Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật

“Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” góp phần lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, để hình ảnh của những người làm báo chân chính đến gần hơn nữa trái tim của độc giả.

Chiều 17/6, Tạp chí Người Hà Nội (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) tổ chức Lễ phát động “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” nhằm lan tỏa hình tượng những người làm báo và nghề báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Đến dự Lễ phát động có PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động.

Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật - 1

Các đại biểu tham dự Lễ phát động.

“Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Góp phần lan tỏa hình tượng những người làm báo và nghề báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Từ các tác phẩm thuộc nhiều loại hình văn học nghệ thuật đặc sắc khác nhau: ca khúc, thơ, kịch ngắn nhằm tái hiện sinh động hình ảnh những người làm báo và nghề báo không chỉ là vinh quang mà còn có cả sự gian nan, vất vả, sự hiểm nguy... Qua đó thấy được những đóng góp to lớn cũng như sự hy sinh thầm lặng của những người làm báo.

Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên… về vị trí, vai trò của người làm báo đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và sự phát triển của báo chí Thủ đô nói riêng. Từ đó góp phần bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề, quyết tâm phấn đấu trở thành những người làm báo chân chính, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật - 2

Cuộc vận động góp phần lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Phát biểu tại Lễ phát động, nhà báo Vương Minh Huệ cho biết, nghề báo là nghề của sự sáng tạo, đam mê và cống hiến, một nghề vinh quang nhưng nhọc nhằn và không ít những hiểm nguy. Nghề báo, người làm báo đã trở thành một đề tài sáng tác ở nhiều thể loại văn học nghệ thuật như: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học... đã góp phần động viên thôi thúc các nhà báo thêm vững tin vào nghề đã chọn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, sáng tạo những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

“Cuộc vận động là dịp để chúng ta cùng nhắc nhớ về truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng của giới báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tôn vinh những cống hiến, những nhọc nhằn, hy sinh của những người làm báo”, nhà báo Vương Minh Huệ nhấn mạnh.

Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật - 3

Nhà báo Vương Minh Huệ phát biểu tại Lễ phát động.

Theo PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, người làm báo luôn có vị thế, vai trò và trách nhiệm xã hội rất lớn, mỗi người làm báo cũng như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Xây dựng hình tượng về những người làm báo qua ngôn ngữ văn học nghệ thuật không phải là một đề tài dễ, chính vì vậy, nó đòi hỏi các tác giả phải khai thác sâu vào các khía cạnh của nghề báo, cũng như đời sống, tâm tư, tình cảm của người làm báo.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mong muốn các văn nghệ sĩ sẽ lắng nghe những chuyển động của báo chí để có thể phản ánh sâu sắc hơn, rõ nét hơn nữa về nghề báo, về những người làm báo. Thông qua Cuộc vận động sáng tác này, sẽ có thêm nhiều ca khúc, kịch ngắn, những bài thơ hay viết về nghề báo được ra đời.

Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật - 4

PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Lễ phát động.

“Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” dành cho các văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên; các nhà báo, phóng viên; công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động trong và ngoài nước; người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam.

Tác phẩm dự thi ca ngợi, làm nổi bật ý nghĩa cũng như vai trò, sứ mệnh quan trọng của nghề báo, người làm báo và báo chí cách mạng Việt Nam. Thông tin, phản ánh những công việc thường nhật của người làm báo trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nêu bật những nét đặc trưng, đặc thù riêng của nghề báo, người làm báo so với các ngành khác trong xã hội. Nêu gương, giới thiệu nhân tố điển hình tiên tiến trong nghề báo.

Lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật - 5

Ban Tổ chức nhận tác phẩm tham dự đến hết ngày 17/5/2025.

Tác phẩm dự thi thuộc các thể loại ca khúc, thơ, kịch ngắn và phải là sáng tác mới, chưa dự thi ở cuộc thi nào, chưa từng đoạt giải thưởng các cấp khác và không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm, quyền tác giả.

Các tác phẩm dự thi sẽ được Hội đồng thẩm định của từng thể loại chấm chọn qua 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo để xét giải dựa trên cơ cấu giải thưởng đã công bố.

Ban Tổ chức sẽ trao tổng cộng 30 giải cho 3 thể loại. Mỗi thể loại gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Ngoài ra, các tác phẩm có chất lượng cao sẽ được giới thiệu và đăng tải trên Tạp chí Người Hà Nội ngay sau khi có kết quả chấm Chung khảo.

Dự kiến, Lễ tổng kết, trao giải và công diễn các tác phẩm đoạt giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi kể từ ngày phát động 17/6/2024 đến hết ngày 17/5/2025 tại tòa soạn Tạp chí Người Hà Nội, 126 Nam Cao, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua địa chỉ email vdst.nghebao@gmail.com (trên tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025).

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Tiều A Lé

Truyện cổ tích: Tiều A Lé

Câu chuyện kể về tình yêu thương của cô gái với một chàng trai khôi ngô luôn ẩn mình trong bộ dạng dơ bẩn, bệnh tật.