Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc hiện đại Việt Nam

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định 3 nguyên tắc xây dựng văn hóa Việt Nam: "dân tộc hóa", "khoa học hóa", "đại chúng hóa". Cương lĩnh chính trị năm 1991 và Nghị quyết Đại hội VIII xác định nền văn hóa Việt Nam phải mang bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến. Tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta khẳng định nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từng bước vượt qua nền kinh tế sản xuất nhỏ, kinh tế tiểu nông, chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng một xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hoà nhập vào dòng chảy của thế giới trong điều kiện khoa học công nghệ của nhân loại đang phát triển những bước chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của thời đại, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước.

Do điều kiện khắc nghiệt của lịch sử, ngay từ khi trở thành dân tộc, đất nước Việt Nam đã phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch hoạ. Để tồn tại và phát triển, tinh thần yêu nước, truyền thống nhân ái và đoàn kết cộng đồng đã tạo cho nhân dân ta khả năng đoàn kết rất lớn vì sự tồn vong của dân tộc. Truyền thống ấy đã giúp chúng ta tạo nên nhiều kỳ tích trong lịch sử, bảo vệ sự trường tồn của đất nước.

Trong thời đại ngày nay, truyền thống ấy đã được nhân lên, trở thành sức hấp dẫn văn hoá mới, không chỉ huy động được sự đoàn kết của toàn dân mà còn có sức thu hút đối với bạn bè nước ngoài. Truyền thống ấy cho phép chúng ta vừa duy trì độc lập, vừa tăng cường đoàn kết quốc tế, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện phản nhân loại, phản nhân văn, những tiêu cực trong bộ máy Đảng và Nhà nước, bảo vệ sự trong sạch, lành mạnh và công bằng xã hội.

Nền văn hoá tiên tiến là nền văn hoá tiến bộ. Một mặt, nó không khước từ những thành tựu mà các thế hệ trước để lại, không phủ định một cách hư vô truyền thống, không theo đuổi chủ trương phủ định sạch trơn và phải biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những truyền thống tiến bộ phù hợp với quy luật phát triển của dân tộc và nhân loại. Nghĩa là phải đánh giá một cách có phê phán những thành tựu của các thời đại trước, duyệt lại những nhận định xưa và đặc biệt quan trọng là phải bổ sung, làm phong phú những giá trị cũ để xây dựng những giá trị mới phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc hiện đại Việt Nam - 1

Ảnh minh họa 

Mặt khác, phải mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế, tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thế giới và thời đại, làm giàu thêm bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Tiếp tục truyền thống tư duy mở, vận dụng tư duy linh hoạt nhưng có nguyên tắc, hàng ngàn năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một cốt cách văn hoá, một bản lĩnh văn hoá, vừa có yếu tố của phương đông, vừa có yếu tố của phương tây; vừa có yếu tố truyền thống, vừa có yếu tố hiện đại, nhưng lại thấm đẫm bản sắc Việt Nam, không lẫn vào các nền văn hoá khác. Nó khiến cho nền văn hoá Việt Nam vừa uyển chuyển, linh hoạt vừa bền vững với thời gian, vượt qua mọi thử thách của lịch sử với vô số âm mưu đồng hoá thâm độc của kẻ thù.

Xuất phát từ những yêu cầu mới của cách mạng, từ thực trạng tình hình văn hoá Việt Nam, một trong những tư tưởng chỉ đạo của chúng ta là: cốt lõi tư tưởng của văn hoá là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa. Sự nghiệp văn hoá là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới. Trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho tương lai nhân loại, văn hoá đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Văn hoá chỉ có thể làm tròn sứ mệnh nếu tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh. Ngược lại chỉ trong khuôn khổ phục vụ cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng, văn hoá mới được giải phóng khỏi tình trạng bị áp bức, bị mua chuộc, bị mua bán, giữ vững tư cách và danh dự, phát huy được cao nhất khả năng sáng tạo của mình.

Mấy chục năm qua, cái cốt lõi tư tưởng của nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam là tổ quốc và chủ nghĩa xã hội với khẩu hiệu cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".   

Dưới khẩu hiệu ấy các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ nước ta đã sáng tạo ra một nền văn hoá mới, những điển hình của thời đại mới. Cũng với ánh sáng ấy, nền văn hoá nghệ thuật của chúng ta đã khám phá ra cuộc sống và con người Việt Nam mới, soi rọi lên đời sống dân tộc đang chiến đấu cho hoà bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội một ánh sáng mới làm hiện lên những vẻ đẹp kỳ diệu mà trước đó, chúng ta chưa nhìn thấy hết. Sống và chiến đấu cùng với nhân dân, những người làm văn hoá nghệ thuật nước ta đã để lại những tác phẩm xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của nền văn hoá nghệ thuật chống đế quốc và phong kiến trên thế giới.

Sau mấy chục năm chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới. Những con người mới hình thành từ hiện thực lớn lao và đầy thử thách ngày càng nhiều. Hiếm có nơi nào có hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Những con người với phẩm chất tốt đẹp đã và sẽ làm nên lịch sử kỳ diệu của dân tộc đang trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn hoá. Phản ánh những con người ấy, đưa văn hoá phục vụ họ vừa là lý tưởng vừa là mục tiêu phục vụ cao nhất của nền văn hoá đấu tranh cho sự giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Không thể sáng tạo cái mới trong văn hóa nếu không có một lý tưởng tốt đẹp và kiên định để gắn cả cuộc đời mình vào đó. Những người làm văn hoá chân chính phải có một chân trời nhất định, một mục tiêu, đường lối và phương hướng cụ thể. Sự dấn thân trong văn hoá trước hết là sự dấn thân về mặt lý tưởng.

Với những người làm công tác văn hoá văn nghệ vô sản, trước hết đó là lý tưởng độc lập dân tộc. Bởi giữ vững bản sắc dân tộc là giữ vững bản sắc riêng, điều kiện cơ bản để đảm bảo cho dân tộc đứng vững và phát triển. Nó làm phong phú thêm nền văn hoá nhân loại và đảm bảo ý nghĩa tồn tại của mỗi dân tộc. Nó là diện mạo, là bộ mặt tinh thần, là giấy chứng minh của mỗi dân tộc.

Không có bản sắc riêng, dân tộc không có chỗ đứng trong cộng đồng. Xây dựng nền văn hoá mang bản sắc dân tộc là đảm bảo dòng chảy liên tục của dân tộc trong dòng chảy của nhân loại. Đó chính là năng lượng tinh thần, là bệ phóng cho đất nước cất cánh. Đương nhiên, bản sắc dân tộc không giáo điều bảo thủ, chết cứng, khép kín và phải luôn luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, phát triển; đảm bảo sự thống hợp hài hoà giữa dân tộc và tiên tiến; bao gồm trong nó quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và phát triển, dân tộc và quốc tế.

Trong điều kịên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền văn hoá dân tộc Việt Nam thực sự tiến bộ phải lấy nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Nền văn hoá ấy, như Nghị quyết Trung ương 5: “Nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người.

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024)

"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" là tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy, tập hợp 11 tác phẩm, hầu hết đã in báo rải rác trong mấy năm gần đây. Tuy mới bước vào làng văn nhưng Trang Thụy đã sớm định hình được một giọng điệu riêng, sắc sảo và độc đáo. Và điều đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm của Trang Thụy hầu như tập trung vào một chủ đề duy nhất, đó là số