Tổ chức “Hội Xuân Giáp Thìn - 2024”

Nhân dịp chào năm mới 2024 và đón Tết cổ truyền Giáp Thìn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức “Hội Xuân Giáp Thìn - 2024”, dự kiến Hội Xuân diễn ra từ ngày 26/01/2024 đến ngày 01/02/2024.

“Hội Xuân Giáp Thìn - 2024” là hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Giáp Thìn. Hội xuân nhằm giới thiệu tôn vinh giá trị những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của cộng đồng 54 dân tộc anh em ở khắp vùng miền trong cả nước; tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận mua sắm, vui chơi, giải trí lành mạnh trong dịp Tết đến xuân về.

Đồng thời, là nơi các tập thể, cá nhân quảng bá thương hiệu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán.

Tổ chức “Hội Xuân Giáp Thìn - 2024” - 1

Ảnh minh họa. Ảnh: Huyền Thương

Sự kiện được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc.

Triển lãm “Vũ điệu Bách Long” trưng bày 100 tác phẩm độc bản, thể hiện linh vật rồng bằng gốm phù điêu, vừa tái hiện văn hóa truyền thống thuần Việt, vừa thể hiện khát vọng bình yên của con người trước sức mạnh của thiên nhiên.

Triển lãm bao gồm 3 nội dung chính: Rồng đắp phù điêu trên các dáng độc bình khác nhau với nhiều kích cỡ khổ lớn; “Rồng hóa” bằng cách điệu voc dáng qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông gắn với những vẻ đẹp của bốn loại cây và hoa như Tùng, Cúc, Trúc, Mai và Điêu khắc rồng mang các thông điệp ý nghĩa thể hiện khát vọng bình yên, gửi gắm ước mong phúc khí, thời vận đi lên mong muốn của con người về những điều may mắn, tốt đẹp “Thiên thời địa lợi” trong năm mới Giáp Thìn.

Triển lãm Tranh “Hóa Rồng”, hình ảnh Rồng trong tranh và áo dài Việt Nam trưng bày bộ sưu tập tranh vẽ chủ đề Rồng trên chất liệu mo cau nhiều nhất Việt Nam của họa sĩ Hoàng Trúc. Trưng bày các tác phẩm tranh vẽ về Rồng của các họa sĩ trong quá khứ và hiện tại. Hình ảnh Rồng trên các áo dài Việt Nam xưa và nay.

Trưng bày giới thiệu gốm với chủ đề “Tinh hoa từ trời đất” giới thiệu nét tinh hoa của làng nghề gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) với những sản phầm gốm sành mang đặc trưng thô, mộc có màu đất nung cháy. Những sản phầm gốm gia dụng nổi tiếng lâu đời như vò, vại, chum sành, hũ, lọ,...; gốm thủ công mỹ nghệ như các loại bình hoa, nậm, bầu đựng rượu, độc bình, vật dụng trang trí, chao đèn, con giống; gốm xây dựng với phù điêu, họa tiết trang trí phong phú và đa dạng.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm sứ Giang Cao (Hà Nội) với nhiều chủng loại đa dạng, nhiều màu sắc, chất lượng độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nhiều dòng gốm đang thu hút sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước như gốm men giả đá, men rạn, men co, men ngọc... được thể hiện trên các loại sản phẩm như lọ hoa, tượng, con giống, mảng tranh gốm, đồ thờ; trong gốm ứng dụng cho kiến trúc và mỹ thuật, nổi bật là ngói âm dương và nghệ thuật mosaic gốm (nghệ thuật ghép mảnh gốm).

Bên cạnh đó còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa nghệ thuật như: Lễ Khai mạc “Hội Xuân Giáp Thìn - 2024”, chương trình thời trang thiếu nhi với chủ đề “Đón Xuân”; chương trình giao lưu nghệ thuật, vinh danh chủ nhiệm các Câu lạc bộ nghệ thuật thiếu nhi và Gala “Chào năm mới 2024”; chương trình nghệ thuật “Đất nước vào Xuân”; vũ hội “Xuân Giáp Thìn”;…

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất