Quan chức Đức: Không có khí đốt Nga, Berlin chỉ trụ được 2,5 tháng mùa đông
Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur cảnh báo Berlin cần tiết kiệm khí đốt và tìm các nhà cung cấp mới trong bối cảnh bị Nga giảm nguồn cung.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đầu tháng 6 tuyên bố, sẽ tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Nord Stream AG
Trang DW hôm 23/6 đưa tin, Klaus Müller, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur, cho biết, Đức chỉ có thể xoay xở trong 2,5 tháng mùa đông năm nay mà không có khí đốt Nga.
"Nếu các kho dự trữ ở Đức đầy 100%, chúng ta có thể trụ được khoảng 2,5 tháng mà không cần khí đốt Nga. Nhưng sau đó các bể chứa sẽ trống rỗng", ông Müller nói trong chương trình Maybrit Illner, phát trên kênh ZDF của Đức hôm 23/6.
Người đứng đầu Bundesnetzagentur cảnh báo Đức cần tiết kiệm khí đốt và tìm các nhà cung cấp mới trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga bị hạn chế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng với đài truyền hình RTL/ntv, ông Müller cho biết giá khí đốt tiêu dùng ở Đức có thể tăng gấp 3.
Đầu ngày 23/6, Đức bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, cho phép các nhà cung cấp tăng giá khí đốt với người tiêu dùng, với điều kiện được Bundesnetzagentur cho phép.
Ông Müller cho biết, nếu Đức bước vào giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) của kế hoạch này, Berlin sẽ phải hứng chịu những hậu quả "nghiêm trọng" với ngành công nghiệp khí đốt. Ở giai đoạn cuối này, Bundesnetzagentur sẽ chia "khẩu phần" khí đốt, ưu tiên các hộ gia đình hơn các công ty năng lượng.
Nga siết chặt nguồn cung khí đốt, Đức đối mặt với khủng hoảng năng lượng
Berlin phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt từ Moscow. Dù Đức và các nước thành viên EU khác áp đặt lệnh cấm vận với dầu Nga vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Berlin vẫn né tránh thực hiện lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, theo DW.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đầu tháng 6 tuyên bố, sẽ tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1. Gazprom trước đó đã giảm nguồn cung khí đốt cho Pháp và Ý trong bối cảnh phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Để đa dạng hóa chiến lược năng lượng, tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, Đức gần đây hợp tác khí đốt với Qatar. Berlin cũng tăng cường sử dụng than đá để giảm phụ thuộc vào khí đốt, bất chấp các vấn đề về môi trường.
Bình luận