Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, chiều 17/3, tại hội trường Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”.

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số - 1

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội, các giảng viên… và đông đảo công chúng báo chí.

Đổi mới nội dung đáp ứng môi trường công nghệ liên tục phát triển

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một đơn vị của Hội được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Từ khi thành lập, Trung tâm đã luôn không ngừng nỗ lực vươn lên trong các hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn những nhiệm vụ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam giao phó.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số - 2

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: Phạm Hằng 

Trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần...

“Tọa đàm ngày hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng báo chí cho các hội viên - nhà báo trong thời đại chuyển đổi số", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực

Báo cáo tóm tắt hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trong 3 năm qua, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. Ba năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, do đó, việc tổ chức lớp học của Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Trung tâm đã phải linh hoạt tổ chức các hoạt động theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh để đáp ứng với tình hình thực tế.

Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của hội viên - nhà báo trên toàn quốc.

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số - 3

Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) Nguyễn Thị Hải Vân. Ảnh: Phạm Hằng 

Từ năm 2020 - 2022, Trung tâm tổ chức tổng số 333 hoạt động, trong đó có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%). Nội dung bồi dưỡng các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 4 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp).

Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân nhấn mạnh, nhằm phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực; khai thác, mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo; đẩy mạnh tổ chức các khóa bồi dưỡng về kỹ năng truyền thông có thu phí…

Chú trọng đào tạo những kỹ năng sâu hơn của báo chí sáng tạo, hiện đại

Tại tọa đàm, đại diện các các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí đã đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay; đề xuất hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng hợp lý.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hoàng Lâm - Tổng thư ký toà sạn Báo Lao động cho biết, hàng năm, báo Lao động đều nhận được giấy mời của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cử những phóng viên trẻ đi học lớp bồi dưỡng kiến thức, đa dạng; đặc biệt là hướng tới nội dung chuyển đổi số.

“Chúng tôi kiến nghị nới thêm độ tuổi và điều kiện để các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường có thể tham gia lớp bồi dưỡng", nhà báo Hoàng Lâm đặt vấn đề.

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số - 4

Nhà báo Hoàng Lâm - Tổng thư ký toà sạn Báo Lao động. Ảnh: Phạm Hằng 

Tổng thư ký toà sạn Báo Lao động chia sẻ thêm: "Với kinh nghiệm của Báo Lao động - chúng tôi có quy định mỗi phóng viên đã đi học lớp của Trung tâm về sẽ có nhiệm vụ đào tạo lại với những phóng viên của Báo. Chẳng hạn, có những lớp học về điều tra, với những kiến thức mới, phương thức mới trong báo chí điều tra thì cũng sẽ đào tạo lại. Nhưng khi học xong, chúng tôi muốn tìm kiếm lại nguồn tài liệu rất khó khăn... Vì thế, chúng tôi kiến nghị nên có một kho tài liệu kiến thức để chúng tôi có thể tìm và tham khảo. Điều này giúp ích rất nhiều cho những phóng viên và biên tập viên, kể cả những người đã có kinh nghiệm làm nghề".

Trong khi đó, nhà báo Hà Hồng Sâm - Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Nhà báo và Công luận đặt vấn đề, trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, BTV, báo Nhà báo và Công luận quan tâm tới việc đào tạo lại.

"Khi chúng tôi nhận phóng viên trẻ hoặc những phóng viên ở báo khác về thì hầu như chúng tôi phải đào tạo lại để phù hợp với hoạt động của tờ báo, tiêu chí thông tin và những yếu tố khác. Vấn đề đào tạo theo tôi nên có "điểm giao cắt" giữa trung tâm đào tạo với các cơ quan báo chí", Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Nhà báo và Công luận nói.

Nhà báo Hà Hồng Sâm nhấn mạnh thêm, để đi tới “điểm giao cắt” này, cần phải có sự khảo sát: “Chúng ta nên quan tâm đến "khâu feedback" - tức là các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương sau khi có hội viên đi học về thì liệu chúng ta đã có những đánh giá hiệu quả hay chưa? Nhà nước có cơ chế đặt hàng cho các tờ báo, vậy thì nên chăng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương có cơ chế đặt hàng với Trung tâm hay không?".

Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại chuyển đổi số - 5

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

Qua lắng nghe đề nghị của các đại biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng kết luận, nhiều ý kiến đều mong muốn Trung tâm đáp ứng thêm được nhu cầu đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng như những người làm công tác truyền thông ở các đơn vị trên cả nước.

"Bên cạnh nền tảng đào tạo chung của báo chí thì sẽ có những kỹ năng sâu hơn của báo chí sáng tạo, về ứng dụng cách làm báo hiện đại. Tăng cường đào tạo hơn nữa đối tượng và không gian phục vụ, có sự khảo sát từ cơ sở để các khoá học thật sự đáp ứng hiệu quả. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo báo chí", Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nêu rõ.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất