Tuyên Quang: Truyền lửa, thổi hồn cho hát Then - đàn Tính
(Arttimes) - Hát Then là món ăn tinh thần đã ngấm sâu vào trong tâm trí, đời sống, văn hoá tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Tày, Thái, Nùng ở vùng núi phía Bắc. Tuyên Quang xứng danh là tỉnh đi đầu gìn gữ, phát triển Then, góp phần lớn nhất đưa Then được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Then là loại hình nghệ thuật dân ca nghi lễ tín ngưỡng, là một bộ môn khoa học tổng hợp, vì trong Then có thơ, có hát múa, có nhạc họa, có các câu chuyện cổ tích. Then tập trung chính ở 11 tỉnh phía Bắc. Ở đâu có người Tày, Thái, Nùng là ở đó có Then, nghi lễ Then; nghi lễ này có một giá trị nghệ thuật rất cao, rất nhân văn và đều hướng về cuộc sống con người. Người xưa giải thích về mối quan hệ sâu sắc giữa con người với con người; con người với thiên nhiên vạn vật, đồng thời bày tỏ khát vọng, lòng tin, chỗ dựa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh) để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thời bấy giờ khi chưa có khoa học làm nền tảng.
Gần như tất cả các sự việc hiện tượng đều được phản ánh, diễn đạt trong Then, chính đặc tính riêng có này càng khẳng định Then là loại hình nghệ thuật đặc sắc, phong phú bậc nhất. Then chứa đựng nhiều nội dung: thứ nhất, tính nhân văn rất cao; thứ hai, phản ánh khả năng sáng tạo tuyệt vời về đời sống văn hóa tinh thần của tổ tiên xa xưa; thứ ba, thể hiện tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, quê hương, đất nước...

Học viên Bàn Văn Nhạn (Minh Hương, Hàm Yên), đọc tấu sáo trúc theo lời Then mới, Hãy bảo vệ môi trường.
Quyết tâm cao đưa hát Then, đàn Tính trở thành bản sắc văn hóa đặc sắc chủ đạo trong chiến lược bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ di sản quý báu của nhân loại. Tuyên Quang đang nhanh chóng mở rộng, đào tạo và đào tạo lại những hạt nhân lòng cốt tại các câu lạc bộ Then trong tỉnh, để từ đó tiếp tục lan tỏa rộng khắp loại hình nghệ thuật quý báu này. Sáng 11/10, tại Trung tâm văn hóa tỉnh đã khai mạc lớp “Tập huấn hát Then - đàn Tính năm 2021”. Lớp học gồm 30 học viên, là hạt nhân cốt cán đang phụ trách, sinh hoạt tại các câu lạc bộ trong tỉnh (huyện Lâm Bình 5, Yên Sơn 5, Sơn Dương 4, Hàm Yên 4, Nà Hang 5, Chiêm Hóa 4 và TP Tuyên Quang 4). Nghệ nhân nhân dân gạo cội Hà Văn Thuấn (80 tuổi, xã Tân An, Chiêm Hóa), được mời trực tiếp giảng dạy. Như được tiếp thêm sinh lực ở tuổi “xưa nay hiếm”, người nghệ nhân cả đời sống với Then, đã miệt mài, say sưa đem hết thảy những tinh hoa tinh túy nhất của nghệ thuật Then - đàn Tính, truyền lại cho lớp học. Ông coi đây là những học trò “chân truyền” sẽ mãi trân quý, gìn giữ và không ngừng phát triển Then cho các thế hệ mai sau. Nội dung khóa học gồm hai bài Then cổ: Cung bứa pây tàng (cung bướm đi đường); Hán xuân lưu đài và một Then mới “Hãy bảo vệ môi trường”.

Nghệ nhân ND Hà Văn Thuấn say sưa truyền dạy từng làn Then, nốt nhạc đàn Tính cho các học viên trong lớp
“Được tham gia giảng dạy lần này, tôi thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Then được thế giới vinh danh, Nhà nước quan tâm; nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ, người dân yêu Then, hóa mình vào Then. Không uổng công sức tôi cả đời sưu tầm, dịch Then cổ, truyền dạy cho hàng trăm người từ khi chưa hiểu Then, nay đã “ngấm”, “nghiện” thậm chí sống “phiêu du, khắc khoải” cùng Then, coi Then như báu vật, hết lòng trân quý”, ông Thuấn bộc bạch với tâm thái hân hoan, mãn nguyện như đã phần nào hoàn thành di nguyện của tiên tổ.
Xem thêm: Vẳng điệu then – đàn tính giữa TPHCM
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Trần Hải Quang - Giám đốc TTVH tỉnh nhận định: “Then - đàn Tính là bảo vật vô giá của cả nhân loại, chúng ta tự hào vì được nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy thậm chí được tự mình tấu lên khúc hát của tổ tiên. Vì vậy, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bảo tồn, trân quý và không ngừng phát triển, lan tỏa một cách bền vững”.

Kết thúc tập huấn 17.10, học viên lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân ND Hà Văn Thuấn, ông Hoàng Ngọc Khanh, Phó GĐ TTVH
Cùng chung khát khao bảo tồn, phát triển Then, bà Âu Thị Mai, đại biểu Quốc Hội, giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nổi tiếng, vì vậy Tuyên Quang được ví như “bảo tàng” của cả nước. Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay 100% di tích lịch sử cách mạng được cắm mốc, quy hoạch, có hồ sơ khoa học. Các di tích được phân loại, căn cứ vào tính cấp thiết để ưu tiên bảo tồn và tôn tạo trước. Với nghệ thuật Then, ngay sau khi được UNESCO vinh danh 12/2019, Sở đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, thiết thực để sớm phát triển Then, biến Then thành “đặc sản” gắn liền với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh.
NoneBình luận