Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống hiện nay
Để đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống hiện nay, một trong những vấn đề cấp thiết là định vị yếu tố kinh tế thị trường và vấn đề thụ hưởng của nghệ nhân, nghệ sĩ.
Nếu tính từ dấu mốc lịch sử ngày 23 tháng 11 năm 1945, thời điểm Bác Hồ đặt bút ký Sắc lệnh 65 - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, các thế hệ Nhân dân Việt Nam đã và đang trải qua ngón tám mươi năm triển khai, thực thi, điều chỉnh, mở rộng ở các phạm vi, cấp độ và mức độ khác nhau các điều luật ghi trong Sắc lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiều chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng di nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Tiếp cận theo nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử, không khó để nhận thấy rằng, các chặng đường gắn với công cuộc bảo tồn di sản ở các dân tộc, tộc người luôn mang dấu ấn của bối cảnh xã hội nhất định, từ hoàn cảnh nhà nước non trẻ cho đến bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc; đồng thời dồn sức người sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Phải đến cuối những năm 80 thế kỷ trước trở đi, bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta mới thực sự bắt tay vào thực thi sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật truyền thống các dân tộc nói riêng, trên phạm vi cả nước.
Trong vài thập niên qua, văn hoá các dân tộc, tộc người trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam đã và đang trải qua những biến động lớn. Trên hầu khắp mọi vùng quê, các dân tộc, tộc người đã và đang có sự chuyển biến một cách toàn diện cả về kinh tế lẫn các hoạt động văn hóa. Sự biến dạng của môi trường sinh thái và môi trường nhân văn diễn ra như một quy luật tất yếu, chứa đựng trong nó cả những yếu tố tích cực lẫn các mặt tiêu cực, có ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng đời sống kinh tế xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của các dân tộc cư trú tại các địa phương. Thực trạng đó càng diễn ra đặc biệt phức tạp trong thời điểm Việt Nam đã và đang có những cải cách hành chính và cung cách điều hành, quản lý văn hóa - xã hội nhằm hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi
Kinh nghiệm của các cộng đồng quốc gia đa dân tộc trong khu vực và trên thế giới cho phép khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu vừa mang lại những thời cơ và giao lưu kinh tế - xã hội tích cực, vừa tạo nên những nguy cơ lớn đối với văn hoá các dân tộc. Trước những biến động lớn về kinh tế - xã hội, có hai khả năng xảy ra.
Thứ nhất, là các dân tộc, đặc biệt là đối với các dân tộc, tộc người thiểu số, có số dân dưới 10 nghìn người dễ lâm vào tâm thế hoang mang, nghi ngờ và chối bỏ các giá trị truyền thống để nhanh chóng hội nhập với cái hiện đại. Các di tích lịch sử - văn hóa có chứa đựng những giá trị nhân văn chung cho cộng đồng không được quan tâm tu bổ, khai thác như một thứ công ích xã hội.
Thứ hai, các nhà quản lý xã hội và các nhà quản lý văn hóa thuộc các ngành, các cấp bắt đầu nhận thấy mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức cho phù hợp, xem xét lại các giá trị truyền thống, khẳng định các giá trị tốt đẹp lâu đời của lịch sử, từng bước cải biến các giá trị đó cho thích hợp với thời đại mới, với phương thức sinh hoạt mới, khắc phục loại bỏ các nhân tố lạc hậu, lỗi thời, đồng thời bổ sung dần những nhân tố mới đáp ứng nhu cầu của thời đại. Một nền văn hóa chỉ có thể được khai thác, bảo tồn và phát huy tốt những giá trị tích cực một khi có những cơ chế quản lý khoa học và phù hợp với đặc trưng tồn tại của nó.
Khả năng thứ nhất, nếu xảy ra, sẽ làm mai một, thậm chí tiêu vong một nền văn hoá dân tộc. Kết quả dẫn tới là dân tộc đó không tồn tại với tư cách là một dân tộc, và văn hoá nhân loại sẽ mất đi phần nào tính đa dạng phong phú của nó. Khả năng này rất may chưa xuất hiện trong văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta. Tuy vậy cái tâm lý hoang mang, nghi ngờ một số giá trị nào đó cũng đã xuất hiện trong một bộ phận cư dân các tộc người thiểu số, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Đây cũng là những “điểm huyệt” văn hóa luôn luôn được các thế lực thù địch với Cách mạng nhòm ngó và tìm cách lợi dụng để phá hoại, xuyên tạc hoặc gây chia rẽ sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
Khả năng thứ hai chỉ xuất hiện khi đại bộ phận cộng đồng dân tộc, bằng kinh nghiệm của bản thân mình, ý thức được một cách sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc. Mặt khác, ý thức đó phải được sự hỗ trợ đắc lực của một hệ thống đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn: Coi văn hoá là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chính sách các dân tộc cùng bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau…
Xuất phát từ cách đặt vấn đề tiếp cận sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng trong bối cảnh hiện diện nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập toàn cầu hóa, chúng tôi nhận thấy rằng, dường như, các hoạt động văn hóa và nhất là các hạt nhân giữ vai trò chủ đạo cho hoạt động bảo tồn di sản - các thế hệ nghệ nhân, thành phần được UNESCO tôn vinh bằng mỹ từ “báu vật nhân văn sống”, vẫn chưa được nhìn nhận trong phạm vi định vị của kinh tế thị trường, ở hầu khắp các địa phương. Điều đó có thể được minh chứng qua thực tiễn.
Trong khoảng gần hai chục năm trở lại đây, kể từ khi Dân ca quan họ Bắc Ninh và Hát Xoan ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hai tỉnh Bắc Ninh và Phú Thọ đã được coi là hai địa phương đầu tiên quan tâm đến vai trò của các nghệ nhân, thông qua những ứng xử vật chất và tinh thần cụ thể, mang lại hiệu ứng động viên tích cực đối với đội ngũ đã và đang giữ vai trò quyết định cho sự nghiệp bảo vệ và trao truyền, phát huy giá trị di sản mang tầm nhân loại. Tuy nhiên, đi sâu vào thực tế, tìm hiểu đời sống của các nghệ nhân, chúng tôi đã nhận được những tâm sự vừa mang tính thời sự vừa cập nhật những suy tư của nghệ nhân trong bối cảnh kinh tế thị trường vốn đã lan tỏa khắp các ngõ ngách của đời sống xã hội.
Hầu hết các nghệ nhân quan họ như Tạ Thị Hình, Nguyễn Thị Bàn, Ngô Thị Nhi… đứng ra mở các lớp truyền dạy quan họ hoặc tham gia giảng dạy tại trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh gần như chỉ với tinh thần tự nguyện say mê, không nhận được thù lao xứng đáng cho công sức lao động chính đáng của mình. Nghệ nhân nhân dân Hoắc Công Chờ, Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ làng Trung Đồng, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là người đêm ngày say mê với sáng tác quan họ, truyền dạy quan họ cho hàng trăm học sinh và thành viên câu lạc bộ nhưng không được nhận chút kinh phí thù lao nào cho công sức mà mình bỏ ra qua năm tháng.
Nhiều câu lạc bộ mỗi khi tham gia sinh hoạt quan họ trong lễ hội (Hội Lim chẳng hạn) hoặc các sinh hoạt hội đoàn đều bị các phương tiện truyền thông ngăn cấm hoặc phê phán hiện tượng nhận tiền từ người thưởng thức di sản. Cũng với sự tương đồng của thực trạng như trên, chúng tôi đã từng được tiếp nhận tâm sự từ nhiều nghệ nhân say mê với dân ca ví, giặm, gắn bó với nghệ thuật hát bài chòi ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam.
Nhìn từ góc độ hiện diện của một loại lao động đặc thù, trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nghệ nhân dân gian hoàn toàn có thể được tiếp nhận các khoản thù lao chính đáng cho công sức hoạt động nghệ thuật và trao truyền nghệ thuật của mình. Nhưng cung cách ứng xử và dư luận xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng lại dường như không phù hợp với quan điểm thụ hưởng công sức lao động theo cơ chế kinh tế thị trường.
Xuất phát từ nhận biết thực tiễn liên quan đến vấn đề thụ hưởng của các thế hệ nghệ nhân giữ vai trò gần như mang ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật truyền thống, chúng tôi cho rằng, việc nhóm nghiên cứu đề xuất các bảng biểu điều tra xã hội học để giải quyết các nhiệm vụ khoa học theo mục đích đã xác định là đúng nhưng chưa đủ và dường như chưa điểm huyện đúng trọng tâm.
Theo nhận thức của chúng tôi, cần có sự triển khai nghiên cứu định tính, thông qua các cuộc phỏng vấn sâu các thế hệ nghệ nhân, những người thành danh do Nhà nước vinh danh và những người được cộng đồng tôn vinh ở từng loại hình nghệ thuật cụ thể. Từ hướng tiếp cận nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sẽ được đón nhận các ý kiến, tâm tư từ người trong cuộc trong điều kiện kinh tế thị trường, qua đó sẽ lý giải được không ít những vấn đề đã và đang đặt ra trong thực tiễn, liên quan đến việc nuôi dưỡng di sản, trao truyền di sản, bảo vệ di sản trước những tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Thành phần thứ hai là đội ngũ nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp gắn bó trực tiếp với các loại hình trình diễn nghệ thuật truyền thống trong phạm vi quan tâm của đề tài nghiên cứu. Nhìn ngược lại quá khứ của hơn nửa thế kỷ qua, sự nghiệp bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của chúng ta đã trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khoảng thời gian các trường nghệ thuật, các sân khấu nghệ thuật truyền thống được thành lập đã triển khai đưa học viên, nghệ sĩ của mình tỏa về các thôn làng thực hiện phương châm “ba cùng” với các nghệ nhân để học hỏi, sưu tầm và tu dưỡng nhận thức của mình về loại hình nghệ thuật mà mình theo đuổi. Không khó để nhận thấy những tháng năm các liền anh, liền chị Hai Tráng, Thúy Cải, Sáu Hạ, Thúy Hường… trở về các làng quan họ ăn ở, sinh sống đêm ngày cùng các nghệ nhân. Chính vì vậy, chúng ta đã có được những thế hệ nghệ sĩ tài năng, đóng góp công lao sưu tầm, bảo vệ được di sản quay báu của ông cha.
Và đến giai đoạn hai, chính các nghệ sĩ lại là lớp người tinh luyện nghề nghiệp cùng kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp lài có cơ hội quay trở lại trao truyền, dạy dỗ học lớp người trẻ tuổi về di sản mà mình đã được tiếp nhận từ các thế hệ nghệ nhân.
Tiếp cận theo quan điểm kinh tế thị trường, đây cũng là điều kiện để tạo điều kiện hỗ trợ đời sống kinh tế của các nghệ sĩ trong hoàn cảnh đồng lương không thích ứng được với nhu cầu đời sống hiện nay. Sự tương tác giữa các thế hệ nghệ nhân với nghệ sĩ và giữa các nghệ sĩ với cộng đồng cũng chính là mối tương tác góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, hiện tại và lâu dài.
Đi sâu quan sát và phỏng vấn sâu các thế hệ nghệ sĩ ở sân khấu chuyên nghiệp, chúng ta sẽ có thêm các cứ liệu để minh giải cho câu hỏi vì sao gần đây, đa số sân khấu nghệ thuật truyền thống khó sáng đèn, khó thu hút được khán giả và nói chung là khó tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường? Cũng từ đây, chúng ta mới có thêm căn cứ để góp phần xây dựng các giải pháp ứng dụng, mà một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo tồn di sản là phương thức ứng xử với thụ hưởng vật chất và tinh thần của các chủ nhân hoạt động trực tiếp trong nghệ thuật truyền thống nói chung và các thế hệ nghệ nhân và nghệ sĩ gắn bó như lực lượng nòng cột với từng loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng. Đó cũng là cơ sở để nhận thức văn hóa như một loại hàng hóa đặc thù và chủ nhân giữ vai trò sinh tồn cho nó phải được thụ hưởng những công ích lao động xứng đáng trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay.

Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân trong 80 năm qua là một dòng chảy mạnh mẽ, quan trọng hàng...
Bình luận