Quan điểm “Thế giới là nhà” của bông hồng bất tử - Rosa Luxemburg

"Trái tim tôi không có chỗ cho những khu ổ chuột rào vây người Do Thái, Tôi xem cả thế giới là nhà, nơi có mây bay cùng chim trời, và có nước mắt rơi". Rosa Luxemburg

Sáng 23/5, tại Trường Đại học Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm và giới thiệu sách với chủ đề “Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử”, sự kiện do Văn phòng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Khoa tiếng Đức (Đại học Hà Nội) tổ chức.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng Khoa Triết học, Đại học Sư Phạm Hà Nội; ThS. Nguyễn Quốc Vương – Nhà nghiên cứu Giáo dục, Lịch sử; Bà Nguyễn Hoàng Điệp – Đạo diễn, Nhà sản xuất phim. Đồng thời sự kiện còn được tiếp đón các vị khách mời quan trọng là ông Philip Degenhardt - Giám đốc Vùng - Văn phòng Đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội; Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ bà Khúc Thị Hoa Phượng; TS. Đặng Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Tiếng Đức, Đại học Hà Nội.

Quan điểm “Thế giới là nhà” của bông hồng bất tử - Rosa Luxemburg - 1

Diễn giả Nguyễn Duy Nhiên trao đổi về những tư tưởng triết học của Rosa Luxemburg

Trong buổi tọa đàm “Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử”, bàn luận về quan niệm “thế giới là nhà”, đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam: Giám đốc, Tổng Biên tập Khúc Thị Hoa Phượng đã chia sẻ rằng cô rất tâm đắc và xúc động với tư tưởng đó, theo cô nó rất gần với tư tưởng “công dân toàn cầu” của ngày nay.

Đạo diễn, Nhà sản xuất phim, Diễn giả Nguyễn Hoàng Điệp cũng đồng ý như vậy, cô cho rằng ngoài đường biên địa lý ra thì chúng ta sẽ có 1 quốc gia lớn hơn như thế nữa, đó chính là thế giới.

“Thế giới là nhà” là quan điểm đã được Rosa Luxemburg đưa ra cách đây hơn 100 năm và chẳng lấy gì làm lạ khi ta cho rằng nó vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày này, tựa như một bông hồng bất tử vẫn mang sắc đỏ rực rỡ dù trải qua không biết bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử.

Trái tim tôi không có chỗ cho những khu ổ chuột rào vây người Do Thái,

Tôi xem cả thế giới là nhà, nơi có mây bay cùng chim trời, và có nước mắt rơi.

Rosa Luxemburg

Rosa Luxemburg đã xóa bỏ những đường biên địa lý, những bức tường ngăn cách các dân tộc, những định kiến về màu da, mái tóc để coi thế giới là một ngôi nhà. Nhà, ai chẳng hiểu đó là nơi quen thuộc nhất, thân thương nhất và cũng là nơi có những người ta yêu mến nhất.

Khi xem thế giới là nhà, Rosa Luxemburg đã đem thế giới rộng lớn như thế gói gọn lại bằng tình yêu thương và trách nhiệm, chính trách nhiệm đó đã trở thành động lực thôi thúc bà đấu tranh không ngừng từ khi là một cô bé cho đến lúc từ giã cuộc đời. Bà chiến đấu không vì bản thân mình, hay vì một quốc gia nào cả, mà chiến đấu vì cả nhân loại, để đem lại tự do, hòa bình và những điều tốt đẹp nhất cho những người thân trong ngôi nhà thế giới của mình.

Như vậy, có thể xem quan điểm “thế giới là nhà” của Rosa Luxemburg là một tư tưởng mang tính vượt thời đại, như một lời tiên đoán, một sự nhắc nhở và cũng là niềm hy vọng mà bà đã đặt ra cho “những người đồng chí” trong tương lai của mình. Trước những sự kiện, những biến động đã và đang diễn ra từng ngày trong đời sống hiện đại thì có thể thấy lời nhắn nhủ “thế giới là nhà” của Rosa Luxemburg vẫn giữ nguyên giá trị.

“Thế giới là nhà” trong bối cảnh đương đại được thể hiện bằng sự đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển giữa các quốc gia trên thế giới. Thế giới hiện đại nảy sinh rất nhiều vấn đề cần có sự liên kết, hợp tác và tham gia của tất cả các nước như: việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế, chiến đấu với dịch bệnh, chống lại khủng bố, giảm thiểu đói nghèo,… Đó đều là những vấn đề chung của cả nhân loại, đều cần sự tham gia của tất cả các quốc gia, của các dân tộc trên thế giới.

Rosa Luxemburg (1871 – 1919) là một nhà tư tưởng tài ba có “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx”, là nhà hùng biện sắc sảo, nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào chính nghĩa vô sản và là nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn đến các phong trào nữ quyền. Bà được người đời sau tưởng nhớ và tôn vinh như một tấm gương sáng vì sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, cho hòa bình, tự do của nhân loại.

Cuốn sách “Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg” được viết dưới dạng một tiểu thuyết lịch sử, mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Rosa Luxemburg - một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, một tượng đài của phong trào chính nghĩa vô sản, một hình mẫu lý tưởng cho cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

Cuốn sách không ngắn, cũng không dài nhưng đủ để đưa chúng ta chạm đến nhiều cung bậc của cảm xúc và khơi dậy lòng thán phục đối với bông hồng bất tử - Rosa Luxemburg.

Tin liên quan

Tin mới nhất