Đây là 3 loại phân đạm, lân, kali có sẵn trong nhà, cây lúc nào cũng xanh mơn mởn, hoa nở rộ quanh năm
Với 3 loại phân đạm, phân lân và phân kali tự chế từ những nguyên liệu dễ tìm trong gia đình, bạn đã có thể chăm sóc cây cảnh, hoa kiểng một cách hiệu quả, giúp cây phát triển khỏe mạnh, ra hoa đẹp và bền lâu.
Bên cạnh nước và ánh sáng, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cây hoa. Khi có đủ chất dinh dưỡng, cây mới có thể phát triển toàn diện, thân khỏe, lá xanh, hoa nở to và rực rỡ. Đặc biệt, cây trồng trong chậu có lượng đất ít, dinh dưỡng hạn chế, nếu không bổ sung phân bón thường xuyên thì cây sẽ khó phát triển, thậm chí còi cọc, ít hoa hoặc không ra hoa.
Khi thiếu phân bón, cây sẽ dần yếu đi, thân lá nhỏ lại, chậm lớn, hoa nở ít hoặc không nở, thậm chí ngừng phát triển hoàn toàn.
Phân bón dành cho cây hoa thường gồm ba loại chính: đạm (N), lân (P), và kali (K). Đây là ba nguyên tố cơ bản giúp cây sinh trưởng tốt. Đáng nói, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những nguyên sẵn có trong nhà để tự làm phân hữu cơ vừa an toàn, tiết kiệm, lại hiệu quả cao hơn cả phân hóa học. Khi được bón đúng cách, cây sẽ nhanh chóng hồi phục sức sống, xanh mướt và ra hoa rực rỡ.
1. Cách tự làm phân đạm tại nhà, giúp lá xanh mướt
Phân đạm (nitơ) là yếu tố dinh dưỡng hàng đầu giúp cây phát triển cành lá, thúc đẩy quá trình phân chia tế bào, làm cho cây xanh tốt, tươi khỏe. Đặc biệt với các loại cây cảnh lá như trầu bà, trúc mây, kim tiền, cây phát tài, cây hạnh phúc… đều rất cần bổ sung phân đạm, nhất là trong giai đoạn sinh trưởng mạnh. Tin vui là bạn hoàn toàn có thể tự chế phân đạm ngay tại nhà bằng những nguyên liệu thừa từ sinh hoạt hàng ngày như:
- Nước vo gạo
Nước vo gạo tưởng chừng như bỏ đi, nhưng nếu bạn đổ vào can hoặc thùng có nắp, để lên men tự nhiên trong khoảng 1–2 tháng thì sẽ trở thành nguồn phân đạm tuyệt vời. Khi sử dụng, chỉ cần pha loãng với nước sạch để tưới cho cây, sẽ giúp cây phát triển nhanh, lá xanh mướt, thân vươn dài.
Clip: Cách ủ nước vo gạo để tưới hoa ngay tại nhà
- Bia thừa
Nếu nhà có bia uống không hết, bạn có thể tận dụng. Chỉ cần để bia lắng xuống, để vài ngày cho cồn bay bớt, rồi dùng để tưới cây hoặc lau lá. Bia lên men có chứa nhiều protein, vitamin và một lượng nhỏ nitơ, rất phù hợp để làm phân bón nhanh. Tưới bia giúp cây hấp thụ dinh dưỡng nhanh chóng qua rễ và lá, thúc đẩy cây hồi phục và xanh tốt.
- Đậu nành hỏng, bã đậu, bánh dầu
Đậu hỏng hay bánh dầu (loại làm từ đậu nành sau khi ép dầu) cũng chứa rất nhiều nitơ. Bạn có thể ngâm chúng trong nước, ủ kín vài tuần đến vài tháng để tạo thành “nước đậu” – một loại phân đạm cực kỳ hiệu quả cho cây cối. Chỉ cần tưới định kỳ, cây sẽ nhanh chóng phát triển khỏe mạnh, xanh mượt và tràn đầy sức sống.
2. Cách tự làm phân lân tại nhà, cho hoa to rực rỡ
Phân lân (phốt pho) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy cây ra nụ, đậu hoa, đậu quả. Đặc biệt với các loại cây hoa và cây ăn quả, phân lân giúp tăng số lượng và chất lượng hoa, làm hoa nở to, màu sắc đậm, đồng thời làm quả ngọt và chắc hơn. Vì vậy, nếu bạn đang chăm sóc nhiều loại cây có hoa hoặc ra quả tại nhà, đừng quên bổ sung phân lân đúng lúc.
- Vỏ trứng
Một trong những nguồn phân lân dễ kiếm và hoàn toàn miễn phí chính là vỏ trứng! Nhiều người đã quen với việc phơi khô vỏ trứng, sau đó giã nhỏ và trộn vào đất trồng. Không chỉ chứa nhiều canxi giúp cây chắc khỏe, vỏ trứng còn chứa lượng phốt pho đáng kể, rất tốt cho cây trong giai đoạn ra nụ, chuẩn bị nở hoa.
Ngoài ra, vỏ trứng nghiền nhỏ còn giúp làm tơi đất, cải thiện độ thoáng khí cho rễ phát triển. Nếu bạn kiên trì thu gom và sử dụng vỏ trứng thường xuyên, hiệu quả mang lại không thua gì các loại phân hóa học mua ngoài.
- Nước ngâm từ cá
Một loại phân lân khác rất hiệu quả là nước ngâm từ cá, đặc biệt là từ ruột cá, xương cá, vảy cá. Những bộ phận này chứa hàm lượng phốt pho và kali rất cao. Cách làm rất đơn giản, cho tất cả vào thùng kín, thêm nước, ủ trong vài tháng cho lên men. Khi dùng, lấy phần nước trong ở trên mặt pha loãng tưới cho cây, rất phù hợp cho các loại hoa "khó tính" như hồng, lan, dạ yến thảo...
Tuy nhiên, nước cá có mùi khá nồng và khó chịu khi ủ, nên chỉ phù hợp với người trồng cây ngoài sân, ban công, hoặc ở khu vực có không gian thoáng. Một mẹo nhỏ để giảm mùi là cho thêm vỏ cam, vỏ quýt khi ủ, vừa át mùi tanh, vừa bổ sung thêm tinh dầu tự nhiên tốt cho cây.
Nếu bạn trồng cây trực tiếp ngoài đất, có thể chôn trực tiếp vảy cá, ruột cá quanh gốc cây. Khi phân hủy, chúng sẽ cung cấp dinh dưỡng dần dần như một hệ thống tự bón phân cho đất, rất hiệu quả và bền vững.
3. Cách tự làm phân kali, giúp cây khỏe mạnh, chống chịu tốt
Phân kali là một trong những loại phân bón rất phổ biến và quan trọng trong chăm sóc cây trồng. Kali giúp củng cố hệ rễ, làm cho cây phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng khả năng chống chịu của cây trước các điều kiện bất lợi như hạn hán, rét lạnh. Vào mùa đông, bón thêm phân kali sẽ giúp cây dễ dàng vượt qua mùa lạnh và nâng cao sức đề kháng, phòng tránh sâu bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người chơi hoa thường không để ý đến phân kali, bởi vì đa phần phân kali thường được pha trộn chung với phân lân như phân phosphat kali hay các loại phân hỗn hợp như phân Huaduoduo số 2. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong nhà để làm phân kali.
- Vỏ chuối và nước trà thừa
Vỏ chuối rất giàu kali, có thể cắt nhỏ hoặc ngâm lấy nước để tưới cây giúp tăng cường sức khỏe cho cây. Nước trà để lại cũng chứa một lượng kali đáng kể, dùng để tưới cây vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
- Tro thực vật
Tro thực vật (tro rơm, tro củi) là nguồn kali tự nhiên rất tốt. Bạn có thể rắc tro lên mặt chậu hoặc ngâm tro trong nước, sau đó lấy phần nước trong để tưới cây. Tro giúp tăng khả năng kháng bệnh, giảm sâu hại, đồng thời cung cấp kali giúp rễ phát triển chắc khỏe. Từ lâu ở các vùng nông thôn, người ta thường rải tro trực tiếp trên đất để cải thiện mùa vụ năm sau.
Bình luận