Thực trạng hệ giá trị văn học - nghệ thuật

Hệ giá trị nói chung và hệ giá trị văn học- nghệ thuật nói riêng là những phạm trù kép, rất rộng lớn, đến mức hiện chưa tìm được tiếng nói chung trong giới học thuật cũng như trong đời sống xã hội về việc xác định nội hàm và ngoại diên của khái niệm “hệ giá trị”. Bởi lẽ sẽ không bao giờ có một hệ giá trị chung đủ tầm bao quát một cách đầy đủ nhất cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và con người từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, tôn giáo… Cũng bởi thế ở mỗi lĩnh vực lại có một hệ giá trị riêng. Lại nữa, có hệ giá trị của cá nhân, cộng đồng, dân tộc và nhân loại. Ở đó còn có hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị trung tâm, hệ giá trị phổ quát,...

Hệ giá trị văn học - nghệ thuật

Xem xét hệ giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật, xin không đi sâu bàn đến Hệ giá trị tác giả. Đương nhiên khi đề cập đến tác phẩm không thể không đề cập đến tác giả trong tư cách là chủ thể sáng tạo ra tác phẩm, chứ không phải trong tư cách con người cá nhân tác giả.

Hệ giá trị văn học nghệ thuật bao hàm nhiều giá trị thành phần như: giá trị tư tưởng, triết học, chính trị; thẩm mỹ; cấu trúc tác phẩm; ngôn ngữ biểu đạt; giọng điệu; văn hóa; nhận thức; giáo dục; giải trí, giá trị cá nhân, xã hội và giá trị dân tộc, nhân loại,... Tất cả những giá trị ấy đều được thông qua hệ thống hình tượng tác phẩm, nhân vật, tính cách, ngôn ngữ biểu đạt với điệu tâm hồn đặc trưng mang đậm dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tạo.

Thực trạng hệ giá trị văn học - nghệ thuật - 1

Ảnh minh họa

Có một thực tế là lâu nay, khi xem xét hệ giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật người ta dường như chỉ quan tâm đến hai giá trị cốt lõi là tư tưởng và thẩm mỹ, mọi giá trị khác vốn có của tác phẩm thường bị xem nhẹ hoặc có khi bỏ qua, không đề cập đến. Đấy là phương cách nghiên cứu, phê bình vừa hời hợt, thiếu tinh nhạy và cụ thể trong quan sát, vừa đại khái, sơ lược trong tư duy, theo kiểu nói cho xong noi lấy được.

Lẽ ra người nghiên cứu và phê bình phải chỉ ra cho được những chi tiết, hình ảnh, hình tượng, đoạn thoại hay giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu, từng khúc thức của bài thơ, câu chuyện nào đấy, mang trong nó giá trị gì. Thay vì như thế, người ta lại quy kết, theo kiểu chụp mũ cho bài thơ ấy, câu chuyện ấy là có tư tưởng lành mạnh, có giá trị thẩm mỹ cao hoặc có tư tưởng phản động, phản thẩm mỹ. Vậy thôi. Còn lành mạnh hay phản động ở chỗ nào, giá trị thẩm mỹ cao hay phản thẩm mỹ ra làm sao thì người ta lại không chỉ ra được mà chỉ mơ hồ cảm thấy nó là như vậy. Và thế là vô tình người ta đã khẳng định hoặc phủ nhận toàn bộ các giá trị vốn có khác của tác phẩm.

Điều quan trọng nhất đối với nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình không chỉ nắm vững lý thuyết chung về hệ giá trị văn học nghệ thuật của tác phẩm, mà cần hiểu biết một cách tường tận, cụ thể và chi tiết về các giá trị thành phần tạo nên hệ giá trị ấy. Mỗi một giá trị thành phần là một nhát cắt, hệ quy chiếu độc lập với các giá trị thành phần khác. Tuy nhiên chúng luôn có sự giao thoa, tiếp biến, hỗ trợ hay bài trừ lẫn nhau. Và mỗi một hình tượng hay tác phẩm có thể hàm chứa trong nó nhiều giá trị thành phần.

Chẳng hạn hình tượng chị Út Tịch trong tác phẩm truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi hàm chứa trong nó rất nhiều giá trị khác nhau của hệ giá trị văn học nghệ thuật. Chị Út Tịch vừa là con người cá nhân bằng xương, bằng thịt, rất cụ thể từ lời ăn, tiếng nói đến những suy nghĩ và hành động kiên quyết chiến đấu đến cùng chống lại bọn cướp nước và bè lũ bán nước, bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước với những câu nói rất nổi tiếng mà không mấy ai không biết: “Còn cái lai quần cũng đánh” hay “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Điều ấy cũng là đại diện cho người phụ nữ Nam Bộ, phụ nữ miền Nam và phụ nữ Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta cách đây gần 2/3 thế kỷ. Hình tượng chị Út Tịch không những chỉ mang giá trị cá nhân chị ấy, mà còn mang giá trị văn hóa vùng miền, giá trị giới nữ, giá trị dân tộc Việt Nam và thậm chí là giá trị nhân loại phổ quát về vai trò của người phụ nữ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. 

Như vậy nếu coi hình tượng này chỉ có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, tuy không sai, nhưng chưa đầy đủ và không thỏa đáng.

Thực trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn trong văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay

Phải nói rằng, tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn diễn ra khá phổ biến hiện nay, mà người hứng chịu hậu quả này trước hết là công chúng văn học nghệ thuật một lực lượng đông đảo vừa là chủ thể tiếp nhận, vừa là trọng tài trung thực nhất và có đủ thẩm quyền phán xét về hệ giá trị văn học nghệ thuật nước nhà trong mọi thời đại.

Từ khi nước ta mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế và khu vực, lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng cũng từng bước được “cởi trói” theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị. Đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới”, đã ban hành ngày 28 tháng 11 năm 1987 và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đã ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2008. Đây là hai Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị dành riêng cho lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật, trong gần 20 năm kể từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới nền kinh tế và mở của hội nhập quốc tế và khu vực (1986- 2008).

Quãng thời gian gần 20 năm ấy là đủ để cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ta nhìn nhận, đánh giá những ưu, nhược điểm trong tiến trình phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà để vạch ra những định hướng cho các thời kỳ phát triển tiếp theo. Về ưu điểm Nghị quyết 23 nêu rõ văn học nghệ thuật nước nhà thời gian qua đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận: “Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Văn học nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cải ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định... Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng”.

Tuy nhiên Nghị quyết cũng đã nhìn thẳng vào sự thật những hạn chế ở nhiều lĩnh vực khác nhau: “Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí.

Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước... Tình trạng nghiệp dư hoa các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên”...

Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó...

Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp... Một số sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Một số đài truyền hình đã phát những chương trình ca nhạc, phim... không lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng. Nhìn chung, còn ít sản phẩm văn hoá đến được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Những đánh giá, nhận định của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 23 cách nay đã hơn một thập kỷ về những gì mà văn học nghệ thuật chúng ta đã làm và chưa làm được đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn. Sự loạn chuẩn và lệch chuẩn ấy trước hết biểu hiện ở khía cạnh tư tưởng chính trị.

Những sáng tác của nhóm “Mở miệng” cùng Nhà xuất bản “Giấy vụ” và cuối cùng là luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) mang tên Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, xuất bản năm 2010 là điển hình cho sự loạn chuẩn và lệch chuẩn về tư tưởng chính trị. Nhã Thuyên đã tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ, đòi thiết lập một chế độ đa nguyên chính trị: “Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép”... Và cuối cùng, cô ta đã công khai thái độ đồng lõa với tư tưởng chống Cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ ta, mà Mở Miệng chỉ là một nhóm nhỏ, trong đó: “Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một vần nằm ở từ khóa Cộng Sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ”...

Còn biểu hiện về sự loạn chuẩn và lệch chuẩn ở những sáng tác của nhóm “Ngựa trời” trong tập thơ mang tên “Dự báo phi thời tiết” hay là “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, “Lê Vân: Yêu và sống” của Lê Vân,... lại nghiêng về khía cạnh đạo đức và lối sống. Riêng nhóm “Ngựa trời” đã bị báo Công an nhân dân số ra ngày 07/02/2006 phê phán thẳng thắn về những bài thơ khơi gợi dục tính với lời lẽ, ngôn ngữ tục tĩu.

Cùng với đó, nhiều tác giả trẻ đã lao mình như những con thiêu thân trước ánh đèn, khởi dựng lên những truyện ngôn tình đầy ủy mị, khổ đau trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, khiến cho nhiều bạn trẻ nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ toàn một màu xám xịt mất phương hướng và lối thoát trong cuộc sống...

Bên cạnh đó cũng phải nói đến một số người nhân danh “văn học đại chúng” hay “văn chương thị trường” để vừa hạ thấp giá trị thẩm mỹ của tác phẩm văn học nghệ thuật, vừa khoét sâu vào mặt trái của xã hội một cách thô thiển, vồ vập cứ như là cuộc sống xã hội của chúng ta hôm nay toàn những người xấu và việc xấu, sờ đâu cũng thấy mánh khóe lừa gạt trong làm ăn, sờ đâu cũng thấy trộm cắp, đĩ điếm, tử tội, nghiện hút, sờ đâu cũng thấy tham nhũng,... làm xói mòn lòng tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, và chế độ ta. Trong khi đó vẫn còn biết bao tấm gương xả thân hy sinh vì cộng đồng của đội ngũ y tế, quân đội, công an và cả cộng đồng cũng như toàn hệ thống chính trị.

Những điều ấy không chỉ vắng bóng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay, mà đâu đấy có những kẻ không làm gì giúp đồng bào, còn đang tay ném đá, chê bôi, dè bỉu những việc làm thiện nguyện, không những làm cho những tấm lòng thiện nguyện nhói đau, mà còn có nguy cơ đánh đồng, cao bằng lẫn lộn giữa lòng tốt và sự vô cảm, giữa cái thiện và cái ác, giữa nhân

tính và vô nhân tính...

Hướng tới xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Vì thế Nghị quyết đòi hỏi tất thảy chúng ta, những người cầm bút cần phải: “Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.

Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch... Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.

Thực trạng hệ giá trị văn học - nghệ thuật - 2

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Trên cơ sở khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Như vậy về chủ trương, đường lối, định hướng phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà đã được các xác định. Vấn đề còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ chủ quan của những người cầm bút sáng tác cũng như giới lý luận, phê bình văn học.

Để có thể sáng tạo ra và bảo vệ những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị trên tinh thần dân tộc và hiện đại, trước hết các văn nghệ sĩ cần phải quán triệt một cách sâu sắc, toàn diện và triệt để tinh thần của hai Nghị quyết nói trên và bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi chuyển hóa tinh thần ấy vào trong tác phẩm và công trình nghiên cứu về văn học nghệ thuật của mình, tránh chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, cũng như chạy theo những mối lợi về kinh tế trước mắt mà bẻ cong giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại. Không thể nhân danh bất cứ cái gì mà quay lưng lại với cộng đồng, đất nước, dân tộc, với đại bộ phận công chúng có thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, tiến bộ.

Mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế và khu vực là tiền đề để chúng ta mở cửa giao lưu và tiếp biến văn hóa một cách chủ động có chọn lọc những yếu tố phù hợp với đặc tính và truyền thống văn hóa dân tộc về tâm lý, đạo đức cũng như những thuần phong mỹ tục đầy tinh thần nhân văn của ông cha ta gây dựng bao đời nay mới có được.

Muốn có những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và thẩm mỹ, cũng như những giá trị khác trong hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại, trước hết cần phải phát huy nội lực từ phía bản thân nhà văn trên tinh thần suốt đời đồng hành cùng đất nước, dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở ấy mới tính đến câu chuyện tiếp thu những tinh hoa của văn học nghệ thuật thế giới. Nếu không xác định được như vậy, trong khi tiếp thu tinh hoa của nhân loại, nhà văn rất có thể tha cả rác thải, cặn bã của các nước khác đem về nhà mình mà cứ tưởng đấy là đang tiếp thu những tinh hoa văn hóa và văn học nghệ thuật của nhân loại.

Đỗ Ngọc Yên

Tin liên quan

Tin mới nhất