Tổng thuật từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X

Ngày 18/6, Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Vì sao chúng ta viết?”, Hội nghị có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhận được sự quan tâm và những lời chúc mừng tốt đẹp từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chính phủ mong muốn lắng nghe tâm tư của những người viết trẻ

Sự có mặt của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ở Hội nghị thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cũng như các cấp lãnh đạo tới đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người viết trẻ. Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta phải quan tâm hơn nữa với văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là với giới trẻ. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Không như nhiều ngành nghề, thành tựu công việc của các nhà văn, nhà thơ khó được nhìn thấy ngay. Có khi phải nhiều năm sau thì những giá trị đó mới được biết đến”.

Tổng thuật từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X - 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao quà của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hai đại biểu Vũ Nguyên và Trần Phú Minh Anh

Hội nghị đã nhận được rất nhiều tham luận của những người viết văn trẻ trên cả nước để trả lời cho câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”. Trong đó có một số tham luận tiêu biểu đã được trình bày trực tiếp tại buổi khai mạc. Phó Thủ tướng đã trực tiếp lắng nghe những tham luận đó và cũng trực tiếp trả lời các câu hỏi của các nhà văn trẻ nêu ra tại Hội nghị như một hình thức vấn đáp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành với Hội Nhà văn để trả lời câu hỏi Vì sao chúng ta viết. Muốn nhà văn có được tác phẩm thì nhà nước phải tạo ra được một hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn viết”.

Sứ mệnh của nhà văn trẻ với đất nước

Tổng thuật từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X - 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội nghị

Nói về vai trò của nhà văn trẻ với đất nước Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái Đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc. Và qua mỗi thế hệ nhà văn, di sản của nền văn học Việt Nam lại đầy thêm với sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sáng tạo và làm ra những giá trị mỹ học mới. Tiếng Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt qua mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam lại được mở rộng chiều kích của mình".

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành Hội, thay mặt các thế hệ nhà văn lão thành đã cho rằng sứ mệnh của các nhà văn ngày nay là phải có những tác phẩm hay viết về công cuộc đổi mới của đất nước, về hiện thực đời sống đang diễn ra hàng ngày.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn chỉ rõ: “Tương lai của văn học phụ thuộc và sự sáng tạo của những cây bút trẻ”. Cho thấy sự quan tâm, trăn trở rất lớn của Hội Nhà văn cũng như của những thế hệ đi trước với nền văn học nước nhà mai sau, tất cả đều đang đặt sự kỳ vọng to lớn vào trái tim, vào cây bút của mỗi nhà văn.

Văn chương không xa rời đất nước

Mỗi người viết đều sẽ có những mối quan tâm khác nhau nhưng họ đều có chung một câu hỏi “Làm thế nào để viết hay?”, với vai trò là một bậc tiền bối Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Xã hội đòi hỏi các nhà văn của chúng ta cũng chỉ là viết cho hay. Với tư cách người đi trước, nếu có điều gì cần nói, tôi xin nói: Muốn viết cho hay trước hết và quan trọng nhất phải trở thành người đồng hành với đất nước, dân tộc còn đi khỏi quỹ đạo đó thì dù có tài năng mấy cũng rơi vào quên lãng”.

Nhà thơ giải thích thêm: “Đồng hành với dân tộc có nghĩa xác định vị trí chiến đấu của nhà văn trẻ. Chỉ có vị trí trung tâm của đời sống mới có thể trang bị cho mình vốn sống lâu dài cho viết. Nếu không có vốn sống thì không thể đi lâu đi bền trên con đường sáng tạo văn chương”.

“Vì sao chúng ta viết”

Tổng thuật từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X - 3

Hội nghị có sự tham gia đông đảo của những người viết trẻ trên cả nước

“Vì sao chúng ta viết?” đây không phải một câu hỏi dễ để trả lời. Bởi đó là điểm xuất phát, điểm khởi đầu quan trọng nhất của một người viết, nếu không có nó cũng chính là rời bỏ sự nghiệp viết, rời bỏ bản chất của văn học trong toàn bộ lịch sử phát triển nhân văn của nó. Câu hỏi ấy không chỉ xác định con đường cho việc sáng tác mà còn thể hiện lý tưởng, mong đợi mà mỗi người cầm bút luôn trăn trở cho việc hoàn thiện chính mình cũng như xây dựng tác phẩm.

Để trả lời câu hỏi ấy, mỗi người viết trẻ cần đi sâu vào chính nội tâm của mình, thấu hiểu được mong muốn của mình và mục đích của mình khi quyết định cầm bút. Câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” không chỉ đặt ra trong hội nghị mà đó chính là trách nhiệm của nhà văn với con người và cộng đồng mỗi khi cầm bút viết. Câu hỏi đó phải được đặt ra ngày ngày như một thái độ sống và sáng tạo của nhà văn.

Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của hội Nhà văn cũng như của độc giả toàn quốc sẽ là một nguồn cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho những người viết trẻ để họ nhận thấy được vai trò của mình và trả lời được câu hỏi: “Vì sao chúng ta viết?”.

Lê Tuyết Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất