Cô giáo Nguyễn Thị Thiện - Nhịp cầu nối bạn đọc với văn chương

Mấy năm gần đây, cây bút bình thơ Nguyễn Thị Thiện được nhiều người biết đến từ những trang báo quen thuộc như: Tạp chí người Hà Nội, báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Văn Nghệ… Rất đáng ghi nhận là chị đã xuất bản đều đều trong 5 năm qua tới 9 tập sách (7 tập binh thơ, 1 tập tiểu luận và phê bình, 1 tập truyện). Trong đó, tập Nơi biên cương Tổ quốc - thơ và lời bình là tập sách vừa ra lò cuối tháng 8 năm 2022.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện là giáo viên dạy học môn Văn, nguyên là Phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất - Hà Nội. Với nhiều bút danh như: Thái Dũng, Nguyễn Thiện, Phương Thảo. Cô là cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí; là thành viên của Hội nhà văn Hà Nội, với nhiều tác phẩm đã in như "Trang thơ - trang đời năm 2017", "Tình quê tình người - tập 1 năm 2018", "Bài học đắt giá năm 2018", "Tình quê tình người - tập 2 năm 2020", "Thơ dâng mẹ năm 2020", "Quê hương Việt Nam năm 2020".

Viết khỏe, viết nhiều, hăm hở và sung sức… là vốn quý của cây bút phê bình văn học Nguyễn Thị Thiện, nhưng điều đáng nói là chị viết chất lượng và thủy chung với thể loại bình thơ. 

Sự khác biệt và gây ấn tượng đầu tiên với bạn đọc của Nguyễn Thị Thiện là chị viết sách theo chủ đề. Một tác phẩm văn học, chủ đề thuộc phạm trù nội dung. Bản thân chủ đề không làm nên giá trị tác phẩm nhưng người viết chọn chủ đề để định hướng viết và thể hiện ý tưởng của mình thì chủ đề ấy góp nên thành công của cuốn sách.

Người viết đã chọn những tác phẩm theo cùng một chủ đề để bình thơ là dấn thân vào sự khó để cống hiến cho bạn đọc. Khó là vì phải tìm kiếm tác phẩm, phải chọn lọc được sao cho đúng tác phẩm có giá trị để bình và bình sao để tránh được sự nhàm chán của bạn đọc. Người viết phải làm một “thư viện lưu trữ” nhỏ giúp bạn đọc tra cứu chính xác khi cần thiết. Những điều đó nhà văn Nguyễn Thị Thiện đã làm được trong các cuốn sách của mình.

Nơi biên cương Tổ quốc mang đến 32 bài thơ hay về chủ đề biên giới và người lính với những lời bình dẫn dắt ta hiểu thêm sâu sắc lịch sử chiến tranh và máu xương phải trả cho mảnh đất Việt Nam mình có được chủ quyền độc lập. Với chủ đề này, Nguyễn Thị Thiện đã công phu chọn được các bài thơ tiêu biểu cho mỗi thời đại, mỗi thế hệ, mỗi vùng miền và mỗi cuộc chiến.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiện - Nhịp cầu nối bạn đọc với văn chương - 1

Tập Thơ và lời bình "Nơi biên cương Tổ quốc" của tác giả Nguyễn Thị Thiện

Suốt bao nhiêu năm với vùng biên giới, người Việt không lúc nào nguôi quên nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vùng phên giậu của đất nước mình. Mỗi bài thơ cùng với lời bình của Nguyễn Thị Thiện làm hiện lên gương mặt một thời đại, bản chất xâm lăng tàn ác của quân thù, lòng yêu nước thiết tha, tinh thần kiên trung bất khuất chống quân xâm lược của bao thế hệ. Chính sự chọn lọc được thơ hay, tập trung vào chủ đề đã làm nên một phần giá trị tập sách.

Đúng vậy, khẳng định chủ quyền và niềm tự hào về đất nước chị chọn 2 bài Nam quốc sơn hà - nhiều ý kiến cho là của Lý Thường Kiệt - và bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Về vẻ đẹp miền biên giới Tổ quốc chị chọn bài Pắc Bó hùng vĩ của Hồ Chí Minh. Về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, oai hùng chị chọn bài Lên Tây Bắc của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Nhật ký biên giới của Chính Hữu.  

Về cuộc kháng chiến chống Mỹ chị chọn Trường Sơn đông Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật, Chiếc gương soi trên buồng lái của Khuất Quang Thụy, Cây xấu hổ của Anh Ngọc… Về cuộc kháng chiến chống giặc Polpot ở biên giới Tây Nam, chị chọn bài Đường về phum của Vương Trọng. Về chống quân Tàu xâm lược biên giới phía Bắc, chị chọn Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái, Tổ quốc của Thanh Thảo, Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn...  

Chọn như thế là tinh, là biết tính đại diện. Vì vậy 32 bài thơ được bình, đều là những bài thơ bản thân đã có sức cuốn hút bạn đọc, giờ lại được những lời bình chắp cánh, nâng tầm cái hay lên khiến các bài thơ càng hấp dẫn. Ấy chính là Nguyễn Thị Thiện đã bước đầu bắc được nhịp cầu nối thơ ca tới bạn đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc, lan tỏa cái hay cái đẹp của văn chương đến với công chúng.

Tiếp theo, xin nói đến giá trị lời bình của tác phẩm. Nếu ai đã học văn và dạy văn thì đều biết, bình thơ là thưởng thức thơ, khám phá thơ bằng con mắt tinh tế và cảm xúc của riêng mình để nhận ra nỗi lòng người viết gửi gắm vào tác phẩm. Mục đích để chia sẻ, đồng cảm với tác giả, giúp cho bạn đọc khám phá, cảm nhận được cái hay về nội dung cái đẹp về nghệ thuật của tác phẩm.

Vì “Thơ chính là tiếng lòng của thi nhân. Người đọc thơ nhận ra tiếng lòng ấy, người ta gọi là người Mắt Xanh”. Những nhà thơ đích thực, mỗi câu thơ đều mang cảm xúc và kinh nghiệm sống một đời. Nhưng nó không lộ ra, phải có đôi mắt xanh tinh tế nhìn mới thấy.

Người bình thơ khám phá cái đẹp của tác phẩm, dẫn dắt người đọc hiểu cái hay của thơ, lại là người sáng tạo, tô điểm thêm cái đẹp cho tác phẩm. Thế mới khó. Nhưng Nguyễn Thị Thiện đã làm được. Trước hết chị đã phát hiện ra những ý hay của bài thơ. Ví dụ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, chị phát hiện ra “cảm xúc chông chênh trong những hoài niệm xa xôi” của câu thơ: “Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”. Hoặc phát hiện ra “sự tinh nghịch, hồn nhiên của người lính có tâm hồn lãng mạn" ở cụm từ “súng ngửi trời”.

Hay trong bài Đêm sân ga của Nguyễn Quang Thiều, chị phát hiện “Phụ nữ và trẻ em – những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội cần được chở che, bảo vệ cũng phải trốn chạy” qua câu thơ “Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”. Để dẫn dắt người đọc đến với cái đẹp của tác phẩm, Nguyễn Thị Thiện không chỉ phân tích cái hay của ý tứ, chị còn mở rộng thêm kiến thức bên ngoài để so sánh, đối chứng, ví như chị lấy câu thơ “Nỗi buồn cháy, tim lính là ngọn lửa”trong bài Nhớ Hoàng Nhuận Cầm của Nguyễn Sĩ Đại để nói về nỗi buồn tích cực…

Cô giáo Nguyễn Thị Thiện - Nhịp cầu nối bạn đọc với văn chương - 2

Những cuốn sách đã xuất bản của tác giả Nguyễn Thị Thiện

Một thành công đáng kể nữa là khi bình thơ, Nguyễn Thị Thiện bình cả nội dung và nghệ thuật. Nội dung dẫn dắt nghệ thuật, nghệ thuật nâng tầm nội dung. Chị đã phát hiện ra cái hay trong nghệ thuật của bài thơ. Ví dụ bình bài Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn. Chị phát hiện: “Trong bài thơ, điệp ngữ “Chiều biên giới em ơi” (dùng 5 lần) và lối điệp cú pháp “Có nơi nào” (dùng 3 lần), toàn bài điệp từ “như” (dùng 10 lần) được sử dụng đắt giá…” có tác dụng như những điệp khúc dào dạt về tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống… ".

Và còn sự độc đáo khác trong bình thơ của Nguyễn Thị Thiện là cách chọn đầu đề cho mỗi bài là một câu thơ tiêu biểu nhất, toát lên hồn cốt của cả bài thơ. Phải là người tinh ý mới chọn được. Hầu hết mỗi bài trong tập bình thơ, Nguyễn Thị Thiện đã chọn được những tựa đề tiêu biểu, gây ấn tượng cho bạn đọc.

Một đánh giá nữa làm nên thành công của tác phẩm là sự công phu của Nguyễn Thị Thiện. Muốn bạn đọc không chỉ hiểu bài thơ, mà còn cảm xúc sâu sắc, đồng vọng tâm hồn với nhà thơ, chị đã tìm hiểu thêm tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời bài thơ, thời đại nhà thơ đang sống.

Ngoài ra chị còn đọc thêm các bài thơ khác của cùng tác giả ấy để đưa vào so sánh đối chiếu hoặc để hiểu kỹ hơn bút pháp của tác giả. Mặt khác chị còn công phu tìm ảnh chân dung tác giả của từng bải thơ để giúp bạn đọc nhận biết, thỏa chí tò mò, làm cho bài bình của mình thêm sinh động hấp dẫn.

Bên cạnh những thành công trên đây, Nguyễn Thị Thiện cũng còn những tồn tại mà nếu khắc phục được, sách chị viết sẽ càng có giá trị hơn nữa. Ấy là một số bài còn bình theo hướng giảng văn trong nhà trường (giới thiệu tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời bài thơ sau đó mới bình giảng bài thơ).

Có những bài người viết còn chưa thật tập trung, xoáy sâu vào những câu hay nhất để bình. Hoặc có bài cứ bình theo thứ tự các câu thơ, khổ thơ. Mặt khác, tác giả cũng cần thận trọng hơn nữa với những nhận định khi bình những bài thơ cổ, hơn nữa, khi bình ta có quyền chọn bản dịch hay nhất, sát nhất.   

Tựu trung lại, tập bình thơ Nơi biên cương Tổ quốc là cuốn sách có giá trị. Một là nó tập hợp được các bài thơ hay về chủ đề biên cương, Tổ quốc. Hai là truyền đến bạn đọc yêu quý miền biên viễn của Tổ quốc, tri ân những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ vùng cửa ngõ, phên giậu đất nước mình. Ba là giúp những người dạy thơ, yêu thích thơ, nghiên cứu về thơ có thêm tài liệu tham khảo. Bốn là cho chính tác giả - nhà văn Nguyễn Thị Thiện được thưởng thức thơ, chia sẻ với tác giả có những bài thơ hay. Và lý do thứ năm quan trọng nhất, nhà văn đã bắc nhịp cầu nối giữa thơ – tác giả và bạn đọc, đưa bạn đọc đến  với vẻ đẹp chân - thiện - mĩ mà thơ ca đang tỏa sáng cho cuộc đời. 

Nguyễn Thị Thiện với niềm đam mê văn chương cùng với bút lực dồi dào, mong và tin rằng chị sẽ còn cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị khác nữa.

Nguyễn Thị Mai

Tin liên quan

Tin mới nhất