Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập và phát triển, vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa đang từng bước làm thay đổi thị hiếu và nhận thức của một bộ phận xã hội. Đối với văn học Việt Nam, sự đổi mới và cách tân nghệ thuật cũng đã tác động không nhỏ đến dòng văn học truyền thống, trong đó, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng - dòng văn học một thời là chủ lưu, là xương sống, “hồn cốt” của văn học Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, việc đánh giá đúng, chân thực về những thành tựu của văn học cách mạng 50 năm qua là hết sức cần thiết; đồng thời, trên cơ sở đó xác định cho dòng văn học truyền thống này hướng đi đúng để nó luôn là đề tài “không mới nhưng chưa bao giờ cũ” là hết sức cần thiết, góp phần vào sự phát triển chung của văn học Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhà văn Milan Kundera đã từng khẳng định: “Văn học không chỉ là tấm gương phản chiếu lịch sử mà còn là tiếng nói của thời đại”. Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển. Vấn đề toàn cầu hóa không chỉ mang đến cơ hội cho sự phát triển chung mà còn đặt ra vô vàn thách thức đối với mọi lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật.

Văn học cách mạng Việt Nam mà cụ thể là văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng từng là mạch nguồn chủ lưu trong dòng chảy văn học dân tộc. Nhưng ngày nay, trước những thách thức của tư duy đổi mới, cách tân, hiện đại... dòng văn học chủ lưu này đang đối diện với nhiều biến động về nội dung, phong cách, cũng như phương thức tiếp cận độc giả. Thậm chí, một thực tế hiện nay là văn học cách mạng Việt Nam đang trở thành một đề tài kén chọn độc giả. Có thể nói là một lượng lớn độc giả, đặc biệt là giới trẻ đang không mấy mặn mà (thậm chí là xa rời) dòng văn học viết về đề tài này. Họ đang bị cuốn vào sự cách tân và tư duy nghệ thuật phương Tây, những đổi mới của thị hiếu đời sống đang dần bao phủ sự phát triển của nhu cầu đời sống tinh thần.

Bên cạnh đó, đối tượng người sáng tác (các văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới nhà văn, nhà thơ) cũng đã có nhiều thay đổi từ cách nhìn, cách tiếp cận, tư duy sáng tác đến việc chuyển giao thế hệ. Vì thế, sức hút của đề tài và kể cả xu hướng sáng tác hay sự hấp dẫn của nghệ thuật dựng truyện... cũng đang dần không còn đáp ứng được nhu cầu vốn có của văn học cách mạng.

Vậy, giữa cơn lốc của công nghệ số và sự giao thoa văn hóa, làm thế nào để văn học cách mạng vẫn giữ được bản sắc vốn có? Làm sao để tiếp tục truyền cảm hứng, kết nối với thế hệ độc giả trẻ và vươn ra tầm quốc tế?...

Những câu hỏi này đang đặt ra bài toán mà rất khó để tìm thấy câu trả lời thỏa đáng.

Những thách thức của văn học cách mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, văn học cách mạng Việt Nam thường gắn liền với tinh thần đấu tranh, đề cao lý tưởng tập thể và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Các tác phẩm như Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu hay Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành... đều khắc họa hình ảnh con người Việt Nam kiên trung bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, độc giả ngày càng quan tâm hơn đến những câu chuyện mang tính cá nhân, cái tôi cá nhân luôn lấn át tư duy sáng tạo bằng những độc thoại nội tâm hay một lý do nào đó để thu hút độc giả.

Tìm hướng đi mới cho văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa - 1

Một số tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam. Ảnh: Huyền Thương

Bên cạnh đó, các vấn đề tâm lý, xã hội và sự chuyển dịch của đời sống với những bối cảnh hiện thực, đánh thức trí tò mò của mọi người cũng đang dần chiếm được thị hiếu bạn đọc. 

Sự lên ngôi của văn học hiện thực phê phán và văn học tâm lý xã hội (theo kiểu ngôn tình) đã khiến văn học cách mạng ít được quan tâm hơn. Ví dụ như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đi sâu vào những bi kịch của con người trong xã hội hiện đại, tạo nên tiếng vang lớn. Hay Mình và họ của Nguyễn Bình Phương đã tập trung khai thác sâu vào tâm lý của những người lính sau chiến tranh, không còn là những anh hùng bất bại mà là những con người mang nỗi đau và hoài niệm; Xác phàm hay Nháp của Nguyễn Đình Tú với những vấn đề cuốn hút thị hiếu bạn đọc trẻ...

Như vậy có thể nói, sự dịch chuyển này đặt ra thách thức cho văn học cách mạng: làm thế nào để vừa giữ được tinh thần đấu tranh, vừa phản ánh được tâm tư tình cảm con người, lại vừa đánh thức sự trắc ẩn và khám phá chạy theo thị hiếu của giới trẻ nói riêng, của xã hội nói chung trong bối cảnh của một xã hội hiện đại?

Bên cạnh sự thay đổi trong thị hiếu độc giả, dòng văn học cách mạng còn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông hiện đại như phim ảnh, mạng xã hội và nền tảng số (sách điện tử). Trong thời kỳ kháng chiến, sách báo gần như là phương tiện vừa mang tính thông tin khoa học, vừa đáp ứng nhu cầu khám phá và tìm hiểu, lại vừa mang tính giải trí chủ yếu cho mọi người. Còn ngày nay, mỗi người chúng ta luôn có quá nhiều lựa chọn, từ sự phát triển của nền tảng số, các trang mạng xã hội như: Google, Netflix, TikTok, YouTube, Facebook... không chỉ cung cấp nội dung phong phú mà còn có khả năng tác động, thậm chí là cuốn hút đến tư duy của giới trẻ nhanh hơn so với các loại sách báo truyền thống.

Một thách thức lớn khác là văn học cách mạng chưa có nhiều tác phẩm phù hợp để chuyển thể thành phim hoặc các hình thức truyền thông đa phương tiện. Trong khi đó những bộ phim lịch sử như Đất rừng phương Nam hay Tây Sơn hào kiệt... lại nhận được sự quan tâm lớn. Điều này cho thấy văn học cách cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận, không chỉ thông qua sách mà còn thông qua các phương tiện giải trí đa phương tiện.

Nếu như trước đây, văn học cách mạng tập trung ca ngợi lý tưởng cách mạng và tầm vóc của con người Việt Nam trong chiến tranh, thì ngày nay, xu hướng phi chính trị hóa đang dần ảnh hưởng đến sáng tác văn học. Đã có không ít những người cầm bút mượn cớ “hòa hợp dân tộc”, hay độ lùi lịch sử... để thể hiện một tư duy xét lại lịch sử, thậm chí có không ít những tác phẩm mang tính giải thiêng, hạ bệ anh hùng cách mạng, đánh đồng giữa chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc kháng chiến trường kỳ mà nhân dân ta đã anh dũng hy sinh để giành độc lập.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít những tác phẩm thể hiện một cách nhìn đa chiều về chiến tranh, hậu chiến tranh, nói lên sự tàn khốc của chiến tranh, sự oanh liệt của những người anh hùng... Nhưng cũng thể hiện “những phút xao lòng yếu đuối” của chính những người trong cuộc. Sự ám ảnh dai dẳng của chiến tranh, thân phận con người trong và sau chiến tranh (hậu chiến) cũng là một cách nhìn mới cuốn hút bạn đọc. Điển hình như Thân phận của tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương...

Điều này cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng cần phải linh hoạt hơn trong cách tiếp cận, đa dạng hơn trong bối cảnh và hấp dẫn hơn trong diễn ngôn, xu hướng sáng tác... để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

Một số giải pháp mang tính định hướng phát triển của văn học cách mạng trong thời đại mới

Văn học cách mạng cần mở rộng đề tài, không chỉ dừng lại ở chiến tranh mà còn đề cập đến những vấn đề hậu chiến, những ảnh hưởng của lịch sử đến con người thời nay. Mà cụ thể ở đây là kiểu xu hướng sáng tác tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết tự truyện... với những tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Người đàn bà trên đảo của Nguyễn Huy Thiệp. Hay gần đây nhất chúng ta có thể kể đến Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (một cuốn sách có thể coi là tự truyện, chuyện kể hay tiểu thuyết tự truyện đều đúng)... là một xu thế mới, xu thế kết hợp giữa lịch sử và hư cấu, tạo ra góc nhìn mới để thu hút độc giả ngày nay.

Hay, nói về việc áp dụng các kỹ thuật viết mới, như kết hợp giữa tư liệu lịch sử và tiểu thuyết hư cấu, nhằm tăng sức hấp dẫn cho người đọc chúng ta có thể kể đến một số tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh như Mẫu thượng ngàn hay Đội gạo lên chùa đã thành công trong việc kết hợp lịch sử với các yếu tố dân gian và triết học.

Phải chăng, văn học viết về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng cần mở rộng biên độ, không chỉ tập trung vào quá khứ hào hùng mà còn phản ánh được tinh thần cách mạng trong cuộc sống đương đại. Các tác phẩm cần khai thác sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội hiện đại như hội nhập kinh tế, bảo vệ chủ quyền, giao thoa văn hóa... để tạo sự gần gũi với độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc đưa các vấn đề môi trường, bình đẳng giới, và phát triển bền mà vào văn học cách mạng cũng sẽ làm phong phú thêm nội dung và tăng tính hấp dẫn cho bạn đọc. Ví dụ: Viết về người lính hôm nay với những thách thức trong thời bình, hay lý tưởng, sự hy sinh trong xã hội hiện đại cũng có thể là một hướng đi. 

Sự kết hợp giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác như truyện tranh, phim hoạt hình, tiểu thuyết đồ họa, tiểu thuyết bằng tranh... có thể là một hướng đi mới. Việc sáng tác tiểu thuyết lịch sử theo phong cách graphic novel (tiểu thuyết đồ họa) hay light novel (tiểu thuyết nhẹ) có thể giúp văn học cách đến gần hơn với giới trẻ.

Cần duy trì tinh thần và giá trị cốt lõi của văn học cách mạng, nhưng đổi mới cách thể hiện để phù hợp với thị hiếu độc giả. Văn học có thể khai thác những hình thức nghệ thuật mới như văn học phi hư cấu, văn học tư liệu, hay ứng dụng yếu tố đa phương tiện trong xuất bản. Việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, đa dạng, thậm chí pha trộn phong cách của các thể loại văn học khác nhau sẽ giúp văn học cách mạng gần gũi hơn với độc giả hiện đại. 

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, các tác phẩm không chỉ dừng lại ở xuất bản sách giấy mà cần mở rộng trên nền tảng số đa phương tiện như ebook, audiobook, podcast. Tăng cường sử dụng mạng xã hội, các nền tảng đọc trực tuyến để tiếp cận độc giả rộng rãi hơn, nhất là giới trẻ. Việc kết hợp công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong việc truyền tải nội dung văn học cũng là một xu hướng đáng cân nhắc. Ví dụ, nhiều tác phẩm hiện nay đã được chuyển thể thành sách điện tử đa phương tiện (tích hợp giữa chữ, sách nói, phim, hình ảnh minh họa) phim, kịch nói... giúp lan tỏa nội dung mạnh mẽ hơn. 

Để văn học cách mạng có thể vươn xa hơn, cần tăng cường dịch thuật và quảng bá ra thị trường không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế. Hiện nay, số lượng tác phẩm văn học cách mạng được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức... vẫn còn hạn chế. Không nhiều những tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh đã thành công trong việc tiếp cận độc giả phương Tây, nhưng vẫn chưa đủ để tạo thành một làn sóng mạnh. 

Để văn học về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng không bị bó hẹp trong phạm vi trong nước, cần tăng cường dịch thuật, giới thiệu tác phẩm ra thị trường quốc tế. Hợp tác với các tổ chức văn học quốc tế, tham gia các hội thảo, giải thưởng văn học để khẳng định giá trị văn học cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ dịch thuật bài bản, nâng chất lượng dịch thuật để các tác phẩm văn học có thể tiếp cận sâu rộng hơn trên thị trường quốc tế. Hiện nay có một số tác phẩm của các nhà văn như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Phan Quế Mai... đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và bước đầu tạo dấu ấn trên văn đàn thế giới.

*

Thông qua đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức phát hành, và mở rộng giao lưu quốc tế thì văn học cách mạng Việt Nam không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn phát triển trong thời đại mới. Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ mà trước hết là vai trò của những người lính cầm bút, những chiến sĩ - nghệ sĩ cũng như sự chung tay của các nhà văn, nhà phê bình, đơn vị xuất bản và cả độc giả để tạo ra một nền văn học vừa kế thừa truyền thống, vừa hiện đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Nguyễn Thị Tĩnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác văn học nghệ thuật

Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác văn học nghệ thuật

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ 13 (khóa X, nhiệm kỳ 2020 – 2025) nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Giá vàng bất ngờ tăng vọt: Nguyên nhân do đâu?

Giá vàng bất ngờ tăng vọt: Nguyên nhân do đâu?

Giá vàng thế giới vừa trải qua cú bật mạnh nhất trong hơn một tháng, khi đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu sụt giảm và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn leo thang. Thị trường đang phản ánh sự quay trở lại của vàng như một kênh trú ẩn an toàn giữa bất ổn kinh tế và chính sách toàn cầu.