Lý do vụ thảm sát Lidice trở thành nguồn gốc ngày Quốc tế thiếu nhi

​​​​​​​Ngày 1 tháng 6 năm 1942 được lịch sử thế giới ghi lại như là một trong những ký ức đau buồn nhất của nhân loại. Sự kiện bi thảm này xảy ra vào khoảng thời gian giữa cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi đó Đức Quốc xã đã chiếm đóng hầu hết các nước châu Âu.

Lý do vụ thảm sát Lidice trở thành nguồn gốc ngày Quốc tế thiếu nhi - 1

Nhóm tượng đài 82 em thiếu nhi bị sát hại tại khu tưởng niệm LIDICE ( Ảnh ST )

Nước Séc (Tiệp) nhỏ bé ở sát vách nên đã bị nước Đức thôn tính từ những ngày đầu chiến tranh 1939. Vào một buổi sáng ngày 27/5/1942, viên tướng tổng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm SD Reinhard Heydrich bị một nhóm du kích Séc chặn đánh rồi quăng thủ pháo sát hại trên đường công cán tại một huyện miền Trung Séc.

Để trả thù, thống chế Himmler đã trực tiếp ra lệnh phải triệt hạ theo cách đốt sạch, phá sạch, giết sạch một ngôi làng nào đó ở ngay miền Trung Séc. Về việc chọn khai tử một ngôi làng, sau này người dân ở đây truyền miệng kể lại rằng bọn Đức đã chọn một cách ngẫu hứng bằng cách viên chỉ huy lấy một viên bi sắt tung lên cho rơi trên mặt tấm bản đồ trải rộng, viên bi dừng ở đâu thì nơi đó là địa điểm bị thảm sát.

Và sau cái trò chơi tử thần định mệnh này thì ngôi làng Lidice nhỏ bé xinh đẹp nằm trên một ngọn đồi cao ở huyện Kladno tỉnh Trung Séc đã bị lũ đồ tể Quốc Xã chọn làm vật tế thần.

Rạng sáng ngày 1/6/1942, lực lượng đặc nhiệm SD đã bao vây làng Lidice. Tất cả dân làng bị tập trung lại và ngay sau đó cuộc thảm sát được tiến hành. 175 nam giới tuổi từ 15 trở lên bị bắn ngay tại chỗ. 203 phụ nữ tuổi từ 17 trở lên bị đưa vào các trại tập trung.

Còn lại 105 trẻ em, bé nhất 1 tuổi, lớn nhất là 16 với các em gái và 14 tuổi với các em trai bị tách khỏi mẹ và gom lại, có 23 em trong số đó được chọn để tiến hành “Đức hóa”, được nuôi dưỡng trong các gia đình phát xít nhằm mục đích sau này trở thành những công cụ phục vụ đế chế Đức. 82 em còn lại bị đưa vào các trại tập trung ở Ba Lan và đều bị giết chết trong các phòng hơi ngạt Xiclon B.

Sau khi rút quân, theo lệnh chỉ huy, lính SB đã tiến hành đốt cháy và phá sập tất cả các công trình kiến trúc công cộng cũng như nhà cửa của dân cư. Làng Lidice trong phút chốc trở thành một bãi tha ma hoang vắng.

Sau chiến tranh, vào năm 1948 làng Lidice bắt đầu được xây dựng lại. Theo thời gian, các công  trình tưởng niệm được mọc lên như tượng đài, nhà bảo tàng, vườn hoa Hòa Bình… Năm 1969, nữ  điêu khắc gia người Séc Marie Chytilova có ý tưởng xây dựng một cụm tượng đài có đủ 82 em thiếu nhi Lidice bị giết hại trong trại tập trung ở Ba Lan (42 em nữ và 40 em nam). Những bức tượng ban đầu chỉ được làm bằng thạch cao. Do kinh phí hạn hẹp, mãi tới năm 1989 mới có 3 bức được đúc bằng đồng. Đến mùa xuân 1995, số bé em được “trở về nhà” đã là 30. Và tới năm 2000 thì tất cả 82 em đã quây quần đông đủ bên nhau trên sườn đồi ven làng nhìn xuống thung lũng Lidice.

 Để cho các thế hệ hậu sinh nhớ về tội ác chiến tranh từng gây nên những thảm cảnh cho lứa tuổi thiếu nhi thế giới, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm cho các thế hệ sau này trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình chung của nhân loại, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã họp bàn thống nhất và quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm là ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm chăm sóc đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, dành cho các em những điều kiện bảo vệ và chăm sóc tốt nhất có thể. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm đã trở thành ngày Quốc tế thiếu nhi.

Cũng từ đấy, ngôi làng nhỏ bé Lidice với cụm tượng đài có lịch sử bi thương lay động lòng người đã trở thành khu di tích tội ác chiến tranh nổi tiếng thế giới, hàng năm thu hút không ít du khách thập phương cả trong và ngoài nước Cộng hòa Séc về đây tham quan tưởng niệm.

***

Với riêng phần cá nhân, tôi đã có một cuộc viếng thăm không thành tới khu di tích này, điều đó cứ gợi lại trong lòng một nỗi nuối tiếc khôn nguôi mỗi khi ngày Quốc tế Thiếu nhi đến gần.

 …Cuối năm 1996, tôi có một chuyến công tác dài ngày tại nước Cộng hòa Séc. Hôm ấy là ngày 24/12 Thiên chúa giáng sinh, một ngày lễ trọng đại bậc nhất của người dân châu Âu. Anh em bạn bè chúng tôi trên đất Séc hẹn gặp nhau tại Praha để đi chơi đêm chào đón giáng sinh. Châu Âu mùa đông ngày rất ngắn, 10 giờ sáng trời vẫn tờ mờ, xe chạy vẫn phải bật đèn, 3 giờ chiều trời đã ngả màu tối.

Lý do vụ thảm sát Lidice trở thành nguồn gốc ngày Quốc tế thiếu nhi - 2

Trên đường đến làng Lidice

Những ngày này cả châu Âu đang tê cóng trong một mùa đông thế kỷ. Ở Brno, ở Praha nhiệt độ ngoài trời luôn là âm 26, âm 27 độ, băng tuyết mù mịt đất trời. 9 giờ sáng hôm đó, xe chúng tôi khởi hành từ thành phố Brno, đường trơn trượt, người ta phải dùng xe chuyên dụng rải muối trên đường cho nước không đóng băng, tuy vậy xe cũng không thể phóng nhanh, mặc dù Brno – Praha là tuyến đường cao tốc có chiều dài lớn nhất và tốt nhất nước này. Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi chỉ còn cách Praha chừng dăm chục cây số, thời tiết lúc này có dấu hiệu bất thường, lúc quang quẻ lúc âm u gió rít.

Trên đường đi có một lúc tôi nhận ra trên một tấm biển giao thông rất lớn màu xanh ven đường nổi lên mấy dòng chữ màu vàng với mũi tên rẽ phải: Kladno, Lidice… Chỉ trong chớp mắt, những dòng chữ đó như bất ngờ đánh thức tiềm thức về một địa danh, một miền đất lịch sử. Tôi bảo chú Chín lái xe giảm tốc rồi dừng lại. Bước ra khỏi xe, gió lạnh hun hút thổi tung những đụn tuyết trắng bên đường, trời lạnh kinh khủng. Anh em tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm trước tấm biển màu xanh rồi vội vàng chui vào xe.

Khi đã hồi lại nhờ vào không khí ấm áp điều hòa tôi mới hỏi Chín về ngôi làng mà trong suy nghĩ lúc ấy tôi rất muốn đến thăm. Chín trả lời là đã đến đó cách đây vài năm, đường đi lối lại cũng thuận tiện. Tôi ngỏ ý rằng sẽ khó có cơ hội lần thứ hai nên bây giờ muốn tranh thủ ghé thăm nơi ấy cho dù chỉ dăm ba phút.

Chín liếc đồng hồ. 2 giờ 30 phút. Lại liếc mắt ra khoảng không cánh đồng nhức mắt một màu tuyết trắng rồi bảo, quãng đường từ đây đến đấy vừa đi vừa về rồi vừa vào làng thăm khu di tích, nếu thời tiết thuận lợi và không vướng mắc gì thì chí ít cũng mất tiếng rưỡi.

Tần ngần một lúc chú nói tiếp là lúc này chiều muộn, thời tiết thất thường tiềm ẩn nhiều điều bất trắc, lại phải về Praha sớm, cố đi mà có chuyện gì thì sếp em ở nhà sẽ không tha tội. Tôi phải an ủi là rủi ro mà có chuyện gì thì tôi sẽ gánh hết cho. Cuối cùng Chín cũng miễn cưỡng chiều theo ý tôi.

Từ đường cao tốc rẽ phải đi vào con đường dân sinh. Đường tốt lại vắng vẻ, xe lao đi vun vút bỏ lại phía sau loang loáng những cánh rừng thưa, những ngôi làng nhỏ với những mái nhà và tháp chuông nhà thờ thấp thoáng sau những lùm cây, những đám trẻ chạy nhảy trượt tuyết trên những thảm tuyết xốp như bông nõn ở những khoảng trống đầu làng…

Từ trên xe thỉnh thoảng tôi lại kéo kính xuống tranh thủ lia máy ảnh có ghi lại những hình ảnh ấn tượng về những ngôi làng bình yên ở đây trong một ngày đông giá. Bầu trời ngoài kia bỗng tối sầm như đổ chì và những hàng cây bên đường cúi rạp về một hướng gió thổi, tuyết bắt đầu rơi mạnh. Chín  lẩm bẩm một mình, bão tuyết rồi! Chạy thêm chừng một cây số nữa chú quay sang bảo tôi phải quay về ngay thôi không thì nguy hiểm lắm dù rằng Lidice chỉ còn khoảng ba cây số nữa.

Thế là chúng tôi phải vội vã quay xe  phóng nhanh ra đường cao tốc chạy đua với cơn bão tuyết đuổi gấp sau lưng.

Về tới Praha khoảng 5 giờ chiều khi trời đã tối hẳn, chúng tôi về thẳng nơi nghỉ tại nhà khách sứ quán phố Racinovo chạy dọc bờ sông Vltava. Đêm hôm đó sau bữa ăn tối mừng giáng sinh với mấy người bạn Séc, chúng tôi rủ nhau đi chơi Noel.

Nơi chúng tôi đến là những khu phố cổ Praha, với những con đường lát đá xám và những ngôi nhà cao thấp đã từng sát cánh bên nhau từ vài trăm năm trước. Cách đón Noel của người dân Séc ở đây cũng khác với cách người Việt chúng ta. Ban ngày hôm đó mọi người đi lễ nhà thờ vào một lúc thích hợp, buổi tối hầu hết mọi người đều ở trong nhà, họ trang trí cây thông đèn nến cũng như bàn thờ thánh trong phòng khách, mọi thành viên trong gia đình và những người bạn thân được mời, tất cả đều quây quần bên bàn tiệc cùng trò chuyện thân mật hát hò thâu đêm.

Dạo chơi ngoài đường phố hoặc đi lễ nhà thờ về khuya đa phần là người nước ngoài sinh sống học tập ở đây hoặc những cặp tình nhân trẻ tuổi dắt tay nhau trò chuyện thâu đêm suốt sáng trên những nẻo đường phủ trắng tuyết rơi, hoặc có lúc họ lại rủ nhau vào các nhà thờ quỳ gối cầu chúa ban phước lành cho hạnh phúc lứa đôi... 

Khi chúng tôi đang đi dạo trên quảng trường Con gà, trung tâm phố cổ Praha, nơi quây quần nhiều ngôi nhà thờ cổ kính và to đẹp nổi tiếng thủ đô, thì bỗng nhiên từ những tháp chuông nhà thờ quanh quảng trường cũng như từ vô vàn những tháp chuông gần xa của cái thành phố có nhiều ngôi giáo đường đẹp nổi tiếng thế giới này, những tiếng chuông chầu lúc rộn rã khi thong thả nhả từng hồi âm thanh trang nghiêm mà ấm áp cứ thế dồn dập như sóng trào lan tỏa vào khoảng không gian lạnh giá của cái ngày đại lễ mừng Thiên chúa ra đời. Đã 12 giờ đêm, giao thừa đã điểm!

Và bỗng dưng vào đúng lúc ấy, lòng tôi sao thấy trống trải lạ lùng khi chạnh nghĩ, không biết đêm nay ở ngôi làng Lidice nhỏ bé kia có ai đến đó để thắp cho một ngọn nến gửi lời nguyện cầu tới những linh hồn bé bỏng lạnh giá đang nép mình bên nhau giữa mịt mùng hoang vắng?

None

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi