Đóa phù sinh nở từ mảnh hồn quê

Lục bát là thể thơ truyền thống, mang hồn cốt của người Việt. Gửi nỗi xốn xang tim vào đó, dễ lại khó. Dễ vì đây là kiểu thơ giản dị, mộc mạc, tựa như lời Kinh dân gian. Khó vì biến điều dung dị, bình dân thành cái tôi cá nhân, thành thương hiệu để, độc giả nhận ra mình, một kiểu không thể trộn lẫn như nhà thơ Kiên lục bát, thì chỉ có anh, Nguyễn Thế Kiên mới làm được. Hơn thế, anh là một doanh nhân làm thơ, thương trường là chiến trường còn “thơ là thư kí trung thành của trái tim”, những điều tưởng như đối cực lại cùng được trổ nhánh trong anh. Nếu nhìn vào con đường nối dài tuổi trẻ đến tuổi trung niên của anh, sẽ còn quá nhiều điều để bất ngờ. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin dành sự trân trọng cho anh, trong hình ảnh một thi sỹ, và “Hoa phù sinh” đã trở thành một “dấu triện”- Nguyễn Thế Kiên.

Trước “Hoa phù sinh”, Nguyễn Thế Kiên được biết đến là: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định, giám đốc Công ty Văn hóa Đất Việt, ở độ tuổi 30 tất tả với xá cày, vuờn ruộng, hơn 10 năm trở lại đây, cái tên Kiên lục bát đã đến với nhiều độc giả yêu thơ. Sau tác giả Phạm Công Trứ thì tác giả Nguyễn Thế Kiên xứng đáng là hậu duệ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính. Anh liều lĩnh chọn cho mình một con đường đi khó.

Đóa phù sinh nở từ mảnh hồn quê - 1

Chân dung nhà thơ Nguyễn Thế Kiên

Đọc anh, ta thấy xôn xao mảnh hồn làng, từ bờ tre, gốc rạ, đến rơm vàng, mái tranh… tất cả dậy lên mùi thôn ổ. Khiến nhiều người tự nghi hoặc, đời sống thương trường quyết liệt như thế không “ăn thịt” tâm hồn của một thi nhân trong anh sao?

Nhưng đi vào từng câu chữ, ta mới hiểu, đồng quê không chỉ tỏa bóng mà còn trở thành máu xương của anh. Không cốt tủy sao được, khi chỉ ngót hơn chục năm, anh đã kịp tạo lập ra thế giới qua lăng kính nghệ thuật của mình trải dài suốt 14 tác phẩm, gồm các thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, trường ca.

Ấn tượng nhất trong số đó, phải kể đến: “Chân đất đầu trời” (Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn học 2018), “Dọc ngang thân chữ” (Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016), “Từ kiếp chữ” (Phê bình & Tiểu luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) và “Hoa phù sinh” (Thơ, Nhà xuất bản Thanh niên, 2022).

Đam mê, khát vọng và những giọt mồ hôi trên từng miligam quặng chữ đã bầu anh vào vị trí xứng đáng, qua các giải thưởng: giải B Lương Thế Vinh (2016- 2020) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải B Lương Thế Vinh (2016- 2020) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải C Lương Thế Vinh (2006- 2010 do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải C Lương Thế Vinh (2006- 2011) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải Khuyến Khích (2020 do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng, giải Khuyến Khích Lương Thế Vinh (2011- 2016) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng. Chừng ấy thành tựu, cho một người không lập thân bằng con đường văn chương, cũng tựa như một tấm huân chương nghệ thuật mà tâm hồn thi ca dào dạt tặng cho anh.

“Hoa phù sinh” là tập thơ mới nhất, được nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tháng 9 năm 2022, đó là thức dâng của anh cho những tâm hồn độc giả khao khát uống bóng trăng quê, thèm được chạm ly chung chiêng với niềm tĩnh tịch giữa ồn ào, xô xác. Cuộc người như cuộc đi giữa phù sinh, đến cái chết là nghỉ ngơi, nhưng anh coi đó như một đóa vô thường. “Hoa phù sinh” vì thế là con mắt nhìn an nhiên của anh về tất cả, được tẩm tưới trong một hồn thơ loang tràn bóng quê, dù con đường phố thị đã nao nát dưới bàn chân anh mấy mươi năm có lẻ.

“Biết còn cả một mùa đông

Họa mi trắng nở hát trong lá chiều

Em đầy đặn quá- Tin Yêu

Ta heo may sượng chín điều viển vông

-Hết yêu?

-Không.

Vẫn thật lòng

Biết phù sinh chỉ nở trong một mùa”

Đóa phù sinh nở từ mảnh hồn quê - 2

Anh đã viết trong bài thơ, cũng là tên tập thơ, “Hoa phù sinh” như thế. Mùa đông là giấc ngủ dài của năm, biếc lên “Tin Yêu” trong từng nhánh lá chiều. Đóa hoa phù sinh nở từ chân cảm - “thật lòng”, chỉ khoe cánh một mùa duy nhất. Nhưng yêu lại không mùa, nỗi xốn xang của trái tim trai đã bước qua tuổi 50 khiến ta thấy “mạch đời” xanh non cứ hừng lên, hừng lên.

Thơ là sự vô thanh của sải cánh anh vũ. Nhưng đại bàng cũng có khi hoảng hốt bởi tiếng kêu của chú chim non. Thơ đi giữa cương cường và run rẩy, đi giữa khốc liệt của thương trường và nỗi hoang hiu khi lòng người cạn đáy chén mà tim vẫn phập phồng, phập phồng khúc bi hoan. Anh đã ném trái tim mình vào tất cả, để nhận ra nỗi vô minh giữa ấm lạnh cõi đời.

Tập thơ anh viết, là tiếng nói của tâm linh, sự chưng cất của một tâm hồn từ nhiều tâm hồn, là ánh xạ của một kiểu Kinh tâm hồn, đã được thanh tẩy từ trầm luân thế cuộc, một niềm mặc khải cuộc đời và mảnh vườn quê Ý Yên, Nam Định. Anh thấy “Sự thất bại của một quán tưởng”, nhận ra mình “thất bại”, ấy là khi chạm tới sự thông thấu nằm trong quy luật.

“Trong mắt em xanh

Cái nghiêm cẩn của hoàng hôn

Đứng cuối ngày lụm rụm

Em khẽ nhoẻn duyên

Trước những miền người bảo dưỡng

Cố hình dung một săn chắc oai hùng

Quán tưởng em mà chẳng thể du hành…”

Tác giả đặt điểm nhìn của mình vào “em” - đó là tuổi trẻ, nhựa sống nhưng ngay cả bình minh cũng có hoàng hôn. Vạn vật và con người là thế, héo úa, rời bỏ cũng là một dạng thức của sự sống. Nếu muôn loài sinh ra và không bao giờ chết đi, trái đất sẽ ra sao? Nên từ “xanh” đến “hoàng hôn” rồi “lụm rụm” chính là một hành trình tất yếu trong sự sắp đặt của tạo hóa. Trăn trở cõi người, chì chiết bản thể, đó cũng là một đào đắp tình yêu. Và anh thấy mình “bất lực” trước “thời gian”. Khi nhận ra sự nhỏ bé, phù sinh của kiếp người, ấy là lúc con người quán tưởng, niệm lành sẽ đến.

Khi lòng thiện tràn đầy, sẽ “Phục sinh” tâm hồn. Gía trị của thơ là vậy. Như khúc đưa ru tâm hồn anh, đã bị gió bụi phố phường vùi phủ dưới bánh xe vô tình, thơ thức tỉnh con người trước cái “trăm năm”, “nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc), đặt con người trước cái nghìn năm, thơ cho con người khoảnh khắc nhận ra mình trong an nhiên.

“Vào trầm lặng với trưa say

Lâm râm ngoài cốc, gió đầy men yêu

Lỡ tay

Làm tuột tuổi chiều

Cơn say dẫn độ phiêu lưu muộn về”

Con người tưởng như hiểu, thấu nhưng vẫn “Vô minh” Nguyễn Thế Kiên nhận ra điều này.

“Biết mùa chộn rộn vào em

Cuối năm gió cạn trầy lên nỗi người

Biết lời ru mắc võng rồi

Thơ giăng lưới gió bên trời…trổ xuân”

Nguyễn Thế Kiên đón “mùa chộn rộn” từ “cuối năm”. Khoảnh khắc cuối cùng của đông là sự thu vén để kết thúc, những cơn gió nghịch dốc vào cõi người nỗi cạn kiệt, giông bão để “trầy lên nỗi người”. Nhánh xuân “trổ” từ những lốc tố, cuồng phong. Đời là cõi hư hao, càng thấu càng tận vô minh mà sao vẫn xốn lên tim xanh! Thơ anh là thế, đi từ bóng tối tới ánh sáng, tin yêu mở lối.

Vòm trời Nam Định đã ươm ủ, nâng niu hồn thơ anh, đó cũng là nơi thuộc về của những vần thơ “chân quê”. Dù xa quê đã bao mùa, nhưng trong anh vẫn canh cánh “giấc hương quan”. (Nguyễn Du). Cái cổng làng quê Ý Yên ấy đã mở đường cho anh trở về với bờ ao, mái rạ, hoa xoan, hoa bưởi, khi bê tông đã xâm thực cảnh điền dã, thì thơ anh chính là bảo tàng ngôn ngữ về mảnh vườn quê. Đó là một kiểu kí tự tâm hồn rất riêng để thế hệ 7X nhận ra nhau giữa xô xệch thế cuộc, “Này hoa xoan tím”.

“Vẫn còn xoan tím đây em

Chỉ màu xưa nhạt nhòa thêm mỗi ngày

Tôi về bày những cơn say

Góc quê nhóm lại bạn bầy buổi xưa

Đồng làng vẫn những thiết tha

Mày tao đủ cả thế mà vắng xưa

Ách trâu bặt nỗi đường bừa

Bờ mương cỏ chỉ khâu thừa thãi xanh.”

Đóa phù sinh nở từ mảnh hồn quê - 3

Trong anh vẫn một màu tím loang trời thao thiết gọi về, khát nhớ “bạn bầy buổi xưa”. Chỉ một nỗi “vắng xưa”, có tất cả mà thiếu tất cả. Anh diễn tả thần tình cái thiếu vắng bằng “cỏ chỉ khâu thừa thãi xanh”. Nguyễn Thế Kiên đã điền vào buổi quê một nỗi trống tênh của hồn. Trống rỗng ấy chính là nỗi nhớ, niềm đau đáu về một mảnh vườn quê kiểng, nơi mẹ cho anh con mắt nhìn đời, nơi cha chôn xuống núm rốn để con lớn lên. Một nỗi chông chênh, một niềm chạm khắc nơi ta khởi nguyên từ tinh huyết thiêng liêng của đấng sinh thành. Thơ anh gọi về nguồn cội.

Không chỉ nhớ đến tím trời hoa xoan, anh còn thương “cánh sen quê” trong khúc “Ru sen mùa đông.” Ai trong mỗi chúng ta cũng nên trồng những đóa sen tâm hồn. Sinh ra từ đồng quê xào xạc, sen quê mới đủ đầy để chưng cất cái tinh túy của rơm rạ thổn thức. Nguyễn Thế Kiên là vậy, chung tình với niềm “hương quan”,đến cả thơ anh, biền bãi mộc mạc cũng biếc lên, gọi dậy những bờ cỏ mật để nương vào đó một áng “ru sen”, có đứa bé chân trần trong mảnh hồn đồng tím loang chiều sau vụ gặt. Dù mãi sau này đã chạy mỏi trên những lối mòn Kinh thành đèn điện, cửa gương thì “trong lửa mắt vẫn đầy bóng sen”.

“Mặn mòi giờ chảy vào trong

Những dòng sen

Nhỏ niềm đông thẫn thờ…

Bồng bềnh trải một vuông thơ

Ru sen về đậu cơn mơ cánh hồng”.

Có đôi khi, anh thả hồn mình đi hoang trong “Một lát chợ chiều quê”. Chỉ một lát cắt anh đã chạm khắc được phận người trong phiên bán mua trần ai. Mới thấy, dù lê thân ở quá nhiều chợ đời, thì trong anh vẫn dành trọn một “vuông thơ” để tạo lập một thế giới mới trong cõi chữ rất riêng, bản năng, hồn nhiên mà đau yêu run rẩy đến trong ngần. Như thể tim anh chưa từng bị những thất bát của cuộc vật lộn cõi người làm cho nhàu cứa đến rướm máu vậy.

“Nghiêng chiều lọc sách trong đêm

Chải lại sương lam vào chợ

Váy ngắn váy dài mãn gió

Lục cục mùa khớp mỏi. Lên trang

Bạn ta sảy chân cửa chữ

Loăng quăng chở kính trễ chiều

Tay run đề thơ vạt váy

Thì thào phục thuốc mà yêu

…Chợ chừng như sắp vãn

Bạn ngồi cãi nhau với mình

Vợ loẹt quẹt chiều thơm bếp

Ngoái một cái nhìn lênh đênh.”

Lần đầu tiên tôi được chạm vào “cái nhìn lênh đênh”. Một từ “lênh đênh” đã lên tiếng đủ đầy về phận người. Dù éo le “sảy chân cửa chữ”, vào cửa chợ, nhập nhòa bán mua vất vưởng và câu thơ cuối cùng của bài thơ đã cứu một phận người. Bạn anh neo kiếp lênh đênh vào một người vợ hiền, đảm đang, yêu thương, xót xa, cảm thông cho nỗi thất bát của chồng. Cả bài thơ như một tiếng thở dài trong nỗi yêu thương của tác giả dành cho niềm lận đận của bạn mình.

Thơ Nguyễn Thế Kiên là thế, tựa như một nhành dây leo bền bỉ, bắt bám vào hồn người mặc cho những lưỡi rìu “chốn lao xao” thế cuộc lạnh lùng,  rắp tâm chặt đứt. “Hoa phù sinh” ghi được cái chớp mắt của thời gian đã đi qua ảnh hình của phép Thiền quán chiếu, phong cảnh tâm hồn người được thanh tẩy khi tìm về với làng quê xào xạc gió mùa, sen thơm, xoan tím, cỏ xanh miên viễn vô thường. Anh tìm vào thơ, đề tim mình vào những khoảnh khắc chân cảm khôi nguyên nhất.

Nguyên Tô

Thơ lục bát thời 4.0
Thơ lục bát thời 4.0

Trung tuần tháng 8 năm 2022, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh nhà thơ Đặng Vương Hưng với tác phẩm “Lục bát mỗi...

Tin liên quan

Tin mới nhất