Vài suy nghĩ về sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay (*)

Câu hỏi “Làm sao để nền văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay có nhiều tác phẩm lớn?” được giới sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật đặt ra từ khoảng sau năm 2000 và gần đây lại trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo lớn. Trăn trở thì nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Thế nào là một tác phẩm lớn?

Cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào có nội hàm đáp ứng các yêu cầu lý giải thế nào là tác phẩm lớn. Nhưng có thể nói tựu trung là tác phẩm văn học nghệ thuật lớn đề cập đến những khát vọng con người, thức dậy trong con người sự tự ý thức sâu xa về vấn đề thân phận, nhân sinh, tình yêu... Tác phẩm lớn thường tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt khi công chúng tiếp nhận. 

Riêng trong lĩnh vực lý luận - phê bình, sự không có “chuẩn” này vẫn tiếp tục kéo dài. Ngay trong các ban giám khảo của các cuộc thi, các cuộc xét giải thưởng, quan niệm này cũng chưa có tiêu chí thống nhất.

Cơ chế xác định tác phẩm hay, xuất sắc thuộc về quá trình nghiên cứu, thẩm định khoa học, đòi hỏi phải có so sánh, đối chiếu... Tác phẩm lớn là tác phẩm đã đạt đến độ chín muồi về mọi mặt từ nội dung đến các thủ pháp biểu hiện hiện thực bằng các phương tiện đặc thù của văn học nghệ thuật. Tác phẩm lớn phải là sản phẩm độc đáo, sáng tạo, đặt ra được những vấn đề cốt lõi đối với nhân sinh và được viết bằng một cách tân nghệ thuật bản lĩnh, phong cách độc đáo.

Tác phẩm lớn phải mang hơi thở của một thời nhưng cũng là khao khát của mọi thời; là câu chuyện riêng của một dân tộc, một vùng đất nhưng là câu chuyện chung của loài người; là câu chuyện của một người nhưng mang bóng dáng thân phận của nhân loại; là sản phẩm từ một nền văn hóa, nhưng có thể là vinh dự chung của nhiều nền văn hóa. Trong thời kỳ hiện đại, tác phẩm lớn khước từ những định kiến thẩm mỹ hẹp hòi, nó mở ra cho người đọc cơ hội tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật từ những góc độ khác nhau, từ những yêu cầu thẩm mỹ không giống nhau.

Phải chăng văn học nghệ thuật hôm nay chưa có tác phẩm lớn? 

Có một hiện tượng như ca khúc Nhật ký của mẹ hiện được phổ biến trên hàng chục quốc gia. Năm 2015, tác phẩm này của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung do ca sĩ Hiền Thục thể hiện được ghi danh vào top 10 ca khúc hay nhất thế giới. Trung tâm sản xuất Âm nhạc Casa Musica tại Đức đưa vào Tuyển tập những ca khúc hay nhất thế giới - The Best Vol 36, phát hành ngày 10/8/2015 thông qua kênh phân phối Mailoider và các cửa hàng trên toàn thế giới.

Vài suy nghĩ về sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay (*) - 1

Ca sĩ Hiền Thục trình diễn ca khúc “Nhật ký của mẹ” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung. Thành công của ca khúc được xem như “hiện tượng cá biệt” của văn học nghệ thuật hiện nay.

Tuy nhiên, hiện tượng trên là cá biệt.

Một nền văn học nghệ thuật lớn phải được làm nên bởi những tác phẩm lớn. Sự thiếu vắng tác phẩm lớn luôn làm những tấm lòng thiết tha với văn học nghệ thuật nước nhà âu lo, trăn trở. Tác phẩm lớn không chỉ là nỗi trông ngóng của xã hội, mà trước hết là nỗi sốt ruột của mỗi người viết yêu nghề. Tình hình ấy càng kéo dài, thì công chúng chán nản đã đành, mà người sáng tạo cũng mặc cảm mắc nợ. Công bằng mà nói, ở Việt Nam thời gian qua có không ít tác phẩm hay. Nhưng, hay và hay tầm cỡ là hai điều khác nhau rất xa. 

Có thời, người ta xem tác phẩm lớn phải xứng đáng với hiện thực vĩ đại của những chặng lịch sử vừa rồi. Yêu cầu ấy thật ra chỉ thỏa mãn cho một quan niệm xưa cũ về sáng tạo văn học nghệ thuật: nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại. Trong khi đó, người đọc thời nay không còn hứng thú với tác phẩm của những nhà “thư ký”.

Chưa có tác phẩm lớn, phải chăng vì thiếu những điều kiện khách quan tác động? Chúng ta thường viện cớ văn nghệ sĩ phải lo toan đời sống áo cơm và nhuận bút rẻ mạt. Nhưng, có thực đó là lý do? Các tác phẩm tầm cỡ của thế hệ nhà văn 1930-1945 đã ra đời lúc họ bị chuyện áo cơm thường xuyên thúc bách. Khốn khổ như vậy nhưng thế hệ ấy đã để lại di sản văn học nghệ thuật rực rỡ.

Một trong những lý do khác được viện ra để biện hộ là chuyện tự do sáng tác. Có hai lĩnh vực: tự do sáng tạo và tự do công bố thành quả sáng tạo. Tuy nhiên, sáng tạo, về căn bản, phụ thuộc vào tự do bên trong: tự do tư duy. Tự do này không ngoại lực nào có thể tước đoạt được, trừ khi người sáng tạo tự ràng buộc mình. Vậy thì xem ra chỉ có hai thế lực định đoạt tự do tư duy: bản lĩnh và năng lực của chính người sáng tạo.

Lịch sử cho thấy nhiều nghệ sĩ lớn đã vượt qua những rào cản để sáng tạo tác phẩm lớn như Nguyễn Du viết Truyện Kiều, Pasternak viết Bác sĩ Zhivago…. Nếu sợ cấm đoán, làm sao các tác giả ấy sản sinh được những kiệt tác như thế cho dân tộc và nhân loại! 

Chưa có tác phẩm lớn, câu trả lời thành thực nhất vẫn thuộc về cái tâm và cái tài... Lâu nay, thói quen đã tạo thành “quán tính bằng lòng”, những cảm xúc vặt vãnh đã lấn át những điều lớn lao, khiến cho nền văn học nghệ thuật thiếu những tinh thần nhân văn mới. Công chúng ngày một thay mới (thế hệ, cảm xúc thẩm mỹ thời đại…) đã và đang lạnh nhạt với thứ văn học nghệ thuật đóng băng trong những cảm xúc, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật… cũ kỹ.

Nhưng, điều đáng nói nhất trong những thiếu hụt là ở cái tâm. Dạng nghệ sĩ tâm huyết xả thân vì nghề không nhiều. Không có tâm huyết lớn, khó có thể không bị phân tâm theo đuổi nghệ thuật lớn được? Tâm huyết theo đuổi những sáng tạo tầm cỡ thường bị lấn át bởi ham mê làm những tác phẩm tầm tầm. Có tâm huyết lớn chưa chắc đã nảy sinh những tác phẩm lớn. Tuy nhiên nếu không có tâm huyết lớn, chắc chắn sẽ không có sáng tạo lớn. 

Lý do căn bản nhất vẫn là thiếu tài năng. Nhiều người cho rằng thế hệ vàng, thế hệ tài năng đã qua, còn thế hệ hôm nay chưa kịp tiếp nối do thiếu tài năng. Nhận định này có những vấn đề chủ quan cần xem lại, như tác phẩm văn học nghệ thuật bây giờ nhiều hơn, phong cách thể hiện phong phú hơn, cách thức tiếp nhận của công chúng hiện nay đã khác xưa (dành thời gian cho mạng xã hội, nghe nhìn hơn là đọc…)…; nhưng nhận định trên không phải là không có lý khi hiện tại ít có tên tuổi tác giả được công chúng cả nước biết đến như thời trước.

Vài suy nghĩ về sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay (*) - 2

Ảnh minh họa.

Để có tác phẩm chất lượng

Thứ nhất, triển khai sâu rộng và thống nhất các quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật.

Những Nghị quyết của Trung ương gần đây về văn hóa, văn học nghệ thuật thể hiện sự đổi mới rất căn bản về tư duy văn hóa và lãnh đạo văn hóa của Đảng, đáp ứng những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước và sự mong đợi của văn nghệ sĩ. Sự đồng thuận mới tạo ra những chuyển động đáng mừng, tư duy sáng tạo mở thoáng. Đời sống văn học sống động, tiếp cận mau lẹ với hiện thực mới. 

Trong Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống… Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”.

Tư tưởng chỉ đạo của Đảng như vậy là mới và thoáng. 

Tuy vậy, vẫn có những nội dung của Nghị quyết về văn học nghệ thuật chưa đi vào cuộc sống. Giữa định hướng và hiện thực cuộc sống vẫn còn độ vênh nhất định, cho nên người sáng tạo có sự lúng túng, sáng tạo như thế nào để không rơi vào công thức, để không rơi vào bôi đen; và làm như thế nào để công chúng tiếp nhận cảm thấy không nhạt nhẽo. Nhiều nghệ sĩ đã chọn giải pháp an toàn như trốn vào đề tài lịch sử quá khứ, giải trí, nhẹ nhàng. 

Công chúng có quyền đòi hỏi văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm chất lượng. Công chúng nghệ thuật có đầy đủ lý do để hy vọng về những tác phẩm lớn sẽ xuất hiện trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đủ bản lĩnh và trình độ nghệ thuật để hòa nhập vào nhân loại qua sứ giả văn hóa. 

Thứ hai: Bởi vậy bản thân văn nghệ sĩ nên chủ động trang bị cho mình những điều kiện cần, liên quan đến quá trình sáng tạo: vốn văn hóa, vốn sống và những kỹ năng sáng tạo. Vốn văn hóa không chỉ là tri thức về các bộ môn văn hóa mà quan trọng hơn là ứng xử nhân văn của người sáng tạo sau khi hấp thu những tinh hoa văn hóa ấy. Một nghệ sĩ lớn phải có căn cốt văn hóa. Văn hóa còn là cách hành xử với đời, với người, với tạo vật, với tiếng mẹ đẻ. Vốn văn hóa sẽ giúp cho văn nghệ sĩ có cái tâm hy sinh vì nghệ thuật. Thế hệ trẻ hôm nay ít có mối quan hệ gắn bó với đời sống của nhân dân như các thế hệ trước, họ thích thú chui vào “tháp ngà” để trau chuốt những mỹ từ, những độc, lạ. Tác phẩm của họ trở nên xa lạ với cuộc đời cần lao, những ước mơ giản dị - ấm no, hạnh phúc, tự do... Đó là việc cần khắc phục.

Vốn sống cũng không phải là những tri thức cuộc sống đã được nạp đầy trong trải nghiệm, mà là những tri thức giúp người sáng tạo hóa thân vào mọi nhân vật. 

Kỹ năng sáng tạo cũng không chỉ đơn giản là những chiêu mới, lạ, độc tích cóp từ những trường phái tân kỳ, hiện đại, hậu hiện đại...; mà là kỹ năng đã trở thành ứng xử nghệ thuật của người sáng tạo. 

Một vấn đề nữa rất quan trọng là tri thức về triết học, vốn thường được hình thành từ việc học trải nghiệm đời sống của người sáng tạo. Điều đáng lưu ý đối với văn nghệ sĩ, đây là dạng tri thức triết học đã được cảm xúc hóa khi chuyển tải thông điệp trong tác phẩm. Các tác phẩm lớn đều ít nhiều mang tư tưởng của tác giả, với những cảm xúc triết học đã chạm đến trái tim nhân loại. 

Đọc Nguyễn Du, có thể thấy từ thơ chữ Hán đến chữ Nôm đều bàng bạc một cảm niệm triết học về nỗi đời dâu bể, phận người chiếc lá. Nhạc Trịnh Công Sơn được công chúng thuộc và hát nhiều cũng một phần do tải được những quan niệm triết học về thân phận và tình yêu.

Có tri thức triết học lớn chưa chắc đã có sáng tạo lớn, nhưng một tác phẩm lớn thì không thể thiếu tư tưởng triết học./.

(*) Bài tham luận trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Tin liên quan

Tin mới nhất