Kiev một thuở

Chiến tranh đã kéo dài gần 5 tháng, Kiev đã bị oanh kích nhiều đợt, bom đạn đã tàn phá nhiều nơi trong thành phố 3 triệu dân vô cùng tươi đẹp này. Viễn cảnh một Kiev hoang tàn đổ nát trở thành phế tích không còn là điều xa vời nữa.

Nhà văn Đỗ Thị Hoa Lý, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội nhưng sinh sống ở Kiev Ucraina từ hơn hai chục năm nay. Hiện chị là giáo viên tại trung tâm dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở Kiev, ngoài ra còn phụ trách trang báo mạng Người Xứ Nghệ Kiev. Ngày 14-1-2022 Hoa Lý từ Kiev nhắn tin cho tôi xin được sử dụng hai bài bút ký của tôi mới đăng báo trong nước.

Tôi đồng ý lời đề nghị, và thế là ngay sau đó, bài Bắc Hà mùa hoa mận và bài Áo đỏ vàng quì của tôi đã được giới thiệu trên Người Xứ Nghệ Kiev. Tôi không nghĩ đây là những bài văn cuối cùng tôi đăng trên trang mạng này, bởi hơn một tháng sau, ngày 24-2-2022, chiến tranh Nga – Ucraina đã nổ ra. Chiến sự chừng một tuần, tôi nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình Hoa Lý.

Không thấy tin trả lời, phải hơn tuần lễ sau chị mới nhắn lại, gia đình chị cùng hầu hết người Việt ở Kiev đã di tản qua Ba Lan, từ Ba Lan mỗi gia đình lại lựa chọn hoặc ở lại, hoặc đi tiếp qua Hunggari hoặc Rumani, gia đình chị cùng một số khác đi sang Đức, rồi chị kể tóm tắt những nỗi khó khăn cay cực của đoàn người chạy loạn, phải bỏ lại phía sau tất cả những gì cả một đời gây dựng!

Chiến tranh đã kéo dài gần 5 tháng, Kiev đã bị oanh kích nhiều đợt, bom đạn đã tàn phá nhiều nơi trong thành phố 3 triệu dân vô cùng tươi đẹp này. Viễn cảnh một Kiev hoang tàn đổ nát trở thành phế tích không còn là điều xa vời nữa.

Trong những ngày loạn ly binh lửa đang tàn phá hủy diệt đất nước này, tôi muốn được kể lại một vài câu chuyện ngắn ngủi trong muôn vàn câu chuyện về một thời bình yên mà những người Việt lưu lạc xa xứ đã được người dân và đất nước hết mực hiền hòa này đùm bọc cưu mang nên người, giống như một điều thầm nhắc về mối ân tình không thể nào quên của những người dân và đất nước nhân hậu này, và điều đó cũng giống như một lời nguyện cầu cho chiến tranh sẽ mau kết thúc để cuộc sống bình yên một thuở sẽ quay lại với mọi nhà.

Kiev một thuở - 1

Bình yên Kiev (ảnh Nguyễn Đắc Như)

                                                                 *

Tháng 7 năm 2004, trong buổi giao lưu giữa các doanh nhân Việt đang sống tại Ucraina với đoàn doanh nghiệp từ trong nước sang tổ chức tại văn phòng Thương Mại Việt Nam thủ đô Kiev, tôi đặc biệt chú ý tới phần tự giới thiệu của anh Nguyễn Nhật Tiến, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp Sakimex.

Anh Tiến cho biết, Sakimex có trụ sở chính ở Kiev, nhưng đã mở văn phòng đại diện và cơ sở kinh doanh tại một số nước. Ngay Việt Nam, công ty cũng thành lập đại diện thành phố Hồ Chí Minh. Tên Sakimex là muốn khẳng định hai đầu cầu hệ thống kinh doanh của công ty là Sài Gòn (SA) và Kiev (KI). Sakimex hiện đang hoạt động trên cả ba lĩnh vực thương mại, sản xuất và ăn uống dịch vụ.

Đứng giữa những người anh em doanh nghiệp trong đó có nhiều người quen biết từ trước, nghe họ trao đổi, tranh luận, đàm phán, có lúc nhãng quên tưởng họ là người nước ngoài. Họ bảo đang xuất 1000 tấn lúa mì sang Việt Nam, lại bảo tháng sau sẽ nhập 3 “công” (container) áo Jacket vào U (Ucraina), rồi lại định đầu tư vào Việt Nam một nhà máy hoa quả hộp, rồi lại kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang U...

Nghe nhiều, tiếp xúc nhiều rồi cũng thấy bớt ngỡ ngàng, và rồi cũng ngộ ra một thực tế là, ở bên ngoài biên giới Việt Nam, đang hình thành một tập hợp ngày càng đông đảo những người Việt Nam giầu có, họ sống và buôn bán ở nước ngoài như người nước ngoài, doanh nghiệp của họ thành lập ở Moscow, Kiev hay Saint – Peteburg, và hoạt động theo luật của Nga hoặc Ucraina. Vậy thì khi họ bán lúa mì cho Tổng Công ty lương thực Việt Nam chẳng hạn, nghiệp vụ đó bắt đầu từ Kiev, hiển nhiên phải gọi là xuất lúa mì sang Việt Nam, chứ làm sao có thể gọi khác!

Hiển nhiên thì hiển nhiên rồi, nhưng vẫn thấy ngai ngái thế nào trong suy nghĩ. Ai lại người Việt Nam đi xuất hàng vào Việt Nam, đi đầu tư tiền vào Việt Nam... khó thật, kinh tế thị trường phát triển nhanh đến mức, nhiều khi những tư duy đơn giản nhất cũng phải đủ thời gian mới ngấu dần.

Xin được quay lại chuyện của Sakimex. Buổi tối hôm đó, Nhật Tiến mời cả đoàn chúng tôi tới thăm và ăn tối tại nhà hàng mang tên Hà Nội, một trong những cơ sở kinh doanh của Sakimex.

Đây là một nhà hàng rất lớn, nằm cạnh đại sứ quán Anh trên một đại lộ ở trung tâm Kiev. Các nhân viên phục vụ nam nữ người U trong nhà hàng đều ăn mặc trang phục Việt Nam, nữ quần chùng áo dài đồng màu, nam áo gấm lá toạ. Nhật Tiến giới thiệu, phong cách kinh doanh ở đây là dân tộc nhưng tinh tuý, Việt Nam mà hiện đại. Phong cách đó được duy trì và nâng cao, nên nhà hàng trở thành một địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, trong đó đặc biệt là giới doanh nghiệp và chính khách. Anh cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã đến Kiev là thường lui tới đây.

Kiev một thuở - 2

Nhà hàng mang tên Hà Nội của doanh nhân Nguyễn Nhật Tiến tại kiev - ucraina (ảnh Nguyễn Đắc Như)

Thủ tướng mới đắc cử của Ucraina cũng tổ chức tiệc mừng ở nhà hàng Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi thăm Ucraina cũng đã tới thăm và dùng bữa tại đây. Những ví dụ như thế đủ để chứng minh cho sự thành công của nhà hàng Hà Nội nói riêng và Sakimex nói chung.

Mọi người nâng cốc chúc mừng cho chuyến đi của đoàn chúng tôi đạt kết quả tốt, chúc cho anh Tiến và công ty Sakimex ngày một thành đạt. Lúc này tôi mới có dịp quan sát Nguyễn Nhật Tiến trong trạng thái thư giãn của sự giao tiếp. Nhìn người đàn ông thấp đậm, 41 tuổi, nét mặt chất phác hồn hậu này, thật khó có thể tưởng tượng được, đây lại là người được giới nghiệp chủ Việt Nam tại U xếp loại giầu thứ ba - nhất Vượng, nhì Nam, tam Tiến, tứ Bằng - Và cũng lại chính họ, những người Việt đang buôn bán, làm ăn ở Ucraina còn kháo nhau rằng, riêng trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, nếu ai đó định xuất cái gì, nhập cái gì thì bao giờ họ cũng nhìn nhau và hỏi, cái đó Nhật Tiến đã làm chưa? Cái đó Nhật Tiến đã làm rồi à?

Dĩ nhiên đấy chỉ là những lời đồn đại mang tính truyền miệng. Nhưng một vài con số sơ lược mà tôi biết, và mục sở thị một vài cơ sở kinh doanh của Sakimex, tôi tin rằng tất cả đã là như thế.

Sáng hôm sau, Nhật Tiến mời anh em tôi đi thăm một số điểm kinh doanh bán lẻ công ty.

Cửa hàng đầu tiên nằm trên quảng trường Tolstoy, không lớn, chỉ là một gian hàng rộng chừng 100 m2, mặt tiền cỡ 6 mét, phía trong có một gian kho nhỏ kiêm văn phòng và công trình phụ. Hàng bán cũng không chuyên mà đủ thứ, từ quần áo tơ tằm, áo Kimônô sa tanh, áo Jacket, áo len đan tay. Rồi hàng thủ công mĩ nghệ, sơn mài, tranh thêu, đồ gốm, tượng gỗ, hàng mây tre đan...

Tất cả hàng bán ở đây đều là hàng Việt Nam, cũng đều do Sakimex đánh hàng từ Việt Nam sang. Buôn tận gốc, bán tận ngọn là thế. Bán hàng là một chị người Ucraina chừng 30 tuổi, một cô chừng 25 cũng người Ucraina làm kế toán kiêm nhập hàng, khi cần thì phụ giúp bán hàng. Tôi hỏi doanh số bán của cửa hàng, Tiến bảo cỡ chừng 35 đến 40 ngàn grip/tháng. Tính nhẩm, 1 đô Mỹ ăn 5,25 grip, quy ra đô, doanh số cỡ 6 đến 7 ngàn đô Mỹ.

Loại hàng này tôi biết, lãi gộp không dưới 30%, tính gọn lãi cỡ 2 ngàn đô, trừ tiền nhà, tiền lương, tiền thuế, cố gắng mỗi tháng bỏ túi 1 ngàn. 40 cửa hàng là 40 ngàn đô Mỹ, một năm vị chi là nửa triệu đô lãi ròng. Cái kiểu tính nhẩm của tôi chẳng biết có phải là đếm cua trong lỗ không, nhưng xưa nay đi buôn đi bán, lúc đàm phán hay dự kiến thoả thuận trước khi ký kết hợp đồng với ai, bao giờ tôi cũng có kiểu tính nhẩm như thế, nhà buôn mà, nhưng thực tế cũng không sai là mấy.

Từ cửa hàng bước ra, Nhật Tiến giới thiệu vì sao quảng trường này mang tên Tolstoy i. Anh dẫn chúng tôi sang bên góc đường đối diện. Trên bức tường tòa nhà có gắn một bức phù điêu bằng đồng cỡ chừng 70 x 120 cm, đúc nổi hình ảnh đại văn hào Nga Lev Tolstoy và hàng chữ chú thích: “ Vào những năm 1908 - 1910 nhà văn Nga Lev Tolstoy đã sống trong một căn hộ của ngôi nhà này ”. Anh cho biết thêm, ở Kiev hay bất cứ thành phố thị trấn nào ở Ucraina, ta cũng có thể bắt gặp các di vật kỷ niệm giống thế, điều này như có ý nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về các danh nhân tiền bối.

Tới thăm cửa hàng thứ hai của Tiến nằm trên phố Lixenka. Cửa hàng cũng có mô hình kinh doanh và qui mô tựa như cửa hàng trên kia, nhưng ở khu sân vườn bên cạnh mà Tiến mới thuê được, anh cho mở thêm một quán ăn nhẹ, chuyên bán bánh mỳ, đồ nguội, trứng ốp la, bánh ngọt, cà phê, rượu bán lẻ và đồ uống khác, một kiểu ăn uống lai rai giữa giờ rất Việt Nam.

Thấy cảnh khách ngồi túm tụm từng tốp hai, ba người, có người đốt thuốc lá nghi ngút và trầm ngâm đếm từng giọt cà phê phin chẩy, tôi mới hỏi Tiến rằng người Tây sống công nghiệp ghê lắm, ăn đồ fastfood Mc. Donal, vừa ăn trên tầu vừa đọc sách, vừa ăn vừa chạy, làm sao có thời gian mà khề khà cà phê giữa giờ như người Việt mà anh dám mở kiểu ăn uống Việt Nam thế này?

Tiến bảo thời gian đầu anh cũng nghĩ thế, nhưng cuộc sống nay đã khác trước. Người thất nghiệp nhiều, dân buôn bán nước bọt, chạy mánh, chỉ chỏ ngày một đông. Rồi những người có nhu cầu giữa giờ cần tìm một chỗ yên tĩnh để suy ngẫm, vào những bar rượu hay nhà hàng sang trọng thì không có tiền mà cũng không hợp cảnh, một góc vườn yên tĩnh thế này, dăm bẩy grip cũng đủ nhâm nhi. Thế là các quán lai rai đặc sản thương hiệu và phong cách Việt đã ra đời, và đến hôm nay Nhật Tiến có khoảng mười quán sân vườn như thế..

Trong lúc dẫn chúng tôi chậm rãi đi trên những vỉa hè rộng rãi và sạch sẽ của những dẫy phố yên tĩnh ngát bóng cây xanh, Tiến giới thiệu vắn tắt về thành phố Kiev và Ucraina, nơi anh đã học tập, đang cùng vợ con sinh sống, làm ăn và học hành, nơi anh luôn coi là quê hương thứ hai của mình.

Kiev được thành lập từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên, do ba anh em ruột họ Ki khởi xướng. Để ghi nhớ công ơn đó, thành phố được mang tên Kiev (những người họ Ki). Thành phố được xây dựng trên 7 ngọn đồi nối tiếp nhau chạy dọc bờ sông Dnepr, rồi dần dần phát triển xuống các sườn đồi và thung lũng. Trong quá trình phát triển, thành phố dần chia thành hai khu tượng trưng. Phần trên cao là nơi sinh sống của các tầng lớp vua chúa quan lại, những người giầu có. Phần thấp sườn đồi, thung lũng là nơi ở và làm việc của người nghèo, thợ thủ công.

Từ thế kỷ thứ IX đến XIII là quốc gia độc lập, hùng mạnh mang tên Kiepski - Rus. Rus nghĩa cổ là người làm lâm nghiệp. Trong khoảng thời gian này, rất nhiều lâu đài, biệt thự, công trình kiến trúc đẹp được xây dựng. Nhưng từ thế kỷ XIII trở đi, Kiev bị quân Tarta (Nguyên Mông) tàn phá và chiếm đóng. Những thế kỷ sau, liên tiếp bị các đế quốc Ba Lan, rồi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm. Đến thế kỷ XVII hợp nhất với Nga. Đến cách mạng tháng Mười 1917, trở thành nước cộng hoà lớn thứ hai trong Liên bang Xô Viết. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Sông Dnepr dọc thành Kiev là một trong những phòng tuyến ác liệt và oai hùng nổi tiếng của cuộc chiến tranh vệ quốc.

Hàng nghìn ngày bị bao vây, phong toả mà Kiep vẫn đứng vững, quân Đức không thể vượt được sông Dnepr tiến sang bờ bắc thành phố. Ngày nay trên ngọn đồi trung tâm thành phố, bức tượng Bà mẹ Tổ quốc đúc bằng hợp kim trắng bạc, cao hơn 50 mét, tay trái cầm tấm lá chắn in hình Quốc huy Liên Xô, tay phải vung cao thanh gươm lớn, là một khu tưởng niệm vĩ đại ghi nhớ những chiến công không bao giờ quên của nhân dân Kiev nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung.

Kiev là một trong 13 thành phố được phong tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng khi kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt có một không hai trong lịch sử này. Ucraina cùng nhiều nước cộng hòa khác đã cùng nhau chung sống hòa thuận trong Liên bang Xô viết hùng cường. Nhưng rồi trong những thăng trầm vần vũ của thời cuộc, trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ cuối tháng 12-1991, thì từ tháng 8 năm 1991 Ucraina và tất cả các nước Cộng Hòa trong Liên bang đều đã lần lượt tách ra thành những quốc gia độc lập cho đến ngày hôm nay…

Từ con đường lớn mặt tiền toà nhà Bộ Ngoại giao chúng tôi rẽ vào một phố nhỏ yên tĩnh, hai hàng cây sồi lá xanh nõn hình cánh sao rợp bóng hai bên đường. Có một toà nhà cao 4 tầng, mặt tiền chạy dài khoảng 50 mét, nhà xây mới, lối kiến trúc cổ điển châu Âu pha chút tân kỳ, đẹp và uy nghi. Nhật Tiến giới thiệu đấy là nhà riêng của Tổng thống Ucraina đương nhiệm - ông Kuchma.

Ông xây toà nhà bằng tiền riêng hết gần 2 triệu đôla Mỹ. Và con phố nhỏ thanh bình, đẹp như tranh có tư thất của ngài tổng thống, mang một cái tên rất ngộ “phố 1/10 - một phần mười”. Rồi Nhật Tiến giải thích, ông Bá tước Anđrây đã bỏ ra 1/10 tài sản của riêng mình để xây dựng con phố này từ hai thế kỷ trước, ông không lấy tên mình đặt cho phố, mà muốn khoe với thiên hạ rằng ông giầu tới mức nào bằng cái cách đặt tên rất hóm như thế.

Khu phố dưới chân đồi dọc bờ sông Dnepr được gọi là khu Pôđôlưi (vùng đất thấp), là khu phố cổ nhất của Kiev. Phần lớn các tên phố ở đây đều được giữ nguyên từ những ngày đầu hình thành, đó là những cái tên của các phường hội hoặc sản phẩm bán ra từ ngày xửa ngày xưa (giống như ở Hà Nội 36 phố phường, các phố được mang tên hàng hoá sản xuất hoặc bán ra). Trong khi đó, các phố lớn khu trung tâm mang tên các vĩ nhân các thời đại, thì cứ thay đổi luôn, mỗi khi có sự thay đổi các triều đại hoặc thể chế chính trị.

Nhà cửa ở khu Pôđôlưi này đều thấp chừng hai, ba tầng, kiến trúc cổ mang những nét đặc trưng châu Âu. Gió trời mát lạnh từ phía bờ sông Dnepr thổi lên, xào xạc vi vút trong những tán sồi trĩu lá, và tạo nên những tiếng thổi u u đồng vọng trong những con ngõ nhỏ. Yên tĩnh và thanh bình quá! Không có lấy một tiếng động nhỏ, chỉ thỉnh thoảng mới lại vang lên tiếng gót giầy của một bà già xách túi đi chợ, hoặc một cô gái trẻ giắt chó đi dạo trên hè.

Trong lúc tôi đang lơ đễnh thả bước chân nhàn tản với một trạng thái tinh thần thư giãn, dường như để được tận hưởng hoàn toàn sự tĩnh lặng trầm lắng của một góc vườn địa đàng trên một phần thế giới này, thì lời giới thiệu của Nguyễn Nhật Tiến đánh thức khoảnh khắc nhập thiền. Anh nói đây là con phố mang tên Bôris Glipxka, một phố cổ trung tâm khu phố cổ Kiev, và chúng ta đang đi đến một địa chỉ ít ai để ý, nhưng với người Việt Nam sẽ là một nơi có ấn tượng.

Tôi nhìn về hướng xa xa cuối con phố, thấp thoáng trong hàng cây xanh, một lá cờ đỏ nhẹ bay theo chiều gió, trước một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ hai tầng, càng đến gần tôi càng nhận ra rõ dần hình búa liềm màu vàng trên góc lá cờ đỏ. Cờ Đảng Cộng sản đây ư? Tôi hỏi nhỏ Nhật Tiến, anh gật đầu rồi nói với mọi người rằng, sau khi Liên Xô tan rã, nước Ucraina độc lập tách khỏi Liên bang thì Đảng Cộng sản Ucraina bị cấm hoạt động, mãi cho tới năm ngoái, Đảng mới được quay lại công khai như một tổ chức chính trị hợp pháp, và trụ sở Uỷ ban Trung ương Đảng chính thức đóng tại nhà số 7 phố Bôris Glipxka này.

Chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà quét vôi màu hồng nhạt cũ kỹ, không thấy phòng thường trực, không có lính gác, cũng không thấy một bóng người qua lại.  Sự tĩnh lặng của ngôi nhà dường như cũng hoà nhập với không gian khu phố cổ tĩnh lặng. Tôi lấy máy ảnh, cẩn trọng điều chỉnh, lựa góc đứng không có người, tranh thủ bấm năm, sáu kiểu ảnh, ghi lại hình ảnh trụ sở Trung ương của một Đảng Cộng sản trong giai đoạn đảo chiều lịch sử. Rồi cả đoàn, chẳng ai bảo ai đều lặng lẽ đứng trước ngôi nhà chụp ảnh kỷ niệm, chụp tập thể, chụp theo nhóm, chụp cá nhân. Những bức ảnh đó sau này cho nhau xem, thật lạ, không thấy ai mỉm cười, mắt mọi người dường như đều phảng phất một nỗi buồn u uẩn xa xăm…

Kiev một thuở - 3

Em bé và khẩu đại bác tại khu tưởng niệm Bà mẹ Tổ quốc ở Kiev (ảnh Nguyễn Đắc Như)

…Vòng qua nhiều phố để trở về nơi đỗ xe, trên đường đi chúng tôi còn được chứng kiến nhiều cảnh đẹp của Kiev cổ, đi đến đâu Nhật Tiến cũng chủ động giới thiệu tên tuổi và lịch sử của những công trình đáng chú ý, rồi sẵn sàng trả lời, giải thích kỹ những câu hỏi của mọi người. Có điều rất lạ là khi nghe anh giới thiệu về Kiev, về Ucraina, về những công trình và sự kiện liên quan đến lịch sử, văn hoá ở xứ này, ai cũng nghĩ anh là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp có hạng.

Có người thắc mắc về điều đó, anh chỉ cười mà rằng, nhiều lần dẫn anh em trong nước sang thăm đi chơi thành phố, thấy rằng lúc nào cũng bàn chuyện kinh doanh mệt mỏi quá, nên phải kể chuyện Kiev mọi người nghe cho đỡ căng thẳng, lâu rồi thành quen, quen đến mức thỉnh thoảng Đại sứ hay Thương vụ tiếp khách trong nước, lại gọi lên để giao lưu công việc, và nhờ dẫn đoàn đi tham quan. Nhiều lần như thế, tưởng là vui chơi, mà lại ký kết được các hợp đồng mua bán có giá trị. Anh cười đến hồn nhiên như có ý chốt lại rằng, vui chơi có thưởng là thế đấy các đại ca ạ!

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất