Lớp học ngày xưa của ông Trợ Phiên

Vào cuối những năm 30 và đầu những năm 40 của thế kỷ trước, tại Làng Mai Xá, tổng An Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ông Trương Quang Phiên (dân làng gọi là ông Trợ Phiên) mở một lớp học tại nhà lấy tên là Tiên Việt Học Hiệu. Tiên Việt là tên hiệu của ông Phiên, ghép hai chữ cuối của hai địa danh trong tỉnh: Cồn Tiên và Cửa Việt.

Cồn Tiên nằm về phía Tây làng Mai Xá, Cửa Việt thì ở phía Đông. Khi mặt trời lên, làng Mai Xá có thể thấy chân trời đượm màu xanh biển cả. Về chiều, mặt trời lặn từ từ khuất sau đỉnh Cồn Tiên. Tiên Việt Học Hiệu thu nhận đủ loại học viên: từ những người chưa biết chữ cho đến những người đã học xong tiểu học nhưng không có điều kiện học cao hơn. Ông Phiên phân biệt giảng dạy cho từng trình độ theo giờ và theo buổi trong tuần. Lớp học mở vì nghĩa nên người học không phải đóng học phí. Ông Phiên chỉ vận động từng nhóm người góp công góp của xây dựng các hoạt động giáo dục mà thôi. Nhưng vì việc nghĩa, ông Phiên được bà con xa gần hỗ trợ vật chất và tinh thần để lớp học luôn được suôn sẻ.

Ông Phiên hướng dẫn học tập các môn Quốc văn, Pháp văn, Hán văn, tính toán, Sử ký, Địa dư và khoa học thường thức. Ông có hai nguyên tắc về giáo dục: một là “học ít, hiểu kỹ, nhớ lâu”; hai là “tự người học thấy được cái sai, cái đúng của mình” chứ không phải thụ động nghe thầy phân tích. Chẳng hạn, đối với một bài luận (tập làm văn), ông cho đề trước và người học về nhà làm bài. Đến lớp ông cho từng người đọc bài của mình và các bạn học góp ý kiến.

Lớp học ngày xưa của ông Trợ Phiên - 1

Ông Trương Quang Phiên

Sau đó người học tự vạch ra cái hay cái dở trong bài, cuối cùng thầy giáo tóm tắt nhận xét của mình với bài. Về việc học ít, hiểu kỹ, nhớ lâu thì ông Phiên phối hợp giảng dạy và vui chơi. Những đề toán của ông thường là những bài thơ cổ truyền làm cho người học thích thú và nhớ mãi. Ví dụ như bài toán sau đây:

Vừa gà vừa chó

Bó lại cho tròn,

Ba mươi sáu con,

Một trăm chân chẵn,

Hỏi mấy gà mấy chó?

Bài toán ba người đi câu cũng rất vui và có người học sau năm, sáu mươi năm vẫn còn nhớ.

Ông dạy hình học cũng theo cách vui ấy. Ta biết công thức tính chu vi và diện tích đường tròn là: Chu vi: 2 πR

Công thức này được phát âm theo tiếng Pháp là 2 Pierres có nghĩa là hai viên đá. Người học muốn nhớ công thức này thì học thuộc lòng câu: Chu vi vòng tròn bằng hai viên đá.

Cũng thế, diện tích hình tròn πR^2 đọc theo tiếng Pháp là Pierre Carré. Muốn nhớ công thức này phải học thuộc lòng: Diện tích hình tròn là viên đá vuông.

Trong môn địa dư cũng vậy, thường phải nhớ tên các thành phố thuộc Pháp ở miền Đông Ấn Độ. Đó là: Mahé – Karikal – Pondichéry – Yamahon – Chandernagor.

Muốn nhớ những tên này, ông Phiên gợi ý học thuộc lòng câu: Mạ hề - Con hỡi con – Bồng em cho chị - Qua sông – Chèo đò.

Thời đó ngày nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai những câu thuộc lòng này. Ngoài những môn quy định nói trên, ông Phiên còn hướng dẫn học tập theo nhu cầu của người học. Có một số nhà quyền thế gửi con cháu đến cho ông nhờ ông huấn luyện khả năng nối tiếp đại gia. Đối với các đối tượng này, ông Phiên giảng kỹ về Sử ký, ca ngợi các minh quân, phê phán các bạo chúa. Ông cho họ học kỹ Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, coi đó là những cẩm nang mà những người yêu nước phải thông tỏ. Có một số thanh niên đầy nhiệt huyết muốn thay đổi thời cuộc, không chịu thân phận dân thuộc địa, tìm đến ông để được nghe ông giảng dạy về những lý thuyết quan trọng trên thế giới.

Lớp học ngày xưa của ông Trợ Phiên - 2

Nhà giáo Trương Quang Đê- con trai ông Trương Quang Phiên.

Ông Phiên làm việc với các đối tượng này ở nơi kín đáo vào những giờ thanh vắng, vì đây là những vấn đề nhạy cảm, có thể bị nghi ngờ. Ông Phiên làm việc với họ có khi thâu đêm suốt sáng để nghiên cứu trước hết là trào lưu nhân bản thế kỷ 18 ở Pháp của các triết gia Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa. Rồi đến các trào lưu dân tộc đến từ Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ấn Độ với tư tưởng các ông Hoa Thịnh Đốn, Tôn Dật Tiên, Thánh Cam Địa. Cuối cùng là trào lưu tư tưởng duy vật vô thần của các ông Mã Khắc Tư, Ân Cách Tư, Liệt Ninh, Tư Đại Lâm. Về sau những con cái đại gia cũng như những thanh niên đầy nhiệt huyết đều theo chân ông Phiên mà gia nhập các đoàn thể cách mạng và tham gia công cuộc kháng chiến.

Song song với việc giảng dạy, ông Phiên còn tổ chức những hoạt động văn nghệ thể thao cho lớp học. Trên cơ sở nhân sự của lớp học, ông lập ra một đội cải lương, một đội kịch nói, một đội nhạc và một đội bóng đá. Các đội này được huấn luyện và diễn tập trong nội bộ một thời gian dài trước khi ra trình diễn rộng rãi cho công chúng. Ông Phiên cho dựng trong sân nhà một sân khấu nhỏ.

Trong suốt thời gian hoạt động của mình, đội cải lương cũng như đội kịch nói trình diễn được ba bốn vở, trong đó có hai vở nổi trội được lưu lại trong ký ức của mọi người. Đó là vở cải lương Mỵ Châu Trọng Thủy, có nguồn từ Hà Nội và vở kịch nói Trưởng giả học làm sang của Molière. Đội nhạc thoạt tiên có một đàn nhị, một đàn bầu, một đàn tranh và vài ba ống sáo chuyên chơi các bản nhạc cổ với các ca khúc ngày xưa như:

Đêm đã sáng te te...

Việt Nam minh châu trời đông...

Những năm đầu của lớp học, tân nhạc chưa lan tỏa đến các làng quê, chỉ vào đầu những năm 40 mới có vài ca khúc được các học trò ngân nga. Đội nhạc được bổ sung một cây đàn mandolin và một cây banjo. Ca khúc mà tôi nghe được đầu tiên là:

Đến nay thu tàn

Phương xa kìa chiếc én bay về

Khuất trong non ngàn...

Sau này mới biết đó là ca khúc Nhớ quê hương của nhạc sĩ Phạm Ngữ.

Ca khúc thứ hai là Chiều Quê của Hoàng Quý:

Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm...

Đội bóng của ông Phiên làm nòng cốt cho đội bóng của làng Mai Xá. Cứ đến 5 giờ chiều là luyện tập ở một bãi cỏ ven sông. Có lần đội thi thố tài năng với các đội quanh vùng ở sân bóng huyện lỵ Gio Linh.

Cứ hằng tháng, ông Phiên mời một diễn giả đến nói chuyện với lớp học về nhiều đề tài mà mọi người quan tâm thuộc các lĩnh vực phong tục tập quán, văn chương thi phú, thời sự trong nước và ngoài nước. Trong đội ngũ các diễn giả có một nhà sư Phật giáo và một linh mục Thiên chúa giáo. Có những buổi nói chuyện gây tranh luận sôi nổi như khi diễn giả phê phán các phong tục lạc hậu trong nước về thờ cúng, ma chay, đám hỏi.

Ông Phiên rất quan tâm đến xây dựng nhân cách cho người học. Các bài tập đọc cho các trình độ thường là các bài luân lý. Có hai bài luân lý được ông viết và dán vào hai cánh cửa ở hiên nhà. Đó là bài “Thưa thầy con là Carnot đây” và bài “Mẹ thầy Mạnh Tử chăm con như thế nào.”

Nicolas Leonard Carnot là một chính khách lớn của Pháp (1796-1832). Vào một ngày về thăm quê, khi ngang qua trường làng, trông thấy ông thầy dạy mình khi xưa đang ngồi trong lớp, bây giờ tóc đã bạc phơ. Ông Carnot xuống xe ngựa, bước vào lớp, chào thầy và nói “Thưa thầy, thầy có nhớ con không, con là Carnot đây.” Sau khi kể chuyện cho thầy nghe, ông Carnot quay xuống lớp nói với đám học trò nhỏ: “Ta bình sinh, trước nhất là mang ơn cha mẹ, thứ đến là mang ơn thầy. Nhờ thầy ra sức dạy dỗ ta mới nên sự nghiệp ngày nay.”

Chuyện mẹ thầy Mạnh Tử chăm con như sau: mẹ thầy Mạnh Tử phải chuyển chỗ ở ba lần để tìm môi trường sống thích hợp cho con. Thoạt tiên nhà bà ở gần một nghĩa trang và bà thấy hằng ngày con bắt chước những người đưa tang mà khóc lóc. Thấy sự việc không ổn, bà tìm cách chuyển đến nơi khác, gần một cái chợ, tại đây bà thấy hằng ngày con học cách mua bán, nói thách, rao hàng. Thấy như vậy cũng không ổn, bà lại chuyển chỗ ở đến gần một lớp học. Tại đây hằng ngày con bà học cách nói năng lễ độ, cần cù tập viết tập đọc của các môn sinh. Bà rất mừng và quyết định ở lại địa điểm này.

Lớp học ngày xưa của ông Trợ Phiên - 3

Nữ nghệ sỹ ưu tú Tân Nhân, gọi ông Trương Quang Phiên là cậu ruột, được ông nuôi dưỡng và đưa đi tham gia kháng chiến.

Lớp học Tiên Việt Học Hiệu ngưng hoạt động vào mùa thu năm 1945 vì cả thầy lẫn trò đều rời quê hương tham gia vào các đội ngũ kháng chiến chống xâm lăng.

Suốt đời tôi mơ ước có cơ hội khôi phục lại Tiên Việt Học Hiệu trước đây của thân phụ. Nhưng có lẽ đây chỉ là điều mơ ước khó thành hiện thực trong trật tự của xã hội ngày nay.

Trương Quang Đệ

Tin liên quan

Tin mới nhất