Tiểu thuyết Việt Nam qua công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của Giáo sư Bùi Xuân Bào
Cuốn sách “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và Tiến trình” của G.S Bùi Xuân Bào Chính đã khẳng định tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và thể hiện những khác biệt trong quan niệm của tác giả.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và Tiến trình của G.S Bùi Xuân Bào” với sự tham gia của các diễn giả: dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên); nhà giáo Trần Đình Sử; nhà văn Hoàng Minh Tường; nhà giáo Phạm Xuân Thạch.
Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương
Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972 luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”. Năm 1985 nó được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”.
Bản dịch Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và tiến trình là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris, nguyên văn tiếng Pháp của luận án này là Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945.
Cuốn sách "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và tiến trình" của GS. Bùi Xuân Bào. Ảnh: BTC
Các diễn giả tại tọa đàm đều cho rằng, việc Bùi Xuân Bào chọn một đề tài luận án như vậy cho thấy ông rất yêu văn chương dân tộc và rất tự tin. Vì ông đã phải đọc cả một khối lượng lớn các tác phẩm tiểu thuyết được sản xuất ra không chỉ trong thời gian hạn định của đề tài là 1925-1945. Ông cũng phải đọc cả các báo chí thời ấy và các công trình nghiên cứu về lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại đã được viết ra trước đó.
Bên cạnh đó, ông còn phải tham khảo trong văn chương Pháp xem tác giả nào, tác phẩm nào đã có tác động đến tác giả và tác phẩm của tiểu thuyết Việt Nam ở giai đoạn 1925-1945 và phải đưa ra một cách nhìn, sự phân chia lịch sử văn chương của riêng mình.
Ông viết: “Theo dõi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ khi ra đời đến khi phát triển toàn diện, chúng tôi đã lần lại những giai đoạn khác nhau trong cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức của người Việt Nam trong một phần tư thứ hai của thế kỉ XX. Hai mươi năm này chắc chắn là thời kỳ rực rỡ nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất và phức tạp nhất trong lịch sử văn học của chúng tôi.
Tốt hơn và trọn vẹn hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác, tiểu thuyết đã phản ánh những con đường liên tục mà đồng bào chúng tôi đã vạch ra để xem xét và tìm cách giải quyết mối xung đột giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây.”
GS Bùi Xuân Bào. Ảnh: BTC
Tác giả Bùi Xuân Bào đã định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”.
Như vậy, ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”. Buổi bình minh của thế kỷ cũng là buổi bình minh của lịch sử nền văn học dân tộc nói chung và lịch sử tiểu thuyết nói riêng.
Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: BTC
Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và tiến trình bao gồm rất nhiều tư liệu quý báu, đó là những tác phẩm ngày nay ít người biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định thỏa đáng của người đương thời, tất nhiên cũng khó tránh có những nhận định chưa thỏa đáng đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn với những nhận định hiện thời, nhưng ta không quên, đây là một tài liệu lịch sử, đã ra đời cách nay đã hơn 70 năm.
Chia sẻ về việc dịch tác phẩm này, dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Cái may trong việc dịch này là nhờ thái độ cẩn thận, khoa học của tác giả nên tất cả các đoạn trích tiếng Việt khi dịch sang tiếng Pháp ông đều có dẫn ra cụ thể. Nếu không người dịch cũng đành bó tay bỏ cuộc vì không thể nào phục nguyên được lời văn của các tác phẩm đã có độ lùi khá xa về thời gian”.
Gọi tác phẩm là “bức tranh tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”, GS. Trần Đình Sử cho rằng, cuốn sách là một cách hệ thống hóa đặc biệt của nhà nghiên cứu Bùi Xuân Bào.
GS. Trần Đình Sử chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương
GS. Trần Đình Sử nhận xét: “Nhìn qua bức tranh tiểu thuyết của GS. Bùi Xuân Bào, bạn đọc sẽ thấy sự phân chia tiểu thuyết theo đề tài, chủ đề làm cho bức tranh phong phú, nhiều sắc màu, có kiến giải sâu sắc, nhất là về con người cá nhân trong tiểu thuyết, song khó tránh làm cho đường nét bức tranh có phần rối, và mặt khác, thiếu vắng các tác phẩm quan trọng có tác dụng tố cáo xã hội”.
Nhưng theo ông, sự thiếu vắng đó là do luận án được bảo vệ tại Pháp khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta đã kết thúc, nhưng phải đến năm 1973 hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào thời mà tác giả làm luận án, ở Pháp rất ít người quan tâm đến các vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết như người kể chuyện, điểm nhìn, nhân vật. Do vậy, quan tâm đề tài là cách tiếp cận dễ được chấp nhận nhất.
“Tôi nghĩ cuốn sách có những vấn đề mà ngày nay chúng ta có thể bàn thêm nhưng công trình khoa học này thực sự và có ích cho những người nghiên cứu văn học Việt Nam”, GS. Trần Đình Sử nhấn mạnh.
Nhà văn Hoàng Minh Tường chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương
Nhà văn Hoàng Minh Tường thì cho rằng, đây là một công trình văn học, một công cụ văn học, công cụ văn hoá, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thời kỳ phát triển đầu tiên của nền văn học chữ quốc ngữ, cho hậu thế chúng ta có một công cụ tra cứu lại lịch sử phát triển của văn hoá dân tộc.
Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và Tiến trình của GS. Bùi Xuân Bào là một tài liệu tham khảo quý, đã nghiên cứu sự khai sinh và tiến trình của thể loại tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Việt Nam trong vòng hai mươi năm từ năm 1925 đến năm 1945 - một thể loại văn xuôi quan trọng của văn học hiện đại.
Giáo sư Bùi Xuân Bào là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và Pháp. Sinh vào ngày 1/1/1916 tại Quảng Nam, ông đã được nuôi dưỡng trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc và xuất sắc đỗ đầu kỳ thi dành cho học sinh xuất sắc nhất toàn Đông Dương. Sau đó, ông đã đi du học tại Pháp vào năm 1948, tại Pháp ông đã tiếp xúc và say mê với văn học Pháp, tiếp tục nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương. Sau khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của văn học và giáo dục, trước khi trở lại Pháp và giữ chức Cố vấn Văn hóa tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. |
Họ là những nhà văn, nhà báo, là người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam, đã đến và tận mắt chứng kiến những...
Bình luận