Lạc An và phép thử trong mơ

Lạc An là cái tên lạ trong thị trường sách văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi. Nhưng tôi quả quyết rằng cái tên ấy sẽ là sự tìm kiếm của nhiều người sau khi đọc tác phẩm Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ - điểm nhấn đáng kể trong số những đầu sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành những năm lại đây. Một câu chuyện đẹp như giấc mơ của nhà văn, nhà biên kịch và họa sĩ thế hệ 9X Lê Thị Hồng Hạnh (tên thật của Lạc An). Điều đáng nói hơn là bởi văn học thiếu nhi Việt Nam không có nhiều tác phẩm phù hợp với trẻ em hôm nay như thế.

Với văn học thiếu nhi Việt Nam, sự kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ không phải là điều mới mẻ. Thế nhưng việc nhà văn đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ sáng tạo ấy mà kênh nào cũng tròn vai lại là điều đặc biệt. Những năm tháng theo học ngành họa sĩ kể chuyện đã làm nên một Lạc An khéo léo, biết đa dạng hóa hệ thống ký hiệu cho tác phẩm chứ không chỉ dừng lại ở các ký hiệu ngôn ngữ để tạo nên câu chuyện muôn phần dễ thương.

Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ chỉ gói gọn trong 158 trang với những câu chuyện vặt của những đứa trẻ thích ngủ nhưng đã tạo ra những cuộc “va chạm” bất ngờ, thú vị với văn hóa dân gian. Ở vị trí của một nhà biên kịch, Lạc An quan tâm dõi theo sự chuyển động của nghệ thuật trong và ngoài nước, vừa để tìm kiếm chất liệu cho kịch bản, vừa nhận diện phương pháp sáng tạo nghệ thuật phổ biến của Việt Nam và thế giới.

Lạc An nhận ra: “Lấy chất liệu văn hoá dân gian để sáng tác là một phương pháp phổ biến ở các nước phương Tây, đặc biệt là Hollywood. Hollywood có rất nhiều tác phẩm hoạt hình và phim có nền tảng là truyện cổ tích của nhiều nền văn hoá trên thế giới, tuy nhiên, họ lựa chọn cách kể khác đi. Điều này khiến người xem tò mò về câu chuyện mà họ vốn biết từ khi còn bé, và họ đến xem phim, thích thú với phim. Thành công của họ bắt đầu với việc áp dụng một cách sáng tạo những thứ có sẵn, gắn bó với nhiều thế hệ trẻ em”. Thực tiễn này đã gợi mở cho tác giả phương pháp sáng tác cho thiếu nhi.

Tác phẩm Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ là phép thử của Lạc An với phương pháp sáng tác này, bằng văn học chứ không phải là kịch bản. Và phép thử ấy đã thành công. Giữa sự phong phú của nền văn hoá Á Đông, nhà văn lựa chọn một hình tượng “phản diện” mà hầu hết trẻ thơ đều biết: Ông Ba Bị.

Theo hành trình nghệ thuật đã chọn lựa, câu chuyện về hình tượng xưa cũ được phát triển theo hướng mới. Trí tưởng tượng phóng khoáng của Lạc An đã làm “rạn nứt” hình tượng ông Ba Bị trong văn hóa dân gian. Hệ thống “tin đồn” về hình tượng bị vỡ nhưng không theo xu hướng giải thiêng đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Lạc An dệt một truyền thuyết mới, ấm áp và tràn đầy ánh sáng về ông Ba Bị lẫn những chiếc bị của nhân vật.

Nhìn góc độ liên văn bản, câu chuyện của Lạc An là sự kéo dài nguồn mạch văn hóa dân gian trong một không khí và tinh thần khác. Trong đó, văn hóa dân gian đóng vai trò là khởi nguồn cảm hứng, cung cấp mẫu, định vị giá trị hình tượng.  Xét ở phương diện này, tác phẩm đã hiện thực hóa những đau đáu của Lạc An về một tác phẩm văn học thiếu nhi thuần Việt.

Như tác giả đã chia sẻ: “Tôi đến với văn học thiếu nhi từ sự “báo động” của một bài báo về hiện tượng Việt Nam đang rất thiếu những sản phẩm văn học thiếu nhi thuần Việt. Thuần Việt ở đây không hẳn là phải viết về làng quê, luỹ tre, con trâu,… mà thuần Việt ở lối hành văn, cách kể chuyện và những câu thoại. Tôi nghĩ, chúng ta vẫn có thể viết câu chuyện về phi hành gia, về vũ trụ và những hành tinh xa xôi, nhưng vẫn thuần Việt”.

Lạc An và phép thử trong mơ - 1

"Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ" của Lạc An

Với Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ, nhà văn trẻ tuổi này làm được còn nhiều hơn thế. Lạc An không chỉ viết một câu chuyện thuần Việt mà điều tuyệt vời hơn là câu chuyện ấy còn rất gần với trẻ thơ hôm nay. Tiếng vọng của văn hóa dân gian không làm cho tác phẩm lạc lõng trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Lạc An tưới tắm hình tượng trong dòng sông tưởng tượng thuần khiết, bao dung và trong bầu sinh quyển ngôn ngữ trẻ con thời hiện đại.

Ông Ba Bị được xây dựng bằng tinh thần phản biện tươi tắn, sáng tạo của thế hệ 9X. Không còn là lão già gớm ghiếc chuyên sử dụng phép thuật quái dị để bắt những đứa trẻ hư bỏ vào cái bị to đùng trên vai, ông Ba Bị trở thành vị thần cai quản giấc mơ với ba cái bị đặc biệt mang tên: Lãng Quên, Giấc Mơ Đẹp, Kí Ức Tuổi Thơ. Qua hình tượng, tác giả đã gửi gắm ước mơ của hàng loạt trẻ thơ về một vị thần hộ mệnh để đẩy những ác mộng vào bị Lãng Quên, thay vào đó là những Giấc Mơ Đẹp.

Nếu trẻ có quên đi “vài thứ tuyệt đẹp của tuổi thơ” thì cái bị mang tên Kí Ức Tuổi Thơ sẽ nhắc nhớ chúng về những điều đáng yêu của thời thơ ấu. Lạc An từ chỗ thấu hiểu trẻ con mà đã để hình tượng cũ cõng trên vai những trọng trách mới. Bởi lẽ, thời nào cũng vậy, trẻ luôn cần người đỡ đầu để có thể lớn lên theo từng giấc ngủ ngon và để chúng không bao giờ quên mình đã từng là một đứa bé với những ấu thơ tuyệt vời một đi không trở lại.

Không chỉ nhận ra giấc mơ riêng của từng đứa trẻ, nhà văn còn liên kết những giấc mơ để đi tới giấc mơ chung, vì như tác giả đã nói, giấc mơ đẹp nhất là mơ cùng nhau. Dễ dàng nhận thấy phẩm tính của nhà biên kịch trong cách tổ chức truyện. Mỗi chương truyện là một phân cảnh, ngắn gọn, không nhiều chữ, không nhiều chi tiết nhưng rõ ràng về bối cảnh, nhân vật, cốt truyện. Cách quản lý các phân cảnh rất chặt chẽ.

Trong 23 chương truyện thì có đến 19 chương tồn tại với tư cách là những "đường hầm” liên kết những giấc mơ. Ông Ba Bị tung nắm hạt xanh li ti trên trời, và trong nháy mắt, chúng đã nối đuôi nhau tạo thành những đường hầm dẫn đến giấc mơ của từng đứa trẻ. Sau khi chui ra đường hầm riêng, bọn trẻ đã đến với thế giới của những giấc mơ chung.

Ở đấy, cây kết nụ, nở ra những cây kem hạt dẻ; ở đấy có cánh đồng với những “cục bông” chó, “cục bông” mèo, có lâu đài truyện tranh trên mây. Và khủng long, xe tăng, búp bê, dòng sông làm bằng sô cô la ngay bên cạnh ngọn núi đậu phộng... Thậm chí có cả chảo lòng heo siêu to khổng lồ. Chạm những giấc mơ ấy, bọn trẻ chìm trong cơn mưa niềm vui, thỏa thích ăn uống, chơi đùa, đọc sách mà không bị bố mẹ hay cô giáo trách mắng.

Khi kể về những giấc mơ riêng chung ấy, Lạc An không làm hằn lên khoảng cách giữa người viết với bạn đọc nhỏ tuổi. Không vì tác giả phải nỗ lực làm bé mình lại cho vừa vặn với người đọc, cũng không vì Lạc An đã sáng tác theo hướng huy động những trải nghiệm đã qua của thời thơ ấu. Trong cuộc sống hàng ngày, nhà văn trẻ này không ngừng cố gắng tiếp cận với trẻ em. Nói chuyện với trẻ con mỗi ngày, ghi chú lại những câu nói thú vị của chúng để làm đầy kho dữ liệu về trẻ.

Viết truyện trên cơ sở dữ liệu thực tế đấy nên Lạc An rất hiểu trẻ con, lôi trúng những nỗi buồn đáng để chúng nhét vào cái bị Lãng Quên. Nỗi buồn vì chỉ còn một cái răng trơ trọi, vì mất chú chó cưng siêu hạng, vì bị “quả núi bài tập” đè... Vì vậy, dù đây là câu chuyện về những đứa trẻ không muốn thức và chủ yếu được tạo nên từ các phân đoạn của giấc mơ nhưng tính hiện thực thì rất đậm, một kiểu hiện thực mang hơi thở đương đại.

Trong logic của truyện, giấc mơ là khoảng trời tương thích với khát vọng sâu xa của trẻ con và đồng thời là sự tương phản lớn với cuộc sống thường ngày của chúng. Không - thời gian giấc mơ được khai thác như một sự giải thoát, như cứu cánh để trẻ quên những muộn phiền của thực tại. Và thực sự trẻ con đã được biệt đãi trong những giấc mơ. 138/ 158 trang truyện là sự nuông chiều trẻ em tuyệt đối. Không chỉ là Bi, Bo, Ken, Bin mà tràn ngập trẻ con khác đã vào giấc mơ của ông Ba Bị, hưởng “phép thắng lợi tinh thần” từ những giấc mơ.

Cứ ngỡ tác giả tiếp tục mải mê lôi kéo toàn bộ trẻ con vào giấc mơ như một sự bù đắp cho gần 2 triệu ngôi sao đen mà ông Ba Bị phải gánh, nhưng không ngờ, ở phút cuối, Lạc An đã có cú “quay xe” ngoạn mục. Ở 20 trang cuối truyện, nhà văn đường đột mở ra “đường hầm” khác. Ở đó, người đọc chứng kiến cuộc va chạm giữa các vị thần. Ông Bụt nói lời phiền muộn: “Thật là buồn khi bạn trẻ chẳng còn thiết tha gì ở thế giới thực tại cả”. Chúa tể các vị thần lo lắng: “Mơ những giấc mơ đẹp thì thật là tốt, như chỉ nên mơ chừng một tiếng mỗi đêm thôi”. Bà Mụ than vãn: “Ông Ba Bị này,… ông hãy suy nghĩ lại đi, không chạy nhảy chơi đùa thì còn gì là trẻ con nữa”. Ông Ba Bị khẳng định: “Bọn chúng vẫn được chạy nhảy trong mơ đấy thôi. Vẫn là trẻ con như thường”. Ông còn nghẹn ngào nhắc lại nỗi tủi nhục suốt mấy triệu năm của mình.

Đỉnh điểm của sự xung đột ấy là “lệ dâng đầy trong đôi mắt ti hí” của ông Ba Bị và ông bỏ đi mà “không thèm ăn thêm chén chè nào cả”. Tuy nhiên, phía cuối của đường hầm, ông Ba Bị đã quyết định tự tay bỏ mình vào bị Lãng Quên. Đấy là một sự hi sinh, cho toàn bộ trẻ con trên cuộc đời và cho cả bản thân ông Ba Bị. Quyết định của ông Ba Bị làm bật lên những quan niệm đẹp về hạnh phúc. Phép thuật chỉ có giá trị trong vương quốc các vị thần và trong những giấc mơ. Có một cuộc sống thực tại cần được sưởi ấm bởi bàn chân của trẻ nhỏ. Ngôi sao đẹp nhất, tự hào nhất đối với các vị thần là ngôi sao được vẽ bằng tình yêu thương của trẻ nhỏ.

Có thể khẳng định, hành trình về với văn hóa dân gian của Lạc An đã có thành tựu đáng trân trọng. Sự kết hợp giữa trí tưởng tượng phong phú và chất liệu đời sống tươi mới đã làm nên một câu chuyện giàu tính sáng tạo nhưng vẫn phản ánh rõ các vấn đề cốt lõi của trẻ em hiện tại.

Ở phần sâu xa của câu chuyện, tác giả vẫn rất bền bỉ và nghiêm túc với những thông điệp nhân văn. Nhưng những điều ý nghĩa, hệ trọng đó lại được nói bằng giọng hài hước, giọng của trẻ con - điều mà văn học thiếu nhi Việt Nam đang thực sự thiếu. Trò chơi ngôn ngữ của Bo có hiệu ứng gây cười không nhỏ. Lời càu nhàu của bọn trẻ khi cùng nhau “tân trang” ngoại hình cho ông Ba Bị cũng siêu yêu. Các câu thần chú của ông Ba Bị cũng hiện diện với một hình hài và sắc thái khác. Không phải là những mật ngữ ngắn gọn, Lạc An tạo ra những thần chú bằng thơ, mà ở đấy, sự hài hước dễ thương nhiều hơn là linh thiêng, thần thánh, huyền bí. Không có nghi lễ cầu nguyện đặc biệt,  “công thức ma thuật” lại có xu hướng đời thường hóa, hài hước hóa, vì vậy, ông Ba Bị không có bóng dáng của một Pháp sư, Phù thủy. Đơn giản, đấy là người có khả năng “bảo hộ” giấc ngủ của trẻ con.

Cách viết của Lạc An khiến người đọc tin vào cảm tình đặc tình dành riêng cho thiếu nhi và sự nghiêm túc với nghề viết của một tác giả trẻ. Đó là kết quả của việc tiếp cận, nghiên cứu các sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam cùng với việc giải mã các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới, là sự phát triển sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian để xóa bỏ những lời đồn truyền kiếp về hình tượng ông Ba Bị và quan trọng hơn là để phản ánh đời sống tâm lí của trẻ em hiện tại. Câu chuyện về ông Ba Bị không chỉ là cuộc “du hành” của những giấc mơ trẻ thơ mà còn là phép thử trong mơ của Lạc An với văn học thiếu nhi trên cơ sở vận dụng phương pháp sáng tạo nghệ thuật hợp lí.

Thanh Tâm Nguyễn

Tin liên quan

Tin mới nhất