Góp phần lấp đầy khoảng trống về văn hóa và tôn giáo cho thiếu nhi Việt Nam thông qua sách

Ngày 28/5, sư cô Mai An với bút danh Trăng Yên Tử đã có buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách Mẹ kể con nghe: Chuyện chùa Việt”. Thông qua câu chuyện đi lễ chùa cùng với gia đình của nhân vật chính - bé Nồ và sự gặp gỡ với Sư trụ trì và chú tiểu Tâm Tĩnh, bộ sách đã lần lượt giới thiệu những kiến thức cơ bản về đạo Phật bằng những ngôn từ dễ hiểu, dễ nhớ với hình ảnh minh họa đặc trưng, sinh động phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Mẹ kể con nghe: Chuyện chùa Việt là tác phẩm mới phát hành của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, thuộc thể loại truyện thiếu nhi. Tổng cả bộ sách gồm có 10 tập, lần lượt với các chủ đề: Vào chùa lễ Phật; Trang phục đi chùa; Nâng bát cơm đầy; Mừng xuân di lặc; Mười phương Chư Phật, Chư Phật một phương; Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng; Bồ Tát ở đâu?; Đấng Cha Lành, Đức Khiêm Từ; Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật; Giải oan bạt độ.

Tác giả của bộ sách, sư cô Mai An cho rằng đây là bộ sách hoàn toàn Việt Nam, mang những nét đặc trưng tiêu biểu của chùa Việt Nam, được thể hiện qua việc lồng ghép những câu chuyện mang tính chất tôn giáo nhưng gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc.

“Mỗi khi chúng ta bước vào chùa, chúng ta đều cảm thấy được sự thiêng liêng và thanh tịnh, mỗi hành động của chúng ta dù là nhỏ nhất như mỗi bước chân, mỗi cái cúi đầu, mỗi cái chấp tay đều mang những ý nghĩa nhất định và sẽ thật đáng tiếc nếu ta không hiểu về nó”, sư cô Mai An chia sẻ.

Việc chấp tay lễ phật, khi ta chấp tay ở phía trước ngực nghĩa là ta đem hết tâm hồn của mình cho Phật, chấp tay đưa lên trán có nghĩa là đem hết trí tuệ của mình cho Phật và quỳ xuống lạy trước Phật nghĩa là ta bày tỏ lòng thành trước biểu tượng của trí tuệ và tình thương lớn của loài người.

Hay như ý nghĩa của việc ăn chay của người tu hành đó là tinh thần chân trọng sự sống, giảm thiểu được nhiều nhất nỗi đau gây ra cho muôn loài. Bộ sách cũng giải thích cho các em nhỏ hiểu tại sao khi vào Chùa cần ăn mặc trang nghiêm, lịch sự và gợi ý việc mặc như thế nào để thể hiện một tinh thần biết trân trọng, biết cung kính trước Đức Phật.

Qua từng câu chuyện, độc giả sẽ dần dần phát hiện ra những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc, giản dị nhưng chứa đầy ý nghĩa của văn hóa đạo Phật ở Việt Nam. Dẫn lời thơ của của Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc - Nếp sống muôn đời của tổ tông”, sư cô Mai An cho rằng, một ngôi chùa chứa đựng tâm hồn của cả dân tộc được đặt vào trong đó và một dân tộc mạnh mẽ là một dân tộc có văn hóa.

Sư cô cho rằng, khi tuổi còn nhỏ, các cháu bé sẽ tiếp xúc với những tri thức bằng một tâm hồn vô cùng trong sáng và thánh thiện, “các cháu như một trang giấy trắng khi chúng ta ghi gì lên đó thì rất khó tẩy xóa, những gì đã trải qua ở tuổi thơ sẽ quyết định rất nhiều đến nhân cách của con người trưởng thành sau này”.

Những cuốn sách tốt sẽ gieo vào tâm hồn trẻ em những hạt giống thiện lành. Sách sẽ nâng bước cho các em nhỏ bước vào cuộc đời một cách bình an hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Trước những biến động không ngừng của thế giới, trước sự giao lưu, đan xem của các nền văn hóa và sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, để bảo vệ được cho trẻ em thật tốt, sư cô Mai An đề nghị hãy trang bị cho các cháu được một nguồn tri thức tốt, để có được bản lĩnh, để có thể tự thân mình chống lại những văn hóa độc hại, để biết được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào đáng học hỏi và cái nào đáng loại trừ.

Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ, Giám đốc, Tổng Biên tập Khúc Thị Hoa Phượng cho biết rằng nhà xuất bản đã luôn trăn trở về việc làm sao để phổ biến những giá trị của tôn giáo gắn với văn hóa cho trẻ ngay từ thuở nhỏ. Và sự ra đời của bộ sách đã góp phần giảm bớt những nỗi niềm đó. Các em sẽ không cần đợi đến khi trưởng thành mới được tiếp cận với những giá trị của tôn giáo mà thông qua bộ sách này trẻ em sẽ được tiếp cận với những giá trị tốt đẹp và nhân văn ngay từ bây giờ.

Qủa thật là như vậy, trẻ em ngày nay được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội hiện đại, với những thành tựu to lớn của khoa học – công nghệ, với sự tiếp biến, giao lưu văn hóa sôi nổi. Nếu người lớn, các bậc phụ huynh không có sự trang bị cho con em mình những tri thức, những hiểu biết về giá trị truyền thống thì sẽ dẫn đến khoảng trống rất lớn về văn hóa cho trẻ. Đó sẽ là những đứa trẻ thiệt thòi bởi chúng không được phát triển một cách toàn diện.

Nếu một đứa trẻ Việt Nam lớn lên mà không biết đến “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là gì thì sẽ trở thành một người lớn cô độc, sẽ dễ dàng sa ngã với những suy nghĩ lệch lạc và hành động sai lầm.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất