Cái quạt và nụ cười của Bờm
Một bài thơ dân gian có sức sống lâu bền với cuộc đời, đặc biệt với người nông dân nơi thôn dã. Bền, vì nó có cốt truyện, có nhân vật, có các tình huống, có thắt nút và cởi nút.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim dễ
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười
Một bài thơ dân gian có sức sống lâu bền với cuộc đời, đặc biệt với người nông dân nơi thôn dã. Bền, vì nó có cốt truyện, có nhân vật, có các tình huống, có thắt nút và cởi nút. Chẳng thế mà nó đã từng được dựng thành kịch, rồi phim (!), mua được những trận cười ròn rã, ngất ngây, bằng những tình tiết hài hước, phô trương, cường điệu, có phần sa đà, suồng sã. Bài thơ - đồng dao cũng được phân tích, lý giải trên nhiều góc độ khác nhau.
Bộ phim "Thằng Bờm" của đạo diễn Lê Đức Tiến được sản xuất vào năm 1987. Bộ phim gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Không hiểu ai đã đặt tên cho bài thơ - đồng dao này là Thằng Bờm (?), mà cứ mỗi khi nhớ đến, đọc lên là hiện rõ cái danh phận của Bờm - kẻ đi ở cho phú ông, biểu thị một quan hệ bất bình đẳng giữa chủ và tớ, giữa kẻ cai trị và người bị trị trong xã hội người bóc lột người; và, hiện lên một màn hài kịch của cuộc thương lượng, đổi chác không ngang giá, mà lại còn phản giá trị về đẳng cấp, yếu tố khôi hài, gây cười và đánh lạc hướng thẩm mỹ của người thưởng thức.
Có lẽ vì vậy mà câu chuyện về Bờm lâu nay được đem ra cười cợt về một anh chàng ngốc nghếch, cù lần, chỉ biết cười và khăng khăng giữ lấy cái quạt mo chẳng đáng giá đồng chinh, không chịu đổi những vật phẩm quý giá mà phú ông đưa ra kỳ kèo.
Bề mặt ngôn ngữ và cốt truyện, đã cấp cho người đọc, người nghe, người bình phẩm hướng đó. Cũng là điều dễ hiểu, có vẻ như đương nhiên, dễ chấp nhận.
Nhưng, có thể hiểu câu chuyện - bài thơ về Bờm theo hướng khác được không? Bởi, không lý gì dân gian lại truyền tụng một sự cười cợt đến dễ dãi như vậy, mà lại nhằm vào thân phận nghèo hèn của giai tầng bị trị là chính mình.
Bài thơ có 10 câu, riêng câu thứ nhất giới thiệu: gia tài của Bờm là cái quạt mo - vật sinh chuyện, để cốt truyện phát triển ở 9 câu tiếp theo bằng sự đối đáp giữa hai nhân vật - Phú ông và Bờm trong cuộc thương lượng đổi chác. Trong 5 câu (2-4-6-8-10), Phú ông cất lời thì cả 5 lần đều buông tiếng “xin” nài nỉ Bờm.
Đặt vào miệng Phú ông tiếng “xin”, tác giả dân gian rất có chủ ý, đã hạ thấp nhân phẩm của kẻ làm chủ, kẻ cai trị trọc phú. Tiếng “xin” lặp lại 5 lần (có thể nhiều lần gấp bội nếu bài thơ kéo dài nữa), cho thấy tâm trạng rối bời và tính cách trơ lỳ của phú ông. Vậy, tại sao phú ông lại rơi vào trạng huống này? Tại sao ông ta cứ nằng nặc đòi đổi bằng được cái quạt mo trong tay Bờm một cách không ngang giá như vậy?
Tác giả dân gian sao không chọn vật nào khác, mà chọn cái quạt mo đặt vào tay Bờm, để trở thành tài sản và không muốn đổi bất cứ thứ gì của phú ông? “Cái quạt mo” phải chăng là chìa khóa để đi vào cốt lõi, ý nghĩa thông điệp mà tác giả dân gian muốn truyền đạt? “Mo”, gắn với “quạt” là “quạt mo”, gắn với “mặt” là “mặt mo”, gắn với địa vị là “quân sư quạt mở” hay “quân sư mặt mo” (gắn với chuyển động là “về mỏ, như ngày nay đang dùng).
“Thằng Bờm” được chuyển thể thành kịch.
Cái quạt mo trong tay Bờm liên đới tới cái mặt mo của phú ông. Mặt phú ông dày thật, dày như mo cau! Kẻ có quyền thế, có của cải lại phải cúi đầu “xin” kẻ tôi tớ, nghèo kiết xác. Nghịch cảnh lắm! Nhưng vì sao lại thế? “Giản dị” thôi, vì cái mặt mo của phú ông đang nằm trong tay Bờm, phải đòi, phải xin lại.
Đã nắm chắc điểm yếu của phú ông, nên Bờm nhất quyết không đổi, không trả, không lấy vật hời mà buông tha cái xấu xa, lật lọng của kẻ hà hiếp, bóc lột mình cả đời, không có cơ ngóc đầu dậy. Ở địa vị thấp (âm) phải đương đầu, đối mặt với địa vị cao (dương) của ông chủ, đày tớ Bờm đã khôn khéo ứng xử đúng luật nhún nhường bằng nụ cười, tránh/thoát mình đã sở hữu.
Không phải đến câu kết bài thơ Bờm mới nở nụ cười. Bờm cười mỗi khi Phú ông nài nỉ xin đổi chác. Bờm không chỉ có vật duy nhất trong gia tài - cái quạt mo. Bờm còn có nụ cười làm vũ khí. “Nắm xôi” đâu phải mục đích của Bờm, nên “Bờm cười”, một nụ cười rất không bình thường, nụ cười không đồng ý, không chấp nhận lời cầu xin của Phú ông.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là: Bờm không chấp nhận đổi chác những thứ phú ông đưa ra, vậy Bờm muốn gì? Câu trả lời nằm ở tầng nghĩa dưới của từng câu thơ. Rằng, Bờm mong muốn thay đổi vị thế, thay đổi thân phận; “thay đổi” chứ không phải “hoán cải” địa vị để trở thành người như phú ông. Bờm muốn thoát khỏi phận tôi tớ, thoát khỏi áp bức, được tự do. Nhưng, trong chế độ bóc lột, sự mong muốn ấy không thế xảy ra. Nguyện vọng ấy của Bờm, cũng là nguyện vọng của chung những người bị áp bức, bóc lột, chỉ đạt được bằng con đường duy nhất là đấu tranh cách mạng, như đã từng diễn ra trong lịch sử của dân tộc.
Trở lại với câu chuyện bài thơ về Bờm. Hình thức chữ nghĩa của bài thơ, ở tầng bề mặt, đã khéo léo giấu đi tính bi kịch của mối quan hệ bất bình đẳng giữa người và người trong hoàn cảnh mà bài thơ ra đời. Sự thật, ở tầng sâu, ngữ nghĩa bài thơ đã lật tẩy, phanh phui bộ mặt thật của Phú ông là giả dối, là lừa phỉnh, gian giảo; ngược lại, nhân vật Bờm đã khôn khéo đương đầu với thế lực, mặc dù cách đấu tranh đó không đem lại kết quả, nhưng cũng nói lên ý chí, sự phản kháng, không cam chịu của người nông dân trong chế độ phong kiến.
Nhìn theo chiều hướng này, bài thơ đã thay đổi vị thế của hai nhân vật, kẻ đáng khinh cười là Phú ông, người được thông cảm là Bờm. Nụ cười dân gian quả là thâm thúy!
LTS: Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là "Di sản văn hóa phi vật thể của...
Bình luận