Thí sinh Trung Quốc mặc áo dài Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2020: Nếu chúng ta không lên tiếng...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các cuộc thi hoa hậu năm 2020 đều hoãn tổ chức, tuy nhiên, Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) vẫn diễn ra bằng hình thức thi online. Nhưng chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận lại xoay quanh việc thí sinh Trung Quốc sử dụng trang phục giống áo dài Việt Nam trong phần thi tài năng.
Sự việc lại một lần nữa xới lên câu chuyện về bản quyền chiếc áo dài Việt.
Không đưa thông tin về trang phụcĐại diện Trung Quốc đã không đưa thông tin về bộ trang phục, chỉ nói về điệu múa gắn với văn hóa đặc trưng của nước này. Sau khi video đăng tải lên, nhiều ý kiến cho rằng trang phục của cô giống áo dài Việt Nam với những chi tiết điển hình. Nhận định từ các NTK Việt Nam cũng khẳng định, trang phục mà cô Jie Ding lựa chọn chính là mẫu áo dài đặc trưng của Việt Nam. Sau khi xem hình ảnh trong video, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam bày tỏ sự ngạc nhiên khi thí sinh này lại mặc trang phục của quốc gia khác tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế. “Đây là hành động “xâm lược văn hóa”, dù cố tình hay vô ý”, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam bức xúc.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam phân tích, từ phần cổ áo, chi tiết xẻ tà ở eo, quần ống rộng đều mang dáng dấp đặc trưng của áo dài. Trước đây, áo dài được thiết kế khuy bấm, nhưng hiện thay thế bằng khóa kéo phía sau cho tiện dụng. “Tôi thật sự ngạc nhiên bởi thường thì khi đến với các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì mỗi thí sinh đều cần có sự thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc mình. Như vậy, truyền thông hay khán giả Trung Quốc sẽ nghĩ gì về việc này, khi văn hóa truyền thống của họ không được gọi tên?”, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Đỗ Trịnh Hoài Nam, từ lâu hành trình xây dựng thương hiệu áo dài Việt đã được các NTK chung tay gây dựng. Thông qua việc này, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam tiếp tục bày tỏ mong muốn trang phục áo dài sớm trở thành quốc phục và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Nếu thí sinh Trung Quốc đó ghi rõ nguồn gốc trang phục, tên gọi là áo dài Việt Nam thì không có gì để nói. Nhưng họ cứ thế mặc đi thi mà không có phần chú giải về trang phục, nếu chúng ta không lên tiếng, dần dần sẽ dẫn đến tình trạng “xâm lăng văn hóa” của Việt Nam…”, theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Để tránh những lần đáng tiếc tiếp theoTại Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bộ VHTTDL và Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều câu chuyện về xác định bản quyền, “danh phận” cho áo dài Việt Nam đã được các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đề cập. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, dù chưa đi vào văn bản chính thức của Nhà nước để khẳng định Áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng trang phục này đã được cộng đồng trong, ngoài nước thừa nhận đó là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. “Nhiều người nước ngoài khi được hỏi đều thừa nhận áo dài chính là trang phục có tính biểu tượng gắn với phụ nữ Việt Nam và niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Nó cũng là một sáng tạo văn hóa nghệ thuật đóng góp vào kho tàng của nhân loại..., PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Coi áo dài là “Tiếng nói Việt Nam”, GS.TS Từ Thị Loan chứng minh, áo dài gần như đã trở thành một thứ quốc phục có thể sánh ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Áo dài giờ đây còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước ra khắp thế giới.
Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, khi đưa áo dài ra thế giới, người nước ngoài luôn trầm trồ và gọi rõ tên áo dài gắn với hai tiếng Việt Nam. Đó chính là bản sắc, là hồn cốt và tiếng nói dân tộc. Chính bởi vị thế đặc biệt quan trọng đó nên những vụ việc gây tranh cãi như thế này đã khiến cho không chỉ giới chuyên môn mà đông đảo công chúng cảm thấy bất bình. Bởi đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh áo dài Việt Nam bị sử dụng một cách không chính thống như vậy. Nhiều ý kiến đề xuất Áo dài cần sớm được chính danh là quốc phục đề tránh xảy ra những lần đáng tiếc tiếp theo.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân nhắc lại, tháng 11.2019, người Việt Nam phẫn nộ bởi trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh, NeTiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang cho thấy có sự sao chép áo dài Việt Nam. Sau sự việc này, nhiều người lại đặt câu hỏi số phận của áo dài sẽ ra sao, sao chưa công nhận áo dài là Quốc phục?…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận câu chuyện xây dựng thương hiệu áo dài. Các địa phương cần xây dựng hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia song song với xây dựng thương hiệu cho các NTK, tổ chức các tuần lề áo dài ở nước ngoài...
Theo Báo Văn hóa NoneBình luận