Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng”

(Arttimes) - Thế Hùng sinh ra trong một gia đình giáo chức. Cụ thân sinh ra ông là Phó hiệu trưởng Học viện Tài chính. Quê ông - Ninh Bình (làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô) - Nơi địa linh nhân kiệt.

Vùng đất sinh ra nhiều danh nhân, khoa bảng: Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, đặc biệt là Phạm Thận Duật, đại thần triều Nguyễn, nhà sử học nổi tiếng, người duyệt cuối cùng bản” Quốc sử khâm định Việt sử thông giám cương mục”, là thầy dạy học cho hai vị vua Dục Đức và Đồng Khánh… Làng Nộn Khê quê ông nổi tiếng là “làng Tiến sỹ” vì nhiều Tiến sỹ và nhà giáo nhất tỉnh Ninh Bình.

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 1

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng

Bẩy tuổi, Thế Hùng theo cha ra Hà Nội, đất Thăng Long đã nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, tài năng, nhân cách cho một nghệ sỹ tương lai. Thế Hùng được học vẽ, học nhạc, học đàn, học khiêu vũ cổ điển và học qua 3 trường Đại học: Mỹ thuật Công nghiệp, Học Viện báo chí và Tuyên truyền và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… Cử nhân Thế Hùng bỏ qua Thạc sỹ làm thẳng Tiến sỹ Mỹ học với đề tài “Chủ thể sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình” và bảo vệ xuất sắc luận án điểm 10, đỗ thủ khoa, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

Một vinh dự cũng là cơ duyên, Thế Hùng có 10 năm làm phóng viên ở Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam). Từ cái nôi Văn học nghệ thuật này, ông được tiếp xúc với nhiều văn nghệ sỹ trứ danh của nhiều ngành nghệ thuật Việt Nam như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… Thế Hùng đã chụp hàng ngàn bức ảnh tư liệu lịch sử của một thời vàng son hội tụ nhiều nhân tài đất Việt.

Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng với kiến thức phong phú, nền tảng về văn học, hội họa, âm nhạc, sự hòa quyện liên thẩm mỹ là thế mạnh mà không phải thầy dạy Mỹ học nào cũng có. Vì thế, ông được 10 Học viện, các trường Đại học hàng đầu Việt Nam mời giảng dạy ở cả 3 cấp: Đại học, Cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Mấy chục năm làm thầy dạy 3 môn: Mỹ học, Nghệ thuật học và Quản lý xã hội về Văn hóa Văn nghệ. Tiến sỹ Thế Hùng đã cùng tập thể giảng viên của những trường Đại học mà ông hợp tác, đã đào tạo cho đất nước nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao, hàng trăm Tiến sỹ, nhiều tài năng âm nhạc như nhạc sỹ Đỗ Bảo, Hồ Hoài Anh, các ca sỹ Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh, Lê Anh Dũng, Khánh Linh, Quang Hào…

Ca sỹ Trọng Tấn đã cảm nhận về thầy mình trên VTV: “Thầy Thế Hùng là một nghệ sỹ đa tài, giờ dạy của thầy là mong đợi của sinh viên Nhạc Viện. Thầy ký họa 15 giây chân dung mình trên bảng, chữ thầy rất đẹp. Thầy minh họa cái đẹp bằng thơ, tranh và ca khúc của chính thầy. Thầy đệm piano cho trò hát… Trọng Tấn rất vui được hát gần 10 tác phẩm của thầy và đưa bài Mùa xuân quan họ vào DVD Trọng Tấn”.

Mượn lời của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Thế Hùng là bạn đồng tuế, tài hoa mà tôi vẫn nói vui trên tình bạn bè “Phố Thế Hùng” vì bạn tôi nhiều “nhà” quá: Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà nhạc, nhà họa, nhà phê bình Nghệ thuật, nhà hùng biện, lại còn là Tiến sỹ Mỹ học nữa mà nhà nào cũng khá, việc nào cũng giỏi”.

Tiến sỹ Thế Hùng là giảng viên bậc 9/9 của Đại học Quốc gia Hà Nội và là hội viên của nhiều tổ chức Chính trị - Xã hội các hội trung ương: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Với vốn kiến thức đa dạng, nhờ sự chăm chỉ học hành và trí tuệ mẫn tiệp, Tiến sỹ Thế Hùng đã trang bị cho mình một phông văn hóa rộng và đa dạng về nghệ thuật cộng với tố chất của một nhà sư phạm dày dạn kinh nghiệm. Ở tuổi 74, ông vẫn là một diễn giả đắt khách, có uy tín, được hơn 1.000 đơn vị, Bộ ngành từ Ban bảo vệ chính trị của Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đến các Tập đoàn, Tổng công ty lớn… mời thuyết trình các chuyên đề “nóng” của xã hội như: Đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, Kỹ năng sống, Kỹ năng và Nghệ thuật lãnh đạo, Hạnh phúc gia đình, Dạy con thành tài, Khát vọng sống và Khởi nghiệp cho tuổi trẻ…

Gần 70 năm gắn bó với thủ đô Hà Nội, sự mẫn cảm và duy mỹ của một Tiến sỹ Mỹ học đã tạo nên một Thế Hùng vững vàng và đậm chất “Người Hà Nội”, không chỉ ở hình thức mà cả lối sống lịch lãm, quảng giao, tôn trọng người và tôn trọng mình. Ta thường hình dung… một nghệ sỹ thành danh phải đầu trọc hoặc tóc để dài búi tó, quần áo bụi bặm, xộc xệch, râu ria lởm chởm, gương mặt gồ ghề, làm nền cho đôi mắt kính râm tròn, gọng đen nhỏ xíu so với khuôn mặt… Nhưng nghệ sỹ Thế Hùng của chúng ta thì không có hình hài “chất nghệ” ấy mà ông lúc nào cũng ăn vận tươm tất, toàn hàng hiệu được là lượt phẳng phiu, giầy da bóng láng, mái tóc uấn dài nghệ sỹ… Thế Hùng là điển hình cho phong cách chỉn chu của một nhà giáo dạy cái đẹp, một trí thức lúc nào cũng tươm tất và lịch lãm. Duy chỉ có bộ ria mép hơi rậm và đậm mầu mang vẻ đẹp đơn giản, gọn gàng nhưng đầy quý phái của một quý ông phong lưu niềm nở, luôn lấy được thiện cảm của người đối diện lại vừa có diện mạo nam tính, mạnh mẽ dễ chinh phục con mắt nhạy cảm của chị em phụ nữ. Chính điểm này đã làm nên cá tính nghệ sỹ của ông.

Thế Hùng sở hữu một gia tài văn hóa đồ sộ mà hơn nửa thế kỷ ông đã kỳ phu tạo lập, chỉ cần một phần trong đó cũng là mơ ước xa xỉ của nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp ở xứ ta.

Một vinh dự, tự hào và vinh quang đối với Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng là: TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VietNam Book of Records) đã công bố: “XÁC LẬP KỶ LỤC”. “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam - Nghệ sỹ, Tiến sỹ Mỹ học Phạm Thế Hùng. Tiến sỹ Mỹ học có những đóng góp quan trọng và tạo nhiều dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và sáng tạo Văn hóa Nghệ thuật tại Việt Nam.

Trong hơn nửa thế ký lao động và sáng tạo, bằng vốn kiến thức phong phú, nền tảng kiến thức sâu rộng và nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Ông đã để lại cho đời gia tài văn hóa đồ sộ trong nhiều lĩnh vực Mỹ học, Báo chí, Văn học, Thơ ca, Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh, Phê bình Nghệ thuật.”

- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là nhà thơ, Thế Hùng đã xuất bản 6 tập thơ, trong đó có nhiều bài được tuyển chọn in trong những tuyển tập danh giá như “Thơ tình bốn phương” của 562 tác giả 829 bài được chọn lọc hơn 1.000 năm toàn thế giới (NXB trẻ), “Tự điển thơ tình yêu”, “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”, “Ngàn năm thơ trữ tình”, “Tuyển tập thơ nhà giáo” 20 bài thơ được các nhạc sỹ lớn phổ thành 26 ca khúc như : Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Thuận Yến , Huy Du, Chu Minh, Huy Thục, Hoàng Dương, Văn Dung… Thi sỹ Hoàng Cầm một trong những gương mặt lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX, được mệnh danh là "Ông Hoàng Kinh Bắc" đã tiên đoán: “Thế Hùng còn trẻ và đang sôi lên niềm yêu - Yêu người - Yêu cuộc sống. Đây là phác họa đầu tiên của tình yêu ấy. Anh cứ chung thủy, anh sẽ đi xa hơn, đi sâu hơn.”

- Là Nhạc sỹ, Thế Hùng đã sáng tác 150 ca khúc, in 2 tập nhạc (NXB Âm nhạc) gần 20 bài hát đã được phát trên VTV, VOV và được các ca sỹ nổi tiếng đưa vào Anbum. Cách đây gần 30 năm, Hoàng Vân - một tài năng lớn, một nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã nhận xét: “10 tình khúc sáng tác bởi một họa sỹ, một người làm thơ, làm báo như Thế Hùng trong thời điểm hiện nay tuy không còn là hiện tượng lạ, nhưng cũng còn hiếm. “Lời ru của biển” hay “Quan họ mùa xuân”, “Tình khúc mùa hè” và “Bản Tăng gô mùa thu”. Những tên ca khúc gợi nhiều liên tưởng đến tên của những bức tranh. Và đó cũng là khao khát bộc lộ những cảm hứng thanh âm khi mà bảng pha màu hội họa chưa thỏa mãn được nhà tạo hình…”

- Là họa sỹ, Thế Hùng đã vẽ khoảng 500 bức tranh trên các chất liệu: lụa, sơn dầu, Acrylic, sơn mài. Có tranh trong tuyển tập “Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX”. Các sứ quán Italia, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan và một số ngân hàng nước ngoài sưu tập. Họa sỹ Trần Lưu Hậu (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia) đã nhận xét: Tranh của Thế Hùng đầy chất thơ - Cũng đẹp như thơ và nhạc của anh - Cứ đà này chắc anh sẽ còn làm ra nhiều điều bất ngờ. Và vị “Hoàng tử của giới mỹ thuật Việt Nam” Lưu Công Nhân đã dí dỏm nhận xét: “Tôi ít thấy một họa sỹ nào: Người đẹp, tranh đẹp và… giàu có (nhiều mặt) như Thế Hùng.”

- Là nhà Phê bình Nghệ thuật. Trong 10 năm làm phóng viên của Báo Văn nghệ, Thế Hùng đã chụp hàng ngàn bức ảnh tư liệu, viết hàng trăm bài đăng trên các báo, tạp chí bình luận về âm nhạc, hội họa và nhiếp ảnh.

- Là Tiến sỹ Mỹ học, ông giảng dạy 10 trường đại học, thuyết trình 12 chuyên đề với hơn 1.500 buổi đào tạo khắp cả nước. Đã xuất bản 22 cuốn sách, 8 đĩa DVD các bài giảng về Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa học, kỹ năng sống… là chủ tịch Hội đồng khoa của Học viện quản lý và lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương. Giám đốc đào tạo của Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia (ViNen).

Không chỉ dừng lại đó, để chuẩn bị sinh nhật lần thứ 75 vào tháng 8 năm 2022, ông cho ra mắt ấn phẩm Tuyển tập Thế Hùng 2. Sách dày 750 trang, khổ 25x26,5cm với 7 phần x 75: 75 bài thơ đã đăng báo, 75 ca khúc mà nhiều bài đã phát trên VTV, VOV, YOUTUBE, 75 bức tranh, 75 bài phê bình Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh đã đăng các báo, 75 bài báo đã viết về ông, 75 ảnh tư liệu Thế Hùng với các văn nghệ sỹ nổi tiếng, đồng nghiệp, bạn bè và 75 bức tranh của các thành viên Trung tâm Mỹ thuật Thế Hùng.

Với tư cách là một họa sỹ bạn ông, tôi có đôi dòng cảm nghĩ về “Hội họa của Thế Hùng”. Một ngôn ngữ sắc màu riêng biệt, độc đáo rất Thế Hùng, không trộn lẫn với bất kỳ phong cách của một họa sỹ nào khác. Dường như ông đắm say với hội họa nhiều hơn và cũng có lúc ông sống chậm hơn để suy nghĩ thấu đáo, bày tỏ cảm xúc bằng màu sắc và đường nét trong không gian hội họa.

Ngay từ những ngày đầu làm quen với môi trường hội họa, Thế Hùng đã may mắn cùng học với Nguyễn Hoài An, con gái út của họa sư Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ), một họa sỹ bậc thầy - Người cùng với họa sỹ người Pháp Victor Tardieu đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, song hành thực hiện hai sự nghiệp: sự nghiệp của nhà sư phạm nghệ thuật và sự nghiệp của một nghệ sĩ sáng tạo, người có công lớn trong tiến trình phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Những tác phẩm của danh họa để lại cho đời là vị thánh tinh thần và là động lực đã tiếp lửa, dẫn dắt Thế Hùng đi theo con đường hội họa, phấn đấu noi theo và đạt được những thành công xuất sắc ngày nay.

Số lượng tranh đồ sộ của họa sỹ Thế Hùng đã lên đến 500 bức, nội dung phong phú và đa dạng: Phong cảnh, tĩnh vật, chân dung theo trường phái biểu hiện, ấn tượng, trừu tượng… ở mảng nào ông cũng thành công dù là lụa, Acrylic, sơn dầu hay sơn mài bởi ông làm việc nghiêm túc, đam mê, ý chí và tập trung. Thế Hùng vẽ như trời phú, như nhập đồng phá vỡ các khuôn phép sáo mòn vượt ra khỏi mọi ràng buộc để thăng hoa và mộng mị trong thế giới đa xúc cảm. Loạt tranh tĩnh vật, nhất là hoa sen, hoa cúc được nhà sưu tập thích thú sở hữu. Tranh phong cảnh của Thế Hùng mềm mại và duyên dáng như những bài thơ, bản nhạc của ông. Còn tranh chân dung, tự họa lại rất độc đáo, chắt lọc và chuẩn xác. Bức tranh ông vẽ nhạc sỹ Nguyễn Cường, một trong những bức đẹp và thành công của ông.

Ở loạt tranh ngẫu hứng gợi mở nhiều cảm xúc, bố cục, mảng khối khỏe khoắn, kiệm sắc nhưng trí tuệ, màu sắc khơi gợi với không gian mở, sắc độ hợp lý, trong sáng, mịn màng mà hứng khởi. Loạt tranh trừu tượng hơn 30 bức vẽ “thời Covid” cũng gặt hái nhiều thành công. Tôi rất thích mảng tranh trừu tượng của Thế Hùng, đây mới là sở trường, thế mạnh của ông. Bố cục chặt, nét giản lược, ước lệ, ông vẽ cái cảm thấy, loại bỏ mọi dấu vết hiện thực, ẩn dấu đường nét để thoát ra khỏi cái rõ ràng, cụ thể để phiêu như lúc bàn tay ông múa trên phím đàn piano vậy. Thế Hùng chú trọng vẽ ý mà không vẽ hình, vẽ sự vật trong suy nghĩ chứ không vẽ cái nhìn thấy. Đặc biệt, họa sỹ dùng màu ghi sẫm hay màu vàng lơi lả rất đắt và cũng rất tài tình - màu sắc giúp ông giãi bày tâm tư trên mặt toan. Thế Hùng vẽ, thực ra ông đang đối thoại với chính mình.

Có người nói họa sỹ Thế Hùng vẽ tranh như loài lan “đột biến”, đang rất nắn nót, tỉa tót từng cánh hoa sen, hoa cúc… hay đang thả hồn vào phong cảnh quê hương, núi rừng, biển cả với gam màu dịu ngọt đắm say… nhưng khi chuyển sang vẽ trừu tượng thì tay cọ của ông như cơn lốc màu ồ ạt, phóng túng, đắm say và quả quyết. Chính vì thế mà ông là đối tượng “săn đón” phỏng vấn của nhiều chương trình truyền hình và các báo chí hiện nay.

Tôi rất thích bài thơ tự bạch của Thế Hùng: “Tôi thâm canh khu tự trị tên mình”. Ở đoạn kết ông viết:

“Hạnh phúc nào hơn

Khi được sống chính mình

Khi được hát khúc ca muốn hát

Và ngủ yên

Trong

Khu tự trị tên mình”.

Họa sỹ Thế Hùng dạy vẽ cho văn nghệ sỹ không lấy tiền. Tặng tranh chỉ cần một nhời cám ơn chân thành là đủ. Nhưng khi bán thì giá khá cao. Đó chính là cái cao ngạo nghệ thuật của một người thành danh.

Thế Hùng là một trong số họa sỹ không nhiều ở nước ta hết mình với nghệ thuật và sống đàng hoàng bằng nghề. Danh họa Pablo Ruiz Picasso đã từng quan niệm, Nghệ sỹ thực thụ phải: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng”. Đó cũng chính là chân dung Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng như tôi biết.

Một số tác phẩm tranh của Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng:

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 2

Chân dung nhạc sỹ Nguyễn Cường - Acrylic - 80x60 cm

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 3

Sen đêm - Sơn dầu - 120x80 cm

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 4

Hà Nội ngàn xưa - Sơn mài - 120x90 cm

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 5

Biển chiều - Acrylic - 100x100 cm

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 6

Trừu tượng - Acrylic - 100x80cm

Nghệ sỹ - Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng: “Làm việc như nông phu, hưởng thụ như một ông hoàng” - 7

Đốm lửa chiều quê - Acrylic - 100x80 cm

None

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T