Waterlo - Nghĩa trang đế chế Napoleon
Waterlo là tên một ngôi làng nằm bên một dãy đồi chạy theo hướng Đông – Tây, tất cả được bao bọc bởi một cánh đồng rộng lớn cùng tên. Cánh đồng bị chia cắt làm hai bởi một tuyến đường cái quan liên tỉnh dẫn tới Bruxel. Một con đường mòn mang tên Ohain chạy dọc dãy đồi và cắt ngang con đường đi Bruxel...
Hai ngày trước khi rời Bruxel, một anh bạn ở văn phòng sứ quán hỏi tôi đã đi thăm Waterlo chưa? Tôi bảo chưa kịp đi, bạn bảo đến Bỉ mà chưa thăm nơi này thì coi như chưa đến Bỉ! Quả thật từ trước khi vào Bỉ tôi đã dự định thế nào cũng phải đến đấy bằng được, nhưng rồi công việc co kéo nên cận ngày rời đi mà vẫn chưa thực hiện được.
Dưới chân đồi Sư Tử trong khu di tích chiến trường Waterlo
Rất may trong bữa cơm trưa hôm đó, anh Minh Tham tán Thương Mại cho biết, chương trình tiếp khách Tây chiều nay hoãn, nếu tôi có thời gian thì anh sẽ đưa đi thăm Waterlo cả buổi chiều. Đúng là cầu được ước thấy. Cơm nước xong chúng tôi tranh thủ lên đường ngay.
Trước khi đi thăm nơi này, tôi nghĩ cũng nên ôn lại đôi điều về người đàn ông, mà chỉ trong vòng 1/4 thế kỷ tung hoành ngang dọc, đã lập nên những võ công oai hùng đủ sức uốn nắn cả dòng chảy lịch sử, sắp xếp lại bản đồ địa chính trị châu Âu thời đó theo ý riêng mình, để từ đấy đã dựng lên một đế chế hùng mạnh vào bậc nhất trong lịch sử. Nhưng chỉ một trận đánh cuối cùng diễn ra trên một cánh đồng trước đấy ít ai biết đến, mà đế chế hùng mạnh ấy đã sụp đổ tan tành.
Người đàn ông cao 1 mét 57 tự tin và kiêu hãnh với nhiều câu nói độc đáo để đời ví như, chiều cao của người đàn ông được đo từ đỉnh đầu lên tới trời cao! Người ấy là Napoleon Bonapart. Còn mảnh đất đã chôn vùi đế chế của ông chính là Waterlo, một đồng cỏ êm đềm và khuất nẻo chỉ cách thủ đô Bruxel nước Bỉ ngày nay chưa đầy hai chục cây số.
Năm 1789 vào ngày 14/7, tại nước Pháp phong kiến đã nổ ra cuộc đại cách mạng Tư sản lật đổ chế độ quân chủ Bourbon suy đồi và tàn bạo. Ngay sau khi cách mạng thành công, chính quyền mới do giai cấp tư sản đại diện đã lãnh đạo nhân dân Pháp tiến hành một cuộc chiến đấu vệ quốc chống lại hai thế lực thù địch là triều đình Bourbon lưu vong liên kết với tất cả các quốc gia phong kiến châu Âu đồng lòng tấn công nước Pháp, hòng bóp chết chính quyền cách mạng Cộng Hòa non trẻ. Những người lãnh đạo cánh tả trong chính quyền đã kêu gọi nhân dân cả nước cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược và đã giành được chiến thắng ở nhiều mặt trận.
Trong cuộc chiến đấu giải vây phong tỏa, viên đại úy pháo binh Napoleon Bonapart chỉ huy pháo đài Toulon đã lập được chiến công to lớn. Napoleon đã ra lệnh hạ tất cả các nòng đại bác, tập trung hỏa lực bắn thẳng vào các chiến hạm kẻ thù khiến nhiều chiếc bốc cháy và chìm tại chỗ, số còn lại mình đầy thương tích đã phải tháo chạy ra biển. Với chiến công hiển hách này, Napoleon đã được phong vượt cấp lên hàm thiếu tướng.
Nước Pháp đã được giải thoát nhưng vẫn bị kẹt trong thế phong tỏa của cả châu Âu phong kiến. Để phòng thủ tích cực từ xa, năm 1796, dưới danh nghĩa bảo vệ chế độ Cộng Hòa, chính phủ Pháp quyết định phái 4 đạo quân chủ động tấn công các quốc gia láng giềng. Tướng Napoleon được giao chỉ huy cánh quân thứ tư đánh thẳng vào nước Italia để kiềm chế quân Áo.
Bên nhà Bảo tàng Waterlo
Bằng tài năng quân sự thiên bẩm cộng với danh nghĩa của cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ chế độ Cộng Hòa, đội quân già nua ốm yếu của Napoleon đã đánh tan đạo quân hùng mạnh nước Áo đang đồn trú tại Italia, rồi thừa thắng tiến quân vào lãnh thổ Áo, áp sát thủ đô Viên, khiến nhà vua Áo hoảng sợ phải ký hiệp định đình chiến với nước Pháp. Napoleon trở về Paris trong vinh quang sáng chói.
Năm 1798, chính phủ Pháp lại quyết định giao cho Napoleon chỉ huy một đạo quân đánh chiếm Ai Cập để ngăn quân Anh tiến sang Ấn Độ. Dưới sự chỉ huy của ông, quân Pháp đã đại thắng quân Ai Cập trong cuộc viễn chinh lịch sử này.
Nội bộ chính quyền Cộng hòa mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phái Tả và Hữu, ngày 9/11/1799 ( lịch sử Pháp gọi là ngày 18 tháng Sương mù ), Napoleon tham gia vào một cuộc chính biến nhằm xóa bỏ mô hình Đốc chính của nội các cũ để thành lập chính phủ mới theo mô hình Tổng Tài với bộ ba cầm quyền điều hành đất nước. Và Napoleon đã được bầu là Đệ nhất Tổng tài nắm quyền cao nhất của chính phủ Cộng Hòa.
Nhưng sự nghiệp của Napoleon là chiến tranh và chinh phạt, nên trong những năm tiếp theo, với thiên tài quân sự đặc biệt, và vẫn dưới danh nghĩa của cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ chế độ Cộng Hòa, đoàn quân chinh phạt của tướng Napoleon tung hoành khắp châu Âu đã nhận được không ít sự hưởng ứng và ủng hộ của các bộ phận dân chúng và trí thức tại chính các nước này. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, Napoleon đã đem về cho nước Pháp không biết bao nhiêu đất đai và của cải, cũng nhờ vậy mà uy quyền của ông đã bao trùm trở thành tuyệt đối trong chính phủ Pháp.
Tham vọng của người đàn ông thấp bé chỉ cao 1 mét 57 này không phải chỉ có vậy, khi nhận thấy uy danh của mình đã bao trùm thiên hạ thì chẳng cần gì phải vay mượn cái uy danh của cách mạng, uy danh của nền Cộng Hòa nữa. Ngày 2/12/1804, Napoleon lên ngôi Hoàng đế Pháp, lấy niên hiệu là Napoleon I, phong cho anh em ruột và con cái làm vua các vùng đất chiếm được của Áo, Ý, Phổ.
Những trí thức cấp tiến và nhân dân tiến bộ châu Âu thất vọng. Nhạc sĩ thiên tài người Đức Betthoven trước đó rất ngưỡng mộ Napoleon, đã lấy cảm hứng từ hình ảnh và những chiến công của ông để sáng tác bản giao hưởng số 3 nổi tiếng của mình. Nhưng khi nghe tin Napoleon xóa bỏ nền cộng Hòa để lên ngôi hoàng đế Pháp thì ông vô cùng giận dữ, đã xé bỏ tờ bìa bản tổng phổ giao hưởng có in hình chân dung Napoleon, ngay sau đó ông bắt đầu sửa lại bản giao hưởng với ý tưởng mới là ngợi ca những người anh hùng của cuộc đại cách mạng Cộng Hòa và đặt tên cho bản giao hưởng số 3 này là Bản giao hưởng Anh Hùng.
Tượng Napoleon dưới gốc cây du trong khu di tích Waterlo
Từ khi lên ngôi hoàng đế, Napoleon vẫn không ngớt tiến hành các cuộc chinh phạt, nhưng từ nay các cuộc chiến này đã mất đi ý nghĩa chính nghĩa bảo vệ nền cộng hòa cách mạng. Trong con mắt của cả châu Âu, chúng đã trở thành những cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa.
Năm 1812, Napoleon trực tiếp dẫn một đạo quân khổng lồ tấn công nước Nga Sa hoàng, nhưng cuối cùng bị thảm bại bởi tài cầm quân của nguyên soái Nga Cutudôp. Đế chế Pháp suy yếu từ đấy. Đây chính là cơ hội để các quốc gia phong kiến châu Âu liên minh liên kết với nhau, chuẩn bị lực lượng, đợi chờ thời cơ tiến đánh trả thù nước Pháp.
Năm 1815, các nước chống Pháp thành lập khối liên minh Thứ Bảy gồm Anh, Phổ, Nga, Áo, Bỉ và bắt đầu điều động quân đội. Hai lực lượng lớn gồm đạo quân Anh do Công tước nguyên soái Wellington chỉ huy, và đạo quân Phổ do tướng Brucher chỉ huy đã đi vào đất Bỉ và tiến sát biên giới Đông Bắc nước Pháp. Napoleon quyết định tấn công tiêu diệt cả hai đạo quân này trước khi họ hội quân với quân đội các nước khác mở trận đại chiến tiêu diệt nước Pháp.
Ngày 16/6/1815, một cánh quân Pháp do thống chế Ney chỉ huy đã tấn công quân Anh, chỉ ngày đầu tiên quân Anh mất 4.500 người, Wellington phải cho quân rút chạy lên phương Bắc đi sâu vào đất Bỉ và dừng lại ở Waterlo. Cánh quân Pháp thứ hai do đích thân Napoleon chỉ huy đã đánh thẳng vào đạo quân Bỉ do Brucher chỉ huy.
Ngay ngày đầu quân Phổ bị tiêu diệt và bắt sống tới 20.000 người, tàn quân phải rút chạy lên phía Bắc theo hướng rút lui của quân Anh trước đó. Quân Pháp dừng lại để chỉnh đốn lực lượng không truy kích đoàn quân Phổ của Brucher nữa. Đến ngày hôm sau 17/6, Napoleon mới ra lệnh cho tướng Grouchy mang 33.000 quân truy kích quân Phổ, nhưng không đuổi kịp. Quân Phổ đóng quân tại làng Wavre, nơi họ có thể tiến quân hỗ trợ kịp thời cho quân Anh ở Waterlo khi cần thiết.
Waterlo là tên một ngôi làng nằm bên một dãy đồi chạy theo hướng Đông – Tây, tất cả được bao bọc bởi một cánh đồng rộng lớn cùng tên. Cánh đồng bị chia cắt làm hai bởi một tuyến đường cái quan liên tỉnh dẫn tới Bruxel. Một con đường mòn mang tên Ohain chạy dọc dãy đồi và cắt ngang con đường đi Bruxel.
Ở chỗ giao nhau giữa hai con đường, ngay thời đó đã có một cây du cổ thụ xanh tốt mọc lên, đây cũng là nơi đặt đại bản doanh của Wellington. Công tước Wellington đã chọn phía Nam Waterlo làm điểm quyết chiến. Ông cho giấu lực lượng chính đằng sau những ngọn đồi, chỉ bố trí mặt trước lực lượng nhỏ kỵ binh và pháo binh khiêu chiến.
Một góc ngôi nhà và cánh đồng Waterlo
Napoleon đến Waterlo sau Wellington một ngày, ông cho bố trí lực lượng trên những sườn dốc ngọn đồi phía Nam dọc tuyến đường Bruxel. Lúc đầu ông chọn vị trí chỉ huy tại làng Rosomme nơi có thể quan sát toàn trận địa, nhưng tới đầu giờ chiều lại chuyển tới một vị trí khác gần quán trọ La Belle Aliance, ở vị trí này tầm nhìn toàn cảnh chiến trường bị khuất một phần.
Đêm 17/6/1815, có một trận mưa lớn trên vùng waterlo. Hôm sau 18/6/1815, Napoleon phải trì hoãn trận đánh đến buổi trưa chờ cho mặt đất khô ráo. Chính việc trì hoãn này đã tạo cho cánh quân Phổ của Brucher có thêm thời gian hành quân về Waterlo chi viện cho quân Anh của Wellington.
Cánh đồng Waterlo bỗng chốc trở thành đấu trường chém giết lẫn nhau của hàng vạn con người sắt máu trong ngày định mệnh 18/6/1815. Máu chảy thành sông, xác người chất thành núi! Trận chiến về chiều cả hai bên Anh Pháp đều thiệt hại lớn.
Trong lúc lợi thế chiến trường đang nghiêng về quân Pháp thì vừa hay, đạo quân Phổ của tướng Brucher đã xuất hiện bất ngờ tấn công thẳng vào đội hình quân Pháp. Quân Anh nhờ được tiếp sức đã nhanh chóng củng cố đội hình phản công. Trong khi đó Napoleon vẫn mỏi mắt trông chờ cánh quân 33.000 người của tướng Grouchy phái đi từ hôm trước sẽ đến tiếp viện kịp thời. Nhưng dường như có một sự an bài của định mệnh, cơn mưa đêm hôm trước đã cản đường hành quân của cánh quân Grouchy, và đau đớn hơn nữa họ còn bị lạc lối trên con đường bôn tập đến Waterlo!
Thế là ngay tối hôm đó, trận chiến đã kết thúc, liên quân Anh Phổ chuyển bại thành thắng. Hoàng đế Napoleon ngồi trên con chiến mã màu trắng được đội ngự lâm hộ giá lẫn vào đoàn quân bại trận rút lui và tháo chạy về nước. Liên quân Anh Phổ truy sát phía sau, họ vượt qua biên giới Bỉ - Pháp.
Và ngày 3/7/1815, những người chiến thắng đã tiến thẳng vào thủ đô Paris. 3 ngày sau Napoleon bị ép thoái vị. Triều đại Bourbon trở lại thống trị nước Pháp, Louis 18 lên ngôi hoàng đế. Napoleon sau đó không lâu bị đưa đi lưu đầy biệt xứ.
Ngày 15/10/1815 ông bước chân lên hòn đảo nhỏ tận cực Nam Đại Tây Dương mang tên Saint Helen, bắt đầu cuộc sống lưu đầy ở đây cho tới khi qua đời trong cô đơn cùng cực ngày 5/5/1821. Thể theo di nguyện của ông, năm 1840 triều đình Pháp đã cho chuyển di cốt ông trở về Paris. Tháng 12/1840, lễ an táng Napoleon được tổ chức trọng thể tại Khải Hoàn Môn Paris, sau đó quan tài ông được quàn trong lâu đài Invalid gần bờ sông Sein cho tới ngày nay.
Về cuộc đời người đàn ông quá ư xuất chúng này, nhiều thế hệ tiếp nối đời sau vẫn có chung một ý nghĩ, nếu như nghĩa địa trên đảo Saint Helen là nơi chôn cất thi hài của Napoleon Bonapart, thì Waterlo mới là nghĩa trang chôn vùi đế chế độc tài mang tên Napoleon. Còn Invalid Paris chỉ là nơi lưu giữ hài cốt của ông như lưu giữ một hiện vật lịch sử mà thôi!
*
Xe chúng tôi lướt trên một con phố lớn hai chiều, anh Minh cho biết đây là con đường nối thẳng nội thành Bruxel với Waterlo. Ngày xưa, đây là con đường cái quan, hai bên chỉ có làng mạc ruộng đồng, nhưng đô thị phát triển nhanh chóng, từ lâu nhà cửa phố phường đã mọc lên kín mít, con đường liên tỉnh khi xưa nay đã trở thành con phố lớn nội thành dài nhất nối Bruxel tới thẳng Waterlo, cũng giống như bên ta, Sài Gòn nối với Chợ Lớn, Hà Nội nối với Văn Điển, nối với Hà Đông vậy.
Con đường hẻm Ohain vẫn được giữ nguyên kích thước và vị trí xưa kia trong khu di tích Waterlo
Xe chạy chừng mười lăm phút, anh Minh giảm tốc độ bảo đây là thị trấn Waterlo. Tôi nhìn hai bên thấy nhà cửa đa phần thấp vài ba tầng, biển hàng đề Hotel, Motel, Souvenir… chi chít. Khách sạn, nhà nghỉ, hàng lưu niệm dầy đặc thế này là chỉ dấu nhắc du khách biết là sắp tới điểm du lịch lớn nào đó. Rồi xe dừng lại, ngài Tham tán nói với tôi, đây là trung tâm khu di tích lịch sử Waterlo, xin mời!
Từ chỗ gửi xe chúng tôi đi bộ chừng vài trăm mét thì tới một đọan phố hai bên đường có một vài công trình kiến trúc cổ xưa cũ kỹ. Một ngôi nhà ba tầng xây gạch trần quét vôi màu xám có dáng dấp như một trại lính. Nghe nói ngôi nhà được xây dựng mô phỏng theo hình dáng kiến trúc của ngôi nhà trọ La Belle Aliance mà trước lúc khai hỏa trận chiến, đại bản doanh của Napoleon đã đóng gần đó. Ngôi nhà này hiện là bảo tàng Waterlo.
Đi dọc con phố lớn, tôi nhìn vào bản đồ du lịch thì phát hiện ra đây chính là con đường cái quan nối với Bruxel hai thế kỷ trước. Như thế thì ngã tư giao cắt với con đường hẻm Ohain chắc cũng không xa cho lắm? Đúng là như vậy. Chúng tôi tiếp tục vừa đi vừa ngắm cảnh, chừng nửa tiếng thì tới một ngã tư. Vật đầu tiên tôi đi tìm chính là cây du cổ thụ mà sách hướng dẫn du lịch đã nói tới, Công tước Wellington ngày ấy đã đóng đại bản doanh tại đây. Sách du lịch có khác!
Không phải hỏi thăm ai, chỉ mươi phút đi bộ hai anh em tôi đã đứng dưới gốc cây du, nhưng không phải cây du cổ thụ 200 năm trước mà đây là cây con hay cây cháu gì đấy, người ta đã chiết cành ông tam đại trồng lại. Một cảnh tượng bi hùng xuất hiện trước mắt tôi, ngay dưới gốc cây du có một bức tượng đồng bằng cỡ người thật đứng trên một chân đế cao gấp đôi.
Bức tượng mô tả hoàng đế Napoleon trong tư thế đứng khoanh tay, mặt đăm chiêu hướng thẳng về phía trước. Bộ quân phục rất gọn với hai dải ngù nguyên soái hai bên vai cùng với chiếc mũ nguyên soái hình tam giác đội ngay ngắn trên đầu, chiếc mũ mang hình dáng độc đáo đã từng là hình ảnh hãi hùng của không biết bao nhiêu đoàn quân binh hùng tướng mạnh của tất cả các vương triều châu Âu trong suốt phần tư thế kỷ. Tôi lấy máy ảnh chụp một sê ri hình ảnh này để cố lưu giữ một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của chuyến đi.
Đi về hướng ngã tư nơi có một tòa nhà tròn hình tháp, lớn cỡ như tháp nước tròn phố Hàng Đậu Hà Nội. Đây là tòa nhà Panomara xây dựng năm 1911, bên trong có bức tranh tường khổng lồ mô tả toàn cảnh trận đánh Waterlo năm xưa. Bức tranh do họa sĩ người Pháp Louis Dumoulin vẽ năm 1912. Đi khỏi tầm che khuất của tòa nhà Panomara thì một khung cảnh vô cùng hoành tráng hiện ra, không xa phía trước mặt là một ngọn đồi hình chóp nón rất lớn. Đây chính là công trình lớn nhất nằm ở trung tâm, là công trình mang tính biểu tượng cho toàn khu di tích Waterlo. Ngọn đồi mang tên Đồi Sư Tử ( Lion ‘s mound ).
Đồi cao 43 mét, khởi công xây dựng từ năm 1822 tới năm 1825 thì hoàn thành. Gần 400.000 m3 đất đá được thu thập từ khắp các vị trí tiêu biểu của chiến trường để đắp lên ngọn đồi. Một bậc thang bằng đá được xây lắp chạy thẳng từ chân lên tới đỉnh đồi, nơi đặt một bức tượng đồng sư tử có chiều dài 4,5 mét. Một chân trước sư tử đặt lên một quả địa cầu, còn mặt sư tử thì quay về hướng nước Pháp. Sư tử được đúc từ những khẩu đại bác chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp tại chiến trường Waterlo.
Đi vòng ra phía sau tòa nhà Panomara, chúng tôi rẽ vào con đường hẻm Ohain. 2 thế kỷ đã trôi qua, nhưng con đường nhỏ ngày ấy với một đoạn dốc bất ngờ xuất hiện như một vực sâu, trong phút chốc đã chôn vùi hàng nghìn kỵ binh hùng mạnh thiện chiến nhất của Napoleon, sự kiện bi thương này trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Những người khốn khổ, đã được văn hào Victor Hugo kể lại rất chi tiết.
Con đường hẻm lịch sử đó vẫn được giữ nguyên vị trí và kích thước như những ngày diễn ra trận đánh. Cứ theo con đường hẻm Ohain đi tiếp chừng nửa cây số nữa thì một góc cánh đồng và ngôi làng Waterlo đã hiện ra trước tầm mắt chúng tôi. Cánh đồng ngút ngàn một màu xanh nõn của thứ cỏ mật, một loại cỏ tốt nhất được gieo trồng để nuôi đại gia súc.
Lúc này, chiều đã muộn, xa xa trên cánh đồng một màu lam nhạt đã phủ mờ như sương như khói. Một cảm giác cô đơn trống trải ùa vào trong tôi. Bất hạnh thay những con người nhỏ bé chúng ta! Con người mới thật nhỏ bé làm sao trước thiên nhiên hoang dã, xa lạ và huyền bí. Nhưng con người còn nhỏ bé hơn thế nhiều lần trước những tham vọng khôn cùng của chính những con người đồng loại.
Chiều muộn. Những ngọn đồi xa và cả cánh đồng Waterlo ngả dần sang màu tím biếc. Lòng tôi sao bỗng thấy nhớ nhà đến thế! Trên đường trở lại chỗ gửi xe, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ tới bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, và cứ thế tự nhẩm đọc trong đầu như một lời an ủi nỗi buồn xa vắng :
… Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị.
Yên ba giang thượng xử nhân sầu!
… Chiều hôm lai láng lòng quê.
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu!
Bình luận