Điện Biên Phủ qua khoảng trời làng tôi

Điện Biên Phủ đã đi qua bảy mươi năm. Điện Biên Phủ là của Việt Nam, của địa cầu và cũng của làng tôi. Trước khi hiểu ra Điện Biên Phủ chấn động địa cầu thì Điện Biên Phủ đã chấn động cái khoảng trời làng quê nhỏ bé của tôi, và theo đó, cũng là chấn động cái kí ức tuổi thơ của tôi.

Năm 1954. Vùng kháng chiến Thanh Hóa. Mùa thu năm 1953, lúc sắp 10 tuổi, tôi sống cùng với gia đình ở vùng kháng chiến Liên khu Bốn, xứ Thanh. Sau “Những ngày đi lưu động”  kháng chiến rất gian nan, cha tôi đưa cả nhà tôi tạm trở về quê, một làng gần biển Sầm Sơn, để nương nhờ qua cơn gieo neo.  

Tháng mười. Nắng hanh vàng.

Một hôm cha tôi đi công tác xa vào Nghệ mấy tháng, tôi tiễn cha tôi. Trước khi đi ông dặn mẹ tôi: “Chiến sự rất căng, trên nói là Tây đang rập rình, có thể đổ bộ và nhảy dù Thanh Hoá, nếu có động dụng gì thì phải tìm cách thoát vòng vây lên miền ngược”.

Từ đầu hè năm nay, máy bay Pháp quần đảo Thanh Hóa liên miên và ném bom rất nhiều nơi ở vùng tự do. Nhà nào cũng đào hầm tránh bom. Đã hơn một năm các trường phải chuyển sang học đêm. Lũ học trò nhỏ chúng tôi vô cùng vất vả vì đi học xa, tối trời, buồn ngủ và sợ ma lúc về! Tuy vậy vẫn phải học thôi. Chúng tôi cảm thấy lớn lên và biết quan sát nhiều hơn đến xung quanh.

Chờ mãi nhưng không thấy Tây nhảy dù từ trên trời, nhưng lâu lâu chúng lại bắn đại bác từ ngoài biển khơi vào, gây kinh hoàng, có đêm bắn pháo sáng và đèn dù sáng rực một vùng. Nhiều hôm chúng tôi phải ngồi dưới hào giao thông cả buổi. Tuy thế, chung quanh tôi chả thấy ai sợ cả, vẫn việc ai nấy làm.

Cuối tháng 11, trời trở heo may với những cơn gió lạnh đầu mùa.

Một tối, tôi trên đường đi học về thì gặp chú thứ hai của tôi đốt đuốc đi họp, vì sợ ma nên tôi theo ngay chú vào cuộc họp để về cùng. Đến một căn nhà thấy khá đông kẻ nằm người ngồi, đèn bão sáng trưng, nét mặt ai cũng nghiêm trang. Một lát, ông Phó Chủ tịch huyện và ông Chủ tịch xã đến thì bắt đầu họp ngay. Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng tôi không quên lời thông báo của ông hôm ấy, đại ý, giặc Pháp vừa nhảy dù xuống Điện Biên Phủ mấy hôm, nhảy đông lắm, toàn Tây mũ đỏ (lính dù) lại thả cả xe tăng và trọng pháo xuống nữa. Tình hình rất nghiêm trọng, chưa biết âm mưu chúng là gì. Trên chưa có nhận định. Tuy nhiên ta phải đề phòng ngay, rất có thể là chúng sẽ từ Sơn La theo thượng nguồn sông Mã đánh xuống Thanh Hoá. Trên đánh xuống, ngoài biển đánh vào. Trên yêu cầu chuẩn bị chiến đấu và quân sự hoá mọi hoạt động ngay từ đêm nay.

Ba tiếng Điện Biên Phủ với tôi thật xa lạ, lúc đầu tôi tưởng Điện Biên Phủ là một nơi nào gần quê tôi, nhưng sau nghe người lớn nói chuyện tôi mới biết đấy là một phủ ở tận Lai Châu, giáp Lào và rất quan trọng, nằm giữa vùng Tây Bắc mà ta mới giải phóng năm ngoái. Ngồi nghe người lớn bàn việc một lúc tôi buồn ngủ nên ngủ thiếp đi trên chiếu ở thềm.

Tôi thức giấc vì tiếng hát đồng ca vang nhà: “Qua miền Tây Bắc, núi ngút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh cha già. Về đây giải phóng quê nhà,…”, không khí hào hứng và mọi người ra về trong mưa bụi, đuốc sáng rực các ngõ xóm.

Điện Biên Phủ qua khoảng trời làng tôi - 1

Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh tư liệu

Trong vòng nửa tháng, cái tin địch chiếm Điện Biên Phủ lan đến từng ngõ xóm bởi các hoạt động thông tin tuyên truyền. Nhà nhà làm thêm hầm trú ẩn, khơi lại giao thông hào, tăng cường xét hỏi ở các trạm gác đề phòng Việt gian,… riêng với tôi, cái mới nhất và lạ nhất là việc làm bàn chông và hầm chông để phòng địch từ Điện Biên Phủ.

Một hôm thấy có nhóm thợ rèn về làng tôi, họ mang theo búa, đe, cưa sắt, những đôi bễ thổi gió và những gánh than. Một xưởng rèn được thiết lập rất nhanh ở giữa làng để rèn chông sắt. Mấy cái bếp đỏ rực, ống bễ thở phì phò còn các bác thợ rèn thì ra sức đập búa. Lũ nhỏ chúng tôi cũng được huy động vào kéo bễ. Chúng tôi vô cùng sảng khoái vì được giúp người lớn, lại như một trò chơi có hạng nên tranh nhau làm. Cả làng đi kiếm sắt vụn về bỏ thành đống, thôi thì đủ loại. Lò rèn đã nhanh chóng biến đống sắt vụn thành những sợi dây kim loại dài rồi cắt ngắn thành những đoạn khoảng một gang tay, từ đó đánh thành những cái chông nhọn hoắt, cắm vào những mảnh gỗ cỡ viên gạch, mỗi mảnh năm cái chông cắm ngược, trông phát ghê người, dùng để chôn dọc đường khi giặc đến. Chỉ mấy hôm, hàng trăm bàn chông đã được làm xong, giao cho bộ đội địa phương và dân quân du kích đem đi cất giấu. Không ai được hỏi là cất ở đâu.

Đến cận Tết năm 1954, nghĩa là sau đó một tháng, thì tình hình đã khác. Cấp trên thông báo là Pháp không có khả năng đánh Thanh Hoá mà ngược lại Thanh Hoá phải dốc sức người sức của để giúp quân ta đánh Điện Biên Phủ. Loa phát thanh nói là Thanh Hoá có một ông Chủ tịch tỉnh mới tên là Ngô Thuyền. Ông Thuyền đã ra nhiều chỉ thị, trong đó tôi nhớ là hai thông báo về tiết kiệm lương thực cho mặt trận và và đi dân công hoả tuyến.

“Dân công hoả tuyến”, ngày nay tôi tra từ điển không thấy có cụm từ này, nhưng đó là công việc vĩ đại của hậu phương xứ Thanh năm đó. Ngay sau khi có lệnh, làng quê tôi nhộn nhịp vì hầu hết các anh chị 18 tuổi trở lên kĩu kịt đi dân công hỏa tuyến. Nhà nào thanh niên bận thì người già xung phong đi thay. Nhà nhà chặt tre đan sọt gánh gạo, muối và đồ quân dụng. Các cụ già còng lưng thâu đêm, sân nhà nào cũng sáng đèn cho việc đan sọt, làm quang gánh, làm thuyền nan,

Trong họ tôi có ba ông bác ngoài năm mươi tuổi xung phong dân công hoả tuyến, các bác là nông dân chất phác, đã hăng hái ra tiền tuyến gánh gạo và cả ba bác đã mất sau khi trở về bị sốt rét ác tính không có thuốc.

Lũ trẻ chúng tôi, đêm nào cũng đi mít tinh và cổ động trong xã dưới khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”. Nghe nói ta đang mở mặt trận to lắm để bao vây và tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy tiếng “Tập đoàn cứ điểm”, nghe nói Tây lập nhiều lô cốt lắm. Làng xóm vắng dần thanh niên, đến lượt học trò xung phong đi hỏa tuyến.

Tôi nhớ một buổi tối, học xong, lớp tôi tập hợp ở sân, thầy giáo nói hôm nay lớp ta tiễn hai anh lớn nhất ra mặt trận. Anh Bôi và anh Quý 17 tuổi. Thời đó học cùng lớp nhưng hơn nhau nhiều tuổi là chuyện thường. Các anh nói lời tạm biệt và hứa làm tròn nhiệm vụ. Chúng tôi bịn rịn chia tay. Hai tháng sau, một hôm chúng tôi đau buồn nhận được tin anh Bôi đã hi sinh cùng mấy đồng đội trong một trận máy bay giặc ném bom đường vận tải ở Sơn La. Năm trước đã có một anh tên là Hằng, học trên tôi hai lớp, hy sinh trong một trận chống càn khi giặc Pháp đổ bộ lên nam Sầm Sơn. Đó là những liệt sĩ đầu tiên là bè bạn mà tôi biết.

Tôi nhớ nhất ngoài gồng gánh tiếp tế cho Điện Biên Phủ còn có chuyện xe đạp thồ ở quê tôi. Truyền đơn Tây thả xuống nói là Việt Minh sẽ thua ở Điện Biên vì dân công đã ăn hết gạo họ gánh khi tới nơi. Ai nhẹ dạ có thể tin là thế thật.

Một tối, có bộ đội về xã để báo cáo một chuyện đặc biệt. Mọi người kéo nhau tới nghe. Giữa sân treo đèn sáng, phía dưới thấy để một chiếc xe đạp “cởi truồng” nom rất lạ. Nó chính là chiếc xe thồ nổi tiếng hậu phương Thanh Hóa góp cho Điện Biên Phủ năm ấy. Xe có cái cọc cao, ghi đông được nối dài bởi một que tre già và dẻo, cái phuốc được ốp thêm hai thanh sắt để chịu lực. Xe có đèn, trên ghi đông có hai rọ đựng vỏ hộp sữa Guigoz. Trên xe là bốn bao tải thóc, khoảng hai trăm cân, kê nghiêng dựa vào một chiếc đế bằng tre nhỏ và xinh. Cái xe thồ ngày ấy khác bây giờ trong chế tác.

Ông cán bộ giới thiệu cái công cụ vận chuyển mới và còn nói rõ đây là học sáng kiến của giới buôn hàng cấm từ vùng tạm chiếm Suối Rút (Hoà Bình) vào cho kháng chiến. Rất năng suất. Ông cũng thông báo: trên có lệnh trưng dụng xe đạp của mọi nhà có xe đạp để lấy xe dân công cho mặt trận. Thuở đó trong xã không có nhiều xe, nhiều nhà hào phú tuy không có xe đi nhưng cũng hăng hái mua xe để đóng góp cho mặt trận. Cha tôi cũng không đi xe đạp nữa, ông lặng lẽ đi bộ công tác để xe ở nhà.

Một hôm tôi đang chơi, thấy có mấy người dáng cán bộ vào nhà. Họ hỏi tôi là cha tôi có nhà không, tôi nói là cha tôi đi vắng. Một chú đưa cho tôi tờ giấy hỏi có biết đọc không, tôi trả lời: “Cháu học lớp 4”. Chú ấy nói thế thì đọc đi, tôi mở giấy ra. Đó là giấy trưng dụng xe đạp có dấu của huyện, ghi rõ trưng dụng xe đạp trong bốn tháng. Cuối giấy có dòng chữ: Ai trái lệnh sẽ bị xử “theo quân pháp”. Tôi không hiểu nghĩa ba chữ này nên nghĩ là ai trái lệnh sẽ bị xử tội “theo giặc Pháp”. Thế thì ghê quá! Họ mang xe đi rồi, tôi chột dạ biết nói thế nào với cha khi cha về. Mấy hôm sau, cha tôi về, tôi thuật lại sự tình, ông khen tôi: con làm như thế là đúng. Ba để xe ở nhà cốt là để huyện huy động khi cần.

Mấy tháng sau chiến dịch, một hôm có người của xã dắt chiếc xe đạp trả lại cho gia đình tôi. Tôi ngạc nhiên vì chiếc xe vẫn nguyên vẹn, hỏi ra mới biết rằng người ta trưng dụng nó nhưng mới để nó vào kho quân dụng trù bị của tỉnh, mặt trận chưa cần huy động đến nó thì Điện Biên đã được giải phóng. Bao nhiêu xe đạp mượn từ các làng đều được trả lại các gia đình một cách chu đáo, những xe đã giáp trận đều có một tờ thư khen của huyện. Một việc dựa vào sức dân ngày ấy thật là tuyệt vời!

Tôi nhớ từ giữa tháng ba, máy bay giặc bỗng vắng bóng, nghe đồn nó lên Điện Biên cả. Ở quê tôi, xã cho treo một tấm bản đồ lớn trên giấy xi măng bên cạnh chòi phát thanh, trên đó vẽ bản đồ Điện Biên Phủ rất chi tiết có đánh dấu các vị trí của Pháp, sân bay,… khu trung tâm Mường Thanh vẽ cờ của Pháp. Mỗi khi tin báo bộ đội ta diệt được cứ điểm nào là anh thông tin xã lấy nhựa đường bôi đen cứ điểm đó đó trên bản đồ. Lũ chúng tôi ngày nào cũng chầu xem cứ điểm nào đã bị xoá. Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... lần lượt ta chiếm được, nhưng khu đồng Mường Thanh và trung tâm thì đợi mãi vẫn chưa thấy gì. Sốt ruột quá, có đứa trong lũ chúng tôi lấy bùn bôi trước và bị người lớn lấy roi quất cho một trận vì nghịch ngợm. Các chú các bác bảo rằng, để xoá được một điểm trên bản đồ là khó lắm, bộ đội ta phải hi sinh nhiều người còn hậu phương thì tốn nhiều của lắm chứ không dễ như trò nghịch của chúng tôi.

Đầu tháng năm, tôi sắp học xong lớp 4 thì giữa lúc đó tin thắng lợi ở mặt trận Điện Biên Phủ bay về nhiều. Lại có tin là Pháp thua nhiều nên phải điều đình với ta ở thành phố Giơnevơ bên Thuỵ Sĩ và phái đoàn ta do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đến đó.

Một buổi chiều nắng to, chúng tôi đang mải miết tát cá dưới ao trước lúc đi học thì thấy anh thông tin xã chạy như bay đến chòi phát thanh, vừa chạy vừa cầm loa sắt la đến khản cổ: Điện Biên Phủ giải phóng rồi bà con ơi, ta diệt và bắt sống tất cả chúng nó rồi đồng bào ơi! Cứ như thế anh hét lên nhiều lần rồi leo lên chòi cao tiếp tục chõ về bốn phía. Các ngõ xóm mọi người chạy đổ về rầm rập, chả mấy chốc vây kín chung quanh chòi phát thanh. Chúng tôi lội từ dưới ao lên ướt như chuột chạy theo. Một đứa leo phắt lên bản đồ để xoá cứ điểm cuối cùng có cờ Pháp. Mọi người vội vàng bó những bó đuốc bằng tre, nứa, giẻ tẩm dầu lạc, trẻ con làm bùi nhùi bằng rơm, đang vào vụ gặt, rơm còn chưa khô nên khói um. Trời tối, cả một rừng đuốc sáng trưng trên bãi của xã, nơi mà hàng mấy năm nay cấm tụ tập vì sợ máy bay ném bom như hồi 1950. Bây giờ thì cả ngàn người ầm ĩ.

Một khán đài cao kê vội bằng bàn ghế học trò, nhiều cờ quạt biểu ngữ, lại có bốn bóng đèn điện bé tí sáng. Chúng tôi tò mò lần ra sau khán đài thì thấy ngay cái bí mật: Bốn chiếc xe đạp có đèn (loại đèn 5W, nổi tiếng thời đó) được lật ngược với bốn ông lực điền ngồi cầm bàn đạp quay tít để cho các dinamo phát điện. Tiếng hoan hô nổi lên rồi yên lặng, ông Chủ tịch xã trịnh trọng đọc nguyên văn một thông báo của tỉnh vừa nhận được trong đó nói rõ: 17 giờ 30 chiều hôm qua (7/5/1954), ta đã giải phóng hoàn toàn Điên Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lính Pháp và lính đánh thuê, trong đó có Chỉ huy trưởng, thiếu tướng Đờ Caxtơri và nhiều quan năm đã hàng, thu toàn bộ khí tài, quân trang, quân dụng trong đó có hàng vạn chiếc dù. Tiếng ồn nổi lên rồi kéo theo là tiếng hoan hô như sấm mãi không dứt. Tự nhiên thấy im phắc vì mít tinh dành phút mặc niệm bộ đội và dân công hy sinh. Làng quê rộn niềm vui chiến thắng.

Trên cũng cho phép từ nay chấm dứt việc học đêm và các chợ được phép họp lại vào cuối buổi chiều. Chúng tôi rất sung sướng. Ai cũng thấy vui và như thấy ngày hoà bình chiến thắng sắp đến. Nghe nói ở bên Giơnevơ hội nghị về đình chiến đang họp.

Rồi câu hỏi đã được giải đáp. Trao đổi tù binh ở Sầm Sơn sau chiến thắng. Sau Điện Biện Phủ được chừng hơn tháng, một hôm chú tôi đang dạy học ở trường gần biển vội trở về nhà bảo tôi: “Ở dưới biển, ngoài cửa sông Mã hôm nay bắt đầu trao trả tù binh, xuống mà xem Tây, có cả người Liên Xô và người Hồng mao (người Anh),… đến quay phim, hay lắm!”. Tôi ngạc nhiên vì xưa nay chỉ nghe thấy cảnh chạy Tây chứ chưa thấy xem Tây bao giờ. Tôi và các bạn tôi rủ nhau hôm sau đi coi Tây.

Thấy đi xem Tây, người lớn mắng át đi vì có bao giờ giặc đến cho mà xem. Chúng tôi cứ đầu trần chạy dưới nắng hè, hai bên đường là những cánh đồng nước loang loáng. Chúng tôi đến bến thì gần trưa, một phong cảnh lạ kỳ làm chúng tôi choáng ngợp: Trên bến là dân chúng cả một rừng cờ đỏ và biểu ngữ, phía sau là những lán trại bằng tranh nứa vừa dựng vội nhưng rất tươm tất, nghiêm trang có lính gác vòng trong vòng ngoài. Dưới bến là một chiếc tàu chiến của Pháp rất to, máy nổ ầm ầm, súng ống tua tủa, có điều mọi súng ống đều quay ra phía ngoài biển. Trên boong nhiều sĩ quan và lính thuỷ ăn vận quân phục trắng toát, sang trọng đi lại nghiêm trang khủng khỉnh. Cái tàu này gọi là “tàu há mồm” nhưng mồm nó chưa há và nghe nói có nhiều chiến sĩ ta sẽ được trao trả đang bị giam trong hầm của nó.

Chúng tôi nhìn nó mà sốt ruột và ái ngại. Lần đầu tiên nhìn thấy Tây, bụng dạ chúng tôi thấy ghét và tự nhủ: kiểu gì thì nó cũng thua ở Điện Biên rồi. Tuy vậy, thấy các anh bộ đội ta đi lại bình thản và nói chuyện với họ đàng hoàng trên bãi cát thì cũng an tâm. Một lúc sau, trên bãi sông xuất hiện một đoàn người Tây khác và cán bộ ta nói cười rất vui vẻ, họ lỉnh kỉnh máy móc dưới trời nắng, mồ hôi nhễ nhại. Tôi thấy một ông Tây da đỏ au, đầu tóc trắng làm việc với máy móc quên hết xung quanh. Bỗng có người nói to: Ông Liên Xô đang quay phim đấy. Lần đầu tiên tôi được thấy một người Xô viết. Sau này tôi mới biết ông chính là đạo diễn điện ảnh lừng danh Rôman Các men, tác giả đang làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Ông đã đi từ Tây Bắc đến đây.

Lúc hai giờ chiều, cả bãi bỗng trở nên sôi nổi, chiếc tàu há mồm bỗng há ra, cầu tàu được thả xuống, từ dưới hầm tàu một đoàn hàng trăm người Việt bỗng xuất hiện, tiếng hoan hô nổi lên như sấm. Đó là các chiến sĩ ta bị giặc bắt, đày ải nay được trở về theo thỏa thuận. Họ gầy gò, xanh xao, có tốp phải dìu nhau, có người phải mang nạng nhưng đi theo trật tự. Qua khỏi cầu tàu họ lập tức tung hô các khẩu hiệu và trút bỏ bộ quần áo tù và ném vội xuống sông cùng với những đồ đạc một thời lao lung, họ lao đến ôm chầm lấy đồng bào của mình trong vòng tay trìu mến và nỗi nghẹn ngào. Mới vài hôm trước họ còn trong lao tù Côn Đảo, Phú Quốc nay đã nằm gọn trong lòng đồng bào. Không có Điện Biên Phủ thì không có cuộc trở về này. Ai cũng muốn khóc. Các sĩ quan Pháp nhìn họ gườm gườm tức tối.

Điện Biên Phủ qua khoảng trời làng tôi - 2

Dân công hỏa tuyến. Minh họa Ngô Xuân Khôi

Sau khi các chiến sĩ ta bước hết vào dãy lán đỏ cờ thì một cảnh khác lại diễn ra. Theo sau một tốp sĩ quan bộ đội ta là một đoàn vài trăm tù binh Âu - Phi cũng xuất hiện ở một cổng trại khác. Họ là Tây, là giặc vốn bị bắt ở các chiến trường trong đó có Điện Biên Phủ mới đây, nay được trao trả cho Pháp. Họ phần lớn là lính lê dương da mầu. Mỗi người mặc một bộ áo lính Việt Nam màu xanh lá cây, đeo một ba lô và đội một chiếc mũ lá cọ nổi tiếng của vùng Liên khu 4. Họ vui vì thoát chết, nhiều người cầm trên tay những con chim hoà bình bằng giấy trắng hoặc khẩu hiệu “Hòa bình muôn năm”, chiến tranh mong kết thúc và họ sắp được về nhà. Nhiều tù binh tung mũ, tung ba lô lên trời, lúc đầu chúng tôi tưởng là họ phản đối nên lấy làm khó chịu, sau mới biết là họ tỏ nỗi mừng được trở về. Suốt 8 năm kháng chiến đánh Tây nhưng chưa bao giờ tôi thấy Tây cả, nay thì Tây đi cả đoàn ngay trước mặt. Họ là tù binh Âu - Phi. Điện Biên Phủ đã làm cho họ hiểu nước ta, hiểu chiến tranh và hoà bình, còn chúng tôi thì hiểu rằng họ cũng bị ép buộc. Rồi bỗng nghe tiếng máy bay, mọi người nhốn nháo. Nhưng máy bay hạ độ cao rồi nhẹ đỗ xuống sông. Một chiếc thủy phi cơ. Bao nhiêu năm trốn máy bay, giờ thì máy bay đỗ ngay bên cạnh, chúng tôi có cảm giác rất kì lạ vì ngay lúc đó chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Nhiều cáng thương binh Pháp được chở ra chuyển lên máy bay, rồi máy bay rẽ nước cất cánh bay ra biển.

Đợt trao trả tù binh diễn ra trong nhiều ngày, và chúng tôi còn có mấy buổi được thấy tù binh Điện Biên Phủ và các mặt trận khác nữa. Do mất mùa và dốc sức lương thực cho Điện Biên Phủ, vụ đói năm 1954 đến gần, quân và dân không có gạo ăn nữa, tôi nhớ chỉ toàn khoai củ và sắn non, vậy mà tù binh pháp vẫn có cơm ăn, quần áo.

Rồi hoà bình lập lại.

Cuối tháng bảy, tin về náo nức Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được kí kết, hai bên ngừng bắn. Dù đang đói kém nhưng thôn xóm vô cùng hồ hởi. Thiếu nhi chúng tôi đồng ca: “Hoà bình trở lại ngày mai sáng bừng, ta giương cao cờ chiến thắng vinh quang,…”. Ai cũng biết nhờ có Điện Biên mà có hoà bình. Mít tinh, biểu tình, kéo nhau đi sửa đường, phá ụ, lấp hố,… tiếng trống, tiếng hát. Từ nay độc lập rồi. Không còn cảnh giặc giã, bom đạn. Nhưng chẳng bao lâu, 1/8/1954 là ngày ngừng bắn ở Trung bộ, khi bản Hiệp định Giơ-ne-vơ được công bố, thì mọi người đều buồn phiền. Đất nước ta lại phải tạm thời chia làm hai miền ranh giới là vĩ tuyến 17, ở huyện Vĩnh Linh Quảng Trị một nơi lạ lẫm là con sông Bến Hải. Với cách nghĩ đơn giản, tôi thấy người lớn nói chuyện với nhau, ai cũng cho rằng Pháp thua ở Điện Biên Phủ thì phải rút khỏi nước ta, nếu họ không chịu thì ta dấn lên để có một Điện Biên Phủ nữa, tội gì mà chia đôi nước. Lại có người cho là, chia thì chia, ta phải được phần lớn đất nước do ta thắng, sao lại chỉ có từ vĩ tuyến 17, có nhiều người nói chia thế này chả biết bao giờ mới thống nhất được vì Pháp đi thế nào cũng nhường cho Mỹ. Sau đó thì có thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào cả nước ngày 20/7, mọi người hiểu rằng con đường giải phóng và thống nhất đất nước không đơn giản, còn lâu dài, gian khó, còn phải đi tiếp cho khẩu hiệu “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Điện Biên Phủ mới chỉ là bắt đầu một cuộc mới. Hai tháng sau, vùng biển quê tôi, chỗ bến trao trả tù binh, đón chào một sự kiện mới: Đón tiếp cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết.

Ngoài cửa biển xuất hiện hai chiếc tàu biển mới, cắm cờ hoà bình và cờ Liên Xô, cờ Ba Lan. Tôi vẫn còn nhớ tên hai con tàu ấy, Stavropol và Kilinski. Chúng tôi nghỉ học nhiều ngày, thức đêm thức hôm trong đói và lạnh để đi đón đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết trong niềm vui và tình cảm ruột thịt. Cái đói và cái rét của mùa đông xứ Bắc năm 1954 không át được niềm vui hoà bình. Trong lớp học nhà quê, chúng tôi gào to bài học thuộc lòng: 

“Có chiếc tàu Liên Xô

Vượt sóng cồn xanh biếc,

Chở người lính Bác Hồ,

Từ miền Nam tập kết,…”

Chẳng ai nghĩ rằng những người lính ấy, cùng với những người lính còn ở lại miền Nam và những người lính miền Bắc đã chung sức, đi qua mưa bom bão đạn, vô vàn hi sinh trong hai mươi năm tiếp theo kể từ Điện Biên Phủ để đi đến ngày đất nước thống nhất, để có ngày thái bình hôm nay.

GS. TS. NGND Đinh Văn Đức

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tổng kết, trao giải thưởng Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”

Tổng kết, trao giải thưởng Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và vùng đất Điện Biên anh hùng hôm nay vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo nghệ thuật. Chỉ trong hơn 1 tháng phát động, Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” đã nhận được số lượng lớn các ca khúc mới viết về Điện Biên.