Thi ca – tín hiệu rung chuyển của thời cuộc

1. Ở Phương Tây, nhiều tổ chức học thuật và truyền thông có truyền thống chọn TỪ CỦA NĂM. Thi ca, xét về nhiều phương diện cũng giống như TỪ CỦA NĂM. Bởi vì nó là tín hiệu rung chuyển của thời cuộc.

Thi ca – tín hiệu rung chuyển của thời cuộc - 1

Ảnh minh họa

2. Có một nghịch lý khi Lý Hạ, một trong tứ đại thi hào của Đường thi viết: Thiên nhược hữu tình thiên nhược lão.

Nghĩa là: Trời nếu như có tình thì trời cũng già. Nhưng thi ca là tình, là bao nhiêu tình. Là 100% tình. Nhưng chẳng bao giờ già cả. Nó đi từ trái tim đến trái tim. Và bởi vì nó là tín hiệu rung chuyển của thời cuộc bằng nhịp đập của con tim. Nhưng việc làm thơ đâu phải dễ dàng vì: Thơ là chưa bay mà đã đến, là đang yêu lại bỗng giã từ, là hoa sen cười nửa miệng và vì thơ là chuyện của nghìn năm nên cuộc đời mới cần có những thi sỹ tài năng. Tài năng sẽ đưa trách nhiệm và khát vọng đến bến bờ hiện thực. Tất nhiên đó không phải là kết quả cho những vần thơ trung bình.

3. Thế kỷ 20, người Việt Nam trải qua ít nhất bốn cuộc chiến tranh giành và giữ nền độc lập. Ai là người đã viết nên bằng thơ cho tín hiệu thời cuộc đó, có lẽ không ai hơn Nguyễn Đình Thi khi ông viết:

Súng nổ rung trời giận dữ 

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa 

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. 

Lịch sử là như vậy; thi ca thế kỷ 20 đã rũ bỏ cái gì và đứng lên bằng cái gì?

Nó đã rũ bỏ dứt khoát văn chương ước lệ và điển cố mà vào những thời điểm lịch sử đã đẻ ra những kiệt tác cho sự gặp gỡ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa.

Lịch sử thi ca Việt Nam 1000 năm đầu tiên sau công nguyên vẫn còn để lại những tờ giấy trắng. 1000 năm tiếp theo có đến 900 năm thơ được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thi ca thế kỷ 20 đứng dậy ở điểm giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Phương Tây. Chữ quốc ngữ. 1651, Từ điển Việt La Bồ ấn hành. 200 năm sau 1865. Gia định báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên in ở Sài Gòn. Năm 1932, chữ quốc ngữ từ tiếng cầu kinh của người Việt rầm rì trong những giáo đường lợp cỏ tranh sau 400 năm đã bước lên thi đàn, bằng cuộc cách tân lớn nhất thế kỷ 20 mang tên gọi Phong trào thơ mới.

4. Gần 25 năm đầu thế kỷ 21, do kiến văn có hạn, tôi chưa tìm được câu thơ nào rung chuyển thời cuộc ở thời gian đó.

5. Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Thi ca cần rũ bỏ cái gì và đứng dậy bằng cái gì? 

Năm 1999, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói cái tầm thường giết chết thi ca. Phải chăng nền thơ của chúng ta phải rũ bỏ cái tầm thường cả trong sáng tác, cảm thụ và bình giá thi ca.

Thi ca đứng dậy bằng cái gì trong kỷ nguyên mới?

Thế giới hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền văn hóa đang cắm cờ lên đất của nhau và trên những lá cờ ấy đều có ngôi sao hình con chíp.

Bởi lẽ đó, phải chăng thi ca phải đứng dậy từ truyền thống để làm nên truyền thống mới – truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thấm đậm tình non nước trong sự vươn mình của dân tộc. Có lẽ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo thi ca ở giai đoạn này. 

Lại thêm một nghịch lý nữa, khi Chế Lan Viên có lần viết:

Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều.

Các thi sỹ Việt Nam, ai là người đầu tiên một lần hôn lên kỷ nguyên này, để một lần thơ anh vang lên tiếng hát của thủy triều thời cuộc?

Khuất Bình Nguyên

Tin liên quan

Tin mới nhất