Sinh đôi nhờ thụ tinh ống nghiệm, mẹ bàng hoàng phát hiện hai bé "cùng mẹ khác cha"
Câu chuyện tưởng như chỉ có trên phim này lại vừa xảy ra ngoài đời thật, khiến cư dân mạng xứ Trung sững sờ.
Một người mẹ tên Tần Phương, sống tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã trải qua hành trình gian nan nhiều năm để được làm mẹ. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng cô sinh được cặp song sinh một trai một gái nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, niềm hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu, bởi một sự thật “điếng người” đã được phơi bày rằng bé gái không hề có quan hệ huyết thống với người chồng.
Theo báo Sina đưa tin, Tần Phương kết hôn từ năm 2014 nhưng mãi không thể thụ thai. Sau nhiều năm kiên trì điều trị, đến năm 2019, vợ chồng cô quyết định thực hiện IVF tại Bệnh viện chuyên khoa sinh sản CITIC Xiangya (Hồ Nam). Lần chuyển phôi đầu tiên thất bại vì thai ngừng phát triển. Cô tiếp tục làm phẫu thuật tách dính tử cung và đến tháng 3/2020, quyết định thử lại lần 2.
Chị Tần Phương quyết định đi làm IVF tại khoa sản bệnh viện lớn ở thành phố.
Lần này, bác sĩ xác nhận chỉ chuyển vào tử cung một phôi. Nhưng vài tuần sau, siêu âm cho thấy có tới 2 túi thai trong bụng Tần Phương một cặp song sinh. Thắc mắc nhưng vì quá vui mừng, gia đình không truy cứu thêm. Cô sinh non ở tuần 32, hạ sinh một bé trai và một bé gái, tưởng như có được "cặp long phụng" trong mơ.
Sau khi sinh, các bác sĩ phát hiện bé gái có dấu hiệu khiếm thính. Đến tháng 2/2023, bệnh viện chẩn đoán em bị điếc bẩm sinh cả hai tai, cần đeo máy trợ thính và thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử càng sớm càng tốt, chi phí lên đến hơn 600.000 NDT ((gần 2,85 tỷ đồng)).
Vợ chồng Tần Phương đau lòng và hoang mang. Không ai trong gia đình từng có bệnh lý về thính lực. Họ quyết định làm xét nghiệm ADN, và kết quả khiến tất cả choáng váng: bé gái chỉ có quan hệ huyết thống với mẹ, không liên quan gì đến người chồng.
Hai đứa trẻ không liên quan huyết thống của người chồng.
Khi bị chất vấn, bệnh viện CITIC Xiangya không nhận sai sót trong quy trình và thậm chí cho rằng: “Có thể sau khi chuyển phôi, bệnh nhân đã quan hệ với người khác”. Phát ngôn này khiến người mẹ như sụp đổ.
“Tôi đã chờ đợi biết bao năm để có con, làm sao có thể đánh cược thai nhi chỉ vì một hành động thiếu suy nghĩ như vậy? Vừa vu khống, vừa vô trách nhiệm!”, Tần Phương bức xúc.
Cô cho rằng chính bệnh viện đã mắc lỗi trong khâu xử lý phôi, có thể đã vô tình chuyển hai phôi thai, hoặc để xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm như nhầm lẫn tinh trùng. Dù bệnh viện một mực khẳng định "quy trình không có sai sót", nhưng gia đình Tần Phương không chấp nhận.
Sau khi khiếu nại, bệnh viện đồng ý tiến hành điều tra nội bộ trong vòng 20 ngày và hứa sẽ tạm ứng chi phí phẫu thuật cho bé gái nếu không tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Đồng thời, họ cũng đã xin lỗi về phát ngôn xúc phạm và xử lý nhân sự liên quan.
Dù vậy, sự việc đã gây chấn động dư luận Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu thực sự không có lỗi, làm sao một phôi lại tách thành hai thai, nhưng hai đứa trẻ lại… khác cha? Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong phòng lab hoặc quy trình cấy ghép.
Một cư dân mạng bình luận đầy chua xót:
“Nếu không có bệnh lý khiến cô ấy phải làm IVF, liệu có ai nghi ngờ về huyết thống đứa trẻ? Còn người chồng, anh ấy sẽ chấp nhận nuôi con của người khác chứ? Người mẹ muốn cứu con nhưng không rõ có còn giữ được gia đình không…”
Gia đình Tần Phương chỉ mong muốn phẫu thuật ốc tai được tiến hành kịp thời để cứu thính lực cho bé gái. Trong khi đó, cư dân mạng và các cơ quan chức năng vẫn đang theo sát diễn biến điều tra từ bệnh viện.
Những sai sót nào có thể xảy ra trong quy trình thụ tinh ống nghiệm?
Trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mỗi bước đều đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu bệnh viện thiếu kiểm soát nghiêm ngặt hoặc nhân viên y tế chủ quan, một số sai sót nghiêm trọng có thể xảy ra, bao gồm:
- Nhầm lẫn tinh trùng hoặc trứng: Đây là lỗi nghiêm trọng nhất. Nếu mẫu tinh trùng hoặc trứng của người này bị nhầm với người khác trong quá trình xử lý, có thể dẫn đến việc phôi được tạo ra không phải của cặp vợ chồng điều trị.
- Nhầm phôi trong quá trình chuyển vào tử cung: Nếu bệnh viện không quản lý chặt chẽ mã số hoặc danh tính của phôi, nhân viên có thể vô tình chuyển nhầm phôi của người khác vào tử cung bệnh nhân.
- Cấy nhiều hơn số lượng phôi dự kiến: Như trong trường hợp của Tần Phương, bác sĩ xác nhận chỉ cấy 1 phôi, nhưng siêu âm cho thấy có 2 túi thai. Điều này có thể do cấy nhầm thêm một phôi hoặc có hiện tượng song thai do thụ thai tự nhiên đồng thời, gây khó kiểm soát huyết thống nếu không xét nghiệm di truyền kỹ.
- Lẫn mẫu trong phòng thí nghiệm: Khi trứng và tinh trùng được thụ tinh trong phòng lab, nếu không được đánh dấu rõ ràng và xử lý cẩn thận, nguy cơ lẫn mẫu là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt nếu bệnh viện thực hiện IVF cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
- Thiếu kiểm tra hoặc ghi chép sai trong hồ sơ bệnh án: Việc không cập nhật đúng thông tin, sai lệch mã số bệnh nhân, hoặc ghi nhận nhầm thời điểm cấy phôi cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong việc xác định huyết thống và theo dõi sau sinh.
Xem thêm video sau đây:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống
Bình luận