Những kí ức chiến tranh đầy ám ảnh của một nhà văn mặc áo lính

Với 39 truyện kí được in trong một tập sách dày dặn 310 trang, Nơi thành đồng Tổ quốc của Trần Thế Tuyển là một tuyển tập truyện kí đã làm sống dậy cả một thời chiến tranh oanh liệt đầy anh dũng và hi sinh quả cảm của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước.

Cảm nhận sau khi gấp lại trang sách cuối cùng của Trần Thế Tuyển là anh như sinh ra để viết về chiến tranh và về cuộc sống thời hậu chiến. Đã 50 năm đất nước thống nhất hòa bình trôi qua nhưng trong tâm khảm tác giả, người lính chiến cầm bút viết văn và viết báo này vẫn ám ảnh không nguôi những kí ức đầy ám ảnh mà anh đã đang là người trong cuộc. Với riêng nhà văn mặc áo lính Trần Thế Tuyển, hội chứng thời hậu chiến là có thật.

Những kí ức chiến tranh đầy ám ảnh của một nhà văn mặc áo lính - 1

Đại tá, nhà báo, nhà văn Trần Thế Tuyển 

Điều gây ám ảnh nhất trong Nơi thành đồng Tổ quốc là những trang sách viết về sự hi sinh to lớn của đồng bào và chiến sĩ ta trong chiến tranh. Những người mẹ, người vợ đã mất đi những đứa con thân yêu vì bom đạn quân thù. Đã có hàng trăm, hàng nghìn những bà mẹ, những người vợ như thế hiển hiện trên những trang sách của anh như những tấm gương rực sáng lòng yêu nước. Đó là mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, một bà mẹ anh hùng có tới 11 con, cháu là liệt sĩ. Là má Tư ở vùng “Tam giác sắt” có đến 12 người thuộc dòng họ hi sinh; riêng bản thân mẹ đã hiến dâng 4 đứa con và người chồng thân yêu của mình cho cách mạng.

Câu chuyện về má Tư trong Bà mẹ người anh hùng quả thật là một nỗi ám ảnh với người đọc. “Vì sự an toàn của lực lượng cách mạng, vì chồng, vì các con đang họat động mà má Tư đã hi sinh phần tình cảm cuối cùng của một bà mẹ là được ôm đứa con trai thân yêu vào lòng để được khóc, được nói với nó những lời vĩnh biệt”. Viết về má Tư và những người mẹ như má Tư, ngòi bút của Trần Thế Tuyển như chùng xuống nghẹn ngào, “Năm tháng qua đi, cuộc chiến đấu gian khổ trên vùng “Tam giác sắt” qua đi, nhưng gương mặt những người con thân yêu của má đã hi sinh cho Tổ quốc vẫn hiện rõ trước mắt tôi mồn một” (Bà mẹ người anh hùng). Đó là những hi sinh không thể gì đền đáp nổi.

Đặc trưng cơ bản của thể loại văn học truyện kí là viết về người thật việc thật. Không thật không phải là truyện kí. Với Nơi thành đồng Tổ quốc, những câu chuyện của Trần Thế Tuyển còn thật hơn cả sự thật. Và vì thế mà nó cuốn hút và hấp dẫn người đọc qua từng trang viết.

Những kí ức chiến tranh đầy ám ảnh của một nhà văn mặc áo lính - 2

Tập truyện kí "Nơi thành đồng Tổ quốc" của Trần Thế Tuyển 

Khi viết về cuộc đời với những chiến công thầm lặng của người anh hùng Võ Thị Huynh, một chiến sĩ của đơn vị quân y Bến Cát, tác giả đã cho bạn đọc thấy tầm vóc của người anh hùng trong những hành động tưởng như nhỏ nhặt, bình thường nhất nhưng lại rất lớn lao là tìm đủ mọi cách để cứu sống và giữ an toàn cho tính mạng của thương binh ngay trong bom đạn chiến trường. Chị Ba Huynh đã làm được điều đó. Và chị đã được tuyên dương Anh hùng (Chiến công thầm lặng).

Viết về Nam Bộ trong chiến tranh là viết về vùng đất thành đồng Tổ quốc. Một vùng đất với những con người có sức sống mãnh liệt và bền bỉ như những cây tầm vông vừa che chắn cho quê hương vừa làm vũ khí tiêu diệt kẻ thù và ngày nay đang tạo nên sự xanh tươi cho quê hương. Mảnh đất Bến Cát xưa đã “chôn vùi trên 7000 tên xâm lược và trên 25 xe tăng, máy bay của chúng cũng là nơi thấm máu 322 liệt sĩ, thương binh nay đang đổi mới từng ngày” (Cây tầm vông Bến Cát). Đó là cái hay của truyện kí Trần Thế Tuyển.

Những câu chuyện kể của anh đầy hi sinh, đầy máu và nước mắt nhưng không tạo nên sự bi thương mà ngược lại, nó mang đến cho bạn đọc lòng tự hào và kiêu hãnh về đất nước và con người của vùng đất chiến trường xưa. Họ có thể là những vị tướng trí thức như Anh hùng, Thiếu tướng, bác sĩ Đỗ Hoài Nam, người đã từng cứu sống hàng nghìn sinh mạng chiến sĩ trong chiến tranh qua những ca mổ tài ba (Phác thảo về một người anh hùng).

Đó cũng có thể là hình ảnh vị Trung tướng Tư lệnh quân đoàn thương đồng đội hơn cả thương mình. Người đọc không thể không xúc động khi thấy ông gặp lại người đồng đội cũ trong nghèo khó đã tỏ lòng thương cảm mà cởi cả áo quần dài đang mặc trong người, tháo đồng hồ đeo tay, rút hết tiền trong ví dúi vào tay người đồng đội cũ rồi mặc may ô quần đùi trở về đơn vị (Những đứa con của quân đoàn). Chính cái tình động đội cao quý ấy đã hun đúc nên vẻ đẹp của những người lính bước ra từ chiến tranh và ngày nay đang xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Nơi thành đồng Tổ quốc là những trang viết về quá khứ, hiện tại và tương lai. Viết về quá khứ để tự hào, tri ân và trân trọng; viết về hiện tại để thêm tin yêu hơn vào cuộc sống và viết về tương lại để lạc quan yêu đời hơn. Đó là đặc điểm từ ngòi bút Trần Thế Tuyển trong tập truyện kí dày dặn này.

Chẳng thế mà khi đến với vùng đất U Minh Thượng nơi cuối trời Cà Mau, tác giả dù không quên sự khốc liệt của chiến tranh nhưng nhanh chóng nhận ra vùng đất này đã rất khác với ngày xưa, “Từ ngày tỉnh có chủ trương quy hoạch vùng đất này thành khu kinh tế mở, cửa biển Khánh Hội không còn “u minh” buồn tẻ, hoang sơ nữa. Không chỉ có dân U Minh từ trong đồng kéo ra, mà dân tứ xứ hội về. Những khu nhà ở, chợ, trường học, nhà văn hóa mọc lên. Khoảng cách giữa ngày và đêm ngắn lại...” (U Minh rạng sáng).

Nam Bộ, vùng đất thành đồng của đất nước trong chiến tranh, ngày nay vẫn là vùng đất thành đồng của hòa bình, của cuộc sống mới đang thay da đổi thịt. Điều đó hiện lên rất rõ trong Nơi thành đồng Tổ quốc của Trần Thế Tuyển.        

(Đọc Nơi thành đồng Tổ quốc, tập truyện kí của Trần Thế Tuyển, NXB Văn học, 2021)

Hà Tùng Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất