So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng

Trên Lương Sơn Bạc, Ngô Dụng ngồi ghế thủ lĩnh thứ ba. Mưu lược của ông được miêu tả là có thể “đánh lừa Gia Cát Lượng, khiến cho quỷ thần kinh hãi”.

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 1

Ngô Dụng cầm quạt lông, khá giống với hình ảnh của Gia Cát Lượng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Sohu, Gia Cát Lượng là nhân vật có thật trong lịch sử, còn Ngô Dụng chỉ là nhân vật hư cấu.

Trong tác phẩm Thủy Hử của nhà văn Thi Nại Am, Ngô Dụng đại diện cho trí tuệ của quân Lương Sơn Bạc, biệt hiệu là “Trí Đa Tinh” (ngôi sao nhiều mưu trí). Tài năng của ông không ít lần được ví von là sánh ngang với Gia Cát Lượng – thừa tướng nước Thục, nổi tiếng với “Long Trung đối sách” chia 3 thiên hạ.

Tuy nhiên, 3 chi tiết sau đây cho thấy Ngô Dụng không thể so bì với Gia Cát Lượng, theo Sohu.

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 2

Cặp bài trùng Ngô Dụng – Tống Giang (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

1. Bày mưu tính kế

Trong Thủy Hử, Ngô Dụng được miêu tả là người thời Bắc Tống, sống ở làng Đông Khê, huyện Vận Thành, Tế Châu, Sơn Đông. Ngô Dụng vốn là một ông đồ nghèo dạy trẻ trong làng, nhưng có phong thái và trí tuệ khác người, trên tay luôn cầm một chiếc quạt lông, thường được gọi là “Gia Lượng tiên sinh” (ý nói trí tuệ sánh ngang với Gia Cát Lượng).

Tuy nhiên, trong khi Gia Cát Lượng ra khỏi lều tranh với lý tưởng “giúp dân, cứu đời”, thì Ngô Dụng lại xuất hiện với mục tiêu có phần hèn kém hơn: Làm cướp.

Ở hồi 13 Thủy Hử, Ngô Dụng là người chủ động xuất hiện và thuyết phục nhóm Tiều Cái, Lưu Đường tham gia vụ cướp 10 vạn quan tiền. Đây vốn là quà mừng thọ (sinh thần cương) do quan Lương Trung Thư (tên thật là Lương Thế Kiệt) dâng lên quan Thái sư Sái Kinh.

Kế hoạch dùng rượu tẩm thuốc mê hạ gục Dương Chí (người được quan Lương Trung Thư giao việc áp tải sinh thần cương) và tẩu tán số vàng bạc cướp được hoàn toàn do Ngô Dụng vạch ra. Sau khi nghe Ngô Dụng bày kế xong, Tiều Cái phải dậm chân xuống đất mà khen rằng:

“Diệu kế, diệu kế. Không trách người đời gọi tiên sinh là Trí Đa Tinh. Thực là xứng đáng. Dẫu là Gia Cát Lượng cũng chỉ đến thế mà thôi”.

Tuy nhiên, “diệu kế” của Ngô Dụng không vẹn toàn như Tiều Cái nghĩ, theo Sina.

Trước hết, Ngô Dụng phạm sai lầm chí mạng khi cho Bạch Thắng – tay cờ bạc nổi tiếng nhát gan – nhập bọn. Cướp được sinh thần cương, Ngô Dụng không nghe ngóng tin tức, không chờ “sóng yên biển lặng” mà vội vàng chia chác vàng bạc ngay. Đây là điều mà các băng cướp chuyên nghiệp thường không làm.

Kết quả là Bạch Thắng dùng chính số tiền cướp được đi đánh bạc và thua sạch.

Trên công đường phủ Tế Châu, Bạch Thắng chỉ nếm vài đòn tra khảo đã khai vanh vách mọi chuyện. Nếu không có Tống Giang báo tin kịp thời, băng cướp do Tiều Cái cầm đầu chắc chắn bị bắt giữ hết.

“Nếu không có người ấy mách cho, thì chúng ta vào lưới cả”, Ngô Dụng than thở.

Theo Sina, chi tiết này cho thấy Ngô Dụng là người bày mưu không kín kẽ. Đến một viên nha sai ở phủ Tế Châu là Hà Đào cũng có thể vạch trần kế hoạch cướp sinh thần cương của Ngô Dụng, không thể nói là mưu kế có thể “đánh lừa Gia Cát Lượng”.

Ở hồi 38 Thủy Hử, thói “tính bước đầu, hụt bước sau” của Ngô Dụng suýt nữa hại Tống Giang mất mạng.

Số là Tống Giang đề thơ phản trên lầu Tầm Dương, bị tri phủ Giang Châu bắt giam, chờ ngày xử tử. Để cứu nguy, Ngô Dụng bày kế mời Đại Kiện, Tiêu Nhượng làm ấn tín, thư giả của Thái sư Sái Kinh hòng cứu Tống Giang (Sái Kinh là cha của tri phủ Giang Châu).

“Nếu thế thì tuyệt diệu lắm. Ta phải làm ngay mới được”, Tiều cái khen mưu kế của Ngô Dụng.

Kết quả, thư và ấn tín đều giống như thật, nhưng giọng văn lại quá cứng nhắc. Đặc biệt, cha viết thư cho con vì sao lại phải đóng dấu ấn? Những chi tiết bất hợp lý này do chính Ngô Dụng chỉ đạo, không thể trách Đại Kiện, Tiêu Nhượng.

Khi Ngô Dụng thốt lên “nguy mất rồi, nguy mất rồi” trong bữa tiệc rượu, cũng là lúc Tống Giang và Đới Tung gần như cầm chắc cái chết.

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 3

Quân sư Gia Cát Lượng nổi tiếng với nhiều mưu kế “xuất quỷ nhập thần” (tranh: Sina)

Theo Sohu, nếu xét từ góc nhìn của chiến lược gia, những mưu kế do Ngô Dụng sắp đặt chỉ có thể coi là “mẹo nhỏ”. Mỗi khi quân Lương Sơn rơi vào hiểm cảnh hay đương đầu với các thế lực lớn, Ngô Dụng không có cách gì xoay chuyển cục diện mà chỉ có thể dựa vào tài năng của các thủ lĩnh khác.

Đối với Gia Cát Lượng, mỗi lần dùng “mẹo nhỏ” của ông đều có thể ảnh hưởng đến cục diện lớn.

Tam Quốc Chí (bộ chính sử thời Hán) chép, Gia Cát Lượng lúc mới về đầu quân cho Lưu Bị, thấy Lưu Bị buồn phiền vì chuyện thiếu quân, ông nói:

“Nay Kinh Châu dân số chẳng phải ít, nhưng số biên trong sổ tịch lại quá ít. Nếu cứ theo sổ tịch mà trưng binh, tất nhân tâm không phục. Nên nói riêng với Lưu Biểu, lệnh cho tất thảy dân ngụ cư trong vùng phải tới ghi danh vào sổ tịch, nhân đó có thể tuyển thêm quân.

Bị theo mưu đó, nên được binh hùng tướng mạnh”.

Năm 288, Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt lần thứ nhất. Mạnh Đạt (viên tướng cũ của Lưu Bị nhưng sau đó hàng Tào) đã móc nối với Gia Cát Lượng nhưng chần chừ chưa dám tạo phản. Để ép Mạnh Đạt làm phản, Gia Cát Lượng cố tình để lọt thư từ trao đổi với ông ta cho Thân Nghi – một viên tướng Ngụy. Chuyện vỡ lở, Mạnh Đạt buộc phải phản Tào.

Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, mưu kế của Gia Cát Lượng thậm chí còn được nâng lên tầm “quỷ khốc thần sầu”.

Những mưu kế của Gia Cát Lượng như “dụng hỏa công”, “thuyền cỏ mượn tên” trong trận Xích Bích, “mượn Kinh Châu” khi đối đầu với Chu Du, “không thành kế” khi đối đầu với Tư Mã Ý… còn được lưu truyền đến ngày nay.

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 4

Tống Giang là chỗ dựa vững chắc nhất của Ngô Dụng ở Lương Sơn Bạc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Tinh thông binh pháp

Nói về binh pháp, Ngô Dụng chỉ ở mức “thường thường”, không có gì nổi bật.

Theo Zhuanlan Zhihu (trang tin Trung Quốc), mỗi lần có viên mãnh tướng nào do triều đình phái tới đánh Lương Sơn Bạc, Ngô Dụng ngoài việc tổ chức phòng thủ, lợi dụng địa hình hiểm yếu của hơn 800 dặm đầm nước Lương Sơn thì không có kế sách gì hơn.

Ở hồi 54 Thủy Hử, Ngô Dụng gặp trận liên hoàn mã của Hô Diên Chước thì “bó tay”, phải dụ Từ Ninh đến dạy quân Lương Sơn cách sử dụng câu liêm (móc sắt) để phá trận.

Trước đó, trong trận chiến ở Cao Đường Châu, Ngô Dụng và Tống Giang cũng “chạy dài” khi đối đầu với Cao Liêm có trận pháp lợi hại. Cực chẳng đã, Ngô Dụng phải mời Công Tôn Thắng bày kế phá trận của Cao Liêm.

Ở hồi 63, Ngô Dụng không bày được mưu kế gì, hoàn toàn “chịu trận” khi Quan Thắng tấn công Lương Sơn, chặn cả đường về của cánh quân Tống Giang. Trận đánh này may có Hô Diên Chước (trước đó đã đầu hàng Lương Sơn) dùng kế trá hàng đánh lừa Quan Thắng. Nếu không, Lương Sơn Bạc có thể bị diệt.

Ở hồi 88 phần Hậu Thủy Hử, quân Liêu bày trận “hỗn thiên”, Ngô Dụng thậm chí còn không nhìn ra trận pháp. Trong giấc mơ, Tống Giang được Cửu Thiên Huyền Nữ truyền phép phá trận, quân Lương Sơn mới thắng được quân Liêu.

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 5

Dốc lòng để mong chiêu an, Ngô Dụng và Tống Giang đẩy Lương Sơn Bạc đến kết cục bi thảm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Tam Quốc Chí, trong sự nghiệp cầm quân của Gia Cát Lượng, không có trận pháp nào mà ông không nhìn ra hoặc không phá được. Gia Cát Lượng còn có thể trực tiếp cầm quân, trong khi Ngô Dụng không làm được điều này.

Năm 224, trong chiến dịch bình định phía nam Ích Châu, Gia Cát Lượng đã 7 lần bắt sống Mạnh Hoạch, buộc Mạnh Hoạch phải thần phục nước Thục.

Năm 231, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ tư. Trong trận đại chiến ở Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng bày trận khiến Tư Mã Ý thua to. Sau trận này, Tư Mã Ý giữ thế thủ, không dám trực tiếp giao tranh với quân Thục nữa.

Tam Quốc Chí chép, Tư Mã Ý lén xem doanh trại của quân Thục, thấy Gia Cát Lượng đóng quân rất bài bản, có doanh lũy, bếp, giếng, nhà xí, rào tre, chòi canh liên tiếp nhau, chẳng những lực lượng cơ động thuận lợi mà việc phòng ngự cũng rất mạnh.

Tư Mã Ý phải thốt lên rằng: “Thật là thiên hạ kỳ tài vậy”.

Tương truyền, Gia Cát Lượng còn sáng tạo ra Bát Quái trận, dùng một vạn quân có thể đấu 10 vạn quân và Bát Trận đồ, dùng đất đá có thể vây khốn 10 vạn quân của Lục Tốn (đô đốc Đông Ngô).

So tài trí quân sư "khiến quỷ thần kinh hãi" của Lương Sơn Bạc với Gia Cát Lượng - 6

Gia Cát Lượng có thể trực tiếp cầm quân đánh trận, điều mà Ngô Dụng không thể (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

3. Tầm nhìn chiến lược

Tầm nhìn của Ngô Dụng rất bình thường, nếu không muốn nói là hạn hẹp, theo Sohu. Sau khi lên Lương Sơn, Ngô Dụng không đưa ra được bất cứ chiến lược nào để sơn trại có thể mở mang và tồn tại lâu dài. Quân Lương Sơn cũng không sản xuất nông nghiệp hay mở mang buôn bán. Nguồn lực của cả sơn trại chỉ đến từ việc cướp bóc.

Sau khi lên Lương Sơn, Tống Giang chính là người đưa ra khẩu hiệu “thay trời hành đạo”. Từ đó quân Lương Sơn mới có tôn chỉ chiến đấu, bớt quấy nhiễu người dân và thu phục thêm nhiều hảo hán.

Là “bộ óc” của Lương Sơn, nhưng Ngô Dụng không có tầm nhìn xa trông rộng, dự báo tương lai. Mong muốn của “Gia Lượng tiên sinh” cũng giống Tống Giang, đó là chờ đợi chiêu an, nhận được một chức quan trong triều đình nhà Tống, theo Qulishi.

Điều khá trớ trêu là mỗi lần dụ hàng một viên tướng triều đình nào đó, Ngô Dụng, Tống Giang lại chỉ trích họ “ngu trung” (trung thành một cách mù quáng) và không nên “bán mạng vì triều đình” khi “gian thần còn đang lộng quyền”.

Kết quả, 2 người hăng hái “bán mạng vì triều đình” nhất lại là Ngô Dụng và Tống Giang. Ngô Dụng chủ trương chiêu an trong khi 3 kẻ đại ác trong triều đình là Cao Cầu, Sái Kinh và Đồng Quán còn chưa bị hạ bệ.

Theo Qulishi, tầm nhìn hạn hẹp của Ngô Dụng và Tống Giang là nguyên nhân khiến nhiều hảo hán của Lương Sơn bỏ mạng. Bản thân Ngô Dụng cũng tự sát sau khi Tống Giang bị hạ độc.

Xét về tầm nhìn xa trông rộng, Ngô Dụng thậm chí còn không bằng nhóm đầu lĩnh “hạng 2” như Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng Mãnh.

Sau khi kết thúc chiến dịch đánh Phương Lạp, Lý Tuấn, Đồng Uy và Đồng Mãnh từ biệt Tống Giang, tìm đường sang nước Xiêm La và hưởng phú quý cho đến cuối đời. Trước đó, Lý Tuấn đã khuyên Ngô Dụng phải cảnh giác với sự tráo trở của triều đình, nhưng Ngô Dụng lưỡng lự, không để đưa ra quyết sách.

Về khả năng hoạch định chiến lược, dự báo tương lai, Gia Cát Lượng vượt xa Ngô Dụng, theo Sohu.

Tam Quốc Chí chép, Gia Cát Lượng chưa ra khỏi lều cỏ đã có thể đoán định cục diện thiên hạ chia ba.

Ông cũng là người trực tiếp tác động thế cục này khi vạch ra “Long Trung đối sách”, phò tá Lưu Bị từ chỗ tay trắng đến khi gây dựng được nước Thục có thể cạnh tranh ngang ngửa với Ngụy – Ngô.

Chính Pháp – tổng hợp

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu