Khói trầm ngược gió: Một tập thơ nhiều nỗi niềm chia sẻ

Khi vừa được nhà thơ Nguyễn Đức Bình tặng tập thơ “Khói trầm ngược gió”, nếu chưa kịp đọc, chỉ lướt nhanh các trang, mắt ta sẽ “vấp” phải những câu thơ không dễ bỏ qua thế này: “Biết rằng vãn chợ quá trưa/ Còn toàn lá bánh tìm mua phận người?” (Nửa lá trầu cay); “Mình anh đi lạc giữa đời/ Lội trăng mò vớt vàng mười tìm em!” (Tìm em), “Ngóng nhìn đếm lá đò ngang/ Mẹ tìm lại chuyến con sang ngày nào (Mẹ chờ), “Cà phê đắng! toả hương say/ Giọt người tan với đắng cay cõi người” (Giọt đắng cà phê). Còn nhiều, nhiều nữa những câu thơ mắc vào lòng ta như thế.

Chứng tỏ sau hai tập thơ “Heo may” (2008) và “Tiếng cỏ đêm” (2016), đến tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Đức Bình vẫn viết chậm mà chắc. Mạch thơ ông vẫn theo dòng cảm xúc sâu sắc về phận người. Giọng điệu thơ vẫn giữ được bản sắc riêng: nhẹ nhàng, thủ thỉ, buồn buồn, xa xót với cách thể hiện riêng mình. Điều mừng hơn nữa, tập thơ có nhiều câu thơ hay, có nhiều bài có tứ. Mà thơ lục bát rất cần có tứ để bạn đọc nhớ lâu.

Nhưng điều làm nên giá trị “Khói trầm ngược gió” lại là những nỗi niềm được thể hiện bằng cảm xúc nghệ thuật. Trước hết đó là nỗi niềm của người lính bước ra khỏi cuộc chiến tranh đã lâu mà không bước qua được hồi ức.

Khói trầm ngược gió: Một tập thơ nhiều nỗi niềm chia sẻ - 1

Nhà thơ Đức Bình

Bởi chính ông đã tham gia cuộc chiến tranh giữ nước, hứng chịu đạn bom và gian nan cơ cực hết cả tuổi thanh xuân, ngày trở về còn mang thương tích như một thứ “của để dành”: “Trường Sơn nắng lửa mưa bom/ Vết thương là của hồi môn chiến trường” (Ngày về) thì mấy ai vô tư, vô tâm, vô cảm với những gì mình đã hứng chịu mà sống thanh thản được? Nhất lại là người có tâm hồn thơ nhạy cảm, dễ rung động với những gì chạm đến thân phận con người. Ví như bài “Phơi áo”. Chỉ một công việc phơi áo thôi mà ông xúc động nảy ra tứ thơ hay:

“Phơi là phơi lại cuộc đời

Để hong hơi ấm từ thời xa xưa”.

Thời xa xưa, ông đã từng làm thày dạy học và đã từng làm lính chiến trường nên giờ chỉ chạm đến cái áo, ông đã chạm đến bao kỷ niệm buồn vui, bao tháng ngày đã xa.

“Áo mỏng bụi phấn còn rơi

Áo dầy quân phục khét đời đạn bom”.

Từ hồi ức về mình, nhà thơ hồi ức về đồng đội một thời sống nơi chiến trường. Nam giới xông pha trận mạc đã khổ, nữ giới còn khổ hơn nhiều:

“Hai mươi năm. Dọc chiến trường

Thừa bom, thiếu gạo, lại thường thiếu rau

Sốt rừng con gái ôm nhau

Rét run, rụng tóc. Còn đâu má hồng”.

(Lời thề chân tu)

Đặc biệt bài thơ “Khói trầm ngược gió” là bài thơ viết cho đồng đội, có tứ ấn tượng, lời thơ đắng đót xót xa:

“Thắp hương trên mộ cánh tay

Ta về tự viếng thân này của ta

Biệt nhau!

                   Tay nhỉ? Đã xa

Năm mươi năm trước đã là của nhau

Cõi người ngấm hết nỗi đau

Đứt lìa tay phải

                   Vùi sâu đất rừng…”

Khói trầm ngược gió: Một tập thơ nhiều nỗi niềm chia sẻ - 2

Người từng trải, gian nan, càng cao niên càng nhiều hồi ức. Người làm thơ không ai không có hồi ức về cha mẹ mình. Nhà thơ Nguyễn Đức Bình viết chân dung cha mình trong tâm tưởng thật sống động và thương xót: “Bố đi rát mặt trời mưa/ Quần xăn quá gối vác bừa dong trâu/…áo nâu bạc suốt cuộc đời/ Chắn che mưa gió mành tơi dãi dầu/ mặc cho ruộng cạn đồng sâu/ Bốn mùa mưa nắng theo trâu bốn mùa/ Bữa cơm khoai sắn đầu bờ/ Khoả chân nhặt chữ i tờ lại rơi…” (Nơi ấy).

Với người mẹ, ông cũng hồi ức bằng những dòng thơ đầy hình ảnh gợi cảm: “Tính xem bao tuổi ở đời/ Mà mòn bậu cửa mẹ ngồi tàn canh/ Và tàn ba cuộc chiến tranh/ Lưng còng dấu hỏi đã thành dấu than” (Mẹ chờ). Chỉ ngồi chờ con thôi mà mòn bậu cửa. Chỉ gánh cơ cực cuộc đời thôi mà lưng còng gập xuống. Hình ảnh dấu hỏi và dấu than là hình ảnh tu từ. Cái “nhìn thấy” trước rồi mới đến cái “cảm thấy” sau, đứng chung trong một dòng lục bát thì câu thơ thật hàm xúc, làm cho người đọc ấn tượng mãi không quên. Thì ra, người mẹ đã được tác giả vẽ bằng ngôn ngữ. Nếu không phải nhà thơ có cái  nhìn độc đáo và biết vận dụng từ ngữ có hình ảnh, bạn đọc làm sao có được những câu thơ gợi hình ấn tượng như thế? Ấy là tài năng và dụng công tìm tòi của người viết.

Từ hồi ức, nhà thơ lại trở về với bao nỗi niềm hiện thực. Ấy là những bi kịch thời hậu chiến cứ đeo đẳng cả một thế hệ, cay đắng bao nhiêu kiếp người. Đặc biệt là thân phận người phụ nữ: Họ là những người mẹ góp con cho cuộc chiến tranh giữ nước “Đâu có ước được phong Anh Hùng” để rồi khi đón con về  thì “Nắm xương bọc tấm vải cờ/ Mẹ ngồi như tượng bên bờ nhân gian” (Ngọn đèn canh khuya). Thêm một hình ảnh nữa về người mẹ đau thương được vẽ chân dung bằng thơ. Ta thương xót đứa con bao nhiêu thì cũng đau đớn theo người mẹ bấy nhiêu. Thơ viết như vậy là chia sẻ được. Và không chỉ những người mẹ, bi kịch khổ đau còn ở những người vợ, người yêu của người lính. Tình yêu của họ thật đẹp nhưng đời họ thật buồn. Rất thương yêu nhau nhưng vẫn sẵn sàng xa nhau. Thuỷ chung son sắt nhưng phải chịu thiệt thòi.

Tuổi xuân của họ để cả ở chiến trường. Người hy sinh đã thiệt thòi, người được trở về mà sống cuộc đời mất hết thiên chức làm vợ làm mẹ thì phỏng có hơn gì người hy sinh? “Ôm con hoá đá còn may/ Sống mà như đá đá này biết đau… / Mầm xuân lá rụng âm thầm/ Ước nghe tiếng trẻ đêm nằm ầu ơ” (Đá biết đau).

Là người đàn ông – đồng đội của các chị, nhà thơ Nguyễn Đức Bình hiểu được những bi kịch của “phận gái” thời chiến tranh và hậu chiến. Nhưng là nhà thơ, ông còn hoá thân vào họ. Ông cùng đau khổ, cô đơn và khát khao. Nhưng quan trọng hơn ông viết được những nỗi niềm ấy thành thơ để chia sẻ cảm thông với họ, để đánh động lương tâm con người, để thấy rõ chiến tranh ẩn trong thân phận người đàn bà nó ghê gớm thế nào.

Nhưng ấy là những người phụ nữ cam chịu phận quá lứa nhỡ thì hoặc vì “lý tưởng hoá” tình yêu với người họ chờ đợi mà an phận cô đơn một đời. Còn cũng có những người phụ nữ biết đứng lên rũ mình ra khỏi những giáo điều, lễ nghĩa ràng buộc mà sống cho mình “Đêm đêm mình lại thương mình”.

Khói trầm ngược gió: Một tập thơ nhiều nỗi niềm chia sẻ - 3

Ảnh minh họa

Họ là người vợ liệt sĩ không thể hoá đá đợi chờ vô vọng nên đã đi bước nữa: “Vái anh! lòng nhói đau thêm/ Cho em tái giá! Sao quên tình đầu” (Lời ru cuối mùa). Với chủ đề người vợ liệt sĩ đi lấy chồng, nhà thơ Nguyễn Đức Bình có khoảng bảy bài trong tập này. Bài nào cũng cảm động, xót xa, có tứ nhưng lại  bất cập về tư tưởng, tình cảm.

Ấy là tác giả coi việc người vợ liệt sĩ đi lấy chồng là việc buồn, có lỗi với người đã hy sinh: “Thương ai chìm giữa chiến hào/ có về chứng giám trời cao đất dày/ Tình xưa quện khói hương bay/ em như cánh vạc lạc bầy giữa đêm” (Lời ru cuối  mùa) hoặc “Mẹ đi cho đũa có đôi/ Vong hồn bố/ quẩn quanh nơi chiến hào”…. Đành rằng đấy là tình cảm thật của tác giả, xót xa đau đớn thực lòng nhưng nếu viết nhiều đề tài ấy mà vẫn “bảo lưu” thái độ có vẻ không hài lòng thì bài thơ sẽ ít tính nhân văn và tư tưởng người viết không hiện đại.

Bên cạnh những nỗi niềm về mình, về gia đình, về đồng đội… nhà thơ Nguyễn Đức Bình còn dành nỗi niềm cho tình yêu, cho quê hương, cho con người trong nạn dịch Covid-19…

Thơ tình yêu của ông dịu đằm, thiết tha, tin yêu và khao khát. Không hề có nỗi cô đơn dằn vặt hay buồn nhớ khổ đau. Nhưng với sự đời, ông lại có lúc bi quan, buồn. Ví như bài “Theo trâu”, “Gửi em”. Đó cũng là nỗi niềm của riêng ông trong ngôn ngữ thể hiện mà chúng ta đọc được. Còn với quê hương, ông có tình cảm sâu lắng, trân trọng và biết ơn: “Luỹ tre mái rạ hồn làng/ Một đời cầy cuốc cưu mang cõi người… Tình xưa mở dạ thương nhau/ Lại về lạy nắm đất nâu quê nghèo” (Làng ơi).

Như vậy, “Khói trầm ngược gió” là tập thơ giàu nỗi niềm, sâu nặng tình cảm với nhiều phương diện. Nội dung ấy dường như cũng tương đồng với hình thức. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ nói rất nhiều lần về từ “heo may”  và mùa thu. Trong đời sáng tác, ông đã có tập thơ đầu tay mang nhan đề “Heo may”. Nhưng đến tập thơ này ông vẫn lặp lại nhiều lần hai từ đó.

Phải chăng tiết trời ấy là một kỷ niệm đẹp hoặc là hồi ức buồn –vui  không thể quên trong ông? Dù thế nào thì “heo may” vẫn là tiết trời đẹp, dễ chịu, khiến con người dễ cảm xúc, dễ rung động trái tim. Nó hợp với tạng người tác giả, hợp với tạng thơ ông đã định hình. Không ồn ào, to tát. Không triết lý cao minh. Không cao giọng tuyên ngôn… Chỉ thủ thỉ tâm tình, thương yêu và nỗi niềm. Đó là thơ Nguyễn Đức Bình. Bạn đọc tin không? Hãy có trên tay tập “Khói trầm ngược gió”. Chắc chắn nhiều bài thơ làm bạn rưng rưng. Nhiều câu thơ bạn có thể mượn để nói với người mình yêu thương trong cuộc đời này.

Nguyễn Thị Mai

Tin liên quan

Tin mới nhất