Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 1

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: NHẬT BẮC

“Hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Văn hoá Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng nhận định, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết, trong chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD); Sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành (giai đoạn 2018-2022: Đối với kiến trúc: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; Đối với thiết kế: Giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%; Đối với thời trang: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%; Đối với điện ảnh: giá trị gia tăng bình quân 7,94%...);

Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 03 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian; Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022;…

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 3

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo về thực tế phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: NHẬT BẮC

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định những kết quả nổi bật nêu trên có được từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược 1755.

Theo đồng chí, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra như: Chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá; Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng; Chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ;...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, tại Hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin được lắng nghe những ý kiến đề xuất, trao đổi thẳng thắn và tích cực của các quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề trọng tâm, cốt yếu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển đất nước.

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Công nghiệp văn hóa đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đem lại nhiều cơ hội mới cho văn nghệ sĩ”.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 4

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đệ trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nhiều dự án, chương trình khả thi được đề cập như: Phổ biến tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các sản phẩm vui chơi giải trí trên môi trường số, nhiều chương trình quan trọng khác về điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật...

Theo TS. Đoàn Thanh Nô, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá rất cao về Chương trình này, xem đây là nguồn lực, là sản phẩm đầu vào của quá trình công nghiệp văn hóa, là chất liệu cần thiết để sản xuất, thương mại, và tiêu dùng trong chuỗi công nghiệp văn hóa.

Để phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình thực hiện công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép Liên hiệp và các tổ chức thành viên thông qua Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam được quyền khai thác các sản phẩm văn học nghệ thuật đã được số hóa, chuẩn hoá tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa, nguồn thu từ việc khai thác dữ liệu số mang lại sẽ đầu tư vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách cùng Chính phủ.

“Phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là đề tài rộng, nội hàm phong phú. Bản thân chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với tấm lòng yêu tổ quốc, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chúng tôi quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khi được giao trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay”, TS. Đoàn Thanh Nô cho hay.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay Hiệp hội có hơn 5.400 làng nghề rải khắp các tỉnh, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội với đủ các ngành khác nhau. Số nghệ nhân được phong tặng ngày càng phát triển và họ đều cần được phát huy để đảm bảo phát triển mẫu mã mới và phát triển du lịch ở mỗi làng nghề và các địa phương.

Ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh: “Nơi nào làng nghề phát triển tốt, nơi đó an ninh trật tự tốt, ít có sai phạm, ít có thanh niên hư hỏng và tạo được việc làm cho thanh niên. Chúng tôi cũng mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm, biểu dương và động viên, nhất là việc phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân”.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế-xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững”.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 5

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Ở hội nghị này, chúng ta lắng nghe các nhà sáng tạo văn hóa, các doanh nghiệp cần gì để đáp ứng hoặc có những việc chúng ta không nên làm nữa hoặc nên bớt đi để giảm gánh nặng cho họ. Lĩnh vực này là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ chúng ta có dám cho làm không”.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 6

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, trong chuyển đổi số phải dùng cả công nghệ và các phương pháp khác để quan sát được đầy đủ lĩnh vực này, có bộ đo chính thức, chính xác, đầy đủ và không nhầm.

Bên cạnh đó, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. Theo ông, mặc dù trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có rất nhiều nội dung và chi tiết nhưng chúng ta còn thiếu phần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế dù các nước xung quanh chúng ta có rất nhiều tương đồng về văn hóa, cách làm, xuất phát điểm có thể tham khảo.

“Cần sớm xây dựng và áp dụng thể chế sandbox trong đổi mới sáng tạo của văn hóa. Chúng ta nên suy nghĩ thêm là dám cho làm và dám chấp nhận như ý kiến của một đại biểu đã nói là lĩnh vực có thể làm, có sai, có sửa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm.

Phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa - 7

Các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, tinh thần là sau Hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng ngày càng quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Những thách thức của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả nặng nề.

Thủ tướng cho rằng một Hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất