Văn học nghệ thuật Việt Nam trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tiếp cận văn học nghệ thuật từ văn hóa

Nền văn học cách mạng Việt Nam 80 năm qua (1945-2025) phát triển dưới ánh sáng của chiến lược “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tinh thần chiến lược văn hóa được thể hiện sâu sắc và triệt để trong các Nghị quyết của Đảng (từ 1986 đến nay) về văn hóa, văn học nghệ thuật là kim chỉ nam hành động của đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo (hơn 40.000 hội viên) hoạt động trong các chuyên ngành nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.

Trong cuộc gặp gỡ các đại biểu văn nghệ sĩ (ngày 30/12/2024, tại Hà Nội), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm đã khẳng định “Với những đóng góp to lớn, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã trở thành đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần bồi đắp nền văn hiến lâu đời, đặc sắc của dân tộc, làm rạng rỡ non sông đất nước; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, hơn hết, đã đi vào lòng người, thành hành trang tinh thần tri kỷ và quý báu của nhân dân ta (....). Đảng, Nhà nước, Nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng mới”. Văn học nghệ thuật Việt Nam đang dàn thế trận phát triển mới để xứng tầm với “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Văn học nghệ thuật Việt Nam trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm với các văn nghệ sĩ. Ảnh: Nghĩa Đức

Trong thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam trải qua những biến động lớn lao quyết định vận mệnh dân tộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng chính là sự mở đầu thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Sự nghiệp Đổi mới (từ 1986) do Đảng khởi xướng và lãnh đạo với những thành tựu to lớn đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cao so với thời kỳ trước. Đổi mới, vì thế được coi là thời kỳ khởi động, tích lũy năng lượng, làm đà để dân tộc vươn mình phát triển. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhìn biện chứng, bắt nguồn từ thời kỳ Đổi mới. Theo cách hiểu này thì, thành tựu của văn học Đổi mới (1986-2025) cũng chính là động lực thúc đẩy văn học ngày nay vươn mình, phát triển bền vững, gánh vác sứ mệnh văn hóa lớn lao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Tháo gỡ điểm nghẽn lớn của văn hóa

Tinh thần căn cơ của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần tháng 11/2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đang từng bước thấm nhuần vào thực tiễn. Nhưng giữa nói và làm là cả một khoảng cách. Đang có những điểm nghẽn chưa tháo gỡ, giải tỏa được kịp thời khiến văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng tụt hậu với xã hội đang tiến với gia tốc “một ngày bằng hai mươi năm”. Báo Quân đội nhân dân điện tử trong năm 2024 đã mở chuyên đề giàu tính thời sự - đối thoại “Đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi”. Chuyên đề đã thu hút được sự tham gia các ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, chính khách; các ý kiến đóng góp đều giàu nhiệt huyết và tinh thần đối thoại, phản biện tích cực có chung tâm huyết với sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc thời hiện đại.

Điểm nghẽn về nhân lực khiến cho việc đầu tư văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh cao cả của nó chính là hai vấn đề “nhân lực” và “vật lực” như là nền tảng phát triển bền vững văn hóa đã thu hút nhiều ý kiến tranh biện, phản biện thú vị trong chuyên đề của Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức thành công.

Tựu trung các ý kiến đều thống nhất cho rằng điểm nghẽn không chỉ tập trung hay nghiêng về một trọng điểm nào mà lan tỏa cả ba trọng tâm đáng lưu ý, xét về khái niệm “nhân lực”, bao gồm cả nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo, nhân lực hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Vậy là tính chất “lỗi hệ thống”, thiếu tiêu chí đồng bộ đã bộc lộ ra trong toàn bộ các hoạt động xã hội nói chung, văn hóa, văn học nghệ thuật nói riêng của chúng ta.

Chẳng hạn nếu chúng ta chỉ giải quyết điểm nghẽn hướng vào người quản lý, hay người sáng tạo mà quên nhân tố người thưởng thức (hưởng thụ) thì vẫn cứ diễn ra tình trạng không tìm được tiếng nói chung. “Quần chúng thưởng thức nghệ thuật cũng cần được giáo dục” (M. Gorki). Quan niệm này dường như bị xem nhẹ hiện nay, nếu không nói là bị lãng quên. Gần đây nóng lên dư luận trong nhân dân chỉ trích nặng nề các dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng và Opera ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Những người phản biện đưa ra lý do có vẻ thuyết phục “Chống lãng phí cũng quan trọng không kém chống tham nhũng” (?!). Thoạt nghe cũng có vẻ có lý, vì trong thực tế chúng ta đang phí phạm của nả tiền bạc của người đóng thuế là dân lành, người lao động bình thường vào một số công trình vô thưởng vô phạt, gây lãng phí. Nhưng văn hóa là vốn để dành (của chìm không phải của nổi), phải nhận thức vai trò quan trọng của nó trong tâm thế tĩnh. Văn hóa có lớp đại chúng, lại có tầng tinh hoa. Chúng ta chả nhẽ suốt đời đeo đuổi đại chúng mà bỏ quên tinh hoa?!

Nên nhớ, tính đến 2023 UNESCO đã vinh danh 7 Danh nhân Văn hóa Việt Nam (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác). Đó là văn hóa tinh hoa. Vậy nên, nếu có xây Nhà hát Giao hưởng hay Opera thì cũng không câu nệ lấy đó coi là lãng phí. Người Việt Nam vốn có truyền thống “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận).

Nếu Việt Nam có muốn sánh vai với các nước trên thế giới khi ra trường quốc tế thì chỉ có trình làng các sản phẩm văn hóa vừa đậm đà tính dân tộc vừa đằm thắm sâu sắc tính nhân loại. Vấn đề cốt yếu hiện nay là phát huy truyền thống văn hóa dân tộc như là một “Quốc bảo” nói theo cách của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi  “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo).

Văn hóa của văn nghệ sĩ - năng lượng chính phát triển văn học nghệ thuật

Văn hóa là thước đo chính xác và bền vững giá trị và tầm kích của một nền văn học nghệ thuật bất kỳ. Một nhà văn lớn đồng thời phải là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn như cách UNESCO đã từng vinh danh 7 Danh nhân Văn hóa thế giới Việt Nam. Văn hóa là một hằng số (một đại lượng có giá trị không đổi).

Trong hàng trăm định nghĩa về văn hóa thì định nghĩa “Văn hóa là cách sống cùng nhau” (ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên) là thuyết phục hơn cả. Văn hóa bao hàm các thành tố giá trị, bản sắc, ứng xử. Ứng xử liên quan đến phạm trù tài năng và đức hạnh (trước đây chúng ta gọi là “chuyên” và “hồng” theo yêu cầu “hồng thắm chuyên sâu”). Năng khiếu, tài năng là bẩm sinh, là vốn liếng “trời” cho. Tuy nhiên không thể dựa dẫm hoàn toàn vào bản năng, bẩm sinh, hay năng lực trực giác dù cao. Đành rằng trời cho là ân huệ tối cao nhưng cũng phải gian nan rèn luyện mới thành công bởi thiên tài là bẩm sinh và kiên nhẫn phấn đấu đi liền nhau như hai mặt của một tờ giấy. Văn hóa là phần tố chất được đưa từ ngoài vào do học hỏi, bồi đắp, tích lũy, nhân lên, tăng trưởng. Năng khiếu là tĩnh, năng lực là động.

Những tấm gương tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tầm văn hóa của nhà văn phụng sự sáng tác ngày càng thành công, có nhiều ví dụ điển hình có thể rút ra từ thực tiễn văn học nghệ thuật nước nhà thời kỳ hiện đại. Xuân Diệu là một ví dụ tiêu biểu. Ông thuộc thế hệ nhà văn tiền chiến (trước 1945), được tấn phong là thi sĩ “Mới nhất trong các nhà thơ mới” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân). Là một nhà thơ không phải theo lối “để tâm hồn treo ngược cành cây”, trái lại, thi sĩ là một người có trí tuệ mẫn tiệp, thông thái đông tây kim cổ, tác giả của công trình nghiên cứu đồ số Các nhà thơ cổ điển Việt Nam dày gần 1000 trang. Ông cũng là tác giả của tiểu luận Sự uyên bác với việc làm thơ hết sức thú vị và bổ ích với các cây bút dám dấn thân vào con đường thơ ca. Nghệ sĩ chân chính và tài năng luôn sáng tác theo đường hướng có tính nguyên tắc “Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”.

Nếu nói văn hóa chính là ứng xử thì dâng hiến của cả một thế hệ nhà văn đã từng ký thác sự nghiệp của mình trong sự nghiệp chung lớn lao và anh hùng của đất nước và nhân dân là một bài học nghệ thuật, theo cách thể hiện của thi sĩ Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân).

Hiện nay không ít văn nghệ sĩ (nhất là lớp trẻ) đang có xu hướng hướng vào “tự ngã trung tâm”, cố gắng thể hiện cao độ cái tôi cá nhân. Không có gì là không đúng khi sáng tác văn học nghệ thuật là một hành động (lao động) ở đó nghệ sĩ nhằm thể hiện cái tôi của mình. Nhưng dẫn đến cực đoan như cách lớp trẻ hiện nay “khéo thêu thùa cho bản thân hơn chăm chút vá may cho đồng loại” (nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh về Văn trẻ). Người có văn hóa bao giờ cũng biết điều hòa trong ứng xử.

Tinh thần và phương pháp tiếp biến văn hóa - đón nhận theo tinh thần sáng tạo tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc và nhân loại cũng là nhân tố quyết định phẩm tính văn hóa của nhà văn. Hiện đang có tình trạng hướng ngoại, ngoại lai khi tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới một cách thiếu chọn lọc và thiếu sáng tạo trong vận dụng, nên ít hiệu quả trong hoạt động thực tiễn. Chúng ta không nên bảo thủ vì “ngoài trời còn có trời”, nhưng cũng không nên háo hức cấp tiến để tránh “dục tốc bất đạt”.

Một khuynh hướng khác ngược lại có  chủ trương khước từ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo nên sự đứt gãy các giá trị bền vững, với ý đồ kiến thiết một giá trị “tân cổ điển”. Nhưng rốt cuộc là bất thành. Đổi mới nghệ thuật, sáng tạo cái mới (không phải cái lạ) bao giờ cũng xuất phát từ nội dung, khởi thủy là tư tưởng nhân văn tiến bộ vì con người viết hoa. Tuyệt nhiên không phải bao giờ cũng “khởi thủy là lời” (hiểu là hình thức nghệ thuật thuần túy).

Muốn có “tác phẩm để đời, bổ ích” (“nghệ thuật giản dị, có linh hồn, có thần”) trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ phải tự vượt lên chính mình gấp bội trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, thực sự là những “chiến sĩ cách mạng kiên trung trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng”. Rõ ràng, vinh dự và trách nhiệm ngày càng đặt ra yêu cầu cao với văn nghệ sĩ, phải suy nghĩ tới sự đóng góp của văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam “đối với văn minh nhân loại”.

Phía trước, hy vọng... 

Tinh thần ôn cố tri tân là quan trọng nhằm lưu giữ ký ức lương thiện của dân tộc. Nhưng cảm hứng về tương lai càng quan trọng hơn. Nó kích thích nhiệt huyết và cao vọng của người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. “Giấc mơ Nobel văn học” đang là tâm thế tích cực của nhà văn Việt Nam khi đồng nghiệp tại các nước trong khu vực đã được xướng tên từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, đến Hàn Quốc mới nhất năm 2024. Hiện Việt Nam đang là nước “nhập siêu” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nếu tự tin và thông minh sẽ đến một ngày văn học Việt Nam ắt hẳn có vị trí xứng đáng trên bản đồ văn học thế giới. Lúc đó “sự cô đơn của tiếng Việt” sẽ được hóa giải.

Ân huệ không từ trên trời rơi xuống, cũng không phải do thời gian ban tặng ngẫu hứng. Tương lai nằm ngay trong xu thế của hiện tại. Nói đúng hơn thì tương lai và niềm hy vọng thiêng liêng ở trong tay chúng ta.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác văn học nghệ thuật

Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác văn học nghệ thuật

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ 13 (khóa X, nhiệm kỳ 2020 – 2025) nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Giá vàng bất ngờ tăng vọt: Nguyên nhân do đâu?

Giá vàng bất ngờ tăng vọt: Nguyên nhân do đâu?

Giá vàng thế giới vừa trải qua cú bật mạnh nhất trong hơn một tháng, khi đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu sụt giảm và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn leo thang. Thị trường đang phản ánh sự quay trở lại của vàng như một kênh trú ẩn an toàn giữa bất ổn kinh tế và chính sách toàn cầu.