Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật

Chiều 11/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác văn học, nghệ thuật, hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương; đồng chí Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Dự Hội nghị có đại biểu các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; các đồng chí đại diện lãnh đạo vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban, bộ, ngành liên quan.

Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật - 1

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hằng 

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình công tác văn học, nghệ thuật gắn với hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương năm 2022; tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2023.

Chuyển động văn học, nghệ thuật một năm nhìn lại

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được quan tâm đặc biệt, tạo động lực quan trọng, chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân.

Trong năm 2022, hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Các loại hình nghệ thuật đã tập trung khai thác ưu thế, sức mạnh đặc trưng, có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Cùng với sự phục hồi của các phương thức quảng bá, phát hành, biểu diễn truyền thống, việc chuyển đổi số trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục được phát huy, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Bên cạnh đó, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được chú trọng thông qua việc triển khai các đề tài, đề án nghiên cứu lớn và các hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công tác xây dựng Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp và các Hội tiếp tục được quan tâm, đạt được những kết quả thiết thực. Công tác vận động, tập hợp, hỗ trợ, phát triển hội viên được chú trọng.

Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật - 2

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hằng 

Báo cáo của đồng chí Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác văn học, nghệ thuật. Theo đó, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật còn ít và chưa có cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo công chúng. Trong khi đó, các sản phẩm văn học, nghệ thuật thị trường, nặng về chức năng giải trí được giới thiệu rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, qua nhiều kênh, nhất là trên không gian internet và mạng xã hội. Thậm chí, các sản phẩm văn học, nghệ thuật phản cảm, có hại đến nền tảng chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn xuất hiện phổ biến trên môi trường mạng.

“Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong xây dựng tổ chức, tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động nhưng kết quả chưa đồng đều, một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển chung trong tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh.

Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của văn học nghệ thuật trong thời gian tới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT tỉnh, thành phố tập trung, nỗ lực: Triển khai tinh thần của Kết luận Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021; Tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Đẩy mạnh công tác Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, phát huy vai trò của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật…

Đồng thời, hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975 - 2025), Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động sáng tác với chủ đề Bài ca thống nhất non sông, coi đây là hoạt động chính của toàn khoá. Tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023). Trùng tu, tôn tạo các địa điểm lịch sử nơi Liên hiệp đã từng đóng trụ sở làm việc trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật - 3

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hằng

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh, Liên hiệp cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện kinh phí từ Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Đổi mới và nâng cao chất lượng Trại sáng tác theo hướng tổ chức Trại sáng tác theo chuyên ngành liên vùng, tạo sự giao lưu, trao đổi giữa các văn nghệ sĩ trong khu vực; Tăng cường công tác thâm nhập thực tế cho tác giả dự Trại sáng tác.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hướng về hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố; Nâng cao chất lượng hoạt động để các Hội VHNT tỉnh, thành phố là những hạt nhân về văn hoá, văn học nghệ thuật, là cánh tay nối dài của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tổ chức xét Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 đảm bảo chất lượng; Tiếp tục duy trì công tác Thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức thành viên; Tăng cường công tác đối ngoại văn học nghệ thuật,  mở lại quan hệ đối ngoại với các nước có truyền thống với Liên hiệp như Trung Quốc, Nga, Lào, Hàn Quốc…

Hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung, vấn đề cần quan tâm trong công tác văn học, nghệ thuật; xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023... nhằm tạo sức lan tỏa, thống nhất về tư tưởng, hành động, góp phần thiết thực cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp và các Hội thống nhất nhận thức, hành động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cụ thể hóa các chỉ đạo thành các chương trình, đề án lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Một số đại biểu kiến nghị cần quan tâm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy, trụ sở làm việc; phân bổ, dành nguồn lực tương xứng cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật theo chủ trương của Đảng.

Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển văn học nghệ thuật - 4

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Phạm Hằng 

Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm chỉ rõ, năm 2023 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật nước nhà sau ngày đất nước thống nhất; 80 năm ngày ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023); kỷ niệm các ngày thành lập của Liên hiệp và các Hội chuyên ngành...

Do đó, Liên hiệp và các Hội cần tập trung xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể, chương trình hành động để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nhiệm vụ được phân công; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò cầu nối của văn nghệ sĩ trong tham gia các hoạt động.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.