Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả?

Hiện nay, dường như chúng ta đang sống ở thời kỳ mọi thứ có vẻ đều đúng, ai nấy dường như đều có lý của mình, điều này tạo nên một phong trào nói đạo lý nhằm phục vụ những mục đích cá nhân. Từ nhưng quan sát của bản thân qua những hiện tượng xã hội phổ biến, tác giả Lê Bích đã xây dựng nên cuốn sách “Người nói đạo lý thường sống khá giả”.

Trong buổi toạ đàm ra mắt cuốn sách, tác giả Lê Bích, nhà văn Trang Hạ, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề của “Người nói đạo lý thường sống khá giả”.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 1

Trong dịp Dọn kho đón Tết 2024, Nhã Nam tổ chức buổi talkshow ra mắt cuốn sách mới của Lê Bích - "Người nói đạo lý thường sống khá giả". Ảnh; Huyền Thương

Kể từ lần đầu xuất hiện với cuốn sách tranh dành cho người lớn “Đời về cơ bản là buồn cười”, Lê Bích đã mang đến cho bạn đọc Việt một trải nghiệm đọc hoàn toàn mới mẻ. Thông qua hình ảnh nhân vật Lê Bích bụng phệ vừa ngầu, vừa lầy, vừa cùn, những "chân lý" đương đại được phát biểu một cách sống động. Cuốn sách trở thành một hiện tượng của xuất bản thời điểm đó, được các bạn trẻ yêu thích và trích dẫn khắp nơi.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 2

Độc giả tham dự buổi talkshow. Ảnh: Huyền Thương

Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, lần trở lại này với “Người nói đạo lý thường sống khá giả”, Lê Bích đã nói đến một câu chuyện xã hội mà tất cả chúng ta đều ít nhiều có những trải nghiệm nhất định – nói đạo lý.

Cuốn sách khơi gợi lại cảm xúc của độc giả khi họ nhìn thấy những người khác nói đạo lý nhưng sau đó lại sống không như cái đạo lý mà họ đã nói. Cuốn sách cũng cung cấp một góc nhìn hài hước về các hiện tượng xã hội đương đại nổi bật qua việc sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 3

Các diễn giả chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chủ đề của cuốn sách. Ảnh: Huyền Thương

Trong cuốn sách, nhân vật đạo sư Lê Bích đi sâu vào thế giới của cổ tích, sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến như cô Tấm, Thạch Sanh, Mai An Tiêm, Thằng Bờm, Bạch Tuyết, thầy trò Đường Tăng, Nàng tiên cá, ông già Noel,... để qua đó chiếu một góc nhìn hài hước, giễu nhại, về một hiện tượng xã hội đương đại nổi bật: những người hay nói đạo lý, nhằm mang đến cho bạn những tiếng cười sảng khoái cùng những suy ngẫm đầy tinh thần phản biện.

Người nói đạo lý là ai? Không cụ thể là một ai cả. Đó có thể là những ai hay dùng các lý luận gây sốc, nghe tưởng như cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch, để kiếm lợi. Người nói đạo lý thường sống khá giả, vì họ kiếm được nhiều tiền, nhưng họ cũng sống khá GIẢ, vì rỗng.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 4

Bìa cuốn sách. Ảnh: Nhã Nam

Xã hội hiện nay khiến tác giả Lê Bích nhận ra rằng, những người nói đạo lý đang nhan nhản khắp nơi và “vẻ đẹp mới” của mạng xã hội là ai cũng có thể trở thành một “host”, một người dẫn chương trình, một người nói đạo lý. Nhưng theo anh, “vẻ đáng nguyền rủa” nhất của mạng xã hội cũng vậy, đó là ai cũng trở thành người nói đạo lý.

Bên cạnh đó, nhu cầu được nghe, được biện hộ cho những hành vi của mình chưa bao giờ nó lên cao như thế ở trên mạng xã hội và vì thế, đấy là chỗ đứng của những người nói đạo lý.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 5

Trong cuốn sách này, Lê Bích sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến để qua đó chiếu một góc nhìn hài hước, giễu nhại, về một hiện tượng xã hội đương đại nổi bật: những người hay nói đạo lý. Ảnh: Nhã Nam

Lê Bích chia sẻ về lý do viết cuốn sách: Sau nhiều năm, tôi nhận thấy độc giả của mình đã lớn lên nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là một số người bạn của mình, học ở những ngành chẳng liên quan gì tự dưng thành một người dạy người khác cách sống như thế nào, họ bỗng nhiên trở thành một “thạc sĩ dạy đời”.

Một ngày ngủ dậy thấy xung quanh mình mọi người đều đọc “Muôn kiếp nhân sinh”, lại hay nói về duyên kiếp và rất hay mang những bài học đạo đức ngày xưa ra để kể lại. Rồi họ đột ngột mở học viện nào đấy có tên của họ, họ bắt đầu lớp học với giá tiền cao, họ tự nhiên trở thành “người cho đi”. Khi nhận ra tự nhiên có một “ngành công nghiệp đạo lý” tự dưng xuất hiện là lúc tôi suy nghĩ để trở lại với vai trò là một tác giả.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 6

Tác giả Lê Bích chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Huyền Thương

Lê Bích nhấn mạnh, anh viết cuốn sách không hẳn để công kích những người đang nói đạo lý ngoài kia, mà chỉ muốn chỉ ra rằng: “Bên dưới những ngọn nến càng sáng thì phần âm u của nó càng lớn”. Anh muốn cho mọi người thấy rằng, không nên chỉ tin vào những vẻ long lanh, những phần tiền cảnh mà những người trông có vẻ “khá giả” họ đang thể hiện ra.

Mong muốn cho mọi người thấy rõ phần tăm tối của những người nói đạo lý được anh thể hiện rõ nhất trong phần kết của cuốn sách: “Mọi người muốn một kết thúc có hậu nhưng điều họ cần chỉ là kết thúc có tiền”.

Nhà văn Trang Hạ cũng đồng tình và chia sẻ câu chuyện của chính chị: Tôi từng có khoảng 12 năm chuyên đi bán đạo lý, các nhân vật nổi tiếng sẽ mua tính cách của tôi, mua sản phẩm nội dung của tôi và công chúng thì tấm tắc khen ngợi họ, mà không hiểu rằng đó là sự vận động của tiền, tiền là động cơ của khá nhiều thứ trong cuộc sống này. Tất nhiên tiền cũng là động cơ để tôi từng đi bản tính cách, bán cá tính của mình. Tuy nhiên, tiền cũng là lý do để một số người chọn đi mua nó.

Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả? - 7

Nhà văn Trang Hạ đã có nhiều chia sẻ về chính câu chuyện của mình. Ảnh: Huyền Thương

“Người nói đạo lý thường sống khá giả” của Lê Bích sẽ khiến độc giả thích thú với tinh thần hài hước nhưng nó còn mang tính giễu nghệ đám đông rất lớn.

Nhà văn Trang Hạ cho rằng, nếu đọc đến đoạn bạn không cảm thấy nhột, không cảm thấy thấy buồn cười thì bạn chính là nhân vật ở trong sách. Theo nhà văn, đó là một sự giễu nhại khá sâu sắc, đòi hỏi độc giả cần có nhiều tầng lớp, thậm chí đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc lại sẽ là một lần độc giả hiểu thêm nhiều điều khác, hiểu rằng cuốn sách còn nói về những thứ lớn hơn, mà không chỉ là việc lên án những người dạy đời ở trên mạng, nó còn nói về tâm thế của chúng ta trong đời sống bây giờ.

Lê Bích xuất hiện như một bút danh trên báo online từ 2014 dưới dạng chuyên mục ngắn và vui, sau đó trở thành 1 fanpage với các hình vẽ hài hước mỗi ngày. Đứng sau xây dựng Lê Bích là nhóm tác giả bao gồm Đinh Trần Tuấn Linh, Lê Sơn Tùng, Phạm Linh Nhâm, Nguyễn Ngọc Hà, Lê Huy, Đinh Phương Linh và Nguyễn Phương Nhung.

Một số tác phẩm nổi bật của Lê Bích: “Đời về cơ bản là buồn cười”, “Người nói đạo lý thường sống khá giả”, “Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt”.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất