Đi tìm một vì sao...

Ấn tượng đọc “Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi” trường ca của Nguyễn Xuân, Nxb Hội Nhà văn 2024.

Đi tìm một vì Sao Mai - A.E.J.Yersin

Người ta thường nói theo Tử vi, vốn được quan niệm như một môn toán xác suất và vận dụng thực tiễn cao rằng, mỗi con người khi sinh ra đều ứng vào một vì sao chịu sự khắc chế của quy luật ngũ hành vũ trụ “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”. Cũng không hẳn điều này ứng nghiệm một trăm phần trăm trong hiện thực nhưng đa phần là sát thực và thuyết phục. Trường ca Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi là một “tổng phổ” đầy đủ như trong âm nhạc vì đã bám theo sát “Thời gian trôi// Thời gian tinh khôi/ Yersin trái tim vĩ đại”.

Thời gian tinh khôi không có gì khác chính là thời gian đã qua thanh lọc tâm hồn, đã trở thành ký ức lương thiện. Nếu ví von thì trong muôn ngàn tinh tú của giải thiên hà mênh mang vô tận, Alexandre Yersin là một ngôi Sao Mai, thiết nghĩ không có cách so sánh nào chính xác hơn, cao hơn, hay hơn, thâm hậu hơn.

Đi tìm một vì sao... - 1

 “Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi” trường ca của Nguyễn Xuân.

Trường ca  A. E. J. Yersin Âm vang mãi mãi mở đầu không lập tức soi rọi ánh hào quang vào đỉnh cao sự nghiệp Y học của bác sĩ Yersin, mà là từ ngọn nguồn gian khổ của một đời người, tôi gọi là tìm ra những “điểm nhấn”  (trang đời có tính bước ngoặt điển hình) - lúc còn nằm trong bụng mẹ đã mồ côi cha. Mẹ ông lúc đó một nách ba con dại cái thơ. Thật là một bể khổ giăng mắc sẵn ra trước mắt bốn mẹ con giữa một thiên la địa võng đất trời.  Cơm áo không đùa với khách thơ, đã đành. Áo cơm đâu đùa với phụ nữ và trẻ thơ đúng như câu thơ của thi hào Nga thế kỷ XIX I. Lermontov “Thuyền cầu bão táp mưa sa/ Dường như giông bão mới là bình yên” (Cánh buồm). Ở đây nghệ thuật “kể” và “bình”, khái quát hóa và cụ thể hóa phối hợp nhịp nhàng khiến cho trường ca ngay từ đầu đã hứa hẹn một “gia tốc” đặc biệt với nhịp điệu (rhythm) nhanh mạnh, hối thúc, khẩn trương, linh hoạt để gói lại trong một độ dài vừa phải khiến độc giả không mệt mỏi. Tôi nghĩ, trường ca của Nguyễn Xuân với độ dài trên dưới 1000 câu là hợp thời trong cơ chế đọc hiện nay khi văn hóa đọc phải cạnh tranh gay gắt với văn hóa nghe - nhìn đang chực “bành trướng”.

Tình hữu ái nhân loại như biểu trưng của văn hóa tương lai trong một con người khổng lồ văn hóa - Bác sỹ A. Yersin

Điểm nhấn (trang đời) thứ hai trong trường ca là vào năm 1981, ghi dấu sự kiện chàng thanh niên khi mới 28 tuổi tràn trề sức thanh xuân, có thể với căn tính ưa phiêu lưu, lãng du, giang hồ, xê dịch mà A.Yersin đến Nam Kỳ thuộc Pháp.

Đi tìm một vì sao... - 2

Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin. Ảnh tư liệu

Cũng từ năm 1891, A.Yersin đến hẳn với Nha Trang và hành nghề y “Ông xây cất một ngôi nhà ở xóm Cồn/ Hành nghề Y tế/ Thu tiền của người giàu/ Chữa bệnh cho người nghèo/ Rồi xông pha vào con đường khám phá”. Có thể coi đây là trang đời có tính bước ngoặt thứ hai của ông.

Năm 1893, Yersin khởi hành khám phá cao nguyên Lâm Viên - miền đất đỏ bazan, dịp này ông phát hiện ra dãy Langbiang trên cao nguyên Lâm Viên; cũng chính ở không gian này ông bị trọng thương khi va chạm, xung đột với đoàn nhóm tù nhân người Thượng phải về Sài Gòn điều trị. Vết thương tạm lành ông đã hối hả viết tường trình và vẽ bản đồ đệ lên Toàn quyền Đông Dương quyết sách, khai miền Lâm Viên, Đà Lạt.

Có thể nói cuộc đời Yersin là những chuyến đi đầy tính chất thám hiểm và khai phá. Nó như một niềm say mê và cao vọng chinh phục tự nhiên. Dấu chân của ông in khắp vùng miền Tây Nguyên. Cách đi của ông là cách đi xuyên văn hóa, khảo cứu và phát hiện giá trị của cồng chiêng, nhà rông, nhà dài, các lễ vật tế thần của người dân tộc thiểu số vốn đắc lực góp vào sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Đi, với ông là để mở rộng nhãn quan đã đành, nhưng quan trọng hơn là để mở lòng, mở tình thương với nhân quần, nhân loại. Bác sỹ thiện tâm, thiện lương A.Yersin luôn “Vò đầu bứt tai, suy nghĩ/ Làm gì đây/ Để thêm thuốc ký ninh/ Chữa cái bệnh sốt rét kinh niên/ Nơi “rừng thiêng nước độc”?. Nhưng lớn hơn xóa đói nghèo và bệnh tật, ông cao vọng “Làm gì đây/ Để đồng bào dân tộc/ Hết phá rừng, du canh, du cư?/ Làm gì đây/ Để con em Tây Nguyên/ Có đôi ba con chữ”. Đọc thêm một câu chúng ta lại thêm một lần khâm phục Ông con người mang “trái tim Đan-cô”. Có thể nói, con người ông lúc nào cũng như một hỏa diệm sơn chực phun trào. Hóa ra những điều bây giờ chúng ta đang làm thì những bậc tiền nhân như ông đã nằm lòng cách nay hơn cả thế kỷ. Cho nên, nếu chúng ta là hậu sinh mà không khả úy là lẽ đương nhiên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên!?

Trang đời thứ ba của ông là “Kỳ tích con virus dịch hạch Yersinia Pestis”. Năm 1894, dịch hạch lan nhanh uy hiếp cả Hà Nội - Hải Phòng - cả Phnom Pênh. Vượt qua muôn trùng sóng gió, cuối cùng ông đã phát hiện ra bảo bối chữa bệnh dịch hạch. Ngày 30/6/1894 tên tuổi ông bay xa khi Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đặt tên con virus gây nên dịch hạch là Yersinia Pestis. Cùng năm, ông về Nha Trang thành lập Viện Pasteur. Không chỉ cứu chữa cho người Việt, ông còn sang tận Quảng Châu, Ma Cao, Thượng Hải (Trung Quốc), Bom Bay (Ấn Độ) tiêm huyết thanh, trị bệnh cứu người. Ở đây sức mạnh của tình hữu ái nhân loại (tính người) đã vượt trội tính hữu ái giai cấp. Bây giờ người ta hay thắc thỏm câu đầu cửa miệng “Lương y như từ mẫu” liệu có còn chỗ đứng trong nhân tình thế thái thời buổi kinh tế thị trường!? Nhưng A.Yersin là một con người chân chính từ trong máu huyết, không bao giờ lập ngôn, lập thuyết mà thực sự là con người của thực tiễn - hành thuyết. Đạo và đời trong con người A.Yersin thanh khiết, không vụ lợi, luôn luông hướng tới chân - thiện - mĩ. 

Qua trường ca Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi của Nguyễn Xuân, A.Yersin còn hiển hiện là một nhà hoạt động xã hội - kinh tế tích cực và tối ưu khi có công lao phát triển cây cao su và cây canh-ki-na ở Việt Nam. Thiết nghĩ, về lĩnh vực này có nhiều người khác có thể thực thi, thay thế được được ông và cũng có thể làm tốt. Sự nghiệp lẫy lừng của ông được khắc ghi, tôn vinh vẫn chủ yếu trong lĩnh vực y học. Cũng cần phải ghi công trạng của ông trong việc sáng lập Trường Y Hà Nội (nay là Đại học Y Hà Nội) đào tạo các truyền nhân lừng danh cho nền Y học Việt Nam sau này.

Trường ca được kết lại bằng niệm khúc NƠI AN NGHỈ. Ngày 1/3/1943, “A. Yersin từ trần tại nhà riêng ở lầu ông Năm/ Với bản di chúc/ “Đừng đem tôi đi nơi khác/ Hãy cho tôi ở lại với Nha Trang/ Tôi muốn nằm ở suối Dầu/ Khi chôn, đặt tôi nằm sấp/ Để tôi được úp vào lòng đất/ Mọi tài sản của tôi/ Tặng Viện Pasteur Nha Trang/ Và những người cộng sự/ Đám tang tôi xin làm giản dị/ Không trống, không kèn, không cả điếu văn”. Tám mươi khoảnh khắc mùa xuân cuộc đời (1863-1943) nhà bác học A. E. J. Yersin. Đọc đến đây tôi chợt nhớ những câu thơ ngân rung của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng Hát con tàu: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Chỉ có thể dùng từ trác tuyệt để nói về Yersin - một tấm lòng cao cả, thánh thiện, mang vẻ đẹp của sự cứu rỗi - Chúa.

Trường ca Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi, xét cả về lý thuyết và thực tiễn thể loại, đảm bảo yêu cầu kết cấu theo chủ đề về cái cao cả, cái trác tuyệt, cái đẹp thông qua một “con người khổng lồ” như cách diễn đạt của C. Mác về thời đại Phục Hưng. Để đảm bảo sự đọc trường ca được liên tục và thống nhất, tác giả đã dàn dựng một cốt truyện căn cứ vào tiểu sử một con người, hơn thế một danh nhân - một CON NGƯỜI viết hoa. Điều đặc biệt là, danh nhân  A.Yersin được chính người Việt Nam thời hiện đại coi như người gần gũi, thân thiết của mình. Ông đã lấy và coi Việt Nam là quê hương thứ hai ngoài cố cư nước Pháp mẹ hiền thân yêu.

Văn phong của Nguyễn Xuân trong trường ca này phối kết hợp hài hòa giữa tự sự (dù trội hơn) và trữ tình khiến cho sự đọc/ tiếp nhận của độc giả không bị bó cứng, trái lại có cái bung tỏa và phóng khoáng giữa tạo vật và người. Đọc trường ca của Nguyễn Xuân, riêng tôi chợt nhận ra những dấu vết của “Văn học sinh thái” dù tác giả vô tình hay có ý thức lúc viết - đó là tinh thần, tâm thế coi “con người là một bộ phận của tự nhiên”, hay cao hơn “con người là tự nhiên”.  Nếu có ai nói quá đi rằng “Thượng Đế đã ban tặng Yersin như một hồng phúc cho dân tộc Việt”, thì cũng xuất phát từ tấm lòng hữu ái nhân loại như một dấu chỉ của văn hóa tương lai. Văn hóa tương lai là gì nếu không ngoài gốc rễ tình thương - đó là sự thấu hiểu và thấu cảm, sự ban tặng và biết ơn của con người trước cuộc đời, khi trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại.

Ngày nay, trong thế giới phẳng và mở xu của hướng toàn cầu hóa chúng ta mới nói đến tâm thế “công dân toàn cầu”. Nhưng những bậc tiền nhân như Yersin thì đã tự nguyện và có ý thức từ rất sớm về sứ mệnh cao cả của con người là thành viên tích cực của nhân loại, cứu rỗi nhân loại. Chính họ, không phải ai khác, đã kiến tạo nền văn hóa tương lai trong hình hài và phẩm cách của tinh thần hữu ái toàn thế giới.

Lời kết trường ca Alexandre Émile Jean Yersin Âm vang mãi mãi cất lên như những lời Thánh ca “Alexandre Émile Jean Yersin/ Thiên tài cô đơn/Không vợ, không con/ Nơi ông nằm lại/ Cũng chẳng phải quê hương, đất nước (!)/ Nhưng xung quanh Yersin là mênh mang/ Núi rừng, sông nước/ Đầy cỏ lạ hoa thơm/ Nắng gió chan hòa, cảnh quan mơ mộng”. Những vần thơ buồn. Nhưng là một nỗi buồn đẹp có ý nghĩa và tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Nỗi buồn mang vẻ đẹp của sự tuẫn tiết, tận hiến và cứu rỗi như những giá trị điển hình của tình thương như là văn hóa gốc rễ của nhân loại./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất