Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

LTS: Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là bộ môn nghệ thuật ca nhạc đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh cấp quốc tế. Như vậy ở cả ba miền của đất nước ta loại hình nghệ thuật tiêu biểu của mỗi vùng đã trở thành tài sản chung của thế giới. Với miền Bắc là ca trù, miền trung là nhã nhạc cung đình Huế và miền Nam là đờn ca tài tử. Tuy ra đời mới có 100 năm nhưng đờn ca tài tử xét về phương diện phổ cập lại có sức sống và khả năng lan tỏa rộng khắp.

Đờn ca tài tử xuất hiện từ thế kỷ thứ XIX, là loại hình nghệ thuật dân gian giao thoa giữa nghệ thuật cung đình Huế với loại hình dân ca Nam Bộ. Nếu Ca trù ở miền Bắc đòi hỏi sự nghiêm cẩn, chặt chẽ trong diễn xướng, Nhã nhạc cung đình Huế đòi hỏi sự trang trọng và mang tính lễ nghi thì Đờn ca tài tử lại là sự phóng khoáng như tấm lòng cởi mở của người dân vùng trời nước Nam Bộ đi mở cõi. Đờn ca tài tử mang đậm tính dân giã. Không cần đông người thưởng thức, không cần câu nệ về nơi diễn, về trang phục, ai cũng có thể trở thành diễn viên, tài tử… vì thế Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ hàng ngày của người lao động.

Theo các nhà nghiên cứu về Đờn ca tài tử thì loại hình nghệ thuật này là sự kết hợp của nhạc dân gian Nam Bộ và nhạc cung đình Huế vào cuối thế kỷ thứ XIX. Lúc ấy ở Nam Bộ xuất hiện hai nhóm nhạc tiêu biểu. Nhóm miền Tây do ông Trần Quang Quờn chuyên biểu diễn các làn điệu dân ca dân giã của miệt vườn sông nước. Nhóm miền Đông do Nguyễn Quang Đại vốn là một nhạc công trong dàn nhạc cung đình Huế, chuyên biểu diễn các bản nhạc trang trọng, mang tính lễ nghi hoành tráng. Do bất mãn với việc phải đem Nhã nhạc phục vụ cho bọn quan thầy Pháp xâm lược, ông đã bỏ vào Nam lập nghiệp. Ông Đại tập hợp những nam nữ thanh niên có năng khiếu ca hát, dạy họ những bản nhạc cung đình.

Tuy nhiên đời sống của người dân Nam Bộ vốn phóng khoáng, công việc mưu sinh gắn liền với cảnh trời nước miệt vườn, nên các bản nhạc mang tính trang trọng nghi lễ cũng phải cải biến thay đổi cho phù hợp. Ngoài ông Đại, nhiều quan lại triều đình Huế hưởng ứng Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi cũng lấy Nam Bộ làm nơi cư ngụ sau khi khởi nghĩa thất bại. Họ đem theo các bài ca Huế và hai dòng nhạc này đã dần dần giao thoa với nhau. Đờn ca tài tử vì thế gồm chứa được cả sự phóng khoáng dân gian vừa có sự chặt chẽ của loại nhạc bác học. Đặc biệt trong nó bên cạnh sự vui tươi yêu đời là nỗi buồn xa ngái, tiếng vọng hoài nhớ cội nguồn.

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ - 1

Một tiết mục Đờn ca tài tử được biểu diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử “Hải Phòng - Miền di sản 2024”.

Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển đến đỉnh cao. Đặc thù của loại hình âm nhạc này trước hết là tầm quan trọng của hệ thống nhạc cụ. Bộ “tứ tuyệt” gồm: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu là những nhạc khí chính của Đờn ca tài tử. Sau này cùng với việc giao thoa và nâng cao chất lượng biểu diễn, Đờn ca tài tử thu nạp thêm nhiều loại nhạc cụ khác như: đàn tam, ghi ta lõm, măng đô lin, vi ô lông, sáo, song lam.

Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc được yêu thích và gìn giữ nhiều nhất ở 21 tỉnh thành Nam Bộ. Nếu các loại hình nghệ thuật tiêu biểu ở miền Băc như Quan họ Bắc Ninh chủ yếu được phổ biến ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Ca trù chỉ tồn tại chủ yếu trong các câu lạc bộ ở một số tỉnh thành, Hát Xoan phải chật vật truyền bá ở Phú Thọ, hay Nhã nhạc cung đình Huế chủ yếu do các nghệ nhân biểu diễn cho khách thăm quan… thì Đờn ca tài tử được diễn xướng thường xuyên, hàng ngày ở mọi vùng đất Nam Bộ. Đây là thế mạnh không lo thất truyền hay mai một. Hình thức trình diễn đơn giản, không cầu kỳ. Từ các sự kiện văn hóa lớn đến những dịp lễ hội, đám giỗ, đám cưới, thậm chí một buổi nhậu cũng có thể hình thành buổi biểu diễn Đờn ca tài tử. Nó phù hợp với tâm trạng buồn vui của con người trong lúc lao động, trong sinh hoạt cộng đồng. 

Ca trù miền Bắc chú trọng đến lời ca, kỹ thuật trình diễn của ca nương thì Đờn ca tài tử lại chú ý trước tiên đến âm nhạc, gọi là chữ nhạc. Bản hòa tấu của bộ nhạc khí dẫn tâm trạng người nghe vào cái mênh mang của sông nước, cái ý chí trong hành trình mở đất và cái tình, cái ý của người dân miệt vườn. Ca từ là điều hấp dẫn thứ hai. Được sinh ra nuôi dưỡng trong lòng dân cho nên hơn mọi loại hình âm nhạc nào khác, Đờn ca tài tử chính là phương tiện để bộc lộ nỗi lòng. Bất kể ai cũng có thể trở thành ca sĩ. Có lẽ vì thế mà tính chất thế tục của Đờn ca tài tử rất rõ. Ngoài những tuyệt phẩm nổi tiếng như: Dạ cổ hoài lang, Văn Thiên Tường, Ai tử kê… Đờn ca tài tử có một sức gợi mở rất lớn cho mọi người “sáng tác” những ca từ phù hợp với cảnh với tình. Khi tiếng “rạo” của dàn nhạc vang lên, mỗi người như hình thành trong lòng mình tiếng ca thể hiện tâm trạng riêng vui buồn nhung nhớ.

Đờn ca tài tử qua những năm tháng giao lưu, kế thừa tiếp nối cũng tự nâng cao chất lượng của mình và chia thành những nhánh khác nhau. Rõ nhất là việc đưa Đờn ca tài tử lên sân khấu hiện đại, trở thành một thể loại kịch hát rất hấp dẫn là hát Cải lương. Có thể nói Cải lương là đỉnh cao của Đờn ca tài tử. Tuy nhiên Cải lương phải cần đến sân khấu hoành tráng, đến số lượng đông đảo khán giả. Tiếp thu yếu tố sân khấu hiện đại nhưng mặt nào đó nó lại xa rời đông đảo quần chúng lao động ở mọi ngóc ngách của trời nước Nam Bộ. Vì thế nhánh Đờn ca tài tử nguyên bản vẫn có cái lợi thế dân giã, thế tục của mình. 

Các tỉnh thành Nam bộ có hàng ngàn câu lạc bộ Đờn ca tài tử với vài chục ngàn người tham gia. Nó nuôi dưỡng tâm hồn cho hàng chục triệu con người là một thế mạnh không một loại hình dân gian nào của nước ta hiện nay có được. Xét tiêu chí của Tổ chức UNESCO, Đờn ca tài tử Nam Bộ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất là tính cộng đồng. Xuất phát từ miệt vườn Nam Bộ nhưng ngày nay Đờn ca tài tử đã được cả người dân miền Bắc, miền Trung, các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn yêu mến, biểu diễn.

Liên hoan Đờn ca tài tử lần đầu tiên được tổ chức tại Nam bộ vào tháng 1 năm 2014 ở tỉnh Bạc Liêu. Một sự kiện rất đáng nhớ của lịch sử phát triển 100 năm của loại hình ca nhạc dân gian này. Trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, tiếng lòng người phương Nam có điều kiện bay xa, đem cái tình cái ý của người dân đất chín rồng tới với mọi người dân trên trái đất về một cuộc sống, lao động phóng khoáng yêu hòa bình của mảnh đất này.

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ - 2

Một tiết mục Đờn ca tài tử được biểu diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử “Hải Phòng - Miền di sản 2024”.

Những năm gần đây, Liên hoan Đờn ca tài tử được tổ chức thường niên ở rộng khắp các tỉnh Nam bộ, ngoài ra còn có cả Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng. Vừa qua, Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng được tổ chức tại Hải Phòng quy tụ các nghệ sĩ, diễn viên của các Nhà hát Cải lương hai miền Nam, Bắc. Liên hoan giới thiệu tới nhân dân thành phố Hải Phòng và du khách về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nguồn gốc bài ca vọng cổ, cải lương với những làn điệu có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước gây được tiếng vang lớn đối với người dân đất cảng.

Nguyễn Lê My

Tin liên quan

Tin mới nhất