Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận

Ngày 16/12/2023, tại nhà khách La Thành, Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ hội viên cao tuổi, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, trao tặng khen thưởng năm 2023 và trao giải thưởng văn nghệ dân gian năm 2023.

Tại buổi lễ, Hội tổ chức Lễ mừng thọ cho 39 hội viên 90, 80, 70 tuổi; phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho hai nghệ nhân là bà Nguyễn Thị Nhỡ và ông Phùng Hữu Sửu (Câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian, xã Phong Châu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hành và truyền dạy chèo cổ.

Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận - 1

Mừng thọ các hội viên cao tuổi

Không có công trình đạt Giải Nhất

Năm 2023, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nhận được 81 công trình đăng ký tham dự giải thưởng thuộc tất cả các chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian. Sau vòng thẩm định và đối chiếu với Quy chế Giải thưởng Hội, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 60 công trình đủ điều kiện trình Hội đồng Chuyên ngành xem xét. So với năm 2022, năm nay số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở cả các chuyên ngành, trên cả hai lĩnh vực: điều tra, sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu.

Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận - 2

Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian

Đặc biệt các công trình sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiếu số năm nay đều được thể hiện song ngữ. Điều này, một mặt rất quan trọng với nên công tác nghiên cứu, phát huy những di sản văn hóa các tộc người trong văn hóa đa dân tộc Việt Nam, nhưng mặt khác cũng khẳng định năng lực tiếp cận ngôn ngữ các dân tộc ít người của đội ngũ những nhà điều tra sưu tầm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Về dung lượng, bên cạnh một vài công trình chỉ hơn trăm trang, phần lớn đều vài trăm trang, không ít công trình dăm trăm trang, thậm chí có công trình trên 1.000 trang.

Sau khi nghe các chuyên gia thẩm định, trình bày đánh giá từng công trình, Hội đồng chuyên ngành đã thảo luận và xếp giải cho mỗi công trình. Trên cơ sở kết quả xếp loại của 5 Hội đồng Chuyên ngành, Hội đồng Chung khảo đã rà soát, cân đối và thống nhất kết quả giải thưởng sưu tầm, nghiên cứu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2023 với 01 Giải Nhì A; 02 Giải Nhì B; 9 Giải Ba A; 15 Giải Ba B; 14 Giải Khuyến khích; 09 Tặng phẩm.

Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận - 3

Trao giải nhì A tặng tác giả Nguyễn Tiến Dũng

Phát biểu tổng kết Giải thưởng văn nghệ dân gian năm 2023, GS.TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Số lượng công trình dự giải tăng trong hoàn cảnh dịch bệnh mới được khống chế, những quy định về giãn cách xã hội mới được xóa bỏ,... chứng tỏ tinh thần làm việc hết mình của các hội viên. Để có thể khai thác được nhiều, chính xác... các di sản văn hóa dân gian, các hội viên phải đến tận nơi cư trú của các tộc người trên cả nước, cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của họ - kể cả những sinh hoạt văn hóa tâm linh,... để điều tra, sưu tầm, khảo cứu mới có được nhiều công trình gửi về Hội dự giải năm nay”.

Ông đồng thời đánh giá cao những đóng góp đáng ghi nhận của các hội viên trong công tác điều tra sưu tầm, nghiên cứu góp phần bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cũng như nhiều năm trước, năm nay không có công trình đạt giải Nhất, chỉ có 01 công trình được Giải Nhì A và 02 công trình đạt Giải Nhì B.

Giải Nhì A là công trình sưu tầm giới thiệu Sử thi Bahnar: Giống thủ tài (Giông long), Song ngữ Việt - Bahnar do hội viên Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân Alưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa.

Điều đặc biệt trong mùa giải năm nay là, hội viên Nguyễn Tiến Dũng đạt cả hai giải cao nhất: Nhì A và Nhì B. Công trình Sử thi Bahnar Chàng Hơ Dang làm vòng (Dăm Hơ Dang weng kong) cũng do Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm và biên soạn, A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch. Về chất lượng và giá trị, công trình này cũng tương đương công trình đạt giải Nhì A, nhưng bản sử thi này có dung lượng bé hơn nên Hội đồng trao giải Nhì B. Việc sưu tầm, phiên âm tiếng Bahnar và dịch sang tiếng Việt góp phần bổ sung vào bộ Sử thi liên hoàn của người Bahnar nói riêng và kho tàng Sử thi Tây Nguyên nói chung.

Một công trình đạt giải Nhì B nữa là Thủ tục tang ma và những bài ca chỉ đường của các ngành Mông Xanh, Mông Trắng và Mông Đỏ tỉnh Điện Biên do tác giả Chu Thùy Liên thực hiện.

Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận - 4

Trao Bằng khen tặng tập thể, cá nhân Câu lạc bộ chèo cổ Thất Gian. 

Trăn trở tìm hướng phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian

Năm nay, số lượng công trình dự giải thưởng văn nghệ dân gian tăng hơn những năm trước, thêm nữa số công trình đạt giải cao cũng tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên vẫn không có công trình nào đạt Giải Nhất.

Chia sẻ với báo chí về việc nhiều năm liên tiếp không có công trình nào được trao Giải Nhất, GS Lê Hồng Lý: Hội rất trăn trở, vì hiện nay cũng có tiềm năng có một số tác phẩm công trình, luận án rất xứng đáng, nhưng họ chưa công bố. Công việc sưu tầm là công việc hết sức khó khăn bởi những người có hiểu biết về văn hóa, văn nghệ dân gian đã mất đi rất nhiều, số trẻ thì không nhớ hết và không có.

GS Lê Hồng Lý lý giải, năm nay chỉ có hai nghệ nhân được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian là do việc danh hiệu nghệ nhân dân gian của Hội rất khắt khe, tất cả những nghệ nhân đươc Hội trao tặng khi tham gia xét danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đều đạt 100%. Mặt khác số nghệ nhân có tuổi đã mất đi nhiều, một số nghệ nhân trẻ rất khá nhưng Hội vẫn yêu cầu thời gian cống hiến và phải có hoạt động truyền dạy. “Hiện tại nghệ nhân trẻ có nhiều người rất giỏi, nhưng thời gian cống hiến và truyền dạy chưa được nhiều cho nên Hội chưa dám mạnh dạn phong danh hiệu” – ông khẳng định.

GS Lê Hồng Lý đồng thời bày tỏ hy vọng vào tương lai của văn nghệ dân gian: Chúng tôi hiện đang đặt ra vấn đề văn hóa, văn nghệ dân gian hiện nay sẽ như thế nào, có hay không văn nghệ dân gian hiện đại? Hội vẫn đang bàn, như GS Lê Quốc Vượng sinh thời từng nói: Còn dân thì còn văn hóa dân gian... Từ đó, Hội đang tiếp tục khuyến khích các nhà nghiên cứu nghiên cứu các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống xã hội hiện đại, đặc biệt là phục vụ cho công nghiệp văn hóa. Một số nơi đã làm khá tốt, ví dụ vấn đề ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống…Hiện nay chúng tôi đang khuyến khích sưu tầm, nghiên cứu những mảng như thế, đấy là những chuyển đổi từ văn hóa dân gian truyền thống sang thời hiện đại.

Mùa giải Văn nghệ dân gian 2023 với những đóng góp đáng ghi nhận - 5

Các đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm.

“Như ta đã biết, số thanh niên trẻ bây giờ vào nghề rất ít và điều kiện khó khăn cho nên các bạn bỏ nghề rất nhiều, chỉ có những người già và trung niên nên vẫn đang hi vọng sẽ có một lớp trẻ tiếp nối. Tuy nhiên có một số nghệ sĩ trẻ, sau khi tiếp xúc ồ ạt với văn hóa thế giới bắt đầu quay lại với văn hóa dân gian và thành công mà ta thấy rất rõ như các tác phầm âm nhạc, mỹ thuật. Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi thấy bây giờ là vấn đề văn hóa tộc người. Hiện nay chúng tôi đang tập trung khai thác vấn đề đó để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của chính địa phương đó. Năm nay tôi thấy có một hướng đang được phát triển đó là các các địa phương tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh như Hà Giang, Quảng Ninh, sắp tới là Nghệ An và một số tỉnh khác, họ đang muốn đi tìm kiếm những giá trị văn hóa dân gian để phục vụ cho đời sống hiện đại. Đó là hướng để văn hóa văn nghệ dân gian phát triển”.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất