kim Quốc Hoa tôi có cảm giác đứng trước biển, trước những đợt sóng lừng. Hãy xem những con số, sự kiện biết nói trong thời kỳ Kim Quốc Hoa làm Tổng biên tập báo “Người cao tuổi” và  tạp chí cùng tên. Một tờ báo, thoạt nghe tên những tưởng là nơi trú ngụ điền viên của những người đã qua bên kia dốc cuộc đời.

Nay lấy chữ “nhàn” làm căn cốt vì đã qua “lục thập nhi nhĩ thuận”. Trong tám năm làm Tổng biên tập báo “Người cao tuổi”, Kim Quốc Hoa đã cùng đồng nghiệp xắn tay, không quản khó khăn, không sợ hiểm nguy chỉ mặt đặt tên dưới thanh thiên bạch nhật hơn 2.500 vụ việc tiêu cực (tham nhũng, lãng phí, biển thủ, quan liêu, cửa quyền gây hậu quả nghiêm trọng từ cấp cơ sở đến trung ương, có nhiều vụ “động trời”, bây giờ gọi là “án điểm”).

Sẽ có người đặt câu hỏi “Làm được thế, chắc Kim Quốc Hoa có siêu chống lưng!?”. Nhà báo Nguyễn Cao Thâm đã viết trực tiếp và chi tiết, sinh động về vấn đề này: “Ai chống lưng cho nhà báo Kim Quốc Hoa?”. Câu trả lời thật thỏa lòng mong đợi: “Đó là nhân dân và những cán bộ lão thành, cựu chiến binh, người cao tuổi” (Sđd, tr.143). Trong bài thơ Người chống lưng (in báo Người cao tuổi, số 6, ra ngày 9/1/2015), Kim Quốc Hoa viết: “ Chống lưng” cho tôi chính là  Nhân dân/ Nhân dân anh hùng, Nhân dân vĩ đại/ Con đường tôi đi hướng tới mùa xuân/ Và như thế không có gì đáng ngại” (Sđd, tr. 145).

Nói chuyện nghề báo là nghề nguy hiểm thì tôi chứng kiến nhỡn tiền. Tôi có anh bạn cùng học khoa Ngữ văn, ĐHTH Hà Nội tên Nguyễn Xuân Đương. Năm 1971 anh nhập ngũ, xung vào lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Sau này để hợp lý hóa cuộc sống gia đình, anh đưa cả nhà vào Nha Trang, Khánh Hòa làm báo địa phương. Anh hăm hở viết báo, ký tên Nguyễn Xuân, phóng viên thường trú báo Người cao tuổi tại Khánh Hòa.

Anh viết theo nguyên tắc “phò chính trừ tà”. Những vụ việc anh đưa ra ánh sáng đã động chạm đến nhiều người có chức quyền và các nhóm lợi ích ở địa phương. Anh bị kẻ xấu tấn công giữa ban ngày, nơi đông người. Rất may không nguy hiểm tính mạng. Sau vụ đó, vợ con và người thân có ý cản anh, không muốn có hậu họa khôn lường.

Nhưng đến nay anh vẫn bừng bừng khí thế chống tiêu cực. Tất nhiên anh cẩn thận hơn khi giao tiếp xã hội. Một thời gian dài, anh bạn Nguyễn Xuân của tôi là “lính” của Kim Quốc Hoa. Anh nói với tôi: “Người đứng đầu báo Người cao tuổi dũng cảm như thế, cớ gì ta hèn nhát. Ông ấy sẵn sàng ngọc nát còn hơn giữ ngói lành cớ sao ta bảo mạng, cầu an!?”.

Cháy đến giọt cuối cùng - 1

Nhà báo Kim Quốc Hoa

Phải cháy đến giọt cuối cùng

 Nói Kim Quốc Hoa “cháy đến gọt cuối cùng” trong nghề báo (và cả trong đời sống) là nói đến “niềm hi vọng  công lý” mà ông theo đuổi có khi dám chấp nhận đánh đổi cả sinh mạng chính trị (và cả thân thể). Ý này tôi đọc được trong bài “Hiện thân của tâm đức, tài năng và niềm hy vọng công lý” của Luật sư Hoàng Tùng.

Không phải lúc đương chức, mà giờ đây đã sát tuổi bát tuần (ông sinh năm 1944, ăn vào Giáp Thân), tôi thấy Kim Quốc Hoa vẫn cứ như một Hỏa Diệm Sơn, lúc nào cũng chực phun trào năng lượng có thể đốt cháy. Thì hiển nhiên như dưới thanh thiên bạch nhật.

Ông chỉ mới cộng tác chưa lâu (gần 1 năm) với Báo Thời báo VHNT (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội VHNT VN) một tờ báo giấy “sinh sau đẻ muộn” nhưng sớm chinh phục người đọc dù khó tính.

Những bài viết của ông ở các chuyên mục “Góc nhìn thời cuộc”, “Bàn tròn chính luận” về giáo dục (nhất là chuyện phong học hàm GS/PGS), chuyện đường cao tốc Việt Nam đắt nhất thế giới, chuyện Đề án Nông thôn mới, Công nghiệp văn hóa,... đều rất bắt mắt nói theo ngôn ngữ hiện đại. Ông vẫn là một nhà báo cập thời vũ, ngọn bút vẫn kịp vung lên hướng về chân - thiện - mỹ, như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời.

Nói Kim Quốc Hoa luôn “cháy đến giọt cuối cùng” là bởi, trong những hoàn cảnh thử thách cam go, khốc liệt nhất, ông vẫn trung trinh với tín điều của mình - đứng về phía/ bảo vệ lẽ phải, cái đúng, công lý đến cùng dù đôi khi tưởng như khó lòng vượt qua những cửa ải vô hình và hữu hình của mớ bòng bong các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp hơn theo xu hướng “phi truyền thống”.

Như sự biến: “Bỗng cuối năm 2014, Bộ Thông tin & Truyền thông quyết định thanh tra đột xuất báo “Người cao tuổi” trong 45 ngày làm việc (từ 7/11/2014 đến 7/1/2015). Ngày 9/2/2015, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức công bố kết luận thanh tra (thực chất là một cuộc họp lãnh đạo báo cáo). Theo kết luận điều tra, đã phát hiện một số sai phạm về nội dung thông tin trên báo “Người cao tuổi’ và trang điện tử (nguoicaotuoi.org.vn)....

Cùng ngày 9/2/2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại báo “Người cao tuổi” (Sđd, tr. 139-140). Thậm chí ông Kim Quốc Hoa còn bị thu hồi Thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (Quyết định do ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội NBVN ký).

Chưa hết, báo Người cao tuổi còn bị xử phạt 699,7 triệu  đồng. Mức phạt vào thời điểm đó là rất nặng. Ngày 12/5/2015, ông Kim Quốc Hoa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phậm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Sđd, tr. 140-142)...

Thật là phúc đẳng hà sa đâu chẳng thấy, chỉ thấy tuyền tai nạn nghề nghiệp tự dưng đổ lên đầu. Chỉ thiếu tan cửa nát nhà. Chỉ thiếu thân bại danh liệt. Thảm cảnh này chính nhà báo – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (cây bút trụ cột của báo Thanh niên) cũng đã nếm trải ở trong nhà giam nhiều tháng, vì liên quan  đến vụ PMU.

Nhưng cây ngay không sợ chết đứng như Từ Hải trong tuyệt phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhà báo Kim Quốc Hoa chưa đến mức bị bắt giam như Nguyễn Việt Chiến nhưng cũng “lên bờ xuống ruộng”.

Cơn cớ gì mà hơn 10 Văn phòng Luật sư sẵn sàng tham gia bảo vệ ông Kim Quốc Hoa. Cuối cùng: “Ngày 21/12/2016, sau gần 2 năm điều tra, xác minh, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xét thấy ông Kim Quốc Hoa không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đã ban hành quyết định số 01/QĐ-VKSNDTC (V1) đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với đảng viên, nhà báo Kim Quốc Hoa” (Sđd, tr. 143).

Lẽ thông thường, sau một án oan, người ta hay “nộ” (nóng nảy phản ứng, có thể thiếu kiểm soát hành vi) và có tâm lý chán nản, bỏ cuộc, rút lui vào ẩn dật, giấu mình, lánh mặt đồng nghiệp, đồng loại, thậm chí mắc hội chứng nào đó về sức khỏe tinh thần.

Đúng là muôn vàn hệ lụy bởi những trớ trêu, bể dâu đời người. Nhưng ông Kim Quốc Hoa trái lại, như Anh hùng lao động Cù Thị Hậu (Cựu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt  Nam, khóa IV) nhận xét chân tình về  “Một nhà báo có nhân cách và bản lĩnh vững vàng”.

Điều này ứng nghiệm trong thực tế: “Qua theo dõi mấy năm gần đây, sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao  đình chỉ vụ án, ông Kim Quốc Hoa vẫn khỏe mạnh, sung sức hơn trước và luôn luôn sôi nổi hoạt động trong câu lạc bộ thơ ca, vẫn viết báo nêu gương tốt, viết nhiều sách, làm nhiều thơ, gắn bó thân thương trong tổ ấm gia đình, càng được mọi người khắp mọi miền ngưỡng mộ, quý mến, trân trọng về bản lĩnh và nhân cách của một nhà báo đích thực” (Sđd, tr.21).

Trong bài thơ Đêm khuya (in trong tập Lục bát tâm tình, Nxb Hội Nhà văn, 2019), Kim Quốc Hoa viết: “Ngẫm mình nửa thế kỷ qua/ Lao vào công việc như là thiêu thân” (Sđd, tr. 6-7). Tác giả tự nhận mình đã là “thiêu thân”. Nhưng tôi muốn nói chính xác đó là một hành xử cao cả khi “cháy hết mình”. Trong hành xử này có phẩm chất của sự tuẫn tiết vì công lý.

Vĩ thanh

Những sóng gió mà nhà báo Kim Quốc Hoa trải qua, như bạn đọc đã thấm nhuần chân tơ kẽ tóc khi trải lòng với với gần 500 trang sách, theo tôi, bởi ông quá mẫn cảm nghề nghiệp, quá nhạy cảm, quá nhiều bất bình phẫn nộ chính đáng (kiến ngãi bất vi vô dũng dã) với cái xấu, cái ác còn chưa được vạch mặt chỉ tên quyết liệt, chưa thể quét sạch một lúc, nên càng dễ bị tổn thương.

Bạn văn tôi - nữ sỹ Hoàng Thụy Anh - từ Quảng Bình vừa gửi tặng cuốn sách thứ tám trong nghiệp cầm bút của chị - “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy” (tiểu luận - phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2022). Đọc cuốn sách này tự nhiên tôi liên hệ với cuốn sách Kim Quốc Hoa & những người trân quý (tập 1, nhiều tác giả); nghĩa là còn tập 2, nghĩa là người đọc thông minh và trung thực còn tiếp tục được thưởng thức nhiều hơn những “sự thật là đóa hoa lộng lẫy”. Đúng thế  chăng!?

Cổ nhân nói “Thuốc đắng dã tật/ Sự thật mất lòng”. Văn hào Nga thế kỷ XIX. L. Tolstoy, tác giả kiệt tác Chiến tranh và hòa bình, đã viết trong nhật ký: “Nhân vật tôi hằng yêu mến và chăm sóc nhiều nhất khi viết chính là SỰ THẬT”. Đọc “Kim Quốc Hoa & những người trân quý”, không hiểu sao tôi cứ miên man nghĩ về hai tiếng “sự thật”. F. Ăng-ghen từng viết: “Thà phải thức suốt đêm để tìm hiểu sự thật còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời”.

(Ba đoản khúc và một vĩ thanh nhân đọc "Kim Quốc Hoa & những người trân quý", nhiều tác giả  Nxb Hội Nhà văn, 2022)

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất