Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hoá gia đình và giữ gìn những giá trị cốt lõi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình”. Theo quan điểm, đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam thời kì đổi mới, hội nhập quốc tế phải giữ gìn những giá trị chuẩn mực phù hợp, phát huy giá trị gia đình Việt Nam gắn với hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỉ cương, sáng tạo. Những giá trị cao cả ấy đều được nuôi dưỡng, hun đúc, hình thành từ gia đình để tạo nên bản sắc dân tộc với hệ giá trị cốt lõi: Dân chủ, nhân văn, khoa học trên nền tảng giá trị quốc gia vì mục tiêu: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam

Gia đình là tế bào của xã hội, là một cộng đồng người gắn bó mật thiết bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống. Gia đình là xã hội thu nhỏ bao gồm một hay nhiều thế hệ chung sống trong một mái nhà, nơi lưu giữ và chuyển giao giá trị văn hoá truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở đó, hình thành đơn vị nhỏ nhất của xã hội, các thành viên ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ.

Gia đình là một nhóm xã hội có cấu trúc đa diện mang tính sinh học, kinh tế, xã hội và văn hoá, là môi trường văn hoá đầu tiên, giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách, nơi hội tụ, chọn lọc, sáng tạo văn hoá của con người và xã hội loài người, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho cả một đời người.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hoá gia đình và giữ gìn những giá trị cốt lõi - 1

Văn hoá gia đình và giữ gìn những giá trị cốt lõi.

Đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam là gia đình mang tính hạt nhân mở rộng với đặc trưng “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” (nhiều thế hệ cộng sinh) chung sống trong một gia đình. Với bề dầy lịch sử nên các giá trị văn hoá kết tinh đã trở thành giá trị truyền thống của dân tộc. Điều này thể hiện rõ trong nguyên tắc “tam đạo gia”; trong đó “gia đạo” là xây dựng đạo đức (đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em,… lấy tâm, trí, năng làm gốc). “Gia phong” là giữ nếp nhà, thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của từng gia đinh. “Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử,… trở thành truyền thống, được chọn lựa qua nhiều thế hệ, con cháu nọ theo.

Văn hoá truyền thống gia đình là bản sắc của người Việt, nền tảng văn hoá dân tộc bởi gia đình là chốn giàu nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức con người, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự kỉ cương, hun đúc tinh thần, tâm hồn, bản lĩnh, nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân vào đời, tham gia hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đều bắt đầu từ gia đình, đi từ gia đình, đem văn hoá gia đình hoà quện vào văn hoá cộng đồng, văn hoá xã hội.

Như vậy, văn hoá gia đình là hệ thống những giá trị chuẩn mực điều tiết các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, phản ảnh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho cộng đồng, các tộc người, các dân tộc, các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử lâu dài, gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Sự phát triển bền vững từ bên trong mỗi gia đình là động lực quan trọng phát triển địa phương, vùng miền, đất nước.

Xây dựng văn hoá gia đình kết hợp truyền thống với hiện đại

Đảng ta nhấn mạnh văn hoá phải được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, trọng tâm của xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp; thể hiện đặc trưng của nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được hun đúc, bắt nguồn từ văn hoá gia đình, nền tảng gia đình.

Do chịu tác động mặt trái của kinh tế thị trường và sự du nhập ồ ạt của lối sống, phương thức sinh hoạt của xã hội phương Tây đã làm thay đổi những giá trị truyền thống, đặc biệt trong từng gia đình ở cả thành thị và nông thôn.

Ảnh hưởng mạnh mẽ này khiến cho cấu trúc gia đình dễ bị đổ vỡ và trong thực tế một tỉ lệ không nhỏ các gia dình đã đổ vỡ, đang đỗ vỡ. Việc gia tăng đô thị hoá cũng khiến cho quan hệ của các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, thiếu tính bền vững như trước, thu hẹp cả quan hệ họ tộc, láng giềng.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hoá gia đình và giữ gìn những giá trị cốt lõi - 2

Ảnh minh họa

Phổ biến trong các đô thị là không còn hai, ba thế hệ sống chung trong một mái nhà. Hầu hết các gia đình tách ra thành các hộ nhỏ, lẻ, có thể ở gần nhau nhưng sinh sống riêng biệt. Nếu các thế hệ có ở chung một toà nhà (nhiều tầng) thì cũng không ăn chung nồi, ngồi cùng mâm, thậm chí mỗi cặp vợ chồng, mỗi cá nhân ở riêng một phòng, một tầng nhà, chỉ đi chung cầu thang, chung cổng ra vào.

Ngay trong gia đình nhỏ như hai vợ chồng trẻ, hai con nhỏ thông thường chỉ đủ mặt vào bữa ăn tối còn là ai nấy, mỗi người một máy điện thoại hoặc ti-vi xem riêng. Có trường hợp chỉ một mẹ, một con, nhà cửa khang trang mà con không ở chung với mẹ, cứ nằng nặc đòi ra ở nhà thuê mặc dù chật chội để đổi lấy sự  tự do cá nhân. Sẽ rất hiếm còn thấy âm hưởng gia đình truyền thống là nghe mẹ hát ru, kể cho con, cháu chuyện cổ tích. Bữa cơm ngày nay, nhiều gia đình mạnh ai nấy, ăn nhà hàng chiếm tỉ trọng khá cao. Có những ông chồng cả tháng may ra ăn ở nhà được dăm bữa còn ngày này sang ngày khác tiệc tùng, bỉa rượu tối ngày say sưa,vv…

Tình trạng xung đột căng thẳng cũng diễn ra ở nhiều gia đình. Từ tranh chấp đất đai, tài sản do bố mẹ không để lại di chúc, anh em ruột thịt giành giật quyền lợi đến mâu thuẫn do tiền phúng viếng bố mẹ sau ngày tang lễ. Đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ đau lòng cha con, anh em ruột từ bỏ nhau, không nhìn mặt nhau vì đất đai, tiền bạc, của cải không minh bạch, phân chia không đều. Có bà mẹ đau đớn bị con dâu đuổi ra khỏi nhà sau khi bà kí giấy để cho con đứng tên sổ đỏ nhà đất. Có trường hợp anh em hành hung, gây gổ căng thẳng làm mất trật tự, an toàn xã hội, mất hết tình nghĩa ruột thịt. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng từng nói: “Hạnh phúc củacon người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. “Ngày nay, môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm ô bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực làm mất lòng tin trong Nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Từ đó, xây dựng con người Việt Nam trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà con người ai cũng đi từ gia đình, bắt  đầu từ gia đình, ảnh hưởng của gia đình. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống gia đình được là cần thiết.

Trục quan hệ dọc: Gia đình (nhà) - Làng, xã – Tổ quốc là nền tảng liên kết bền vững của văn hoá Việt Nam, tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Việc giữ gìn “gia đạo”, truyền thống trong gia đình là động lực tinh thần to lớn. Bởi lẽ, văn hoá gia đình là nền tảng văn hoá dân tộc giàu tính nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh, nhân cách con người.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hoá gia đình và giữ gìn những giá trị cốt lõi - 3

Xây dựng văn hoá ứng xử trong gia đình là tiêu chí vô cùng quan trọng nhằm phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mĩ tục của cộng đồng và xã hội.

Xây dựng văn hoá ứng xử trong gia đình là tiêu chí vô cùng quan trọng nhằm phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mĩ tục của cộng đồng và xã hội, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hiếu học, trọng nhân nghĩa, trọng đạo lí, “anh em như thể chân tay”, giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “chân quê”,v.v…

Đất nước đang phát triển mạnh mẽ hình thái kinh tế-xã hội trong chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công dân số,v.v…nhưng chưa xây dựng để hình thành văn hoá trên môi trường số khiến con người trở nên lạc hậu và lạc lối trên môi trường mạng. Con người hiện nay chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác nhau, nhất là yếu tố mới do sự phát triển của khoa học, công nghệ nhưng lại thiếu các hệ giá trị mang tính thống nhất, chuẩn mực để soi chiếu, điều chỉnh hành vi.

Do đó, xây dựng văn hoá gia đình đi đôi với xây dựng gia đình hiếu học, gia đình ứng xử văn minh theo hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất