Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 đã diễn ra tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” với sự tham gia của nhiều nhà thơ, học giả, nhà lý luận phê bình văn học. Tại đây, các diễn giả đã lý giải về mối quan hệ vừa đồng nhất, vừa riêng biệt giữa bản lĩnh và bản sắc trong công việc sáng tạo thi ca.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 1

Tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” có sự tham gia của đông đảo nhà thơ, học giả, nhà lý luận phê bình văn học và độc giả. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu mở đầu tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong kho tàng văn chương có rất nhiều tác phẩm dũng cảm vẫn còn tồn tại và những tác phẩm ấy xuất phát từ bản lĩnh của nhà thơ. Bản lĩnh không phải sự mù quáng, cố chấp, bảo thủ. Bản lĩnh là sự tự tin vào tính thiện lương của mình. Từ đó, các tác giả tạo ra bản sắc, những cái riêng, nhưng cũng không có nghĩa là cố tình làm khác người.

Còn bản sắc nhà thơ hiện nay đang đứng trước những vấn đề đáng suy ngẫm, nhất là trong thời điểm tính toàn cầu không thể đảo ngược, biên giới văn hóa được xóa nhòa. Ở cuộc gia nhập ấy, theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bản sắc đã trở thành thế mạnh để từng cá nhân, từng cộng đồng tạo dựng vị trí không thể thay thế.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 2

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Đâu là bản lĩnh của một nhà thơ?

Trao đổi về bản lĩnh của nhà thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: “Bản lĩnh của một người viết phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của anh ta, nếu thiếu hai yếu tố này, tôi nghĩ bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực”.

Bên cạnh đó, bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, cái đấy là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 3

Các nhà thơ chủ trì toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, bản lĩnh của người cầm bút chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối. Chính nhờ bản lĩnh, tất nhiên là còn nhờ ở tài năng, mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập.

Lo ngại trước vấn đề hiện nay việc đăng thơ quá dễ, khi ai cũng có thể đăng thơ trên các báo, tạp chí, ai cũng có thể xuất bản được sách và việc tự xuất bản thơ qua facebook quá dễ dàng, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng đó cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, nhà thơ cho rằng: “Sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền”.

“Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài”, nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 4

Nhà thơ Đặng Huy Giang phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì nhìn nhận bản lĩnh nhà thơ nằm ở sự kiên định, bền bỉ với những sáng tác của mình, ở nỗ lực đẩy đi xa hơn những thể nghiệm để tạo ra cách diễn đạt khác, làm nên sự phong phú trong cách hình dung và truyền tải tinh thần của sự vật, con người, những diễn biến trong đời sống mà vốn khi nhắc đến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ giao tiếp thông thường, tưởng như không có gì là chúng ta không biết đến.

Anh nhấn mạnh: “Nhà thơ có bản lĩnh để kiên định trên con đường đi tìm, xác định cá tính sáng tạo của mình. Và có bản lĩnh để giữ gìn cá tính đó”.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 5

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ

Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là một quá trình lao động chữ nghĩa bền bỉ để tạo cho mình một giọng điệu riêng, vân chữ riêng, biểu tượng riêng, cấu trúc diễn ngôn riêng có giá trị độc đáo và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thơ.

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên cho rằng một trong những điều tạo nên bản sắc nhà thơ chính là “khoảng lặng của thi ca” - một thi pháp đặc trưng của thi ca. Theo ông, khoảng lặng chính là nơi để thi ca cất tiếng nói không thành lời của mình cho thời đại và lịch sử những tượng đài tư tưởng và thẩm mỹ, là nơi gặp gỡ của người làm thơ với độc giả bước theo lịch trình bất tận của thời gian.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Bàn về vấn đề sống còn của người cầm bút - 6

Tại toạ đàm, các diễn giả đã lý giải về mối quan hệ vừa đồng nhất, vừa riêng biệt giữa bản lĩnh và bản sắc trong công việc sáng tạo thi ca. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên nhấn mạnh: “Con đường đi tìm và tạo lập khoảng lặng trong thơ có lẽ trước tiên thơ phải có ý tưởng sâu sắc chứa đựng một triết lý nhân sinh mang đậm tính dân tộc và tính toàn nhân loại. Người làm thơ không phải bằng con đường giảng giải triết lý đó bằng lời giống như nhà triết học mà thông qua hình tượng và cảm xúc chọn lọc để làm sáng lên triết lý và ý tưởng. Cái khoảng lặng của thi ca chính là ở chỗ đó. Và phải chăng đó chính là bản lĩnh của một nhà thơ?”

Nhà thơ cho biết, trong thời hiện đại, người máy với trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ nhưng có lẽ phải trông cậy nhà thơ để thiết kế con chíp và một trong những con chíp đó là khoảng lặng của thi ca.

“Bản lĩnh của người làm thơ không phải chỉ ở tầm cao tư tưởng và khái quát nghệ thuật mà cùng với việc đó biết loại bỏ những chữ những câu thừa làm nên những tác phẩm thơ có dư ba. Sâu sắc về ý tưởng. Bay bổng về cảm xúc. Khi kết thúc bài thơ người đọc thấy ngân lên những làn sóng của siêu thực để trang thơ rộng hơn cuộc đời của chính nó. Người đọc bâng khuâng nhận ra rằng một bài thơ nhỏ thôi lại có một thế giới nhân sinh đang mở ra để con người trào lên những băn khoăn, khổ đau và ước vọng của cuộc đời vốn dĩ không phải thật giản đơn này”, nhà thơ Khuất Bình Nguyên khẳng định.

Nhà thơ Hoàng Kim Ngọc nhận định, bản sắc nhà thơ là cái tài năng thơ được kết tinh, có khả năng hấp thụ văn hóa nhân loại để biến thành năng lượng sáng tạo. Đó là nhà thơ phải có giọng điệu, có phong cách tác giả, có “vân chữ” riêng biệt để không nhòe lẫn với ai. Và ông cho rằng, bản sắc là cái sống còn của người cầm bút. Nó gắn liền với việc kiến tạo diễn ngôn độc đáo, khác lạ nhưng có giá trị để làm nên tên tuổi nhà thơ.

Theo ông, nhà thơ có bản sắc sẽ được độc giả mến yêu trân trọng và được các nhà nghiên cứu phê bình định vị bằng một cụm từ có tính khái quát sự nghiệp thơ của họ. Và muốn tạo dựng bản sắc thơ thì nhà thơ phải có phong cách. Phong cách chính là cái tạng thơ của mỗi nhà thơ. Có người có sở trường với thơ lục bát, có người hợp thơ tự do; có người viết thơ ngắn hay hơn trường ca và ngược lại; có người hợp viết thơ tình, người hợp tạng thơ thế sự…

Những ý kiến được đưa ra bàn luận trong tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” góp phần tôn vinh thơ ca, lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca trong đời sống. Đồng thời, giúp các nhà thơ thấu hiểu hơn về bản lĩnh và bản sắc, vẻ đẹp và sứ mệnh của mình, giúp họ tìm thấy sự gắn kết kỳ lạ giữa con người với con người, giữa cá nhân họ và cộng đồng rộng lớn.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất