Xuân: Từ một ký hiệu thi pháp trong thơ Việt... đến Phan Bội Châu

Xuân, một ký hiệu thi pháp đi suốt diễn trình sáng tác của nhà thơ từ thời trẻ đến những tháng năm tuổi già bị chính quyền chiếm đóng quản giam tại Huế. Có thể quan sát xuân trong mấy thi phẩm tiêu biểu ở các thời kỳ sáng tác chính qua các ký hiệu xuân trực tiếp và các ký hiệu nghệ thuật khác: năm mới, tết…

1. Ký hiệu văn hóa nghệ thuật là thi pháp của văn học

Có cách gọi khác tương ứng: Thi pháp là văn hóa thẩm mỹ của văn học. Thi pháp - giá trị văn hóa của sáng tác văn học được nhận thức từ chính hệ thống các yếu tố của văn bản ngôn từ tác phẩm như là hệ thống chiếm ưu thế quyết định. Các yếu tố ngoài văn bản không đóng vai trò quyết định nhưng cũng có thể giúp người đọc tham khảo để làm rõ thêm định hướng hoặc phương pháp tiếp cận giá trị văn hóa của tác phẩm.

Thi pháp là hệ thống ký hiệu văn hóa nghệ thuật ngôn từ. Giá trị của tác phẩm là kết quả của sự cộng hưởng văn hóa trong luật chỉnh thể của sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Một yếu tố ký hiệu ngôn từ nghệ thuật có thể xuất hiện ở nhiều tác phẩm của cùng một tác giả hoặc của nhiều tác giả trong cùng một thời đại và ngay cả với Lịch sử văn học nói chung. Xem xét, tiếp nhận giá trị của ký hiệu văn hóa nghệ thuật đó vừa phải thấy được sự gặp gỡ tương thích giữa các hiện tượng văn hóa nhưng quan trọng hơn là nhận được những giá trị đặc thù trong sáng tạo của mỗi nhà văn và tác phẩm.

Xuân trong thơ Việt Nam trung đại (trước Phan Bội Châu) là một ký hiệu văn hóa nghệ thuật biểu trưng cho một quan niệm độc đáo và sâu sắc của người Việt trong quan hệ với thiên nhiên. Xuân của tự nhiên trong thơ Việt chủ yếu không phải là những ký hiệu - miêu tả mà là những ký hiệu - quan niệm. Nghĩa là với xuân, con người ký thác quan niệm của mình về sự tiến hóa mới mẻ của ý thức xã hội, về khát vọng vượt qua biên ải của những gì là cũ kỹ, bảo thủ, tưởng như bất biến để giải phóng những năng lực và nhu cầu nhân tính cho một cuộc sống của con người với tư cách chủ thể. Xuân trong thơ Việt còn là ký hiệu của niềm tương tri, tương cảm của người thơ về những phẩm chất, cái đẹp, niềm vui sống và cả những nỗi buồn đau, bi kịch của kiếp người. 

Trước khi đến tìm xuân trong thơ Phan Bội Châu xin cùng bạn trở về một vài ký hiệu xuân đặc biệt trong thơ Việt. Xuân tự nhiên trong thơ Việt vươn tới những cách nhìn nghệ thuật “khách thể hóa tâm trạng” hoặc “tâm trạng hóa khách thể”.

1.1. Lý Trường (1052-1096) - một nhà sư và là một nhà thơ đời Lý - thời Phật giáo là quốc giáo của Việt Nam - trong bài thơ viết khi mình lâm bệnh đã gửi vào xuân một quan niệm sống muốn vượt thoát những lý thuyết tưởng như bất biến trong chính hệ ý thức - tôn giáo của mình để hướng tới sự đổi mới, sức sống mới của con người, loài người. Đó là bài thơ (nguyên là một bài kệ): Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) mà ta thường biết đến tên tác giả là Mãn Giác Thiền Sư (phật danh của Lý Trường).

Nguyên văn chữ Hán: Xuân đáo bách hoa khai/ Xuân khứ bách hoa lạc/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch nghĩa: Xuân đến trăm hoa nở/ Xuân qua rồi trăm hoa rụng/ Sự đời đuổi nhau qua trước mắt/ Tuổi già đến trên đầu/ Chớ bảo mùa xuân tàn rồi hoa rụng hết/ Đêm qua, trước sân một cành mai nở. 

Bốn câu đoạn một của bài thơ ngắn gọn như hình thể của tục ngữ nhằm nói đến hai hiện tượng đã được khẳng định là quy luật: Một của tự nhiên: Xuân đến hoa nở, xuân qua hoa rụng; và một của con người: con người chứng kiến sự đời qua nhiều rồi thì tuổi già đến. Quy luật ấy đã biến thành tư duy lý thuyết về sự tuần hoàn của tự nhiên dẫn quyết sự luân hồi của kiếp người. Nhưng trong tư duy thực tiễn của nhà sư - thi sĩ, quy luật ấy không tuyệt đối bất biến. Hai câu cuối của bài thơ dài hơn với hai từ mở đầu: Mạc vị - chớ bảo rằng - như một phát ngôn phản biện với lý thuyết trên. Đây! Cái cá biệt tức thời nảy nở khi thời vụ xuân đã qua rồi như một hiện tượng hiện thực: cành mai nở trong không gian thực tại, ngay đây: Đình tiền (trước sân), và trong thời gian gần gũi tức thì: tạc dạ (đêm qua). 

Thời vụ xuân đã đi qua nhưng sức sống của xuân lại sáng tạo giá trị mới. Ký hiệu xuân trong quan niệm nghệ thuật của bài thơ biểu thị một cách nhìn năng động của nhà sư vào “Biện chứng của tự nhiên” để thể hiện cái nhìn biện chứng với cuộc sống con người, dù thời đó chưa có khái niệm biện chứng. Đó là cái nhìn từ “quyền lực của thực tiễn” (khái niệm của Marx). Thực tiễn cuộc sống vượt lên cả kinh bổn lý thuyết tưởng như đã nhất thành bất biến. 

Nếu xuân trong Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền Sư nghiêng về ký hiệu triết luận thì xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) lại là ký hiệu hình tượng.

1.2. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng đến 46 từ xuân (trong 44 câu thơ) với nghĩa khởi thủy là mùa xuân, mùa thứ nhất trong bốn mùa của của một năm. 

Ký hiệu xuân trong Truyện Kiều hết sức phong phú do cách nhìn nghệ thuật của nhà thơ. Đó là cách chuyển vị tư duy từ tư duy thông tin thành tư duy nghệ thuật để biểu trưng cho giá trị của sức sống, khát vọng nhân tính cùng vận mệnh của con người. Xuân trong Truyện Kiều là một ký hiệu thi pháp đa nghĩa.

Mở đầu là xuân của ngày thanh minh: có xuân trong cách nhìn điểm chỉ không gian: một vài chấm trắng hoa lê bé nhỏ điểm vào thảm xanh cỏ xuân bao la đến tận chân trời. Xuân đẹp, nhưng phép đảo ngữ câu thơ và cái nhìn điểm chỉ không gian đã không còn là một ký hiệu miêu tả ngoại cảnh mà đã thành một ký hiệu tâm trạng - quan niệm: trong cái hun hút thăm thẳm “tận chân trời xuân có một “cá thể” xuân nhỏ nhoi cô độc. Từ đó đến xuân của con người với dập dìu tài, sắc, nô nức yến anh mà chỉ có Thúy Kiều phát hiện ra trong cái biển xuân ngổn ngang ấy một mảnh hồng nhan “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” dưới nấm mồ cỏn con hiu hắt “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Đâu rồi cảnh “Cỏ non xanh tận chân trời”. Phép điểm chỉ không gian thành điểm chỉ một kiếp người. Tương phản không gian cỏ xuân thành sự tương phản của số phận con người. Và trong đám hội xuân nô nức, dập dìu” ấy duy nhất một người đã khóc: Thúy Kiều.

Nhưng đó cũng là một buổi chiều xuân đặc biệt, một “buổi chiều bất tử” (chữ của Phan Ngọc). Một chiều xuân ghi nhận sự phát khởi một tình yêu, một khát vọng nhân tính của con người mà hàng nghìn năm rồi “trái tim bị đè không dám đập” dưới sự cầm tù của hệ ý thức và giáo lý thù địch với con người. “Khóa xuân…”, cấm đoán tự do nhưng tình yêu Thúy Kiều, Kim Trọng đã bừng dậy trong sức sống của mùa xuân như là quy luật của quyền lực thực tiễn cuộc sống muôn đời của con người.

Nhưng rồi buổi chiều xuân “bất tử” chỉ còn bất tử trong lòng người thôi. Vì Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay. Mười lăm mùa xuân trôi dạt, bao nhiêu ngày xuân ở nơi cuối đất cùng trời bị các thế lực bạo tàn chà đạp, Thúy Kiều “Nào biết có xuân là gì”. Mười lăm mùa xuân quằn quại trong bùn lầy, chiến đấu một cách đơn độc để mong trở về với buổi chiều xuân bất tử của tình yêu. Màn kết Truyện Kiều - Kim Kiều tài hợp là một kết thúc đa nghĩa. Những tưởng khát vọng xuân của “buổi chiều bất tử” truyền sức mạnh của tình yêu để Kim, Kiều tìm đến một cuộc sống hạnh phúc trong “vườn xuân… muôn đời”. Nhưng hơn ai hết, Thúy Kiều tự nhận thức được tất cả bi kịch của tình yêu, bi kịch của một khát vọng nhân tính của con người muôn vươn tới hài hòa. Nàng ý thức sâu sắc rằng mình đã chết theo mặt nước chân mây rồi. Việc gặp lại cả nhà, từ điểm nhìn của nàng chỉ là màn tái thế tương phùng thôi. Từ chối sống với Kim Trọng trong hạnh phúc của tình yêu vì nàng tự thức “Sự đời đã tắt lửa lòng”. Tìm đến chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo nhưng lại cùng với người yêu thường trú dưới một mái nhà. Đó là một án tù chung thân mãn kiếp của tình yêu. “Vườn xuân… muôn đời” ở thời đại ấy cũng như nhiều thời đại khác là một vườn xuân ảo tưởng, một thiên đường hư vô, siêu thực khi con người với tất cả khát vọng và năng lực nhân tính của mình phải tiếp tục đối mặt với các thế lực bạo tàn thù địch với lý tưởng nhân văn - nhân đạo của loài người.

2. Xuân trong thơ Phan Bội Châu (1867 -1940) là một hiện tượng văn hóa - nghệ thuật đặc biệt

Xuân, một ký hiệu thi pháp đi suốt diễn trình sáng tác của nhà thơ từ thời trẻ đến những tháng năm tuổi già bị chính quyền chiếm đóng quản giam tại Huế. Có thể quan sát xuân trong mấy thi phẩm tiêu biểu ở các thời kỳ sáng tác chính qua các ký hiệu xuân trực tiếp và các ký hiệu nghệ thuật khác: năm mới, tết… 

Bài thơ có xuân đầu tiên viết vào thời tuổi trẻ: Hoa khai bất cập xuân (1883). Nhớ lại bông mai xuân nở khi mùa xuân đã qua của Lý Trường ở trên để cảm cái sự hoa nở không kịp mùa xuân của chàng trai trẻ Phan Văn San. Năm đó, đi thi ở phủ Anh Sơn, sau khi làm bài đạt loại ưu, được vào thi phúc hạch cùng sáu trò khác để định danh cao thấp. Cậu San đến chậm, sáu trò kia đã bắt đầu làm bài. Hoàng giáp Phạm Như Xương - chánh chủ khảo, không cho trò San làm chung đề, vẫn cho thi nhưng làm đề khác. Đề ra là “Hoa khai bất cập xuân”, có ý phê bình đi thi đến muộn. Trò San đặt bút viết ngay. Vừa được bốn câu, chánh chủ khảo tuyên bố Phan Văn San đỗ đầu rồi, không cần viết thêm nữa. Câu chuyện là một yếu tố ngoài văn bản nhưng giúp ta hiểu đúng ý nghĩa của văn bản bài thơ.

Nguyên văn: 

Đông hoằng tằng trước nhãn

Dĩ hứa bách hoa khôi

Chỉ vị khiêm khiêm ý

Phiên giao tiệm tiệm khai

Dịch nghĩa: Nhờ có chúa xuân để mắt tới/ Cho đứng vào hàng đầu trăm thứ hoa/ Nhưngvì có ý khiêm tốn/ Nên chỉ để nở từ từ. 

Đông hoàng, đông quân, chúa xuân là ký hiệu văn chương xưa nói về những gì là cao quý, bắt nguồn từ sức sống xuân theo quan niệm của người Việt: mùa xuân thuộc mộc, về phương Đông. Do thông hiểu quan niệm đó cộng hưởng với bản tính sinh ra “vẫn không thích làm người tầm thường”, Phan Bội Châu thời trẻ đã rất có ý thức về cái tài của mình nhưng rất khiêm tốn. Người tài ở thời Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ trước đó nửa thế kỷ ngạo mạn thách đố với đời, không thèm tự khiêm như chàng nho sinh này. Ý thức tự khiêm, tự nhận thức chỉ giới năng lực của mình là một bình diện nhân cách văn hóa của Phan Bội Châu.

*

Giữa giao thừa hai thế kỷ XIX và XX, trí thức Việt Nam - các nho sĩ - hầu hết đều mang cảm quan bi kịch vì chiến bại của dân tộc, vì sự thay chủ đổi ngôi và sự tan rã của đẳng cấp mình. Xuân đến trong thơ Nguyễn Khuyến (1935-1909) tới 22 bài. Hầu hết là những bài thơ buồn. Xuân như một ký hiệu khách thể hóa tâm trạng của nhà thơ: “Loạn ly xuân sắc chân vô lại/ Ưu khổ nhân tình cửu bất kham” (Xuân nhật thị chư nhi). 

Trong thơ Tú Xương (1870-1907), ký hiệu xuân còn buồn đau hơn: Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo/ Nhân tình bạc thế lại bôi vôi (Câu đối tết). 

Xuân trong thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương như một ký hiệu nghệ thuật biểu đạt niềm thủy chung với truyền thống văn hóa của dân tộc và cũng là cảm quan bi kịch của một thế hệ trí thức Việt Nam giữa giao thừa hai thế kỷ “với một nỗi chán chường buồn tủi miên man đã rủ váng vào tâm hồn của con người trí thức sau cơn “chớp bể mưa nguồn”.

Trong tình xuân đau thương, buồn tủi ấy, người ta ngơ ngác rồi chú ý lắng nghe một giọng xuân khác thường vừa cất lên trong Chơi xuân (1904) của Phan Bội Châu. Đó là phần lời của một bài ca trù, tình và nhịp thơ năng động hơn các thể thơ khác của văn học trung đại. Nhân vật đi chơi xuân bước vào tác phẩm tự định danh cho mình là một người tài trong thế giới người tài ở một mảnh đất lắm người tài: Nam, Xuân (Nam Đàn, Xuân Liễu) tự cổ đa danh sĩ. Kẻ danh sĩ này đi chơi xuân cũng thả giọng nghênh ngang như lớp tài tử cha anh thế kỷ trước: “Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi”. Giọng ấy khác gì giọng Nguyễn Công Trứ.

Nhưng từ tình xuân, giọng xuân khởi nguyên ấy, Chơi xuân giới thiệu với ta một nhân vật con người kỳ lạ với ký hiệu ngôn từ độc đáo. Bài thơ 15 câu có tới 13 động từ. Tần số động từ “tràn ngập” giúp ta nhận ngay nhân vật là một con người hành động. Giữa không khí “buồn tủi miên man” của thời đại, anh ta không “bưng tai ngoảnh mặt” làm “anh giả điếc” của cụ nghè Yên Đỗ, Cũng không “An thân mệnh thế, giấu tay anh hùng” như thầy Tú Xương. Nhân vật này có một tuyên ngôn hành động: Nước non Hồng Lạc còn đây mãi/Mặt mũi anh hùng há chịu ri.

Trong số 13 động từ có một loạt ký hiệu đặc biệt hơn chiếm phần lớn: xáo lộn, tùa, ném, xoay, nắm, đạp toang, đem, gánh vác. Các động từ này nếu tách khỏi ngữ cảnh hành chức của cấu trúc câu thơ và cả văn bản thơ thì không có gì đặc biệt. Nhưng trong cấu trúc - ngữ cảnh, chúng mang lại một ý nghĩa mới do nghĩa của các bổ tố đi sau chúng. Chẳng hạn: tùa tám cõi, xoay thời thế, nắm địa cầu, đạp càn khôn, gánh sơn hà… Các động từ bình thường đã chuyển hóa thành các động từ mạnh. Nhân vật con người hành động chuyển hóa thành con người hành động phi thường. Nó được hình dung trong những ký hiệu diễn tả những kích thước siêu việt. Nhân vật ấy là một con người ý chí không ngồi rên xiết trước bi kịch của thời thế mà phải xoay thời thế để đem xuân trở về với non nước nhà.

Nhân vật ý chí, con người hành động phi thường trong Chơi xuân có dáng dấp người khổng lồ. Người khổng lồ trong Chơi xuân là người khổng lồ của một dân tộc mất nước đang sống tủi nhục trong nô lệ. Cất mình lên khỏi ám ảnh nô lệ nghìn năm và mặc cảm thất bại cuối thế kỷ trước, Chơi xuân khẳng định sức mạnh và vai trò của con người trước sứ mệnh khôi phục non sông. Hai vai gánh vác sơn hà là lời thề non sông trước buổi lên đường đi tìm chân lý, lẽ sống mới cho dân tộc ở những chân trời mới. 

Và mùa xuân năm sau (1905) nhân vật ý chí - con người hành động ấy thực sự lên đường. Xuất dương lưu biệt không có một ký hiệu xuân nào, nhưng do những yếu tố ngoài văn bản ta nhận được bài thơ ấy viết vào một ngày xuân đầu 1905(9) trên bờ biển của tổ quốc mình để từ giã bạn bè bước vào trùng dương hấp dẫn nhưng cũng đầy giông tố và cạm bẫy bất ngờ đi tìm giải pháp thực hiện lời thề non sông đã “tuyên thệ” trong Chơi xuân. Trong ngày xuân nói lời lưu biệt ấy, một lần nữa nhân vật tuyên chiến với định mệnh: Há để càn khôn tự chuyển dời. Đặc biệt, đã xuất hiện trong bài thơ một nhân vật bước qua lời nguyền. Là một  tín đồ của Nho giáo, nghiệm sinh tất cả những gì là bất lực của lý thuyết này trước sứ mệnh cứu non sông, Phan Bội Châu tuyên bố: Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si (Hiền thánh đã xa vắng, học nữa cũng ngu). Quả là vậy, lý thuyết thánh hiền không chỉ vắng xa mà còn là nguyên nhân  của sự u ám về mặt  trí tuệ của con người.

*

Từ mùa xuân lưu biệt (1905) là 20 năm dấn thân khắp mọi chân trời Đông Á để thực hiện lời thề sông núi thuở Chơi xuân. Nhưng rồi cũng là cái “quyền lực của thực tiễn” với những thử thách và giới hạn cực lớn mà thế hệ Phan Bội Châu chưa đủ điều kiện vượt qua. Trải 20 năm oanh liệt, cuối cùng nhân vât Phan Bội Châu ngoài đời phải lâm vào bi kịch. Trở về cố quốc trong thân phận người tù bị quản thúc tại Huế, ông không còn điều kiện để cùng đồng bào, đồng chí thực hiện sứ mệnh giải phóng non sông. Nhưng thế hệ con người Việt Nam mới lại đến với ông như đến với tấm gương của ý chí hy sinh vì tổ quốc và đồng bào.

Trước tết Quý Sửu (1926) Phan Bội Châu “được” về thăm quê nhà sau 20 năm ly biệt. Theo Tôn Quang Phiệt trong bài “Phan Bội Châu từ Huế về thăm quê nhà” (Báo Nghệ An, ngày 29/12/1967): Cụ Phan có đi thăm Bến Thủy, một số thanh niên trong đó có Tôn Quang Phiệt mời cụ đi thuyền trên sông Lam. Cụ Phan đã tặng các bạn trẻ bài thơ Tặng thanh niên:

Duyên nợ mặn mà non nước cũ

Tình cờ gặp gỡ tháng ngày xuân…

Còn trời, còn đất, còn đây đấy

Ai nấy chia nhau gánh một phần.

Từ bài thơ này đến Bài ca chúc tết thanh niên quốc học Huế đến mừng năm mới cụ Phan mà báo Tân thế kỷ đăng ngày 3/2/1927, chắc một quãng thời gian gần gũi (trước và sau tết), nên ý xuân với tình người đồng cảm tương tri.

Bài ca chúc tết thanh niên có đoạn mở đầu là tình xuân đau xót của người chưa trả được duyên nợ… non nước cũ cho nên Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót. Vượt lên tâm trạng buồn đau của cá nhân, Phan Bội Châu gửi hết niềm tin, hy vọng vào thế hệ xuân mới của đất nước. Ký hiệu xuân với những động từ mạnh thể hiện con người hành động thuở Chơi xuân hai mươi năm trước lại được tác giả tin cậy gửi vào phường hậu tử: Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn/…Dựng gan óc để đánh tan sắt lửa/ Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ. Lại một lần ký hiệu xuân gắn liền với sinh lực mới của con người và tuổi trẻ đất nước để hướng tới những giá trị mới. Tình xuân vì vậy đi cùng cái mới, người mới phấn đấu cho các giá trị mới. Đành rằng “hiểu theo lối trước là chẳng phải” (Trần Nhân Tông), nhưng nhận thức được sự chẳng phải của lối trước mới có thể “mỗi lần nêu ra một lần mới”. Và chính Phan Bội Châu đã nghiệm sinh quy luật đó một cách thấu đáo để truyền lại cho thế hệ hậu tử trong lời chúc đầu xuân: Nhật nhật tân, hựu nhật tân (ngày một mới, ngày lại một mới).

Lời thề non sông buổi đầu thế kỷ đến thơ xuân, thơ Tết những năm buồn đau cuối đời của Phan Bội Châu (1925-1940) không bao giờ ly khai tâm trạng và ý thức của người thơ. Những mùa xuân về, người thơ tự hỏi: Tết mình hay tết của ai đây? (Tết). Một cuốn lịch năm mới cũng gợi lên nỗi buồn nô thuộc: Tháng Một nằm trên đầu tháng Chạp/ Ngày Nam nằm dưới đít ngày Tây (Tạ ơn người cho lịch năm mới). Một câu hỏi luôn trở về khi tết đến: Xuân sao xuân khéo bẽ bàng/ Non sông điểm ngọc tô vàng cho ai (Vịnh tết). Với 32 bài thơ xuân, tết những năm cuối đời, người thơ nói về những mùa xuân khổ, xuân buồn của đủ tầng lớp người lao động Việt: dân cày, thợ thuyền, cu ly, phu xe, học sinh, vạn chài, thầy tu, nhà văn… Xuân khổ, xuân buồn nhưng người thơ không “nhấm nháp những ưu phiền và thống khổ” mà luôn tìm tới xuân một sinh lực mới để cùng thế hệ trẻ tự vượt mình hướng theo thời mới, giá trị mới của dân tộc:

Xuân xanh với bạn đầu xanh

Mới thời mới mãi, cho mình mới theo.

(Năm hết tết đến)

Lê Văn Tùng

Tin liên quan

Tin mới nhất