Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam"

Với gần 500 tư liệu đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, Triển lãm sách và tài liệu với chủ đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" là dịp công chúng nhìn lại một cách tổng hợp về 4 hệ giá trị: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người, hệ giá trị quốc gia; vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền giữa các hệ giá trị đối với sự phát triển của một đất nước.

Trong khuôn khổ hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, ngày 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày Triển lãm sách và tài liệu với chủ đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam", tại địa điểm chính, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Với gần 500 tư liệu đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, triển lãm giới thiệu khái quát về các giá trị văn hóa và gia đình Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử, về vai trò của văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, về sức mạnh và trí tuệ của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham quan triển lãm

Phần 1 của triển lãm với chủ đề "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn" trưng bày 150 sách, báo, tạp chí về: Lịch sử hình thành, cơ sở, cội nguồn văn hóa Việt Nam; Các giá trị văn hóa Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử; Bản sắc văn hóa các vùng, miền; Sự đa dạng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng... trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Kế thừa và phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; Tiếp cận và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại...; Chiến lược và chính sách phát triển văn hoá, văn nghệ của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay và vai trò của văn hoá đối với việc phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam trong công cuộc đổi mới; Những thông điệp theo tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” và hệ giá trị văn hoá Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 2

Phần 1 của triển lãm với chủ đề "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn". Ảnh Phạm Hằng

Tiêu điểm của phần 1 là cuốn “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, bản in năm 1949. Năm 1943, Đề cương ra đời như ngọn đèn soi rọi cho sự nghiệp văn hóa cách mạng phát triển. 79 năm qua bản Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, chỉ đạo tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 3

Cuốn “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo trưng bày tại triển lãm. Ảnh Phạm Hằng

Phần 2 triển lãm trưng bày chủ đề "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh" với 100 sách, báo, tạp chí về: Hệ thống pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình ở Việt Nam; Bản sắc văn hoá, truyền thống và giá trị của gia đình Việt Nam - nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự lành mạnh, an toàn của xã hội và sự bền vững của mỗi quốc gia; Vai trò của gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Mối quan hệ giữa nhà nước, cộng đồng và gia đình ở nước ta hiện nay; Tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc và xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 4

Phần 2 triển lãm trưng bày chủ đề "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh". Ảnh Phạm Hằng 

Phần 3 trưng bày chủ đề "Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển" với 150 sách, báo, tạp chí về phẩm chất và tính cách độc đáo của con người Việt Nam bao gồm: Tinh thần yêu nước nồng nàn, sự khoan dung, tinh tế, cởi mở trong ứng xử, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sự giản dị, chân thành trong lối sống...; Các chính sách, các nguồn lực, các chuẩn mực xã hội nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam cả về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng và phát triển nguồn lực con người Việt Nam trong thời kỳ mới qua sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 5

Phần 3 trưng bày chủ đề "Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển". Ảnh Phạm Hằng 

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 6

Ảnh Phạm Hằng 

Phần 4 với chủ đề "Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam" trưng bày 100 sách, báo, tạp chí viết về thành tựu trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục, quốc phòng... Gồm thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; tuyên truyền, quảng bá văn hoá; giao lưu, tiếp thu văn hoá...; Thành tựu tiêu biểu liên quan đến gia đình và nền tảng gia đình: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; nâng cao đời sống vật chất...; Thành tựu đặc sắc được tạo nên từ sức mạnh và trí tuệ của con người Việt Nam: Đấu tranh giành độc lập dân tộc; đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá...; Hệ giá trị quốc gia được tạo nên từ sự kết hợp hài hoà giữa giá trị văn hoá, giá trị gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 7

Trưng bày phần 4 với chủ đề "Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam". Ảnh Phạm Hằng 

Triển lãm sách tài liệu “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” là hoạt động thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 8

Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh Phạm Hằng 

Thông qua triển lãm, công chúng có dịp nhìn lại một cách tổng hợp về 4 hệ giá trị: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người, hệ giá trị quốc gia; vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền giữa các hệ giá trị đối với sự phát triển của một đất nước.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa và gia đình từ quá khứ đến hiện tại và tương lai; tôn vinh giá trị văn hóa, giá trị gia đình vì sự tiến bộ của con người và xã hội; đề cao vai trò của con người Việt Nam trong lao động, sản xuất, trong bảo vệ, phát triển đất nước, trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc… trong thời kỳ mới.

Nhìn lại chặng đường “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" - 9

Ảnh Phạm Hằng 

Đồng thời, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức chung sức, đồng lòng phát huy sức mạnh con người Việt Nam và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn