Thơ lục bát thời 4.0

Trung tuần tháng 8 năm 2022, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh nhà thơ Đặng Vương Hưng với tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” là tập thơ lục bát có số trang nhiều nhất. Tập thơ dầy tới 1248 trang, khổ 16x24cm, gồm 948 bài thì không còn nghi ngờ gì nữa, tác giả là một nhà thơ viết lục bát có nhãn mác, thương hiệu.

Đặng Vương Hưng như một cái “ăng ten” có tần số cao, hầu như bất cứ điều gì diễn ra trong cuộc sống, cái “ăng ten” ấy cũng thu được tín hiệu, cũng có thể sáng tạo thành thơ. Anh bắt đầu đăng thơ từ tuổi hai mươi, khi ấy là một người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, Đặng Vương Hưng về Hà Nội chuyển sang làm báo, làm xuất bản, thơ của anh càng thăng hoa. Ngày nào hầu như anh cũng viết, không ít thì nhiều, bài nào thấy hài lòng thì gửi đăng.

Vậy nên tập thơ đồ sộ của anh mới mang cái tên “Lục bát mỗi ngày”. Anh viết bằng giọng văn tự trào, nhún mình một cách khiêm cung, cứ như đùa. Cái nhẽ thông thường trong lời tỏ tình với cô X, cô Y nào đó, tác giả phải ra vẻ “ta đây” một tí như con công đực xòe cái đuôi rực rỡ cuốn hút con công mái, đằng này Đặng Vương Hưng làm ngược lại, công khai bêu xấu mình, tự gọi mình là “hắn”: “Không còn trẻ cũng chưa già/ Người ta bảo hắn đang là… đàn ông/ Người hắn yêu đã lấy chồng/ Còn người yêu hắn sống cùng có con/ Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn/ Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh”… Cuối cùng thì Hưng khuyên cô bạn: “Hắn như vậy đó em à!/ Đừng quen biết hắn mẹ cha buồn rầu”

Thơ lục bát thời 4.0 - 1

Nói về vợ thì nhà thơ họ Đặng càng khiêm nhường thật thà hơn: “Một nửa tỉnh, một nửa quê/ Không xinh đẹp cũng chẳng hề cao sang/ Theo chồng đành bỏ xóm làng/ Lên thành phố cố học làm thị dân/ Dẫu đã buôn bán xa gần/ Cũng là mưa nắng tảo tần đấy thôi/ Vì con nhường nhịn suốt đời/ Vì chồng chờ đợi cả thời xuân xanh”… Bài thơ “Tự họa” đủ biết thi sĩ họ Đặng đã có lúc chênh chao trước một bóng hồng không phải vợ mình, nhưng khi đọc đến bài “Vợ tôi” thì thấy cho dù vợ anh thế nào nhưng bằng những gì họ đã dành cho nhau, đã cùng nhau nếm trải vui buồn thì làm sao họ có thể chia xa được.

Nhiều khi Đặng Vương Hưng khiêm nhường, tỏ ra ngu ngơ đến mức không dám khẳng định một mệnh đề gì; anh cứ ỡm ờ “hình như”, và vì thế cuối mỗi khổ thơ, câu thơ mang một nội dung thường có một dấu hỏi: Hình như thu đã già rồi/ Yếm nâu hóng gió hay ngồi đợi ai? (Yếm nâu); Hình như mình cũng đáng yêu?/ Đắm say mê mải định liều mấy phen… (Hình như mình cũng…); “Hình như khế chẳng còn chua/ Mía không còn ngọt, đền chùa bớt thiêng”… (Có và không); Hình như tiếng chó cắn ma/ Làng bên bà lão sắp xa cõi trần?/ Hình như trẻ khóc mấy lần/ Vẳng nghe chim lợn lúc gần lúc xa” (Đêm buồn)…

Cái ngu ngơ ở đây đâu phải là cái ngu ngơ ngốc nghếch trẻ con – nó là cái ngu ngơ do cả một quá trình lao động sáng tạo mà đúc rút ra được thành “cái tinh hoa ngu ngơ” góp phần làm nên phong cách ấn tượng của nhà thơ.

Không chỉ được Tổ chức kỷ lục Việt Nam tôn vinh, “Lục bát mỗi ngày” còn là cuốn sách sáng tác duy nhất (không có văn xuôi) được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải tác phẩm hay năm 2021, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối của dư luận bạn đọc. Từ niềm vui kép nêu trên, với trách nhiệm là người sáng lập cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, Đặng Vương Hưng đã tìm cách chia sẻ với những người cùng chung tay góp sức với mình điều hành các diễn đàn Lục Bát Việt Nam trên không gian mạng. Cũng trong ngày được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh, Đặng Vương Hưng đã cùng cộng đồng mạng Lục Bát bình chọn và vinh danh cho 5 tác giả đã có công “thầm lặng giữ lửa cho thơ lục bát” trong thời gian qua: Trương Nam Chi, Trần Trọng Giá, Nguyễn Quỳnh, Đặng Cương Lăng và Lương Văn Khánh.

Thơ lục bát thời 4.0 - 2

Trương Nam Chi quê Quảng Nam, ba chị là người Quảng Nam tập kết ra Bắc kết hôn với mẹ chị ở Thanh Hóa nên chị sinh ra ở xứ Thanh. Thơ lục bát của Trương Nam Chi ít tính thời sự, chủ yếu mô tả tâm thế của thời đại, tâm trạng và thân phận con người. Chẳng hạn chị nói về cái nhan sắc của đàn bà, nó là thứ trời cho, nó chẳng có lỗi gì cả, vậy mà cái “áp lực” nó phải gánh chịu cũng không thể xem thường. Những người sống thiên về nội tâm như Trương Nam Chi thường trực trong tâm trạng là man mác buồn. Rất nhiều bài thơ của chị có tâm trạng ấy. Nhưng cái nỗi buồn không bao giờ đánh ngã được chị; trái lại, chị biết làm chủ, chăn dắt nó.

Cả 5 tập thơ của Trương Nam Chi có tỷ lệ bài hay, bài khá rất cao. Số câu thơ hay thì rất nhiều. Có những câu hay đến lặng người, như: “Nụ cười duyên dáng yêu kiều/ Mà sao ánh mắt giấu nhiều ưu tư/ Mà sao nước mắt hình như/ Hình như máu đỏ loang từ trong tim…” (Hình như máu đỏ), “Thôi thì thôi thế là xong/ Anh còn lại mối tình không là tình” (Thôi nhé người dưng).

Trần Trọng Giá là một Đại tá cựu chiến binh quân đội, trông anh có tướng võ nhiều hơn là tướng văn, nhưng thơ anh lại khá lãng mạn, trữ tình. Người đàn ông tuổi Nhâm Thìn (1952) này lấy vợ khá sớm, nhưng đi bộ đội hơi muộn, ở tuổi 23. Tuy vậy anh vẫn kịp có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, hành quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn. Có nội lực thi ca tiềm ẩn, nhưng phải đến khi gặp và kết bạn với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì nhà thơ viết lục bát như thần này mới giúp máu thi ca của Trần Trọng Giá phát lộ. Vì quá yêu thích những vần thơ lục bát của Hoàng Nhuận Cầm mà Trần Trọng Giá quyết định chỉ sáng tác có một thể loại lục bát.

Thơ lục bát của Trần Trọng Giá có cái ngay ngắn bộc trực của người lính, lại cũng có cái táo bạo đầy chất lính. Phần nhiều các bài thơ lục bát của Trần Trọng Giá viết về tình yêu của một người đàn ông đã lớn tuổi, man mác buồn, nuối tiếc một thời tuổi trẻ đã trôi qua mà như vẫn thiếu một cái gì đó của tình yêu đích thực, viên mãn như trong bài “Giá như”. Phần nhiều là những mối tình vô vọng và chính vì vô vọng mà trở nên mãnh liệt: “Nỗi gì hóa đá người dưng/ Tương tư đốt cả một vùng cỏ hoa/ Để rồi mỗi bước em xa/ Buồn phơ phất lá, thu nhòa nhạt thu”… (Thu Cảm); “Tình yêu qua tuổi hoa niên/ Nhẹ nhàng sâu lắng hương chìm vào đêm” (Đêm xuân).

Cho dù thế, Trần Trọng Giá không để cho tình yêu đè nặng lên cuộc đời mình, bởi anh còn những mối quan tâm lớn, như cái mộng văn chương chưa toại nguyện: “Trái tim chỉ nợ một người/ Còn văn chương nợ một đời gió trăng” (Mắc nợ); “Đã đi qua nửa con đường/ Mà lòng còn nợ văn chương hao gầy” (Với nàng thơ). Bởi vậy không ít những đêm trăn trở, ưu tư: “Đêm xuân thức dậy một mình/ Một mình ta với bóng hình ta thôi/ Rượu xuân tự rót tự mời/ Giả làm tiên tửu lặng ngồi uống đêm”… (Đêm xuân).

Rất mừng, chính những đêm trăn trở như thế Trần Trọng Giá lại viết ra vô khối những câu thơ đáng nhớ: “Tình yêu qua tuổi hoa niên/ Nhẹ nhàng sâu lắng hương chìm vào đếm”…(Đêm xuân); “Gửi mắt em nói không lời/ Để đêm mơ một nụ cười rong rêu”…(Liều).

Thơ lục bát thời 4.0 - 3

Đặng Vương Hưng giao lưu với bạn đọc tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh, năm 2020.

Trên trang lucbat.com ta thấy nữ tác giả Nguyễn Quỳnh (Nguyễn Lan Quỳnh) đăng thơ lục bát khá đều đặn. Chị đã cho xuất bản 2 tập thơ cũng thuần là lục bát. Trong tập thơ mới nhất có tên Về với ruộng đồng, ngay bài thơ đầu sách ta đã đọc thấy những câu: “Lớn lên từ góc chân quê/ Chẳng mong phố thị, chỉ mê mùa màng”… Quỳnh viết như thế không phảỉ mượn cái hồn quê để đánh bóng hay làm dáng cho thơ mình mà đấy là lời thành thật từ đáy lòng. Sinh ra ở một làng quê Kinh Bắc. Hơn bốn mươi năm cuộc đời chị vẫn chọn đất quê để mưu sinh và viết văn. Những năm gần đây, do cuộc sống đòi hỏi, gia đình chị tiến một bước ra phố huyện làm dịch vụ, mà cái phố huyện thì cũng chẳng xa lạ gì với thôn làng.

Con phố trước cửa nhà người và xe nườm nượp, nhưng cuối phố đã là chợ quê: “Dăm ba người họp sáng ngày/ Nải kia thì bán nải này biếu nhau/ Chị xóm Trong, anh xóm Cầu/ Vừa mua vừa hỏi mấy câu mùa màng”… (Ngày rằm); ngay phía sau nhà là đồng ruộng, rạ rơm, vườn tược, ao chuôm: “Mừng vì mình vẫn nhà quê/ Bước chân giẫm cả bốn bề rạ rơm/ Gió mưa cơm trắng vẫn thơm/ Rau vườn quanh dậu cá đơm ao nhà”… (Mừng); “Giêng hai mạ rải xuống đồng/ Cày bừa tất bật gieo trồng vụ xuân/ Vườn thơm hoa bưởi trắng ngần/ Mộc miên đầu ngõ thêm lần nở hoa”…(Sau lũy tre làng). Chẳng có phong cảnh nào, cảnh huống nào, số phận nào đang hiện diện ở quê lại không vào  thơ của Nguyễn Quỳnh. Nhiều trang mang nỗi niềm ẩn ức, vò xé tâm can. Nguyễn Quỳnh hiện là Thường trực điều hành Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook với gần 40.000 thành viên.

Cũng có điều xin góp bàn với tác giả: Biết rằng viết về mẹ thì không bao giờ là đủ. Tuy nhiên trong tập thơ “Về với ruộng đồng”, số bài viết về mẹ hơi nhiều cho nên không tránh được sự trùng lặp về ý tưởng, về câu, về chữ. Tôi mong tập thơ sau tác giả mở rộng đề tài hơn nữa để mỗi bài thơ sẽ có tính độc lập không dễ lẫn vào bài khác. Cố nhiên làm được như thế không hề dễ dàng, nhưng lại là điều cần có của một nhà thơ chuyên nghiệp.

                                               

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống