“Chuyện quanh lò thúc mầm” – Tiểu thuyết của một kỹ sư nông nghiệp

Tác giả của cuốn tiểu thuyết này trùng tên với một nhà thơ – bạn đồng nghiệp với tôi – nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nhưng hai người rất khác nhau. Nhà thơ Trần Đăng Khoa coi nghề văn là nghiệp chính của đời mình. Còn Trần Đăng Khoa, tác giả cuốn tiểu thuyết mà tôi đang nói đến coi nghề làm khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới là cái nghiệp của đời; văn chương với anh là tay trái, hay nói cách khác, anh viết văn khi đã “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.

Trần Đăng Khoa sinh năm 1949 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, trong một gia đình thuần nông nhưng có nền tảng văn hóa, ham hiểu biết, chuộng sự học. Thời phổ thông, Trần Đăng Khoa đã vạch cho mình một con đường: Sẽ học giỏi các môn khoa học tự nhiên, thi vào trường Đại học Nông nghiệp. Ý tưởng ấy của anh đã toại nguyện. Tuy lập nghiệp bằng khoa học kỹ thuật nhưng Khoa lại rất yêu văn chương. Yêu thực sự chứ không phải chỉ để làm duyên làm dáng với đời. Chả thế mà khi học năm cuối đại học, nhà trường phân công đi thực tập ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Khoa mang theo trong ba lô, ngoài những tài liệu kỹ thuật thâm canh cây trồng, còn một loạt sách văn, toàn là những tác phẩm nổi tiếng thế giới: Chiến tranh và hòa bình, Nhà thờ Đức bà Pa ri, Ruồi trâu, Con đường khốn khổ… Không những để cho mình đọc mà anh còn giới thiệu, quảng bá cho những chàng trai cô gái nơi anh thực tập cùng thưởng thức. Nơi anh thực tập là một hợp tác xã thuộc xã Nghĩa Tân, người dân làm nghề nông thuần túy, đồng bào lương giáo ở xen nhau, đoàn kết, không có sự phân biệt nào. Những tác phẩm văn học mà Khoa mang về đã có tác dụng khai mở cho họ rất nhiều điều hữu ích. Nhưng công việc chính của Khoa hàng ngày vẫn là xắn quần lội ruộng hướng dẫn cho ban quản trị hợp tác xã mà then chốt là tổ khoa học kỹ thuật cùng bà con nông dân phương pháp thâm canh cây lúa mới, có năng suất hơn hẳn những giống lúa cũ. Là người thông minh, tốt bụng, chịu khó, Khoa nhận được sự trân quý, yêu thương của đông đảo người dân. Anh đi đến nhà ai cũng được chào đón thịnh tình; có món gì ngon cũng được mời ăn. Không phải không có những cô gái yêu thầm nhớ vụng anh. Thậm chí có cô gái ngoan đạo còn mời anh đi cùng cô đến thánh đường dự lễ Noel nữa. Hết đợt thực tập, Khoa tạm biệt mọi người, bịn rịn, lưu luyến, nhìn mắt ai cũng long lanh nước. Đấy chính là tặng phẩm quý giá nhất mà người dân ban tặng cho chàng cán bộ tương lai.

“Chuyện quanh lò thúc mầm” – Tiểu thuyết của một kỹ sư nông nghiệp - 1

Bìa tác phẩm "Chuyện quanh lò thúc mầm".

Trần Đăng Khoa trở về Trường Đại học Nông nghiệp thi tốt nghiệp. Đỗ loại xuất sắc, Khoa được điều về tỉnh Thái Bình công tác. Tại vùng quê “năm tấn” này, Trần Đăng Khoa cũng được cán bộ và nhân dân chào đón nồng nhiệt. Khi ấy cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ đã diễn ra trên miền Bắc. Ít nhất đã một lần người kỹ sư trẻ Trần Đăng Khoa đối mặt với tử thần, ấy là cái hôm anh và đồng nghiệp đi qua một mục tiêu đánh phá, một quả bom ném xuống nổ cách nơi anh ẩn nấp chi một vài bước chân. Sau trận bom ấy Trần Đăng Khoa trăn trở mấy đêm rồi quyết định viết đơn tình nguyên đi bộ đội. Mặc dù thời điểm ấy gia đình anh đã có một anh trai và một em trai đang chiến đấu ở chiến trường. Hầu như cả làng ra tiễn chân Khoa khiến anh cảm động muốn khóc. 

Vào bộ đội, anh kỹ sư trẻ Trần Đăng Khoa cũng phải đeo quân hàm binh nhì, trải qua những giờ phút học điều lệnh điều lệ, tập luyện, hành quân, giờ giấc sinh hoạt, y như tất cả những tân binh khác. Chỉ khác ở điểm, sau một thời gian ngắn, chỉ huy nhận ra Khoa có năng lực, cho anh đi học lớp tiểu đội trưởng và trước khi đi chiến trường anh được phong vượt cấp từ binh nhất lên trung sĩ. Khỏi phải giới thiệu những năm tháng ở chiến trường Trần Đăng Khoa đã sống và chiến đấu như thế nào, bởi chuyện này trong tiểu thuyết anh đã kể, tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng, anh vinh dự được tham gia chiến dịch lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, cho dù đơn vị của anh không trực tiếp tiến vào nội thành Sài Gòn mà đánh yểm trợ ở hành lang phía đông bắc. Chiến tranh kết thúc ít lâu, đơn vị có chủ trương, hầu hết sinh viên khi nhập ngũ đang học dở dang được trở về trường học tiếp, những người đã tốt nghiệp ra công tác như Khoa cũng được chuyển ngành ra ngoài làm công việc chuyên môn mà mình đã học. Trần Đăng Khoa chuyển ngành về Thái Bình một thời gian rồi được chuyển về quê Mỹ Lộc - Nam Định. Gặp không ít những khó khăn nhưng anh đã vượt lên, trở thành Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện.

Tất cả những điều mà tôi vừa giới thiệu đều nằm trong nội dung cuốn tiểu thuyết “Chuyện quanh lò thúc mầm”. Đến đây chắc bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: “Cuốn tiểu thuyết ấy có gì đáng nói?”. Vâng, buổi đầu nghe Trần Đăng Khoa nói anh đang viết tiểu thuyết tôi cũng đặt ra câu hỏi như vậy. Nhưng khi đọc tác phẩm, tôi thấy ẩn sau những điều đã cũ của thời bao cấp, thời hợp tác xã nông nghiệp làm ăn tập thể là chuyện tình đất tình người, người yêu quý đất thì đất không phụ người; sự đùm bọc, bao dung, cố kết của con người với con người, bắt thiên nhiên phải thuận theo ý người, làm nên nét văn hóa ngàn đời của của người nông dân châu thổ sông Hồng. Hơn nữa, ngày ấy mà không có những hợp tác xã giành phần lương thực cho mình thì ít, gửi ra tiền tuyến đánh giặc là nhiều như thế thì liệu rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta có thắng lợi trọn vẹn đến thế! Giá trị nhân văn của tiểu thuyết là ở đó.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là kỹ sư Trần Đăng Kiên. Kiên được lấy nguyên mẫu từ chính tác giả Trần Đăng Khoa. Hầu hết các nhân vật khác cũng lấy nguyên mẫu từ những con người có thật; có nhân vật tác giả giữ nguyên tên thật của họ; có nhân vật, vì một điều tế nhị nào đó mà tác giả đổi tên, cho nên có thể coi Chuyện quanh lò thúc mầm là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu; điều này càng tăng thêm giá trị trong ý đồ của tác giả “Viết cuốn sách để lưu lại những kỷ niệm đẹp với những con người mà ta đã sống, đã gặp trên đường đời” như Trần Đăng Khoa tâm sự. Phần cuối tác phẩm là những trang về chiến tranh và hậu chiến, trong khi tác giả lại đặt tên Chuyện quanh lò thúc mầm có vẻ “thuần túy nông nghiệp” như thế có ổn không? Hẳn sẽ có người đặt câu hỏi như thế. Riêng tôi thấy, cái phần viết về chiến tranh và hậu chiến thì nhân vật chính vẫn là Trần Đăng Kiên, với sự cống hiến của anh cho cuộc kháng chiến, tác giả như ngầm nói với độc giả rằng, khi ở hậu phương Kiên đã sống hết lòng vì sự nghiệp chung thì khi ra chiến trường Kiên cũng dám xả thân vì sự tồn vong của tổ quốc. Như thế cũng là phù hợp với kết cấu tác phẩm.

Như bên trên tôi đã nói, tác giả không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, anh chỉ viết những gì anh trải nghiệm, khiến anh không thể quên, bằng thứ văn phong thật thà, mộc mạc, có khi hơi vụng về, nhưng chúng tôi không muốn “biên tập” nhiều vì muốn để như tác giả viết sẽ gần với cuộc sống thực hơn, có sức thuyết phục cao hơn. Ngay cả vài chục trang cuối cùng tác giả hơi kể lể dài dòng, nhưng đó là những tình tiết thật mà tác giả muốn “lưu giữ làm kỷ niệm” nên chúng tôi cũng không cắt bớt, xuất phát từ sự trân quý của chúng tôi. Hy vọng cuốn tiểu thuyết Chuyện quanh lò thúc mầm sẽ đến với những ai nặng tình với nông thôn thời chống Mỹ, nhất là đến tay những nhân vật có thật trong tác phẩm.

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất