Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước

Điểm nhấn của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 là Đêm thơ mang tên “Bản hòa âm đất nước”- Một không gian thơ ca huyền ảo và lắng đọng, vang lên nồng ấm trong đêm mưa phùn giá rét.

Tối 24/2, tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Đêm thơ với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;…

Phát biểu khai mạc Đêm thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy”.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Đêm thơ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca”.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 2

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 là nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Lần đầu tiên các đại diện cho các vùng văn hóa khác biệt, tiếng nói thi ca của các dân tộc đã hội tụ tại Hoàng thành Thăng Long và họ cùng cất tiếng mang vẻ đẹp của dân tộc mình hòa với nhau, tạo nên một dòng chảy, bản sắc văn hóa Việt Nam với 54 dân tộc anh em.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 3

Đêm thơ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện dưới các hình thức biểu diễn đa dạng.

Trong đó, Đêm thơ đã mang đến cho khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện dưới các hình thức biểu diễn đa dạng, từ ngâm thơ, bình thơ, biểu diễn ca khúc, múa, trình diễn nghệ thuật…

Mở đầu chương trình là màn biểu diễn Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc, tương ứng với con số Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 4

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai trình diễn bài thơ “Khúc hát mùa xuân”.

Đêm thơ diễn ra đầy thi vị và ấn tượng, qua 4 phần, khán giả đã được gặp gỡ những câu thơ là di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam, được nghe kể những câu chuyện về tình yêu thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu qua những tiết mục sâu lắng như: Bài thơ “Người Tân Trào” của tác giả Nông Quốc Chấn qua phần trình bày của nhà thơ Nguyễn Minh Cường; Bài thơ “Những người mẹ núi” của tác giả Đỗ Thị Tấc qua phần trình bày của Á hậu Thụy Vân; Bài thơ “Con trai người Pa Dí” được sáng tác và trình bày bởi nhà thơ Pờ Sảo Mìn; Bài thơ “Khúc hát mùa xuân” sáng tác và trình bày bởi nhà thơ Bùi Tuyết Mai; Truyện thơ “Thương nhau còn nhớ đàn môi” (Trích truyện thơ Tiễn dặn người yêu - dân tộc Thái) qua phần trình bày của nhà thơ Lữ Mai; Trích đoạn của trường ca “Đẻ đất đẻ nước” (sử thi dân tộc Mường) được trình bày bởi nhà thơ Nguyễn Quang Hưng;…

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 5

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn với bài thơ “Con trai người Pa Dí”.

Điểm nhấn của Đêm Thơ năm nay là sự góp mặt của các nhà thơ quốc tế là Jeon-Min, Jeong Gun-Ok, Ji Eun – Kyung đến từ Hàn Quốc, các nhà thơ đã trình bày những bài thơ do chính họ sáng tác về Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng chính là bước đệm để Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan Thơ quốc tế kéo dài khoảng một tuần trong năm 2025.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 6

Nhà thơ Hàn Quốc Jeon-Min đọc thơ tại Đêm thơ.

Song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, Đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục và hiệu ứng của lửa…

Ngày Thơ năm nay diễn ra tại toàn bộ khuôn viên bãi cỏ trước cửa Đoan Môn ở Hoàng thành Thăng Long. Các sự kiện chính diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, từ cửa Đoan Môn đến Cột cờ Hà Nội. Tuy thời tiết mưa rét nhưng số lượng du khách đến tham dự Ngày Thơ vẫn không giảm.

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 7

Khán giả đến với Đêm thơ.

Các hoạt động được bố trí cấu trúc trên toàn bộ trục thần đạo, khán giả và người tham dự đi từ cổng thơ, đến đường thơ, qua Nhà ký ức đến cây thơ và cuối cùng là sân khấu chính diễn ra đêm thơ...

Thi ca trong bản hoà âm muôn màu về đất nước - 8

Tham quan Nhà ký ức.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 như một bản hoà âm đất nước sâu lắng, ca ngợi di sản thi ca của các dân tộc, nêu cao tinh thần Đại đoàn kết dân tộc và đã thực sự trở thành ngày hội thi ca của tất cả các dân tộc anh em.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Tối 5/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Thời báo Văn học nghệ thuật long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu bài phát biểu của