Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn

Với bút danh Thợ Rèn có phần lạ lẫm, ông là một nhà thơ châm biếm, tên tuổi nổi bật, đã gắn liền với chuyên mục Chuyện lớn… Chuyện nhỏ… (Chuyện lớn... Chuyện nhỏ...) ở báo Nhân Dân một thời, nhằm vào thói hư, tật xấu, tình trạng tiêu cực trong nội bộ nhân dân.

Thợ Rèn - Phạm Lê Văn sinh ngày 1/5/1923 tại huyện Thư Trì (nay là Vũ Thư), tỉnh Thái Bình, tên ban đầu là Phạm Văn Huyến. Ông là con út của một nhà nho không thành đạt khi thời buổi Hán học đã tàn. Lên năm tuổi đã theo bố đi học, ham mê những buổi bình văn. Ông hoạt động cách mạng ở quê nhà từ năm 1944. Từ năm 1945, gia nhập quân đội ở Thái Bình rồi làm báo Cứu quốc Liên khu III và viết văn, làm thơ, dùng bút danh Phạm Lê Văn. Bút danh này được ghép bởi họ nội (Phạm) với họ ngoại (Lê) cùng tên đệm (Văn).

Đây là bí danh để khai hồ sơ khi nhập học trường Quân chính khoá một. Trong kháng chiến chống Pháp, ông ký tên đó dưới những bài ca dao, bút ký, phóng sự, kịch ngắn... nhằm tuyên truyền chống giặc ngoại xâm, giúp nhân dân biết cách thoát khỏi đói nghèo, thất học. Bút danh ấy cũng dùng trong hồ sơ, thủ tục hành chính, giao tiếp xã hội, cho nên nhiều người lầm Phạm Lê Văn là tên khai sinh.

Sau này, có thêm hai bút danh Thợ Rèn và Dương Cung dùng cho thơ châm biếm, đả kích. Ông từng đoạt Giải Nhất ca dao báo Cứu Quốc, Liên Khu III, 1952. Thợ Rèn là tác giả ba tập thơ châm biếm Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..., truyện thơ “Giếng xưa chung bóng” (viết chung với Bùi Hạnh Cẩn) và một số bài ca dao. Ông mất năm 2008.

Khi tôi vừa ra trường và bắt đầu được làm việc ngay với Thợ Rèn (năm 1970), tên tuổi ông cùng với Chuyện lớn… Chuyện nhỏ… đã tồn tại được 14 năm. Đến năm 1975, ông chuyển sang làm việc bên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã gắn tên tuổi mình vào Chuyện lớn… Chuyện nhỏ… ở báo Nhân Dân gần hai mươi năm.

Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn - 1

1. Một hiện tượng tác giả - tác phẩm

Nhà thơ Thợ Rèn với bút danh lạ, chuyên mục độc đáo Chuyện lớn… Chuyện nhỏ… như là của riêng ông, đã tạo nên hiện tượng hiếm có ở báo Nhân Dân.

Một: Thợ Rèn là nhà báo góp phần lớn khai sinh chuyên mục Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..., lại là tác giả đứng riêng lâu năm nhất, được báo giữ mục này lâu nhất so với các nhà báo khác, các chuyên mục khác ở báo Nhân Dân nói riêng và mọi tờ báo khác nói chung. Thợ Rèn là người duy nhất trong cơ quan làm trưởng một ban mà buổi đầu chỉ có một người (sau này ông có kiêm chức Trưởng ban Bạn đọc, rồi Phó trưởng Ban Văn nghệ và thời gian khác là Phó trưởng Ban Công nghiệp).

Hai: Thợ Rèn là tác giả có nhiều bài nhất ở báo Nhân Dân so với các nhà báo đồng nghiệp làm cùng một thời gian, cũng là tác giả có nhiều bài hơn cả so với những ai cùng viết loại hình này trong cùng những năm tháng ấy. Ban đầu thì cách vài ngày có bài, sau thì liên tục, như những năm 1959 - 1960, hầu như mỗi ngày một bài. Ông đã đăng khoảng 3.000 bài thơ châm biếm, rất nhiều ca dao và hơn 50 bài tiểu phẩm văn xuôi.

 Ba: Thợ Rèn là tác giả có nhiều bạn đọc nhất, nhận được nhiều lời hồi âm nhất từ bạn đọc. Báo Nhân Dân xuất bản hằng ngày, mỗi lần in nhiều nghìn bản Bạn đọc hôm nay, bạn đọc ngày mai, bạn đọc mọi lứa tuổi xen kẽ và nối tiếp nhau đông đến nhiều triệu người. Thư hồi âm gửi về chất đầy bàn, chật tủ. Có ngày Thợ Rèn nhận được đến 50 bức thư. (Nhiều năm trước chưa có điện thoại riêng, người ta phải gửi thư. Nhà thơ phải cậy đến tôi giúp ghi chép, phân loại, đọc và viết thư trả lời). 

Thợ Rèn rất cẩn trọng, bám sát sự việc, châm biếm nhẹ nhàng, có lý, có tình, cho nên thư phản đối ít mà thường là góp ý kiến, phát hiện sự việc, nêu thêm chi tiết cho rõ hơn ở những bài đã đăng.

Bốn: Thợ Rèn thuộc một trong số rất ít tác giả ở báo Nhân Dân được Bác Hồ biết đến, khuyên bảo và khen ngợi. Bác quan tâm đến Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... từ khi nó vừa ra đời và theo dõi thường xuyên, góp nhiều ý kiến. Trong số những nhà thơ châm biếm đang sáng tác, Bác yêu quý nhất Tú Mỡ và Thợ Rèn. Có lần Thợ Rèn yếu mệt, Bác bố trí cho ông đi chữa bệnh ở Ba Vì. Buổi đầu, Thợ Rèn in đến bài thứ ba thì được Bác gọi điện khen, Bác bảo riêng bài này là hay hơn thơ Tú Mỡ.

Năm: Với Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..., Thợ Rèn là nhà báo duy nhất của báo Nhân Dân nói riêng và là nhà thơ duy nhất của giới viết văn nói chung liên tục trong nhiều năm căn cứ trực tiếp vào những con người, hiện tượng, sự việc nhất định, có địa chỉ cụ thể để viết báo thời sự hằng ngày bằng thơ (bài báo mượn hình thức bài thơ, mang xúc cảm thơ), làm thơ thời sự thông qua bài báo (bài thơ cũng chính là bài báo). Chính Thợ Rèn, cũng thừa nhận rằng thơ của ông có tính cụ thể, tính thời sự, gắn với tân văn báo chí (Tạp chí Văn học, số 1 - 1973).

Sáu: Nếu không nói là duy nhất thì Thợ Rèn là một trong số ít các nhà thơ công bố cùng lúc cả sáng tác châm biếm và sáng tác trữ tình. Với bút danh Phạm Lê Văn, ông đăng =ca dao trên báo Nhân Dân. Thơ châm biếm của Thợ Rèn cũng đậm chất trữ tình (Mái bằng, mái bằng, lại mái bằng.../ Tôi đi như cá lạc vào đăng/ Ba mươi năm lẻ về quê mẹ/ Cả làng là một cục xi măng (bài Cố hương). Với bút danh ấy, ông viết cả thơ trữ tình. Ông có truyện thơ cùng viết chung với Bùi Hạnh Cẩn, thêm nữa là bút ký, truyện ngắn (sẽ nói thêm ở phần sau).

Như vậy, với sáu đặc điểm nói trên, Thợ Rèn khác hẳn những nhà thơ lớp trước như Tú Xương và những nhà thơ cùng thời với ông như Tú Mỡ, Xích Điểu, Lê Kim, Nguyễn Đình, Huyền Thanh, Phú Sơn, Lã Vọng, Ngô Linh Ngọc, Đặc Công và Bút Châm (hai bút danh của Hoàng Trung Thông), v.v.

Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn - 2

Tuyển tập thơ văn Thợ rèn - Phạm Lê Văn

2. Bước chuyển biến táo bạo

Cuối thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, báo Nhân Dân không đăng thường xuyên Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... nữa, mức độ phê phán nội bộ cũng nhẹ đi. Sang năm 1975, chuyên mục này tạm nghỉ một thời gian, bởi tác giả duy nhất của Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... chuyển cơ quan.

Sau đó, Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... được tiếp tục, nhưng đăng bài của nhiều tác giả trong và ngoài báo. Người viết bài này khi ấy đang là biên tập viên ban Văn hoá - Văn nghệ, được giao thêm việc quản lý chuyên mục Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..., thế là trở lại hầu như ngày nào cũng có bài đăng như trước đây. 

Khi rời khỏi một tờ báo chính trị - thời sự hằng ngày, dĩ nhiên là không giữ mục Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... nữa, ở độ tuổi đã chín đằm về năng lực sáng tạo cùng những nghĩ suy về nhân tình thế thái và do đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, Thợ Rèn được thoát ra khỏi những ràng buộc khô cứng, giáo điều. Ông làm thơ đạt chất lượng nghệ thuật cao hơn. Thơ ông đã chuyển sang một bước mới về chất, giảm đi nhiều tính báo chí đơn thuần, mà bổ sung nhiều tâm sự, đạt tính khái quát hiện thực xã hội và nghệ thuật cao hơn, vươn tới được những vấn đề xã hội - nhân sinh rộng lớn, táo bạo, khẩn thiết.

Thế là, tiếp tục góp bài cho chuyên mục Chuyện lớn... Chuyện nhỏ..., một bài thơ gây xôn xao dư luận của Thợ Rèn đã xuất hiện. Sự việc xảy ra là, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trước Đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta còn nhiều trì trệ. Báo chí vẫn “tô hồng” là chính.

Gần đến Tết Quý Hợi (1983), Ban biên tập báo Đại đoàn kết thấy cần có bài nhắc đến một số hiện tượng tiêu cực, Tổng biên tập Nguyễn Tiêu bàn với nhà báo, nhà văn Trần Đình Vân (tức Thái Duy), xin một bài thơ châm biếm của nhà thơ Thợ Rèn. Trần Đình Vân sang nhà Thợ Rèn và được nhà thơ châm biếm hưởng ứng. Tết ấy, bài thơ “Chúc Tết và không chúc Tết” của Thợ Rèn được đông đảo bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh. Báo Đại đoàn kết Tết Quý Hợi bán rất chạy. Xin trích một vài đoạn trong bài thơ ấy:

                                     Nên chăng có vài câu phản chúc

                                     Cho rõ ràng xanh, lục, trắng, đen

                                     Không chúc loại người hiền cổ lỗ

                                     Ngồi trên toà rụt cổ khoanh tay

                                     Lập trường thịt bụng bầy nhầy

                                     Đằng đông cũng gật, đằng tây cũng ừ

                                     ...

                                     Ta càng chán anh "đồ mác - xít"

                                     Đầy một mồm toàn "đít xì cua"

                                     Tinh thần lý luận có thừa

                                     Gạo chiêm chẳng biết, gạo mùa chẳng hay

                                     Càng chán ngắt những tay đơm đó

                                     Hóng lập trường đón gió che phên

                                     Phấn son phủ cái mặt hèn

                                     Vì dân thì ít vì trên thì nhiều.

                                     (...)

                                     Mạt hạng là bọn kim tiền

                                     Cậy thế cậy quyền ăn đút, buôn gian...

                                     Buôn chữ ký, buôn vàng, buôn bạn

                                     Mua bên tây về bán bên đông

                                     Công ty có vợ, có chồng

                                     Có đưa đón, có xe công chở hàng.

Đến năm 1988, một bài thơ nữa của Thợ Rèn lại gây xôn xao, được dư luận hưởng ứng mạnh mẽ. Đó là bài “Văn nghệ là tự do và đổi mới” đăng trên báo Nhân Dân, vẫn ở chuyên mục Chuyện lớn... Chuyện nhỏ... quen thuộc của ông trước đây. Bài thơ có những câu găm sâu vào trí nhớ người đọc:

                                     Một lời vàng không biết từ đâu

                                     Thế là răm rắp cúi đầu

                                     Chung giàn bí lẩn cho bầu chịu oan

                                     Cái thời tiếng "liên quan" sợ lắm

                                     Qua đêm trường tóc trắng như bông

                                     Cái thời chỉ biết phục tùng

                                     Gọt chân cho gọn mà nong khuôn giày.

Bài này phê phán còn nặng hơn bài “Chúc Tết và không chúc Tết” nhưng không bị cấp trên nhắc nhở, cũng không có bạn đọc nào phản bác, bởi vì tình hình xã hội và nhận thức của mọi người đã khác trước nhiều.

3. Thơ văn trữ tình

Với bút danh Phạm Lê Văn, ông còn có thơ trữ tình, ca dao, truyện ngắn, bút ký...

Trăm năm Thợ Rèn - Phạm Lê Văn - 3

Chân dung nhà thơ Phạm Lê Văn.

Sau những năm tháng làm ca dao phục vụ kháng chiến, tác giả không tập trung nhiều công sức vào thể tài này. Tâm hồn ông hợp với ca dao nhưng khi bận viết thơ châm biếm thì có thể ông xem sáng tác ca dao chỉ là việc làm thêm, như in ca dao trên báo Nhân Dân chẳng hạn. Ca dao của Phạm Lê Văn thường thường lẫn vào thơ châm biếm (như ca dao hài hước khuyết danh) và thơ trữ tình. Với những hình ảnh, chi tiết trữ tình, ngôn từ uyển chuyển, tinh tế, thấm nhuyễn giọng điệu ca dao cổ và những thành ngữ, tục ngữ được sử dụng khéo léo, ca dao hiện đại của Phạm Lê Văn cũng thu hút được bạn đọc.

Thật lạ, tác giả của những câu thơ châm biếm: Chửi bới khỏe cho đời biết tiếng / Viết tục tằn cho truyện cách tân/ Tô hô cởi áo thay quần / Tự do vạn tuế bình dân muôn đời, hoặc Họp to như núi chon von / Hành như chuột nhắt đẻ con nhẽo nhèo, hoặc Tiêu cò bố, làm cò con / Cuối cùng gác tía lầu son: hoả lò, lại chính là tác giả của những câu ca dao:

Mặc trời lộng gió heo may

Sương sa chết cỏ, mưa bay rải đồng

Lúa vàng thu hết từng bông

Rơm khô lên đống thì lòng mới vui.

hoặc:

Nắng hanh cho đỏ lá bàng

Cho xanh luống cải cho vàng vườn cam.

hoặc:

Em về cuốc đất trồng rau

Làm dưa đợi lúa uốn câu thì vừa.

Truyện thơ “Giếng xưa chung bóng” (viết chung với Bùi Hạnh Cẩn), Nxb Phổ thông, 1957 - đúng năm tác giả gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, là một tác phẩm rất đáng được chú ý. Nhà xuất bản có Lời giới thiệu trân trọng: “Truyện thơ nói về mối tình đằm thắm của một đôi nam nữ thanh niên nghèo khổ ở nông thôn. Cuộc tình duyên từ buổi hai người tuổi trẻ cùng soi chung bóng ở giếng làng, qua bao tình thế đổi thay (cách mạng bùng nổ, kháng chiến bắt đầu, hòa bình lập lại) đã gặp nhiều éo le trắc trở, cơ hồ sắp đi đến chỗ tan vỡ. Nhưng hai người trước đã được cách mạng cứu vớt ra khỏi lầm than cơ cực và hướng dẫn cho khỏi lầm đường lạc lối, sau lại được cách mạng bảo vệ cho tình yêu đã bắt đầu có từ buổi giếng xưa chung bóng. Các tác giả đã dùng lời thơ đẹp giới thiệu với chúng ta những cảnh êm đềm của nông thôn Việt Nam, những đêm xem chèo ở đình, những buổi gánh nước ở giếng làng, những ngày hát ví trên cánh đồng thơm lúa chín, v.v. Tất cả đều gợi lên cái đáng yêu của nông thôn Việt Nam, của dân tộc Việt Nam”.

Bạn đọc không thể bỏ qua những dòng thơ lục bát tựa như thơ ca dân gian, nhuần nhị, đằm thắm yêu thương, chữ nghĩa tinh lọc:

- Thực lòng chả phải xa đâu

  Mà sao ăn nói chua nhau làm gì !

- Làm cho trầu phải gặp cau

  Làm cho duyên đỏ môi nhau mới là

- Ngày xuân mơ nở trắng cành

  Ao đình mặt nước đã xanh cánh bèo

  Đường thôn dệt lưới mưa chiều

  Cánh bèo nở nhớ trống chèo năm xưa.

- Đất làng tốt lúa xanh cây

  Hơn mười giếng ngọt nước đầy quanh năm

  Đường làng gạch lát như sân

  Chợ đông phiên sớm, chùa ngân chuông chiều.

- Nhìn nhau chúm chím môi cười

  Ngời đôi mắt sáng, bừng đôi má hồng

  Canh ba thì đám chèo xong

  Đường về đi tắt cánh đồng cấy chiêm

  Mưa nhè nhẹ, gió êm êm

  Thơm mùi lá lúa hương đêm dịu dàng

Bên cạnh thơ ca trữ tình, bút danh Phạm Lê Văn còn dành cho những trang bút ký, truyện ngắn, tản văn và tạp văn.

Ông có ba truyện ngắn: “Một người anh”, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” và “Gặp lại” thấm đẫm tình người với cách viết hấp dẫn bởi cảnh đời lạ lẫm, chi tiết thú vị. Về nghệ thuật, tác phẩm của Phạm Lê Văn vẫn gây nên nỗi ngạc nhiên đối với bạn đọc hôm nay. Tác giả viết nhiều về Hà Nội và Thái Bình quê hương, giàu xúc cảm nhân ái. Phạm Lê Văn cũng viết nhiều về Tết – Xuân. Nếu thơ châm biếm mang giọng điệu chua xót, thì thơ văn trữ tình lại chan chứa yêu thương, ao ước…

Ở Tạp văn, ông giúp người đọc “gặp gỡ” các nhà văn lớn như Vũ Trọng Phụng, Tú Mỡ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Quang Dũng… và các nghệ sĩ như đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa, nhạc sĩ Lê Lôi, v.v qua những trang viết giàu kiến văn, vừa dí dỏm, vừa sâu sắc việc đời và tình nghĩa con người.

4. Tuyển tập “Thơ văn Thợ Rèn” - Phạm Lê Văn

Sách do nhà xuất bản Hội Nhà văn công bố vào năm 2023, dày 540 trang, bìa cứng, khổ sách 15 × 23cm, do Phạm Đình Ân Sưu tầm - Tuyển chọn - Biên soạn. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam; Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có bài giới thiệu trang trọng, nhan đề “Nhà thơ Thợ Rèn - Phạm Lê Văn, một vị trí độc đáo trên văn đàn Việt Nam hiện đại”.

Nhà thơ nhấn mạnh: “Ngày nay trong không khí đổi mới, văn học tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực đã trở thành lẽ bình thường. Nhưng ở vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, có được chuyên mục Chuyện lớn… Chuyện nhỏ… với hàng loạt những bài thơ châm biếm của Thợ Rèn thật quả là mới mẻ và đáng khâm phục. Cống hiến của Thợ Rèn đã góp phần vào cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ, nâng cao đạo đức, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, được các đồng chí lãnh đạo Đảng khuyến khích và bảo vệ. Báo Đảng đi đến đâu tên tuổi Thợ Rèn đi đến đó. Ông thực sự trở thành một nhà thơ trào phúng xuất sắc nhất sau Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ, có một vị trí độc đáo trong văn đàn Việt Nam đương đại”.

Sách có 3 phần: “Thơ châm biếm”, “Thơ văn trữ tình” và “Tạp văn”. Thợ Rèn là nhà báo lão thành làm thơ. Sách này chỉ chọn những bài thơ, bài văn đậm tính văn học - văn chương của một nhà thơ, nhà văn làm báo.

Nhiều bạn đọc quen nhìn nhận Thợ Rèn chỉ là một nhà thơ trào phúng. Sách này cho biết thêm, có thể khiến bạn đọc ngỡ ngàng, rằng Thợ Rèn - cùng tên khác là Phạm Lê Văn - còn là một cây bút trữ tình thơ - văn xuôi rất đáng được dư luận quan tâm, như đã nói ở trên. 

Về việc dùng bút danh, tác giả phân biệt hai phần: khi viết thơ châm biếm, ông là Thợ Rèn; khi viết văn thơ trữ tình, văn xuôi nghệ thuật hoặc tạp văn, ông là Phạm Lê Văn. Tuy nhiên, ở phần sau vẫn có một số bài ghi tác giả là Thợ Rèn.

Ở phần “Thơ châm biếm”, sách xếp 128 bài thơ lần lượt theo 8 nhóm nội dung. Đó là: 1- Lề thói, nếp sống; 2- Cậy chức, cậy quyền; 3- Chống tham nhũng; 4- Đổi mới; 5- Tết, Xuân; 6- Tự bạch; 7- Cố hương; 8- Nghề văn, nghề báo.

Các tác giả tên tuổi có mặt ở phần IV của sách (phần phụ lục - dư luận hồi âm - dành cho các bài viết về tác giả. Đó là các nhà thơ: Tú Mỡ, Nguyễn Đình; các GS, TS Mai Quốc Liên, Đinh Văn Đức; các nhà báo: Hữu Thọ, Đặng Minh Phương, Nguyễn Tiêu; những người em đồng nghiệp thân thiết: Phạm Ngọc Luật, Phạm Đình Ân, Vũ Từ Trang… Đáng chú ý, ở phần cuối sách có ảnh đẹp, quý hiếm về gia đình Thợ Rèn - Phạm Lê Văn cùng các bức ảnh tác giả chụp chung với các nhà văn, nhà thơ tài danh như Tú Mỡ, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Trần Lê Văn, Nguyễn Địch Dũng, Kim Lân, Hữu Thỉnh, Vương Trí Nhàn, Đỗ Chu…

Lời kết – Hiện tượng Thợ Rèn - Phạm Lê Văn cần cảm nhận từ góc nhìn văn hóa

Những bài thơ của Thợ Rèn - Phạm Lê Văn phê bình nội bộ nhân dân về lối sống, nếp nghĩ lạc hậu, nạn cậy chức cậy quyền, tham nhũng, ức hiếp người yếu thế để trục lợi, sa đọa đạo đức; đồng thời cổ vũ tinh thần, hành động tích cực, đổi mới… vẫn còn có ích cho xã hội hôm nay. Chúng ta, trước và nay, cần nhìn con người ông, văn chương của ông từ góc nhìn văn hóa, bởi xét cho cùng tác giả suốt một đời chỉ viết từ cảm thức văn hóa, hướng người đọc đến suy nghĩ và hành động chân - thiện - mỹ.

Cách sống và lý trí của ông quả là có thiên về tố chất lịch lãm, tài hoa, đề cao bản sắc cá nhân, tinh thần dân chủ - tự do của lớp người Tây học. Phải chăng, khi làm thơ châm biếm, ông chỉ luôn luôn cứng cỏi, khô lạnh, soi tìm cái xấu, cái trái tai gai mắt để đưa ra lời răn dạy ? Hoàn toàn không phải ! Ông từng tâm sự không chỉ một lần với bạn đọc rằng: “Vì yêu thương mà tức giận”. Bù vào thơ châm biếm, thơ văn trữ tình của Phạm Lê Văn đã góp phần không thể thiếu làm nên trọn vẹn chân dung ông - một nhà văn giàu lòng yêu thương, lương dân vừa am hiểu đông tây kim cổ vừa thấm nhuyễn tinh thần văn hóa dân tộc, đóng góp cho văn học hiện đại Việt Nam một lối nói riêng bổ ích.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Chiều 20/5, tại Kỳ họp thứ 7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.